Từ Thứ Sáu tuần trước, cả thế giới tê tái chứng kiến những hình ảnh thảm khốc sau khi cơn bão Typhoon Haiyan tràn qua Philippines. Qua thiên tai này, người ta cũng có thể gạn lọc được nhiều điều về điều kiện tự nhiên, phương thức chống đỡ thiên tai, cũng như nỗ lực cứu trợ nạn nhân sau bão tố.
Những người sống sót trên mặt đất vẽ lời kêu cứu lên mặt đường.
Trái với nhiều quan ngại, cơn bão đã suy yếu nhiều khi sang đến Việt Nam. Đêm Chúa Nhật 10-11, bão Haiyan đổ bộ vào bờ biển duyên hải vài tỉnh cực Bắc, đến rạng sáng Thứ Hai 11-11, chỉ còn mưa gió nhẹ. Vùng Quảng Ninh chịu ảnh hưởng nặng nhất có chừng 1,000 nhà cửa bị hư hại. Thống kê sơ khởi có 13 người thiệt mạng và khoảng 100 thương tích nhẹ.
Nếu so với thiệt hại của Philippines thì tình cảnh Việt Nam bớt nghiêm trọng hơn nhiều phần. Đến nay, vẫn chưa thể xác định chính xác thiệt hại về nhân mạng lẫn của cải. Con số chánh thức của chánh phủ Phi về người thiệt mạng khoảng 2,500. Thêm chừng gấp đôi bị thương tích nặng nhẹ. Trong cảnh hỗn loạn, rất khó có con số chính xác. Hiện ưu tiên tối cao của chánh quyền là cứu trợ nạn nhân, cung cấp thực phẩm, nước ngọt, thuốc men… Cũng đã có những dự báo số người mất mạng có thể lên đến 10,000, nhưng hôm Thứ Ba, Tổng Thống Phi Benigno Aquino chánh thức bác bỏ, cho rằng quá cường điệu.
Các cơn cuồng phong, hay bão biển, hay sóng thần là những hiện tượng thời tiết tự nhiên xảy ra mỗi năm trên bề mặt các đại dương. Hầu hết các cơn bão xuất hiện trong khoảng từ Tháng Năm đến Tháng Mười. Tại Hoa Kỳ, người ta thường dùng thuật ngữ “Hurricane” (cho vùng Đại Tây Dương/Atlantic Ocean) và “Typhoon” (cho vùng Thái Bình Dương/Pacific Ocean) để gọi các cơn bão này. Bão biển có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, thường tự hình thành rồi cũng tự tan biến trên đại dương. Hiếm khi bão biển đạt cấp độ cao nhất đúng vào lúc đổ bộ lên đất liền. Đáng tiếc là điều này xảy ra đối với Typhoon Haiyan.
Khi đập vào bờ đông Philippines hôm Thứ Sáu, sức gió giật của Typhoon Haiyan lên đến 195 mph (khoảng 315 km/giờ), là cơn bão mạnh bậc nhất xưa nay. Dọc bờ biển, cơn bão dựng nên những đợt sóng thần cao đến 5 – 6 thước, càng khiến thiệt hại trầm trọng hơn. Để đối chiếu, Hurricane Katrina năm 2005 chỉ có sức gió giật đến 175 mph, và Hurricane Sandy năm ngoái là 115 mph. Dưới sức tàn phá mãnh liệt Typhoon Haiyan, giới thẩm quyền ước tính có ít nhất 11 triệu người Phi bị ảnh hưởng, trong đó 670,000 nạn nhân phải lâm cảnh màn trời chiếu đất.
Cha và con ngày sau bão ở tỉnh Eastern Samar, trung phần Philippines. Ảnh Bullit Marquez/AP
Philippines là một xứ Đông Nam Á rất dễ bị ảnh hưởng cuồng phong bão biển vì địa lý tự nhiên là một quần đảo gồm trên 7,000 hòn đảo lớn nhỏ. Dân số Phi 96 triệu người. Hiến Pháp quốc gia năm 1987 quy định song ngữ tiếng Phi (Tagalog) và tiếng Anh (English) là ngôn ngữ chánh thức. Ngoài ra người Phi có 8 nhóm phương ngữ lớn. Trong cơn bão Typhoon Haiyan, thị trấn duyên hải Tacloban ở trung phần xứ này bị tàn phá nặng nhất, hầu như thành bình địa.
Thiệt hại trong cơn bão càng cao thêm vì đây vốn là một trong những vùng nghèo nàn, dân cư đông đúc nhất xứ. So sánh với các lân bang, Philippines có tỉ lệ đường sá được tráng nhựa vào bậc thấp nhất. Hạ tầng phẩm chất kém đang hạn chế rất nhiều nỗ lực cứu trợ nhắm đến những khu vực dính bão nặng nề nhất. Công việc tiếp cứu thập phần gian nan hơn giữa khung cảnh hằng ngàn người sống sót tìm cách tháo chạy khỏi vùng bão tố bằng đủ mọi phương tiện: xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, và cả đi bộ. Hiện tại, các viên chức cứu trợ Liên Hiệp Quốc đưa thực phẩm và thuốc men cứu trợ vượt qua quãng đường dài chỉ 14 dặm từ phi trường đến vùng bão tố mất đến 6 giờ. Còn phải kể thêm nỗ lực tái thiết về sau sẽ rất gian nan vì chỉ chừng 10% thiệt hại có được bảo hiểm (so sánh với khoảng 50% tài sản được bảo hiểm trong trường hợp Hurricane Sandy ở Hoa Kỳ năm ngoái).
“Typhoon Haiyan” tại Philippines còn có tên là bão Yolanda. Truyền thông tại Việt Nam thì gọi là “siêu bão Hải Yến”. Các cơn bão thường mang những cái tên .. rất con gái. Ban đầu, giới địa chất học xác định bão biển hay cuồng phong dựa trên hệ thống kinh tuyến-vĩ tuyến rất chính xác. Tuy nhiên, khi nảy sinh nhu cầu thông tin khuyến cáo đến dân chúng bình dân thì những số liệu kinh tuyến-vĩ tuyến dễ gây lộn xộn, thậm chí khó hiểu. Thế là từ khoảng giữa thế kỷ 20, người ta bắt đầu đặt tên cho các cơn bão. Sở Thời Tiết Quốc Gia (National Weather Service) theo thông lệ hàng hải xưa nay, chọn các tên nữ giới (tàu thuyền khắp nơi vẫn thường mang tên… con gái). Về sau này có một số tên nam giới cũng được chọn.
Một cơn bão mới thành hình được gọi là “Tropical Depression” (áp thấp nhiệt đới), khi lớn hơn thành “Tropical Storm” (bão nhiệt đới). Đến khi trở nên “Hurricane” hoặc “Typhoon” thì được đặt cho một cái tên. Ngày nay, Tổ Chức Khí Tượng Quốc Tế (World Meteorological Organization) giữ 6 danh sách các tên bão dùng cho 6 năm, khi xoay hết vòng thì trở lại từ đầu. Những biệt lệ là các cơn bão quá lớn, gây nhiều thiệt hại trong quá khứ thì sẽ không dùng tên lại, để tránh trùng lặp. Có thể kể vài tên bão sẽ không lặp lại trong tương lai. Bão Hurricane Sandy năm 2012 tràn vào bờ đông bắc Hoa Kỳ, nhất là New Jersey, gây tử vong ít nhất 286 người, thiệt hại $68 tỉ. Bão Hurricane Ike năm 2008 tàn phá một vùng rộng lớn, nặng nhất Galveston, Texas, giết hại 195 người, thiệt hại $37.5 tỉ. Bão Hurricane Katrina năm 2005 gây ngập lụt New Orleans, giết hại 1,833 người, thiệt hại $108 tỉ. Bão Hurricane Andrew năm 1992 phủ trùm từ nam Florida sang đến Louisiana khiến 65 người thiệt mạng, thiệt hại $26.5 tỉ…
Thánh đường sau khi cơn bão đi qua.
Ngay sau khi bão Typhoon Haiyan rời bầu trời Philippines, nhiều nước đã xúm vào cứu trợ nạn nhân thiên tai. Nhật Bổn (Japan) và Úc Châu (Australia) góp ngay mỗi nước $10 triệu. Anh Quốc (UK) hứa viện trợ $16 triệu và cung cấp vật liệu xây dựng dã chiến, lều trại trị giá $960,000, cũng như gởi chuyên viên y tế tình nguyện. Tuy nhiên, nỗ lực lớn nhất thuộc về Hoa Kỳ, đã mau lẹ gởi liền hơn 50 tấn thực phẩm, nước ngọt và thuốc men. Hoa Kỳ cũng tài trợ khẩn cấp $20 triệu. Hàng Không Mẫu Hạm U.S.S. George Washington lập tức kéo sang neo đậu bên ngoài bờ biển Philippines, cung cấp hơn 80 phi cơ, trực thăng giúp cứu trợ, chưa kể có thể mỗi ngày sản xuất 400,000 gallon (chừng 1.5 triệu lít) nước ngọt. Đã có ít nhất 250 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tức tốc được vận tải cơ C-130 không vận sang giúp Philippines. Hoa Kỳ ở cách xa Phi hằng chục ngàn cây số mà vẫn ra tay nghĩa hiệp một cách mau lẹ, rộng rãi. Trong khi đó, Trung cộng nằm kề sát bên Philippines, nhưng chỉ mới hứa hẹn tặng $100,000 qua ngã Hội Hồng Thập Tự.
Hiện tại, nhu cầu cứu trợ rất nhiều. Hoa Kỳ đã tiên đoán đây sẽ là một chiến dịch cứu trợ nhân đạo khổng lồ. Hồng Thập Tự Hoa Kỳ (American Red Cross) vừa mở một dịch vụ truy tìm thân nhân bên cạnh các nỗ lực yểm trợ khác. Các thân nhân của nạn nhân hiện đang sanh sống ở ngoại quốc có thể liên lạc các cơ sở Hồng Thập Tự địa phương để nhờ giúp truy tìm. Những mạnh thường quân muốn ủng hộ nạn nhân bão Typhoon Haiyan cũng có thể gởi ngân phiếu về American Red Cross, nhớ ghi thêm dòng chữ “Philippines Typhoons and Flood” chỗ “memo”. Cũng có thể quyên góp thẳng Hồng Thập Tự Philippines tại địa chỉ trang web redcross.org.ph
Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đồn trú tại căn cứ Nhật Bổn xếp hàng lên phi cơ sang tiếp cứu Philippines.
Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (Doctors without Borders hoặc Médecins Sans Frontières) đã tập hợp nhiều nhóm bác sĩ, y tá, tâm lý gia, chuyên viên về nước dùng và việc tẩy trùng, cùng tháp tùng 9 chuyến chuyên cơ chở nước ngọt và thuốc men trực chỉ Philippines. Đại diện “World Vision” hứa cung cấp thực phẩm, nước uống cho 1.2 triệu nạn nhân trong trại tị nạn, đang kêu gọi quyên góp tài chánh tại trang worldvision.org. Nhà từ thiện “Salvation Army” cũng nhận đóng góp nhỏ mỗi người $10, người hiến tặng chỉ cần gởi tin nhắn “TYPHOON” đến số 80888.
Không ít các công ty hãng xưởng tư nhân lớn cũng có sáng kiến trợ giúp riêng. Hãng Apple tạo liền một chương trình cho khách hàng sử dụng iTunes Store đóng góp, 100% số tiền được tự động chuyển giao cho American Red Cross. Hãng Google thiết lập một dịch vụ giúp tìm người mất tích. Các hãng điện thoại AT&T và Verizon cũng ưu đãi các khách hàng đang tìm cách liên lạc với gia đình và người thân kẹt trong vùng bão tố được gởi tin nhắn và gọi điện thoại miễn phí. Những cử chỉ nghĩa hiệp này có thể góp tay giúp công việc cứu trợ thêm hữu hiệu, và phần nào xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân thiên tai tại Philippines vừa qua.
TD