Bật TV coi đài đua xe (NBC Sports và ESPN), bạn sẽ không khỏi thắc mắc vì sao mấy chiếc xe cứ chạy lòng vòng biết khi nào mới xong, mà khi xong thì thắng được gì?
Có người khác đương nhiên sẽ buột miệng: “Thì đua để giành hạng nhất chứ gì?!”
Hẳn nhiên, bất cứ môn thể thao nào cũng có phần tranh giành thắng bại; nhưng môn đua xe Formula One có nhiều điều luật thi đấu rất phức tạp.

– Mùa đua
Mỗi mùa đua Formula One gồm có một loạt cuộc đua, gọi là Grand Prix, được tổ chức ở nhiều trường đua khắp thế giới. Kết quả của những cuộc đua được cộng lại để xác định hai giải vô địch hàng năm: Giải Vô địch Thế giới Tay đua Formula One và Giải Vô địch Hãng Xe Formula One. Phần đầu để ca tụng thành tích cá nhân, và phần sau để tuyên dương thành tích của đội – và, nói đúng hơn, kỳ công của chiếc xe.
Một hệ thống tính điểm quyết định kẻ thắng cho nguyên mùa đua. Các tay đua lấy điểm tùy theo sắp hạng của họ ở cuối cuộc đua. Người có số điểm cao nhất ở cuối mùa được chức vô địch. Trong một cuộc đua, chỉ có mười tay đua đầu tiên đến điểm FINISH sẽ được tặng điểm: hạng nhất 25 điểm, nhì 18 điểm, ba 15 điểm, tư 12 điểm, năm 10 điểm, sáu 8 điểm, bảy 6 điểm, tám 4 điểm, chín 2 điểm, và hạng mười sẽ được vỏn vẹn 1 điểm; những hạng từ mười một và thấp hơn sẽ không được điểm nào.

Hàng ngũ bắt đầu của đoàn đua xe F1
Những đội đua cũng được điểm dựa vào cùng hệ thống đó, chỉ khác là tổng số điểm của cả hai tay đua trong đội. Như vậy, nếu hai tay đua của một đội “X” nào đó chấm dứt cuộc đua ở hạng nhất và hạng ba, đội “X” sẽ nhận được 40 điểm.
Số lượng cuộc đua trong mỗi mùa có thể chênh lệch lên xuống vì những trường đua được thêm vào hoặc cho ra khỏi lịch trình đều đều. Theo thường lệ, mỗi mùa đua có khoảng từ 17 tới 20 cuộc đua, với đa số những cuộc đua tập trung ở Âu Châu.
Thắng lợi trong môn Formula One đem lại danh thế – và phần thưởng tài chánh. Tiền lương của tay đua được thiết lập bởi hợp đồng với đội đua. Ngoài tiền lương căn bản, người đua có thể hưởng tiền thưởng “bonus” – có thể lên đến $150,000 – nếu thắng một cuộc đua. Người đua cũng có thể lãnh bonus khác nếu đoạt giải vô địch Tay Đua. Ngoài ra còn phần bảo trợ và quảng cáo nữa. Fernando Alonso, với số lương €20 triệu Euros ($27 triệu Mỹ Kim), là tay đua “có giá” nhất trong làng Formula One trong mùa 2013.
Tuy nhiên, không phải chỉ có những tay đua mới được hưởng lợi. Những đội đua Formula One cũng có thể hưởng phần vinh quang. Số tiền mỗi đội nhận được từ tiền bản quyền TV (truyền hình) lệ thuộc vào sắp hạng của đội đó trong mùa.
Kẻ thắng của mỗi cuộc đua (Grand Prix) được thưởng một cái cúp. Rồi, còn cái cúp Vô địch, được trao cho tay đua và đội đua với số điểm cao nhất ở cuối mùa đua.
– Tiếp liệu của một Grand Prix
Ít môn thể thao nào có những vấn đề tiếp liệu như những môn đua xe, đặc biệt là Formula One, với những trường đua rải rác ở góc xa xôi của quả đất, việc tiếp liệu là một thử thách to tướng.
Thử thách đầu tiên là chuyện chuyên chở hàng trăm nhân viên của mỗi đội từ tổng hành dinh tới địa điểm grand prix. Đội đua cũng phải thuê mướn xe hơi, xe bus, và xe van – hoặc, nếu cuộc đua được tổ chức ở thành phố đông dân cư, trực thăng cho thuê. Tại trường đua, đội đua điều hành từ một căn cứ di động lớn. Nhân viên nấu ăn phải chuẩn bị thực phẩm cho cả đội, không thiếu món nào, kể cả rượu champagne và món caviar của vua chúa thời xưa.
Hầu hết các đội chở theo ba chiếc xe, một khung sườn phụ tùng, và vài đầu máy đến mỗi Grand Prix. Vỏ xe, xăng nhớt, và những bộ phận khác không phải chế tạo bởi đội đua thì được đem đến bởi những hãng thầu địa phương. Tất cả đội đua có trụ sở chính ở Âu Châu, và cho những cuộc đua ở Châu Âu, họ chất đồ lên mấy chiếc xe vận tải và lái tới địa điểm. Đối với những cuộc đua ở Châu Á, Úc, Mỹ và La-tinh, các đội phải nhờ tới hãng chuyên chở hàng không DHL với những phi cơ Jumbo khổng lồ của họ.

Các tay đua chụp chung một tấm hình trước ngày đua tại Melbourne, Úc
– Cuối tuần đua (race weekend)
Những cuộc đua Formula One diễn ra vào Chủ Nhật, và mọi thứ phải được dàn dựng và sẵn sàng chạy trước sáng Thứ Sáu, khi giờ tập dợt bắt đầu. Các tay đua có thể tùy ý tập dượt ít hoặc nhiều trong những giờ tập luyện, nhưng mục đích của họ là để điều chỉnh chiếc xe cho thích nghi với từng trường đua, trong những tình trạng thời tiết rõ ràng, để đạt được tốc độ tối đa. Người lái, làm việc chặt chẽ với chuyên viên kỹ thuật và sẽ chọn loại ống nhún và ảnh hưởng khí động lực, chọn loại vỏ xe. Và họ sẽ tiếp tục làm việc và “vặn vẹo” chiến lược của họ trong cuộc đua.
Sáng Thứ Bảy, họ được thêm một dịp cuối cùng để tập dợt. Buổi trưa là lúc thi tuyển lựa để sắp hạng cho cuộc đua ngày Chủ Nhật. Chiếc xế đua chỉ cần nạp đủ lượng xăng để chạy một vòng thôi. “Xế chiến” nào có thời gian một vòng (lap time) ngắn nhất sẽ được đứng ở vị trí số 1 (pole position); xe có thời gian ngắn nhì sẽ đứng bên ngoài kế xe #1, và lần lượt đến xe hạng chót. Tất cả hàng ngũ được sắp theo đội hình hai hàng. Xe ở vị trí pole position có lợi điểm đặc biệt vì trong cuộc đua các xe rất khó qua mặt lẫn nhau, và do đó, có cơ hội tốt nhất để thắng.

Xe F1 được đưa lên máy bay để chuyển đến địa điểm đua