Cả tuần qua, báo chí Việt Nam bỗng rộn lên chuyện một (số?) nhà ngoại cảm lừa gạt chuyện hài cốt liệt sĩ. Thủ đoạn của ông ngoại… gia này là thuê người đem xương động vật và một số quân dụng chôn ở những vùng chiến địa ngày trước ở trong Nam. Sau đó ông dẫn người nhà (ở tận ngoài Bắc) đến đào lên rồi bảo là hài cốt của thân nhân họ. Trước đây, rất nhiều gia đình ngoài Bắc có con em đi bộ đội rồi chết mất xác ở trong Nam. Nhiều nhà phải lập mồ không để tưởng niệm! Cho dù ở chiến tuyến nào, không ai không thể thương xót cho số phận những người lính sinh Bắc tử Nam này khi nghe tin gia đình của họ bị lừa gạt như thế. Rất tiếc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không còn để có thể viết thành ca khúc như ông đã viết trước năm 1975: một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan…

Thanh niên miền Bắc ghi tên đi “giải phóng” miền Nam – nguồn vnexpress.net
Lời ca nói lên thảm cảnh của nhiều người dân miền Nam thời ấy, có khi phải chết tới hai, ba lần như trong trường hợp chiếc xe tang trúng mìn nổ chậm gài trên đường đi. Trường hợp như thế không phải là hiếm. Còn những chiếc xe đò chở (đầy) khách trúng mìn trên đường lại càng ít… hiếm hơn. Những tưởng không còn cái chết nào đáng thương tâm hơn thế, khi thân xác bị chết hai, ba lần! Thế mà giờ đây chúng ta mới thấy có những cái chết vô cùng oan nghiệt hơn. Những người lính ấy đã bị lừa gạt đến hai lần trên cái chết của mình. Lần đầu, họ bị lừa để chết cho Tổ quốc trong khi Tổ quốc đâu cần họ… chết như thế! Họ bị lừa vào Nam để “giải phóng” đồng bào của họ. Họ đã không được may mắn như… nhà văn Dương Thu Hương, một người cũng bị lừa như họ. Khi vào đến Sài Gòn, bà đã khóc vì biết mình là một trong những nạn nhân của một vụ lừa đảo lớn. Như bà đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn: “Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài nào, Pháp, Anh, Mỹ . . . nếu người ta muốn. Đó mới là chế độ của nền văn minh.”
Lần thứ hai họ bị lừa, thực sự không phải do gã Nguyễn Văn Thúy, cựu công an biến thành “nhà ngoại cảm”, mà do “hậu duệ” của những kẻ lường gạt năm xưa. Làm sao một chế độ duy vật tận xương tủy lại để một kẻ từng ở tù cả chục năm vì tội lường gạt nay đóng vai “nhà ngoại cảm” đi tìm hài cốt liệt sĩ? Lại làm như thế suốt sáu năm trời? Nếu chế độ có chút gì duy tâm thì đã dọn sạch bộ “hài cốt” nằm ở Ba Đình từ lâu rồi! Vừa duy tâm, vừa duy vật như thế ai mà… tin? Thành ra việc truy tố kẻ này kẻ kia là đồng phạm chỉ để che mắt thiên hạ. Như ngày trước nói miền Nam bị thế này thế kia cần được… “giải phóng”.
Chính danh thủ phạm cần truy tố, có lẽ, là nhà “ngoại cảm” đã từng phán “chế độ tư bản tự đào hố chôn mình”. Hoặc kẻ đồng phạm từng bảo “muốn xây dựng CNXH cần có những con người XHCN”. Như chế độ bây giờ cần có những kẻ như Nguyễn Văn Thúy vậy! Để tồn tại…

Khẩu hiệu tại thành phố Quảng Bình trong thời chiến tranh – nguồn culangcat.blogspot.com