Menu Close

Gió thì nơi này mà bão ở nơi kia

Tôi về Mỹ, đang ngồi viết những dòng này ở nhà cô em gái, một thành phố nhỏ, Allen thuộc bang Texas, một nơi cách Sài Gòn chừng 20 giờ bay. Nhìn ra cửa kính, gió hiu hiu lay động khóm hoa hồng trồng trước hiên nhà. Cả nhà đi làm, đi học, vắng ngắt. Không dưng tôi chợt nghĩ, giờ này Sài Gòn đang như thế nào ta? Ở đây đang trưa, Sài Gòn giờ này là nửa khuya. Allen đang gió hiu hiu, nắng nhạt, còn Sài Gòn đang chờ bão!

Theo tin của các báo online thì dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 – 30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đông đã mạnh lên thành bão số 13. Nối tiếp áp thấp nhiệt đới này là cơn bão Haiyan (tên do Trung Quốc đặt, tên tiếng Việt của bão là Hải Âu); các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ở Tuy Hòa và Nha Trang đã có gió giật mạnh cấp 6.

Từ đầu năm 2013 đến nay đã có 17 cơn (cả bão và áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên biển Đông, vượt qua kỷ lục ghi nhận năm 1964 với 16 cơn.

alt

Cảnh Vũng Tàu trước bão.

Tôi sống ở Sài Gòn đã lâu, từ đầu thập niên 70 cho tới năm 1990 thì sang Mỹ, mà chưa thấy cơn bão lớn nào đến Sài Gòn. So với những nơi khác ở VN thì Sài Gòn ít bị thiên tai nhất. Hiện nay, nỗi khổ lớn nhất của Sài Gòn là tình trạng nước ngập, nhưng nó là do con người, hơn là do thiên nhiên.

Sau 75, nhà nước sát nhập những vùng xa, sát biển, như Cần Giờ, Nhà Bè vào thành phố, được kể như những huyện trực thuộc, nên những tổn thất do bão ở hai  nơi đó mới được kể là tổn thất của thành phố. Thiệt hại nặng nhất là cơn bão số 5 – Linda năm 1997, cơn bão số 9 – Durian năm 2006 và mới đây là cơn bão số 1- Pakhar đầu năm 2012. Còn ở trung tâm thì những cơn bão lớn này không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng. Trong tâm trí của hầu hết người dân Sài Gòn bão có nghĩa là mưa lớn, cây gãy, cống ngập, ngã cột điện, coi chừng điện giật, cúp điện, nghỉ học, nghỉ làm, không ra đường… vậy thôi. Người ta nói văn hoa là bão Sài Gòn là “những cơn bão trong tách trà”, nếu so Sài Gòn với miền Trung hay miền Bắc, và nhất là so với những cơn bão kinh hoàng ở Mỹ.

Người Sài Gòn không tất tả chạy tìm chỗ trú tránh bão, không nháo nhào ra vơ vét nhu yếu phẩm trong các siêu thị để dự trữ, không lo chăn màn, áo lạnh cho những ngày rét cóng, mưa dầm gió giật. Cho tới nay, Sài Gòn chưa có thiên tai. Sài Gòn không có mùa đông; đôi khi chỉ lành lạnh tí chút cho các cô, các bà diện áo len là hết cỡ. Tóm lại, Sài Gòn khỏe re cho tới khi vỡ đập thủy điện Trị An thì nước ngập lên mái nhà, rồi hẵng tính!

Theo thông tin của các báo online thì từ 5g đến 8g45 ngày 6/11 gần 4.000 người dân cư ngụ tại các khu vực nguy hiểm thuộc huyện Cần Giờ đã được di tản đến các nơi an toàn, và 1.353 tàu thuyền đánh cá và 40 phương tiện đánh bắt xa bờ đã vào bến. Vậy là Sài Gòn rất yên tâm để hứng cơn bão 13 xúi quẩy.

Đi VN, tôi ở huyện Bình Chánh, một căn apartment trên tầng thứ 14, nhìn quanh là đồng trống. Có khi bất cẩn trong những đêm gió lớn, vài cánh cửa đóng sập lại làm vỡ kính. Giờ cũng hơi lo, không biết đã đóng kín các cửa trước khi ra phi trường chưa. Thôi kệ, tính sau!

Cư dân trên “phây” có cách chờ bão của riêng họ. Nhiều người pót hình và bình luận, nhưng tôi thấy phần lớn ít ai lo lắng nhiều, nhất là những facebooker ở Sài Gòn. Thay vì lo lắng thì họ giễu cợt. Như thường khi, đối tượng mà họ mang vào các lời còm là những cơ quan và nhân vật có liên quan trong hệ thống nhà nước. Từ cơ quan dự báo thời tiết đến những quyết định cho học sinh nghỉ học đến nạn kẹt xe…

Một cô xí xọn rằng: “15g30, Sài Gòn vẫn nắng rất dịu dàng. Trưa nay nhà đài VTV còn chỉ cách… đặt bao cát, chèn cửa, mái nhà…  Hic, nếu đến 22g mà bão vẫn chưa vô thì thiệt là… buồn vui lẫn lộn!”

Facebooker Nguyễn Danh Lam viết: “Mình sống Sài Gòn hăm mấy năm, chưa bao giờ gặp một cơn bão, để… hơi hơi gọi là bão. Chiều nay cô nàng Sài Gòn đỏng đảnh bỗng sôi ùng ục vì nghe tin bão sắp vào. Công sở nhớn nhác. Trường học mới 15 giờ đã réo phụ huynh đón gấp con về nhà… núp bão. Các giao lộ xe cộ kẹt cứng, rối binh thiên. Trong khi đó, bầu trời… vẫn thong thả nắng! Mình vẫn chẳng tin lắm đêm nay có bão thiệt, dù thuộc bài học “cảnh giác vẫn cứ hơn”. Hây dà, có lẽ phải cho dân Sài Gòn đi… tập huấn bão lụt ở miền Trung, miền Bắc… mới thấy hết cái khổ. Mình đã nếm rồi. Sài Gòn ơi còn sướng lắm. Cứ chặt hết cái rừng Cần Giờ đi rồi sẽ biết ngay thôi!”

alt

Sài Gòn kẹt xe chiều chờ bão

Facebooker Nguyễn Đình Bổn: “Báo động ầm ầm, học sinh nghỉ học cả ngày mai. Từ 15g đường phố náo loạn. Giờ hơn 7g tối, chả có chút gió hay mưa nhẹ. Vậy là sao? Ai chịu trách nhiệm? Con gái học lớp 8 về sớm, thông báo nhà trường cho nghỉ học cả ngày mai! Nó kể thầy cô phát loa tại trường rằng “Thầy cô sẽ bảo vệ các em, em cuối cùng ra về thầy cô mới về, các em chú ý đường về coi chừng… bị nước cuốn xuống cống???”. Haha, con mình nói bọn chúng cười vang sân trường!”

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: “sg yên tĩnh, báo bão nhưng không một ngọn gió. trung tâm sg vẫn phồn vinh [ giả tạo ] như xưa nay.nhưng về phòng trọ. kiến từng đàn di chuyển lên trần nhà.kiến báo bão gấp tỉ lần trung tâm báo bão VN. đêm nay và rạng sáng không mưa lớn cứ đem kwan ra mà chém!” (Kwan là nick của ông trên “phây”, tôi giữ nguyên cách viết sai ‘chính tả truyền thống’ của ông)

Một chị khác: “Mình đang đi công chuyện thì cô giáo bảo đón Chích Chòe về, hai cháu nhỏ (gọi mình bằng cô) cũng được đưa về nhà mình lúc 3 giờ chiều. Cả thành phố náo nức chờ bão tới. Loa phường oang oang: “Đồ đạc quí giá yêu cầu bà con để lên cao, tránh ngập nước”. Chà, nhà mình có gì quí ngoài ba đứa con, thôi đưa chúng nó lên la-phông vậy.”

Và một cô gái viết, dường như cho bạn trai, rằng: “Tạp ghi ngày không bão!

Sài Gòn đón bão. Chắc hẳn anh tưởng tượng những thùng mì chất đống, những cái áo mưa di tản, từng đoàn người tụm lại một nơi?

Không, Sài Gòn của em đón bão trong một tâm thế vô cùng háo hức, trên facebook, người người đăng, nhà nhà đăng. Họ đón bão như thể đón người tình chưa bao giờ gặp mặt, dang rộng vòng tay với nụ cười rạng rỡ …

Bạn em alo bảo: “Mày đi chơi được chưa, ra cafe đón bão”. Đang nằm ôm bụng mà em cũng muốn bật dậy, chải đầu, mặc váy rồi anh ạ. Tò mò vì chẳng biết bão có đẹp trai như anh không.

Năm ngoái Sài Gòn cũng có một ngày bão số một đổ vào. Hôm ấy, em một mình đi xe về nhà, ngã do gió quá mạnh, em bật khóc vì cô đơn, vì tủi thân, vì cái tính đàn bà nhão nhoẹt trong con người mình. Tay chân trầy, xe chỏng chơ mà lại không đau, lại đau ở một nơi không mưa gió nào chạm tới được, dị thật! Vậy mà khoái, về nhà cất xe, thay đồ, leo lên sân thượng ngồi co ro nhìn gió giật, cây ngã, quần ai bay phất phới, cười thích thú, khùng quá đúng không anh.

Từ chiều, xóm ăn vặt gần nhà em đã dẹp, học sinh được đón về sớm, quán cafe của bạn em cũng đông nghẹt dân công sở về sớm và người đón bão. Thế mà, hôm nay bão không đến và Sài Gòn im ru. Buồn muốn khóc!”

Bây giờ, Allen đã 3PM. Tuổi Trẻ online đăng tin:

“Theo bản tin hồi 17 g 30 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, không có bão số 13 như dự báo trước đó. Có khả năng, cơn bão Haiyan sắp đi vào biển Đông mới là bão số 13.”

Vậy là hết bão. Hết bão thì làm gì đây?

Nếu ở Sài Gòn thì chắc là tôi sẽ nhắn tin cho, hoặc nhận tin từ, một tay bạn nào đó. Tin nhắn sẽ có cùng nội dung: “Thôi, ra bờ kè nhậu tiếp cho tới cơn bão kế đi cha nội!” Còn lúc này chẳng có ma nào quanh đây, thì đành xin phép ông thi sĩ Huy Cận, gõ hai câu này rồi pót lên “phây” cho đỡ quạnh vậy:

“Nắng chia nửa bãi chiều rồi

Em ơi, sao bão chưa rơi xuống đầu?”**

ND
* “phây” là cách gọi tắt facebook theo phiên âm.
** Thật ra hai câu này là của tôi nhái anh Phạm Hoài Nhân, còn anh Nhân thì nhái thơ ông Huy Cận.