Bao lần, tôi tự hỏi, “Công thức One” là quái chi mà đàn ông cứ mãi dán mắt hoài trên cái màn hình TV? Và những chiếc xe đua thấp lè tè, vòng vèo đến chóng mặt giữa những lằn ranh, có chi là hấp dẫn?
Trong ngày đầu tiên khi đến trường đua Circuit of the Americas (CotA), khi tận mắt nhìn thấy những ‘chiếc xế chiến của tốc độ’ giữa những đường ranh ngoằn ngoèo, rồi tôi cũng ‘ngộ’ được rằng: cũng chẳng có một ‘công thức’ định hình nào hết. ‘Formula’ – dạng thể thao đua xe, khác hơn với những chiếc xế hộp ‘bình thường’, 4 bánh ‘lòi’ khỏi thân xe trông rất cool, và là ‘đỉnh cao’ nhất trong các dạng xe đua.
3 ngày. Nóng. Oải. Nhưng đầy phấn khích trong thế giới Formula One. Và với tôi, là một sự ‘khai phá’ mới mẻ về một thế giới đầy hấp lực với đàn ông…

Tác giả, sau một ngày “tơi tả” ở trường đua.
Ngày đầu tiên, tôi bị lôi đầu dậy lúc 5 giờ sáng. Tôi than, “chưa thấy hưởng thụ, đã bị đày ải!” Và chỉ vì muốn được cái giá rẻ, nên phó nhòm Andy đã phải tính toán đến ‘rụng tóc’ dù khoảng cách từ nhà trọ đến trường đua phải gần một tiếng rưỡi đồng hồ xa lộ. Và cũng bởi cái khoảng cách gần chỉ 12 miles ngay trung tâm thành phố Austin thì cái giá 400 đô một đêm trở lên vẫn là một con số đầy dị ứng với cái túi tiền.
Đến CotA. VIP parking chỉ là một bãi đất hoang. Khu T3 là đã quá tuyệt vời, chỉ phải lội bộ khoảng nửa cây số là đến Gate One. Dàn nhân viên CotA đón khách bằng những nụ cười ân cần. Tôi nhìn đống thức ăn bị ‘ tịch thu’ chất đống, cũng may, mấy ổ mì gà cũng vừa mới xực xong.
CotA – một bãi đất hoang áp dụng cùng cái ‘Công Thức Một’ – trở thành cái máy thu tiền bạc tỷ. Vừa vô cửa, đã tiêu tiền. Tôi đứng chen chân trước quầy hàng lưu niệm. Tần ngần với nhiều lựa chọn mấy món “hàng độc” official của F1; nón mũ, T-shirt, đủ ‘thương hiệu’ của các hãng Xe đua hàng đầu thế giới. “BMW Sauber hay Ferrari?”, tôi nháy mắt, hỏi phó nhòm Andy rồi liếc qua cái T-shirt với dòng chữ “Leave me alone, I know what I’m doing.” Fan của tay đua Kimi Raikkonen cuồng nhiệt với thần tượng, lúc đang đua ở Abu Dhabi hai tuần trước, Kimi Raikkonen bị ‘sếp’ order phải nhường cho đồng đội qua mặt; và chàng quái kiệt đã đáp trả sếp là, “Để tôi yên đi, tôi biết phải làm gì rồi!”
Cái câu quote bỗng dưng ‘bị’ nổi tiếng, nhờ các tay kinh doanh áo thun quảng bá rùm beng trên mấy cái T-shirt để kiếm tiền.

Gate One. “Cửa khẩu” của trường đua Circuit of the Americas (CotA)
Vừa ‘cà’ xong cái thẻ plastic card, là ‘cỏ xót xa đưa’. Phải ‘chi đẹp’ 50 đô để dzớt về một cái nón Ferrari có hình con ngựa dựng hai chân trước. Tôi cảm giác mình ‘quá thừa’ can đảm. Hehe. T-shirt giá rẻ nhất cũng từ $70 đến $120. Hình thức thống khổ nhất là sự ‘kiềm chế’ cái túi tiền, khi lòng vẫn đầy ham hố những mua sắm!
Ai bảo tiền bạc chẳng đem lại hạnh phúc?
Đứng chen chân trong một đám đông, gợi chuyện với một tay Spotter của đội Red Bull. Cái thương hiệu nước tăng lực ‘Bò Húc’ khó lầm lẫn. Ông Randy, từ headquarter của Red Bull ở thành phố Milton Keynes, Anh Quốc bay sang, Randy cho biết, ông là một trong hai spotters của đội đua Red Bull Racing. “Tôi quan sát và kiểm soát mặt đường đua, rồi báo với ban điều hành cuộc đua.” Cái job title, nghe tưởng chẳng mấy quan trọng, vậy mà chỉ với một viên sỏi nhỏ trên mặt đường đua, bay với tốc độ 200 dặm giờ, có thể gây thương tích khó lường cho những tay đua.
Andy cho biết, buổi tập dượt của F1 đã phải bắt đầu lúc 9 giờ sáng. Tôi nhìn cái sơ đồ CotA. 20 cái ‘Cua’ lên dốc xuống đồi. Chưa ‘hành xác’ với đống dụng cụ, tôi đã cảm giác hụt hơi. Bên ngoài nắng đã lên mau, nghe ‘cơn đau’ bước xuống, theo em!

Một tay Spotter của đội Red Bull. Ông Randy, từ headquarter của Red Bull ở thành phố Milton Keynes, Anh Quốc bay sang.
Khoảng cách từ Cua này đến Cua khác, cuốc bộ đến rã chân để tìm góc cạnh chụp hình. Gần 4 miles cuốc bộ, tôi hiểu thêm mấy khái niệm ‘góc mù’, cua ‘kẹp tóc’ (hairpin). Tôi ngóng mắt, cái Cua #11 vẫn còn xa tít mù khơi…
Con đường đất thốc bụi. Chen chúc. Sắc màu. Chợt “thấy đời mình là những đám đông!”
Khứu giác đánh hơi mùi thịt nướng, nhìn đống đùi gà tây xèo xèo trên dàn nướng của gian hàng “Texas-sized Turkey Leg”, tôi mường tượng đến cái khẩu ngữ ‘everything is bigger in Texas’. Tôi ngó lên cái bảng giá cắt cổ gà… tây, $16 đô cho một cái ‘giò tây’, chưa ăn, đã no.
Vừa tới cái Cua #11, âm thanh gầm rú của dàn xe. Chiếc Ferrari đỏ vút qua như cái chớp mắt. Vận tốc 200 dặm giờ. Tôi ngầm so sánh ‘vận tốc lướt gió’ gấp 10 lần ‘vận tốc đập cánh’ của mấy con chim. Cảm giác đầy thử thách, nhưng cool!
Mùa Đông, trời Austin dở chứng lên độ. 85 độ F, vác mấy cái nòng bazooka tìm góc cạnh là muốn hụt hơi. Một tiếng đồng hồ te tua với mấy xế chiến rồi chen chân giờ lunch. Cái Chicken Pita mỏng lét cũng $15, cái hamburger cỡ MacDonald cũng $9. Đến CotA, chứ phải Ma-rốc đâu mà cũng phải móc- ra. Tôi mua chai nước lọc, trả $6 đô rồi liếc biển số thứ tự 178 của người bán nước rong, và gạ chuyện:
– Một ngày bán, chắc cũng đủ lời chớ hả? Tôi gợi chuyện.
– “Giỡn hoài”. Cái vẻ mặt màu đồng đen, vẻ như háo hức với câu hỏi này, “những tay bán nước rong như tui làm tiền rất nhiều. Mấy đứa kia có lười rao lắm thì cũng lời một ngày ít nhất cũng bảy, tám trăm đô.”
– Trăm hay chục? Tôi cao giọng hỏi.

“Hàng độc” official của F1; nón mũ, T-shirt, đủ ‘thương hiệu’ của các hãng Xe đua hàng đầu thế giới. T-shirt giá rẻ nhất cũng từ $70 đến $120.
– Là trăm, chớ chục đô thì tội gì mà phải vác nặng. Nói thiệt, tui có thể kiếm lời được $3,500 đô, và chỉ trong 3 ngày đua này thôi đó.
Tôi thiệt cũng chẳng ‘sốc’ chi. Giá một lon bia, $10.50 cent. Một lon nước ngọt cũng gần 9 đô.
“Ai cũng có thể kiếm nhiều tiền được ở CotA này, vì 80 phần trăm là du khách từ khắp nơi trên thế giới đến để xài tiền mà”, tay ‘bán nước’ rong khẳng định như đinh đóng cột.
Ở CotA, tôi luôn cảm giác ‘khích động’ bởi tinh thần cổ động thái quá của các fans khắp địa cầu. Cờ là cờ. Và điều ngạc nhiên, nhiều những ‘cổ động viên nữ’, rất cuồng nhiệt! Trong lúc chờ đợi bắt đầu cuộc đua. Một giọng hát ồm ồm cất lên giữa trưa nắng bụi. Một gã đang ‘chạy có cờ’, trên tay là lá cờ Brazil tổ chảng đồng hành với âm ngữ Brazil. Gã đến để cổ động ‘gà nhà’ là một tay đua Brazil có tên là Felipe Massa. Gã chạy đi, rồi chạy lại. Một vòng khoảng cách gần cả tiếng đồng hồ. Mở màn gã đã hát quá …sung, nên vòng sơ cua này, giọng gã như bị hụt hơi, khàn khàn, nhỏ dần, rồi nín bặt. Và gã cũng ngưng chạy, chỉ đi bộ, thở hổn hển.
“Come on. You can do it!” Một tay phó nhòm cạnh tôi, hét lớn cổ võ, ‘ “We believe in you.”
“Massa is counting on you.” Ông nhắc lại tên tay đua người Brazil.
Chẳng biết gã có hiểu tiếng Mỹ không, nhưng sau khi tay phó nhòm kia vừa dứt lời, là gã tiếp tục…vác giò chạy và tiếp diễn màn đơn ca trên đoạn đường gió bụi còn lại.
Hai phó nhòm đã kiếm được một cái ‘Cua’ ngon lành để ‘canh me’ dàn xế chiến. Hai cái nòng kính bazooka ‘đua’ với dàn xế chiến F1. Và sau cả trăm cú click, máy và người đều tơi tả. Quá thử thách, nhưng cool !’ Tôi cảm thán.
Andy nói, mai sớm đến khán đài Grand Stand làm phóng sự thêm.
Nắng đã dần tắt trên con đường đỏ bụi. ‘Thôi về, mai cày tiếp’. Tôi lầm bầm.
Ngày thứ hai, tôi cũng bị lôi đầu dậy để ra khỏi motel lúc 6 giờ. Đêm qua hít đầy buồng phổi chất nicotine. Tôi làu bàu, phòng đã đặt trước hơn cả tháng mà vẫn bị ‘nhét’ vô cái phòng “smoking’ nồng nặc mùi thuốc lá.
“Vì hết phòng rồi, sorry”. Nhân viên tiếp tân thẳng thuột. Tôi ráng nuốt cục giận, gắng thoi thóp cái lá phổi thêm vài bữa nữa. Đoạ đày là hết, người ơi!
Vô CotA là đến khu vực gần đại khán đài (Grand Stand) trước tiên.
“Bạn có biết chỗ nào có thể lấy được toàn bộ cảnh đua này không?” Một gã thanh niên tiến lại gần hỏi hai phó nhòm. Tôi chỉ tay về hướng cái tháp nhỏ, lờ mờ.

Chụp xe đua là một “thử thách” lớn, ngay cả đối với những tay săn ảnh F1 chuyên nghiệp. Một kỹ thuật cực …khó đã được phó nhòm tui vận dụng. Và để ghi nhận rõ nét hình ảnh của một chiếc xe đua với vận tốc 200 dặm giờ, thật chẳng dễ dàng!
“Là observation tower (tháp quan sát), một trong những kiến trúc nổi bật nhất của CotA đó!”
Tôi nghe chàng than, “cái ống kính tiểu liên của tôi bị hạn chế quá. Và chụp thì chỉ thấy toàn hàng rào không.”
“Rất thử thách”. Tôi gật gù, ra vẻ thông cảm như I been there, done that.
“Hmmm, chỉ có ngồi ở Grand Stand là mới có thể lấy được headshot của mấy góc cạnh đẹp. Hẹn năm tới vậy, giờ thì quá trễ rồi.” Cái chậc lưỡi của anh chàng Ấn, thay vẻ tiếc nuối.
“Cắt cổ bỏ xừ!” Andy xen vô. “Tôi thì không thể ‘hạ bệ’ nổi cái ghế đó rồi”.
“Chỉ có 4000 đô thôi mà”. Gã nói, vẻ như điềm tĩnh trước cái giá vé… trên trời kia. ( ‘ông bà bô’ của hắn là …đại gia, chắc!? Tôi lầm thầm).
“Tôi là nha sĩ. Mới dọn từ New York về Dallas có mấy tháng à. Mê F1 quá nên cũng ráng rủ thằng bạn lái xe mấy tiếng tới đây coi.” Chàng tự giới thiệu. ( à, ra vậy, chàng nha sĩ trẻ này cũng… chịu chơi đó chớ.)
Mà thật. Những chiếc xế độc hạng nhất này, mê là phải. Cứ như một tác phẩm nghệ thuật giá bạc triệu diễu hành giữa những lằn ranh. Mỗi chiếc tính sơ, cũng ngấp nghé một triệu rưỡi.
Cuốc bộ tiếp. Cái sơ đồ trường đua hai phó nhòm tui đã khá thuộc lòng. Dừng bước giang hồ ở một quán bia Đức, có cái view lý tưởng nhìn ra sân đua. Tôi muốn thử một ly bia Germany sủi bọt. Kẹt, là phải làm thêm cái “văn hoá xếp hàng” như rồng rắn này. Đành đầu hàng vậy.
Một nhân dáng đẹp lướt qua mắt, hắn mặc cái T-shirt có tên Michael Schumacher. Làm tôi suýt tưởng là tay kiệt xế hàng đầu của thế giới đang lang thang giữa chốn bụi trần này.
“Mấy tay đua nổi tiếng F1 này đâu cần ‘mác áo’ cái tên để làm gì, mà cũng làm gì mà đi lòng vòng ở đây chớ!” Andy nhìn tôi, giễu cợt.
Có ngây thơ… cụ thiệt. Nhưng rồi tôi cũng mở mang chút kiến thức. Tôi, rồi cũng biết đến tay đua người Đức nổi tiếng với chiếc Ferrari đỏ chót, còn được ‘mệnh danh’ là “The Red Baron”; hay cái danh hiệu “Vua trời mưa” (Regenkönig) hay “Regenmeister” (rain master). Tay đua này, được xem là người có công ‘quảng bá’ môn đua xe Formula One tại Đức.
Christopher Hilton, tác giả về môn thể thao tốc độ này, đã nhận định rằng, “Thước đo về khả năng của tay đua là màn trình diễn của anh ta trên một trường đua ẩm ướt. Vì bởi nó đòi hỏi trình độ điều khiển tinh vi và nhạy bén nhất”. Tôi mường tượng đến những cảnh quay trong cuốn phim Rush vừa được xem, kể về huyền thoại của những tay đua F1 thập niên 70. Và sự xuất hiện của hai tay đua James Hunt (người Anh) và Niki Lauda (người Áo) trong mùa Formular One năm 1976. Câu chuyện thật, xoay quanh sự ‘gay cấn’ giữa hai tay đua này. Bộ phim là sự khai thác tận cùng của sự đam mê cao độ. Cao trào là đoạn cuối, khi hai tay đua so kè từng nấc một dưới một màn mưa xối xả trong trận đua ở núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Và chiếc xe Ferarri của tay đua trứ danh Niki Laura bị lật, bốc cháy…
Những trận đua sinh tử. Cuộc so tài đầy thử thách, hiểm nguy đến cùng cực.
Hình ảnh sau tai nạn của tay đua hàng đầu thập niên 70 đã đi vào lịch sử môn thể thao tốc độ này. Một cảnh quay ‘ấn tượng’ nhất với tôi, là tay đua Niki bị phỏng nặng, cái đầu quấn băng kín mít, đôi mắt sưng húp chỉ còn lại hai vệt sáng hé mở, nhìn lên màn hình tivi để theo dõi trận đua.
Một biểu cảm tuyệt vời của ý chí và sự đam mê. Thật thán phục!
Ngày còn lại của cuộc đua. Trong 3 ngày, hơn 200 ngàn người có mặt. Tôi đã tận mắt ghi nhận hình ảnh những ‘kiệt xế’ của thế giới.
Formula One là những hiển hiện của nỗi đam mê đầy thử thách của lòng quả cảm. Thế giới Formula One- còn là một thế giới của Đam mê- Danh vọng và Quyền lực.
3 ngày trong ‘thế giới của đàn ông’, tôi hiểu ‘giấc mơ’ của Andy (một fan trung thành hàng chục năm của F1) đã ấp ủ. Một ngày, được ‘bứt phá’ khỏi cái màn hình, được thưởng thức những trận đua “thiệt” trên “sân thiệt”.
Và cuộc chơi, vẫn day dứt cơn mời gọi, những chiếc xế chiến F1 – trên cả tuyệt vời.
“This is Đặng Mỹ Hạnh, reporting LIVE from Austin Circuit of the Americas, for Trẻ Magazine.”
Back to you, Andy!

Hàng giờ te tua để “canh me” cho kỳ được cú headshot này. Tôi đã “tuyên bố” rằng, “không có headshot, không về!” Hehe
www.hanhphoto.com