Menu Close

Tình báo trong thời đại Internet

Trong tuần qua, thêm nhiều thông tin được tung ra liên quan đến các vụ theo dõi, dọ thám của cơ quan tình báo Hoa Kỳ NSA. Ước chừng 35 nguyên thủ quốc gia, trong đó có Đức Quốc (Germany), Brazil, Nam Hàn (South Korea)… từng bị tình báo Hoa Kỳ nghe lén điện thoại. Riêng điện thoại cá nhân của nữ Thủ Tướng Đức Quốc Angela Merkel có thể đã bị theo dõi từ 12 năm qua. Cũng có thông tin NSA đặt máy nghe lén cả Vatican, nhất là trong phiên mật nghị bầu tân Giáo Hoàng Francis vào Tháng Ba vừa qua.

 

 

alt

 

Theo nguồn tin chánh thức, đến đầu mùa hè vừa qua, Tòa Bạch Ốc mới hạ lịnh cho NSA ngừng nghe lén. Và đầu tuần này, đích thân Tổng Thống Barack Obama yêu cầu NSA chấm dứt dọ thám các tổng hành dinh của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế giới (World Bank)… Các tin tức dồn dập, chồng chéo về hoạt động tình báo của NSA chỉ thật sự ồn ào từ tháng 6-2013 lúc một cựu chuyên viên kỹ thuật quyết định đào thoát rồi công bố  nhiều thông tin tuyệt mật. Trang Ghi Nhận Trong Tuần mời quý độc giả cùng xem lại một số sự kiện chánh yếu trong mấy tháng vừa qua.

Sở Quân Báo NSA thành lập từ 1952, nhằm thay thế phòng an ninh lục quân, là nơi từng giúp giải mã mật hiệu của Đức và Nhật trong trận Thế Chiến Hai. Tổng hành dinh của NSA đặt trong căn cứ Fort Meade, tiểu bang Maryland. Nguyên ngữ tiếng Anh “National Sercurity Agency” cũng có thể hiểu sát nghĩa là “Cơ Quan An Ninh Quốc Gia”. Dù phạm vi của nó rất rộng lớn, chúng tôi dùng cách gọi “Sở Quân Báo” nhằm nhấn mạnh đặc điểm NSA trực thuộc Bộ Quốc Phòng, thuộc tình báo quân đội. Nhân viên NSA cũng đa phần là quân nhân, để không lẫn lộn với các ngành tình báo dân sự khác như Trung Ương Tình Báo CIA hoặc Cục Điều Tra Liên Bang FBI, v.v…

Trong ảnh dưới là toàn cảnh trung tâm lưu trữ thông tin của NSA tại Bluffdale, tiểu bang Utah. Tình báo Hoa Kỳ bí mật thu thập hồ sơ điện đàm của hằng triệu khách hàng, viện dẫn nhu cầu chống khủng bố. Nhưng có nhiều chỉ trích nói chánh phủ đã vượt quá quyền hạn. Đã từng có những cựu nhân viên NSA tố giác sở tình báo này mỗi ngày thu thập khoảng 3 tỉ cú điện đàm từ những hãng điện thoại lớn nhất của Hoa Kỳ. Trên trường quốc tế, NSA cũng từng xâm nhập hệ thống điện thư của Tổng Thống Mexico, biết hết ngọn nguồn mọi chuyện quốc gia đại sự của nước này. Từ năm 2006, chuyên viên tình báo NSA đã bí mật lắp đặt các thiết bị giám sát tại một trung tâm dữ liệu của hãng AT&T ở San  Francisco. Nhưng chỉ từ giữa năm nay, các hoạt động dọ thám của NSA mới bị đưa ra ánh sáng thật khốc liệt.

 

 

alt

 

Ảnh AP/Rick Bowmer.

 

Trong ảnh dưới là tổng hành dinh của NSA tại tiểu bang Maryland. Ngày 5 và 6-6-2013, liên tiếp hai tờ báo Guardian của Anh Quốc và Washington Post tại Hoa Kỳ đăng tải về một chương trình dọ thám khổng lồ của Sở Quân Báo NSA. Các bài báo tiết lộ NSA đủ sức “chui” vào hệ thống máy lưu trữ (server) của nhiều hãng Internet lớn, rồi thu thập phim ảnh, hình ảnh, điện thư (email), và nhiều loại thông tin khác. Dữ liệu của các hãng điện thoại cũng bị giám sát bằng một chương trình tuyệt mật tên là “Prism”, bắt đầu vận hành từ 2007.

 

 

alt

 

Ảnh DPA/ NSA

 

– Ngày 7-6-2013, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama lần đầu tiên lên tiếng công khai sau khi có làn sóng khắp thế giới mạnh mẽ phản đối các chiến dịch tình báo dọ thám này. Ông Tổng Thống cam kết với dân chúng Hoa Kỳ rằng “Không có ai lắng nghe các cú điện thoại của quý vị cả.” Ông cũng nói chỉ có các số điện thoại và thời lượng nói chuyện được lưu trữ lại, và rằng chương trình “Prism” là một công cụ hữu hiệu để chống lại các âm mưu khủng bố.

 

 

alt

 

– Ngày 9-6-2013, lần đầu tiên, tờ The Guardian tiết lộ danh tánh người cung cấp các thông tin tuyệt mật: một chuyên viên kỹ thuật 29 tuổi tên Edward Snowden, từng làm việc hợp đồng với NSA. Ba tuần trước thời điểm này, Snowden đã bay từ Hawaii sang Hong Kong (ảnh dưới), mang theo trong người nhiều tài liệu mật.

 

 

alt

 

Ảnh REUTERS

 

– Ngày 19-6-2013, giữa chừng chuyến công du Berlin, Tổng Thống Barack Obama một lần nữa phải chống chế cho các hoạt động giám sát mạng lưới Internet của tình báo Hoa Kỳ, viện cớ để bảo vệ dân chúng. Nhưng nữ Thủ Tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Hoa Kỳ giám sát vừa phải, có chừng mực trong khi dọ thám mạng lưới máy tính toàn cầu.

 

 

alt

 

Ảnh REUTERS

 

– Ngày 21-6-2013, chánh phủ Hoa Kỳ chánh thức khởi tố Edward Snowden tội làm gián điệp và ăn trộm. Cùng ngày, tờ The Guardian đưa tin một cơ quan tình báo Anh Quốc mang tên “Government Communications Headquarters” (hay GCHQ) cũng theo dõi lưu lượng thông tin trên Internet sâu rộng, nghiêm trọng hơn rất nhiều mọi dự liệu xưa nay. Tình báo GCHQ chạy một chương trình bí mật tên “Tempora” (ảnh dưới) có thể “chui” vô các đường dây cable chạy trên lãnh thổ Anh Quốc, để rút lấy dữ liệu vào bất cứ khi nào.

 

 

alt

 

Ảnh Getty Images

 

– Ngày 29-6-2013, có thêm tiết lộ rằng NSA cũng dọ thám cả Liên Âu (European Union). Các con bọ điện tử để nghe lén và quay phim được bí mật cài đặt khắp các sứ bộ ngoại giao đại diện Liên Âu ở Washington DC cũng như tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Các hệ thống máy tính computer của Liên Âu đều đã bị tình báo Hoa Kỳ xâm nhập.

 

 

alt

 

Ảnh DPA

 

– Ngày 30-6-2013, lần đầu tiên tờ tạp chí Der Spiegel tiết lộ Đức Quốc là một trong các mục tiêu dọ thám chánh của NSA. Mỗi tháng, tình báo Hoa Kỳ theo dõi khoảng nửa tỉ cuộc điện thoại, điện thư, và tin nhắn (text messages) của cư dân Đức. Thủ Tướng Angela Merkel phản ứng sắc bén, nói việc nghe lén bạn đồng minh là điều không thể chấp nhận được, bởi vì thời Chiến Tranh Lạnh đã qua lâu rồi.

 

 

alt

 

– Ngày 4-7-2013, đích thân nữ Thủ Tướng Đức Merkel và Tổng Thống Obama thảo luận trên điện thoại về vụ bê bối của NSA. Cùng lúc, Bộ Trưởng Nội Vụ Đức Hans-Peter Friedrich tức tốc sửa soạn lên đường bay sang Washington để mở cuộc thương thảo với đại diện an ninh và tình báo Hoa Kỳ.

 

 

alt

 

Ảnh DPA

 

– Ngày 21-10-2013, chánh phủ Pháp triệu tập Đại Sứ Hoa Kỳ về cáo giác đăng trên tờ Le Monde rằng tình báo Hoa Kỳ chận bắt các cú điện thoại của công dân Pháp trên diện rộng. Sang ngày hôm sau, Tổng Thống Obama phải tự mình điện thoại Tổng Thống Pháp Francois Hollande nhắm đến xoa dịu bớt căng thẳng.

– Và ngày 30-10-2013 mới đây nhất, các tiết lộ tình báo  đăng trên tờ The Washington Post cho thấy tình báo Hoa Kỳ NSA và Anh Quốc GCHQ cùng bắt tay xâm nhập hệ thống dữ liệu của Google và  Yahoo đặt tại các trung tâm dữ liệu khắp thế giới. Tình báo 2 nước tha hồ thu thập thông tin cá nhân của hằng triệu thành viên các trang mạng khổng lồ này.

Hiện nay Sở Quân Báo NSA lâm vào thế đứng mũi chịu sào, phải hứng chịu vô số chỉ trích vì đã nghe lén, dò xét dân chúng Hoa Kỳ lẫn dân chúng các nước Âu Châu đồng minh. Trên thực tế thì tình báo nước nào cũng làm… y chang nhau. Có viên chức cao cấp một xứ Mỹ Châu La Tinh đã thừa nhận chánh phủ nước họ cũng muốn làm như vậy, nhưng lực bất tòng tâm vì không đủ ngân sách và phương tiện kỹ thuật.

 

 

alt

 

Đằng sau những nhiếc móc qua lại trên phương diện ngoại giao, Đức Quốc cộng tác với Hoa Kỳ chặt chẽ hơn nhiều người nghĩ. Cơ quan tình báo Đức Quốc (Bundesnachrichtendienst hay BND) dọ thám ngoại quốc y chang cách của NSA, và cũng chia sẻ một lượng không nhỏ thông tin họ thu thập được với tình báo Hoa Kỳ. Đa phần tin tình báo Đức chuyển tiếp từ cơ sở này ở Bad Aibling. Sở tình báo BND đang xây tổng hành dinh mới tại Berlin (như thấy trong ảnh trên). Hoa Kỳ thậm chí từng khen ngợi tình báo BND có nhiều nhu liệu do thám tân tiến, hiệu quả hơn chương trình “XKeyscore” của NSA.

Vấn đề chỉ là NSA vận hành các chương trình tình báo lớn hơn hẳn, lại có lợi thế là các mục tiêu – những nhà cung cấp dịch vụ Internet – đa phần đều đặt ngay trên lãnh thổ của mình. Về bản chất, hoạt động của NSA không mấy khác tình báo Anh GCHQ, tình báo Đức, hay mọi nước khác. Tổng Thống Hoa Kỳ Obama, khi lên tiếng xin lỗi và hứa hẹn điều chỉnh cách thu thập tình báo, cũng đã không quên nói rõ ràng “các bạn cũng làm y như chúng tôi mà thôi”.

TD