Thầy giáo Hà Mai Anh (1905 -1975) bút hiệu Mai Sơn, Như Tuyết là tác giả của nhiều quyển sách giáo khoa về văn chương và toán học. Ông là dịch giả của một số tác phẩm nổi tiếng như “Vô Gia Đình – Sans Familles,” “Trong Gia Đình – En Famille,” “ Về Với Gia Đình – Roman Kabris” của Hector Malot; “Guy-Li-Ve Du Ký – Gulliver’s Travels” của Jonathan Swift; “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới- Le Tour Du Monde en vingts quatre jours” của Jules Verne. Tuy nhiên đối với người Việt Nam, danh tiếng của thầy giáo Hà Mai Anh gắn liền với “Tâm Hồn Cao Thượng,” tác phẩm được chuyển dịch từ văn bản Tiếng Pháp “Les Grands Coeurs”của A. Piazzi, đã đoạt Giải Thưởng Văn Chương của Hội Alexandre de Rhodes Hà Nội năm 1948. “Tâm Hồn Cao Thượng” nguyên tác bằng Tiếng Ý “Cuore”của Edmondo De Amicis (1846-1908). Tác giả là nhà văn, nhà thơ và cũng là nhà báo đã nổi tiếng khắp thế giới, ngay sau khi “Cuore” xuất bản ngày 17 tháng 10 năm 1886 – đúng ngày tựu trường tại Ý Đại Lợi. “Coure” được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đây là tác phẩm rất phổ biến trong thập niên 1950, 1960, là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh thiếu niên, và là quyển giáo khoa luân lý nổi tiếng trong thế kỷ 20. Nội dung mô tả từng diễn biến xảy ra trong suốt năm học Lớp Ba của Enrico Bottini, và hơn 50 người bạn. Tác phẩm này còn ghi lại thời thơ ấu mà hai người con trai của nhà văn Edmondo De Amicis đã trải qua.
Nhà văn Edmondo De Amicis – nguồn commons.wikipedia.org
Cậu bé Enrico Bottini 10 tuổi, xuất thân từ gia đình thượng lưu quyền quý trong khi những người bạn của cậu chỉ là con nhà lao động. Cùng chung trường chung lớp, Enrico biết rõ từng người bạn, đã mô tả tỉ mỉ về họ: Lớn nhất lớp, đầu to vai rộng, năm nay gần 14 tuổi và rất tốt bụng là Garônê. Mau mắn vui vẻ là Côretti. Nenli lưng gù, dáng người mảnh mai yếu đuối. Vôtini một người học trò phục sức rất sang, có tính hay làm dáng. Bạn Antônio có biệt tài nhăn mõm thỏ, có cái mũ rất mềm thường vo viên bỏ túi như mùi soa. Carlô Nobitxi coi bộ khinh khỉnh, Xtarđi thân lùn cổ rụt, ít nói và hay cáu. Phranti một tên rắn mặt và gớm guốc, hình như đã bị đuổi ở trường làng. Prêcôtxi – con người thợ khóa – thường bị cha đánh đập nên trở thành người nhút nhát, lúc nào trông cũng buồn rầu sợ hãi. Bạn tóc vàng Crôtxi tay liệt, nhà rất nghèo. Người tử tế hơn hết, thông minh hơn hết, người chắc chắn sẽ được phần thưởng thứ nhất, ai cũng biết trước là Đêrôtxi [*], v.v… Khung cảnh học đường, giao tình giữa Enrico và các bạn, hoàn cảnh sống thực trước mắt, những câu chuyện đọc hàng tháng trong lớp, từng lá thư của cha mẹ Enrico viết cho cậu… Tất cả những điều này đã được tác giả cũng như dịch giả bày tỏ rất chân tình, làm cảm động lòng người.
Bằng văn phong chân phương mực thước của một nhà giáo, khi chuyển dịch “Tâm Hồn Cao Thượng” từng câu chữ đơn sơ chứa chan tình mến của thầy giáo Hà Mai Anh đã góp phần tích cực trong việc giáo dục lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, lòng yêu nước, lòng thương người, cho thanh thiếu niên từ khi còn thơ ấu. Người lớn đọc “Tâm Hồn Cao Thượng” cũng rút ra được những bài học xử thế, qua câu chuyện về cha mẹ và thầy cô của các học sinh. Có thể nói “Tâm Hồn Cao Thượng” là khuôn vàng thước ngọc, là kim chỉ nam giúp người ta biết giá trị đích thực của mỗi một người hiện hữu trên thế gian này. Không chỉ thế hệ thanh thiếu niên được sinh ra và trưởng thành trong thập niên 40-50, mới ngưỡng mộ và biết ơn thầy giáo Hà Mai Anh. Những thanh thiếu niên trưởng thành trong thập niên 60, 70, 80 hay là những người trẻ sau này cũng vậy, đều biết ơn ông khi để lòng hoà nhập vào từng câu từng chữ có trong “Tâm Hồn Cao Thượng.”
Minh họa nguyên gốc truyện “Cậu bé trinh sát” – nguồn commons.wikipedia.org
Tính đến nay nguyên tác “Coure” của nhà văn Edmondo De Amicis góp mặt trên văn đàn thế giới đã 127 năm. Bản dịch “Tâm Hồn Cao Thượng” bắt đầu bằng chương thứ nhất viết về “Ngày Khai Trường,” kết thúc bằng chương thứ sáu mươi “Trang Cuối Cùng Của Mẹ Tôi” cũng hiện hữu trong văn chương Việt Nam đã 65 năm. Thời gian đi không đợi, tác giả và dịch giả đều đã an giấc ngàn thu. Nhưng những gì họ gửi gắm trong từng bài học về công ơn cha mẹ, về lòng yêu nước, về lòng thương người, về tình thầy trò tình bằng hữu, v.v… vẫn có giá trị vĩnh hằng.
HNP – 4am Thứ Tư ngày 30 tháng 10 năm 2013
[*]. Những chữ in nghiêng mô tả các bạn của Enrico trích từ “Tâm Hồn Cao Thượng.”