Ts Hùynh Phước Đương, Gương mặt Bác Ái của SAP-VN 2013
Hội SAP-VN đã vinh danh Tiến sĩ Huỳnh Phước Đương với Giải Bác Ái – Compassion Award 2013 tại Dạ tiệc gây quỹ thường niên “Gift of Hope 11 – Cho Em Niềm Hy Vọng 11” ngày 20 tháng 10, năm 2013 được tổ chức tại Nhà hàng Mon Amour.
Ts Huỳnh Phước Đương hiện là Giáo sư và Giám đốc Chương trình nghiên cứu về bệnh Parkinson của Khoa Thần Kinh Học tại Đại học Utah. Ông cũng là cựu thành viên của SAP-VN từ năm 1995 đến 2011.

Ts Huỳnh Phước Đương tâm sự với cử toạ sau khi nhận giải – Hình: Châu Nguyễn, SAP-VN
Cuộc đời của Ts Đương là một bằng chứng phi thường của niềm tin vào cuộc sống, của một niềm hy vọng cho những gì tốt đẹp hơn. Năm 1968, khi mới 11 tuổi, Ts Đương đã bị trúng đạn khi đang sinh sống cùng gia đình tại Quảng Nam. Ông bị bại liệt nửa người từ đó. Cha mất sớm, mẹ của ông tần tảo để nuôi bốn con dại giữa những lửa đạn thời chiến.
Sau khi bị trúng đạn, ông phải xa gia đình để đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để được giải phẫu – xa mẹ, xa nhà, xa nồi cháo trắng và cá kho mẹ thường nấu cho mấy anh chị em cùng ăn, xa tổ ấm duy nhất giữa thời loạn lạc. Tất cả xảy ra trong một đêm đang ngủ, nghe tiếng đạn rơi, cậu bé Đương ngất đi vì đau, và khi tỉnh dậy thì đã nằm trong bệnh viện.
Tuổi thơ hồn nhiên đi chăn trâu, bắt bướm bị thay thế bằng chuỗi ngày dài của những ca phẫu thuật khó khăn tại các bệnh viện từ Đà Nẵng đến Sài Gòn. Khi nhận ra mình đã tàn phế, cậu bé Đương chọn không trở về gia đình để tránh làm gánh nặng cho mẹ. Trong một bài viết của University of Utah Health Care, Ts Đương nhớ lại, “Khi tôi mới bị thương, các bác sĩ giải thích cho tôi biết lý do tôi không thể sử dụng đôi chân của mình hay có cảm giác trong nửa phần dưới của cơ thể là vì viên đạn đã cắt ngang cột sống của tôi. Ngay từ lúc đó, tôi cứ thắc mắc làm sao một viên đạn lại có thể gây tác hại đến như vậy. Khi tôi có cơ hội trở lại trường năm 1977, tôi biết tôi muốn theo đuổi khoa học và tìm hiểu về cơ thể con người và cách hoạt động của hệ thần kinh.” (Tác giả chuyển ngữ. Nguyên văn: “When it happened, doctors explained to me that the reason I could not use my legs or have feeling in half of my body was because the gunshot severed my spinal cord… Ever since, I’ve wondered how a single bullet could do so much harm. When I had the chance to start school again in 1977, I knew I wanted to go into science and learn how the body and neurons work.”)
Qua các tổ chức y tế, cậu bé Đương được một người Mỹ nhận làm con nuôi, cùng với những trẻ em khác cũng bị tàn phế vì tên bay đạn lạc. Vì những xáo trộn của một tuổi thơ bần cùng và mồ côi cha, Đương chỉ mới học tới lớp 1 khi đã 11 tuổi. Thế nhưng khi đến Mỹ năm 1975, dù đã 19 tuổi, chàng thanh niên Đương bắt đầu học lại từ đầu, và chỉ trong hai năm rưỡi, đã hoàn tất chương trình Trung học hàm thụ, rồi theo học tại Cal State Long Beach, tiếp tục hoàn tất cao học, và sau đó là học vị Tiến sĩ tại Đại học UC Riverside trong chuyên ngành Hoá Sinh và Sinh học Thần kinh.
Ts Đương được chọn làm Giáo sư và Chuyên viên nghiên cứu tại Đại học UC Los Angeles, nơi mà ông chú tâm tìm hiểu về căn bản phân tử của bệnh Parkinson, bao gồm những cấu trúc đạm và di truyền dẫn đến bệnh này, cũng như những yếu tố môi trường khiến cho cơn bệnh phát triển. Sau đó, ông được Đại học Utah mời dạy và làm Giám đốc Chương trình nghiên cứu về bệnh Parkinson của Khoa Thần Kinh Học của trường.
Cả đời mình, Ts Đương liên tục đi tìm phương cách tái tạo tế bào thần kinh để giúp những người trong hoàn cảnh của ông không phải gánh chịu những khó khăn mà ông đã trải qua. Không ai trong Hội SAP-VN là không biết đến “Anh Đương.” Mỗi năm, Ts Huỳnh Phước Đương đều từ Utah về Quận Cam để dự Dạ tiệc gây quỹ của Hội. Ông luôn nở nụ cười tươi, ân cần thăm hỏi các hội viên, và dùng hết con tim khối óc để đóng góp vào sứ mạng Thập Tự Xanh.
Ts Đương tham gia SAP-VN từ năm 1993. Ông luôn mang đến cho mọi người một nguồn cảm hứng mạnh mẽ vì công việc chung. Ngay sau chuyến đi Việt Nam đầu tiên, Ts Đương đã thành lập chương trình xe lăn xe lắc để giúp những em bé bị bại não và những người khuyết tật quá nặng phải nằm một chỗ, suốt ngày bị giam hãm trong nhà. Với những chiếc xe lăn xe lắc, họ đã có một đời sống tự lập và một không gian mở rộng. Ts Đương hiểu rõ nhất giá trị của chiếc xe lăn – người bạn đồng hành của ông trong suốt cuộc đời. Một cô y tá người Đức đã tặng cho ông chiếc xe lăn đầu tiên. Với chiếc xe lăn ấy, ông đã tìm thấy hy vọng, đã chạm vào cơ hội, đã nếm thấy hạnh phúc. Chính chiếc xe lăn ấy vẫn còn lăn bánh vào cuộc đời của bao người khác mà Hội SAP-VN đã và sẽ giúp.
Chúng ta cám ơn Quê hương thứ hai – Hoa Kỳ – của chúng ta, đã cho rất nhiều người Việt như Ts Đương được tái sinh, và cho họ có điều kiện cần thiết để dùng quyết tâm và hoài bão của mình để thay đổi không chỉ cuộc đời của chính họ, mà mang đến lợi lạc cho những người trong hoàn cảnh bế tắc ở Quê hương thứ nhất. Khi chúng ta xây dựng một Việt Nam ở hải ngoại, chúng ta giúp vực dậy những Việt Nam.