Menu Close

Trên đỉnh bình yên

“Anh,

Em đã nhận được lời nhắn của anh trong phone, em sẽ xin nghỉ phép và dắt con lên thăm anh. Từ ngày anh đi, thằng Hải nhớ ba khóc hoài, em ráng dỗ con, nhưng cũng chỉ biết nói quấy quá này nọ cho nó nín thôi.

Em lóng rày cũng đỡ, em còn một năm nữa thì ra trường y tá, hổng biết có được làm ở thành phố không, nếu phải đi xa thì chỉ có hai mẹ con, cũng không vướng vít gì.

alt

Bảo Huân

Cuối tuần rảnh, em cho con đi chơi công viên như hồi còn có anh. Em nhớ hồi tụi mình mới quen ở Sàigòn,  anh hay nói khi nào tụi mình cưới nhau, có con, chiều chiều anh sẽ cho mấy mẹ con ra hóng gió bến Bạch Đằng, rồi ăn khô mực nướng. Cái gì hổng xảy ra mình hay nhớ há anh?

Em còn nhớ hồi anh tới nhà gặp ba má, rồi xin cưới em, ba má coi bộ hổng chịu, anh có biết vì lý do gì không? Má nói tướng anh tốt, có bằng cấp, giàu có, nhưng tuổi anh không hạp với em, nếu cho cưới, má sợ sau này em khổ. Em có ý trách má, má nín thinh, qua hôm sau má nói cái mắt anh nhìn hổng thẳng, má sợ anh đèo bồng.

Kịp lúc đó anh nói anh đi vượt biên và muốn đem em đi. Bên tình bên hiếu, bên nào cũng nặng, nhưng rồi em cũng trốn ba má đi theo anh. Sau này khi viết thư về nhà, chị Hai  viết qua nói ba má buồn em, nhưng ba má chết vì bịnh, chớ hổng phải vì em bỏ đi theo anh. Chuyến vượt biên trăm phần nguy hiểm, hai đứa mình đã trải qua những ngày sống chết bên nhau, em nghĩ tụi mình sẽ không bao giờ bỏ nhau cho ba má ở đâu đó được vui.
Anh à, em cứ tính phải chi hồi đó tụi mình không share nhà với anh chị Lâm thì chắc tụi mình không xa nhau. Em nhớ như in buổi tối bắt gặp anh và chị Lâm ôm nhau trong xe, em buồn lắm. Em đi vô đi ra trong nhà, mà hổng dám mở cửa đặng bắt quả tang anh chị. Em nghĩ tới anh Lâm, tội nghiệp ảnh đang bị bịnh, hai đứa nhỏ còn bé xíu, em hổng dám làm rùm beng.

Tới hồi anh và chị Lâm quyết định ở với nhau, thì em coi như số mạng đã an bài như má em nói. Nhưng  gia đình anh chị Lâm thì bi đát lắm anh à. Bữa hổm em tới trường đón thằng Hải, có gặp con anh Lâm, em hỏi thăm, nó nói từ hồi má nó đi, ba nó buồn đi nhậu hoài, hai chị em nó có bữa hổng có cơm ăn. Tội nghiệp lắm, nên thỉnh thoảng em có ghé thăm anh Lâm và tụi nó. Bị hai đứa là con gái, tụi nó giờ cũng lớn bộn rồi, 13, 14 gì đó! Tụi nó rất cần được chăm sóc.

Em nghe người ta nói anh và chị Lâm dọn đi tiểu bang khác, em hổng tin, vì anh còn thương thằng Hải. Nhưng khi anh điện thoại để lại lời nhắn, em phải tin sự thật là vậy. Em sẽ dắt con lên thăm anh, nhưng chị Lâm có đồng ý không? Em nhớ hồi anh còn ở đây, anh đi đón thằng Hải mà chị Lâm cự nự anh, rồi điện thoại nhiếc em nữa.

Anh cho em biết đặng em mua vé lên anh.

Em Hiền…”

Ông Thái chậm chạp đứng dậy, mở cửa sổ, những tia nắng cuối ngày ùa vào, soi rõ lớp bụi bám ngoài phong thư. Quá khứ xa thẳm chợt trở về …

… Ông  nhớ ngày chiếc tàu 7 blocks với gần 100 con người bị tơi tả vì sóng gió cặp bến đảo Bidong, ông đã cùng mọi người quỳ xuống cảm ơn trời đất và khóc ròng vì sung sướng. Ông như được hồi sinh, con tàu bị sóng đánh tưởng chừng bể nát, nhưng cũng cố lết được tới bờ mà không có ai bị vong mạng. Tương lai tươi sáng bày ra trước mắt ông. Rồi ông và Hiền  được đi định cư, Hiền có bầu, thằng Hải ra đời và ông dan díu với Lan, người bạn cùng làm nghề thông dịch, đã cho vợ chồng ông share nhà với giá rẻ.

Ông cố nhớ lại những cảm giác lạ lùng, mỗi khi nghe Lan hát trong những dịp vợ chồng Lan tổ chức hát Karaoke cuối tuần với bạn bè. Tiếng hát của Lan như khao khát, như thúc giục. Thỉnh thoảng ông và Hiền tham gia, những lần như thế ông và Lan hay hát chung.  Những lời hát tình tứ đã vô tình đẩy ông và Lan gần nhau, và dần dần không thể không có nhau. Cả hai đã lén lút trao nhau những nụ hôn đắm đuối. Ông không yêu Lan, nhưng không thể từ chối, một ma lực nào đó đã cuốn hút ông vào vòng tay Lan, rồi hai người bắt đầu ngụp lặn trong những căn phòng xa lạ, đến một ngày Lan nói đã có thai. Ông chợt  bừng tỉnh, một trách nhiệm nặng nề, một hoàn cảnh éo le buộc ông phải giải quyết. Ông Thái nhớ buổi chiều ông Lâm mời ông ra ngoài sân, đưa cho ông chai bia, và mở một chai cho mình, ông Lâm uống một hơi dài, rồi nói: “Anh giúp tôi chăm sóc Lan, cô ấy thiếu thốn từ lâu rồi!”. Sau lần gặp ấy, ông Lâm tránh mặt ông dù hai người ở cùng nhà. Hiền bế con dọn đi nơi khác, nhưng Lan buộc ông phải ở lại với nàng. Một lần nữa, ông không thể cự tuyệt, ông tiếp tục làm theo ý Lan một cách vô thức.

Sau khi ly dị chồng và sinh con, Lan chính thức sống với ông. Hai người mở nhà hàng. Ông bỏ nghề thông dịch và trở thành người phụ việc đắc lực cho Lan. Công việc bận rộn, ông không còn thời gian thăm con. Một phần cũng vì Lan  không muốn ông gặp Hiền mỗi lần thăm con, nên đã nói thẳng thừng rằng: “Nếu anh thăm thằng Hải thì đừng ở với tôi”.  Vì trách nhiệm với đứa con gái còn đỏ hỏn, ông đành phải lén thăm thằng Hải những lúc đi mua hàng mà thôi.

Sau hai năm làm ăn lỗ lã, Lan đóng cửa tiệm và dọn về tiểu bang giá lạnh này, thế là ông không thể thăm thằng Hải được nữa. Ông và Lan đi làm hãng và tạo dựng lại cuộc đời mới. Sau đó ít lâu, Lan phải về Việt Nam gấp vì bà già đau nặng, ông không  xin nghỉ được, Lan đành phải bế con về một mình. Ông nhân cơ hội này, điện thoại cho Hiền đem thằng Hải lên thăm ông. Ông nhớ như in thằng Hải vừa thấy ông, vừa chạy tới vừa khóc. Ông ôm con và nắm tay Hiền kéo sát vào mình.  Hiền dựa đầu vào ngực ông, nước mắt đầm đìa.

– Em xanh quá, mệt lắm không?

– Dạ không quen đi xa nên em hơi mệt.

– Thôi mình về nhà. Anh có nấu cơm sẵn rồi!

Bế con và dắt Hiền băng qua đường, ông cảm thấy thật bình yên. Ông chưa hề có được cảm giác này với Lan. Đời sống với Lan là những ngày yêu đương cuồng điên, những khóc lóc đập phá vì ghen tuông, những đêm Karaoke thâu đêm suốt sáng, mệt nhọc, chán chường. Bất giác ông ôm Hiền chặt hơn, người đàn bà thơ ngây lương thiện có con với ông mà chưa hề có nhẫn cưới. Cũng vì lý do sâu kín này, mà ông đã cho phép mình bỏ Hiền.

Ông nhớ tối hôm đó, ông ngỏ ý muốn hai vợ chồng ngủ chung, Hiền đã từ chối:

– Thôi anh à, hãy giữ cho chị Lan

– Em còn giận anh hả?

– Anh à, đừng hỏi vậy, em và anh Lâm đã gặp nhau nhiều lần, nói về những gì đã xảy ra cho cả hai gia đình. Anh Lâm và em không giận anh, chỉ tại số mạng thôi anh à.

– Anh Lâm ra sao rồi?

– Dạ, như em viết cho anh đó, ảnh nhậu say xỉn hoài, mấy lần em ghé, có gặp ảnh, em có khuyên ảnh phải giữ gìn sức khoẻ đặng nuôi mấy đứa nhỏ. Ảnh nói tụi nó không phải con ảnh, nhưng ảnh coi tụi nó như con ruột. Nghe em lên anh, ảnh có viết cho anh lá thơ, em có coi qua, thiệt không biết nói sao!

Ông Thái chợt chóng mặt xây xẩm, vội ngồi xuống giường. Nắng đã tắt, ông bật đèn, ngọn đèn vàng hẩm hiu soi bóng ông trên tường, ông run rẩy mở lá thư cũ.

“Anh Thái,

Tui viết cho anh mấy câu, nếu có gì thất thố anh đừng chấp, vì tui lúc rày không được tỉnh táo cho lắm. Phải chi hồi đó, tui với anh ngồi lai rai mấy sợi để tui kể anh nghe cho nó nhẹ cái tâm mình. Anh biết không, hồi tui đi tù cải tạo về, cảm động vì sự chăm sóc ông bà già của cô gái cùng xóm, tôi đem lòng thương cổ, rồi xin cưới cổ. Đó là Lan, vợ anh bây giờ. Tụi tui ở với nhau mấy năm mà không có con, nên có đi bác sĩ, bác sĩ nói tui vô sinh, không thể có con được, tui nói cổ thôi mình chia tay, bị cổ còn trẻ mà. Cổ nói vợ chồng ở với nhau một ngày, không tình cũng nghĩa, cổ hổng có đi đâu hết. Rồi đâu năm sau cổ có bầu, tui chết đứng, nhưng rồi tui chấp nhận hết, miễn sao cổ vui. Người đàn bà có con, coi thấy thương lắm. Tiếp tới cổ sanh con nhỏ thứ hai, tui có hỏi thăm coi ba của hai đứa nhỏ là ai, cổ chỉ nói là anh cứ coi tụi nó như con anh vậy. Tui chăm sóc hai đứa nhỏ riết rồi cũng tưởng mình là cha ruột tụi nó. Tới hồi ông anh tui đóng tàu cho đại gia đình đi vượt biên. Tui cũng lăng xăng phụ việc, thì bất thần nghe vợ tui nói với anh Hai tui: “Anh à, qua bển anh lo giấy tờ cho má con em về ở với anh nghe anh”. Anh biết tui buồn cỡ nào không? Anh Hai nuôi tui đi học ở Sàigòn tới hồi tui nhập lính, tui thương ảnh lắm.

Bây giờ ảnh thương con vợ tui, hai người có con với nhau, tui tính qua tới ngoại quốc, tui sẽ bỏ đi cho hai người sống với nhau. Nhưng anh Thái ơi, đời đâu có suôn sẻ như mình tính đâu. Lúc đó anh Hai tui cũng có bạn gái nữa rồi, tới hồi lên tàu thấy anh Hai tui xà nẹo với bồ ảnh, con vợ tui nó ghen, nó nói huỵch toẹt. Ảnh nín thinh. Lên tới Thái Lan, ảnh lập hồ sơ với bồ ảnh đi Pháp, bỏ lại gia đình tui chắp vá, đi qua Mỹ sống tới ngày gặp anh.
Tui quên nói anh hay cô Hiền là em gái thằng bạn tui hồi học trung học Pétrus Ký, bạn tui chết rồi, nên cổ nhận tui là anh. Cô Hiền đàng hoàng, nên tui cũng mừng hai đứa con tui sẽ được cổ dạy dỗ nên người. Còn Lan, là người tui thương, tui xin anh đừng hắt hủi cổ tội nghiệp, số cổ truân chuyên đoạn trường, chứ đâu ai muốn vậy. Tui nghe cô Hiền dắt thằng Hải lên thăm anh, tui có ý cản, nhưng nghĩ phụ tử tình thâm, nên lại thôi. Tui chỉ xin anh vì tui mà đừng làm chuyện chi khiến Lan nó buồn.

Tui cảm ơn anh nhiều lắm.

Lâm,

Ông Thái lặng lẽ xếp tất cả kỷ vật vào cái hộp thiếc, cất trở lại vào ngăn tủ. Mười năm trước, cũng ngày này, Lan bỏ ông, ôm con về Việt Nam với người bạn trai thuở thiếu thời. Ông tìm ông Lâm để báo tin, mới hay ông Lâm đã đem con qua Pháp cho người anh. Còn Hiền và thằng Hải đã sang bên Anh ở với người chị.

PDH
02/12