Lời Giới Thiệu: Đối với một người nghệ sĩ, có lẽ nghệ thuật là đỉnh điểm của đời sống. Nhưng đối với nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ, nghệ thuật luôn đi chung với phục vụ. Nhiếp ảnh là cách để Anh tận hiến cho gia đình, cho nghệ thuật, cho cộng đồng, và cho quê hương. Xin trân trọng cám ơn nhiếp ảnh gia đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Độc giả có thể thưởng thức ảnh nghệ thuật tại: benjaminvu.wordpress.com, (714) 899-5818, 7671 Westminster Blvd, Westminster, CA 92683.

Benjamin Vũ.
TGT: Xin chào nhiếp ảnh gia Benjamin Vũ. Xin Anh cho biết đôi điều về tiểu sử của mình.
BV: Tôi sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Là con cả trong một gia đình có năm anh em, và là người duy nhất trong gia đình có máu nghệ thuật. Đến năm 1984 vượt biên và đến Mỹ định cư tại tiểu bang California cho đến ngày hôm nay. Thú thật, nghệ thuật nhiếp ảnh đã theo tôi chắc vì những năm ở Mỹ một mình không có gia đình thân thuộc cho nên đã tìm bộ môn nhiếp ảnh để khuây khỏa.
TGT: Anh đã bắt đầu chụp ảnh từ lúc nào? Anh có nhớ bức ảnh đầu tiên khiến Anh cảm thấy mình thực sự đạt đến nghệ thuật nhiếp ảnh không?
BV: Nhiếp ảnh đã theo tôi trong những năm đầu tiên tại trường đại học cộng đồng. Với những lớp căn bản đen trắng cho đến những phức tạp của thể loại phim màu đã khiến tôi say sưa đưa đẩy mình vào nhiếp ảnh. Những bức hình đầu tiên tôi đã chụp trong thể loại đen trắng là tại công viên quốc gia Yosemity. Nơi đây tôi đã chụp cả chục cuốn phim và đã tự tráng và tự rửa để thấy những hình ảnh mình đã thâu được và đó là những kỷ niệm đầu tiên trong thuở cầm máy.
TGT: Anh phổ biến rất nhiều hình ảnh nghệ thuật trên Bản Tin Liên Lạc của Văn Phòng Giới Trẻ tại Quận Cam từ những năm đầu thập niên 90s. Anh đã có những kỷ niệm gì trong sinh hoạt mục vụ trẻ này?
BV: Trong chuyến đi Yosemity cắm trại đó cùng với VPGT là lúc tôi mới biết một sinh hoạt của các anh chị em trong cộng đồng Công Giáo tổ chức. Sau chuyến đi, tôi đã được mời tham gia cho đến những năm sau này. VPGT đã biết tôi thích chụp hình cho nên đã cho tôi một tay cộng tác trong những bức ảnh sinh hoạt của giới trẻ lẫn những buổi lễ tổ chức tại trại hè v.v…
TGT: Anh vẫn tha thiết với quê hương Việt Nam, dù Anh vượt biên từ lúc còn rất nhỏ. Anh đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi săn ảnh tại Việt Nam? Đã chụp bao nhiêu tấm ảnh? Điều gì đã giúp Anh giữ lại tình yêu quê hương đến trọn vẹn như vậy?
BV: Những năm sau này, tôi có cơ hội về thăm quê hương sau những năm xa cách. Tuy đã ra đi hồi còn trẻ cho nên trong trí óc không có nhiều kỷ niệm giống biết bao nhiêu người đã có, nhưng với tôi Việt Nam vẫn là nơi tôi sinh ra và lớn lên trong thời thơ ấu. Trong chuyến về thứ hai, tôi mới cảm thấy quê hương có nhiều thắng cảnh đẹp mà trên giấy bút đã diễn tả. Tôi đã thấy được cái đẹp đó và bắt đầu thâu thập những bức ảnh đầu tiên tại Việt Nam. Đến hai năm sau, cũng là chuyến về Việt Nam lần thứ ba, tôi đã rong ruổi từ đất mũi Cà Mau đến Lào Cai trong cuộc hành trình gần hơn một tháng trời với chiếc ba lô cùng các dụng cụ nhiếp ảnh rong ruổi trên các con đường từ Nam đến Bắc. Tôi đã có cơ hội thăm hỏi những người dân nghèo trên con đường tôi đi và đã thấy cuộc sống khó khăn của người dân Việt Nam mà tôi chính mắt trông thấy. Tình yêu quê hương đã thấm trong ý tưởng của tôi khi biết những con người cùng chung quê hương vẫn phải trải qua biết bao nhiêu cơ cực trong cuộc sống. Và từ đó tôi từ một cậu bé ra đi hồi còn nhỏ đã được chứng kiến những con người còn đau khổ trên con đường tôi đã đi qua.

Bóng U – Benjamin Vũ
TGT: Anh cũng đặc biệt quan tâm đến đồng bào tại Biển Hồ Tonle Sap, Kampuchea. Điều gì làm Anh thao thức nhất khi đối diện với đời sống của đồng bào tại đây?
BV: Rồi cũng chuyến đi thứ tư trong vài năm sau đó trong vội vã để về thăm quê hương trong thời gian ngắn ngủi. Tôi đã không quyết định đi khắp Việt Nam nữa nhưng đã tìm sang Campuchia nơi có những đồng bào Việt Nam không tổ quốc sống lây lất tại biển hồ Tonle Sap. Họ đã cho tôi thấy họ cũng như tôi, cùng nói một tiếng mẹ Việt Nam và cùng chung một ý tưởng tự do nhưng riêng họ, họ không có những gì tôi có và hiểu những gì tôi hiểu. Từ những ánh mắt trẻ thơ đã thôi thúc tôi là một người có thể nói với hình ảnh để đem về thế giới tự do những thông tin đích thực của đồng bào mình còn kẹt tại một đất nước mà không bao giờ cấp quyền công dân như người vô tổ quốc.
TGT: Tinh thần phục vụ tuyệt đối và tay nghề vững vàng – đó là những điều mà thân chủ rất trân trọng khi đến chụp hình tại Benjamin Studio. 100% những reviews trên Yelp đều đánh giá dịch vụ chụp hình của Anh là tuyệt vời, năm sao. Anh có thấy hãnh diện về điều đó không? Đâu là bí quyết để Anh có thể làm vừa lòng tất cả mọi thân chủ đến mức tuyệt đối như vậy?
BV: Tại California nơi tôi cư ngụ, tôi đã dành toàn thời gian trong công việc làm ảnh và đã lấy chính tên tôi cho tiệm ảnh của mình. Tôi đã coi đây là công việc của mình như để mưu sinh và nuôi gia đình. Trong cái gọi là yêu nghệ thuật và đam mê nhiếp ảnh, tôi đã được sự yêu mến của bạn bè và cộng đồng đã khiến tôi có cơ hội phục vụ trên mười năm nay. Không dám khoe khoang, những gì tôi làm trong công việc, lẫn nghệ thuật, tôi đã làm hết mình để những người đã tin tưởng tôi coi tôi như người bạn của họ thay vì như người chụp hình của họ. Và đó đã giúp tôi tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Phố cổ Hội An – Benjamin Vũ
TGT: Anh không chỉ là một nhiếp ảnh gia, mà còn là một người dấn thân cho nhiếp ảnh qua việc tổ chức các buổi triển lãm và giảng dạy các lớp nhiếp ảnh. Những sinh hoạt này đã mang đến cho Anh những phần thưởng gì?
BV: Thường ai cũng hiểu, không thầy đố mày làm nên. Tôi đã có một nguyện vọng khi những năm tháng tìm hiểu và học hỏi nhiếp ảnh là nếu tôi có cơ hội, tôi sẽ giúp những người đến sau tôi học hỏi bộ môn nhiếp ảnh. Và thật, tôi đã có những lớp nhiếp ảnh miễn phí và những cuộc triển lãm tại cộng đồng cũng như những trường nghệ thuật. Ngoài ra, tôi cũng đồng sáng lập hội Bạn Ảnh Việt Nam cho những anh chị em có cơ hội sinh hoạt và trau dồi kiến thức qua những buổi săn ảnh và triển lãm ảnh.
Những phần thưởng mà tôi đã lãnh được không phải là huy chương cao cả hay bằng cao cấp bậc nhưng là những sự ưu ái và yêu thương của bạn bè và thân hữu đã tặng cho tôi còn cao quý hơn huy chương và cấp bậc.
TGT: Nếu nhìn lại chiều dài của công trình nhiếp ảnh của mình trong suốt 20 năm qua, đâu là những nguyên tắc giúp Anh đạt đến thành công như hôm nay?
BV: Với tôi, đây chỉ là một đoạn đường mà thôi. Tôi nghĩ tôi chưa đi qua nhiều lắm, nhưng luôn ao ước sẽ có những ngày thanh thản trên quê hương nơi tôi sinh ra để đi sáng tác. Chắc lúc đó sẽ là những ngày về hưu. Nhiếp ảnh gắn bó với tôi như một người bạn. Khi mình quý mến nó, nó sẽ luôn ở bên mình. Khi mình lợi dụng nó, nó sẽ tránh xa mình. Cho nên, tôi luôn muốn đem những hiểu biết của mình đến cho những người xung quanh như một món quà tinh thần cho tất cả.
TGT: Anh tâm đắc điều gì nhất về Benjamin Studio?
BV: Khi hỏi câu này, tôi không dám trả lời. Tôi chỉ coi cái tiệm ảnh của tôi đã giúp tôi lo đủ cho gia đình và những công việc cần phải làm.
TGT: Người nghệ sĩ thường yêu nghệ thuật hơn tất cả. Nhiếp ảnh gia Benjamin yêu nghệ thuật nhất, hay yêu vợ con nhất?
BV: Nói chung là tôi quý mến cả hai. Đôi khi có gia đình cũng là cái tròng chân nếu muốn làm hoặc phải đi xa để sáng tác. Nhưng điều đó không ngăn cản tôi quên đi nghệ thuật nhiếp ảnh. Nói chung, tôi đã chọn gia đình trước như tôi đã làm lên tiệm ảnh để nuôi gia đình trong những năm tháng qua.
P.S. À, “nói chung” là như vậy. Không biết “nói riêng” thì sao nhỉ?