Menu Close

Ơn Sâu Nghĩa Nặng

Trong nhiều năm, tôi đã nghĩ và tin những tháng cuối năm bắt đầu từ Tháng 9, Tháng 10, Tháng 11… là những tháng có nhiều ngày lễ nhất, và những ngày lễ trong năm đều đổ dồn vào những tháng cuối năm này, vì  mọi người bận rộn hối hả, thu xếp công việc, đi đâu tôi cũng nghe tổ chức tiệc tùng vì được nghỉ lễ… nào là Halloween, rồi Veterans, rồi Thanksgiving,  rồi Giáng Sinh và sau cùng hạnh phúc sẽ bùng lên như pháo bông trong ngày đầu năm mới.

Thực sự, vì bản tính hay lo…con bò trắng răng, nên tôi có cảm giác đó thôi, chứ từ Tháng 1 đến Tháng 12, tháng nào cũng có một hay hai ngày lễ, chúng không bị dồn vào những tháng cuối năm như tôi tưởng. Và kỳ lạ thay, những ngày lễ lịch sử được phân bố thật đồng đều cho suốt năm.

Những tháng cuối năm như những cánh cửa cuối cùng của một năm sẽ đóng lại, mọi chuyện trong năm, xong hay không xong, vui hay buồn, thích hay không thích, tất cả sẽ bị giữ lại, không thể thoát sang năm mới. Do vậy, mọi việc đều cần được chấm dứt vào cuối năm.

o O o

Có lẽ đến gần 10 năm chúng tôi chưa gặp lại, kể từ lần gặp cuối cùng trong một buổi hát nhạc tiền chiến cho nhau nghe. Thật ngạc nhiên và vui mừng khi cả hai đều nhận ra nhau trong sân nhà thờ, khi đến đọc kinh cho một người bạn vừa mất.

Tôi gọi:

– Nè, bà Nhung nhớ tui không?

Nhung quay lại, ánh mắt hơi ngỡ ngàng rồi reo lên:

– Trời ơi, bà Hương, quỷ nè, đi đâu vậy? nhớ bà muốn chết. Tui hỏi mấy người quen, không ai biết bà đi đâu hết trơn.

Nhung vẫn vậy, ào ào và đa cảm. Tôi hơi xúc động:

– Cảm ơn bà, thì đi làm xa chứ đi đâu! Còn bà thì sao, vẫn thường chứ hả? Tui thấy bà vẫn vậy coi mòi trẻ ra.

Nhung đánh vào tay tôi, liếc xéo:

– Cái tật khen xạo cũng không bỏ!

Tôi cãi lấy lệ:

– Chứ còn gì nữa! Xạo hồi nào? Trẻ ra thấy rõ, da căng mịn, tóc đen thui, không một sợi bạc, cách nay 10 năm, tóc bà đã lấm tấm muối tiêu.

Tôi tưởng Nhung thú nhận tóc mới nhuộm, nhưng không, Nhung tròn mắt:

– Vậy hả, nói thiệt với bà,  tui đang uống sữa ong chúa loại thượng thặng, $65 một chai 120 viên, ngày uống 2 viên, tui uống hai năm nay rồi. Tui thấy khoẻ. Mà bà thấy tóc tui đen thui hả?

Đến phiên tôi ngạc nhiên:

– Chứ sao, ta khen thiệt chớ ai khen bậy làm chi. Nhưng tóc không nhuộm thiệt đó hả?

Lần này mắt Nhung mở to hơn, hai tay bắt đầu vung lên:

– Bà không tin hả, tóc đen thiệt, bà nhìn đi. Với bà tui mới nói, chứ thiệt tình tui không dám nhìn kỹ. Nhiều người tưởng tui nhuộm tóc. Nhưng không sao, miễn mình biết mình là được.

Tôi nói:

– O.K tui tin bà, tui cần thuốc đó.

– Rồi, để tui mua cho bà. Nhưng qua sang năm đi, bây giờ gần cuối năm, người ta tính sổ sách, không buôn bán gì hết.

Tôi ngạc nhiên:

– Buôn bán làm ăn mà coi thường khách hàng há?

– Ờ, cái luật của người ta, mình đừng cãi. Tui sẽ mua cho bà, nhưng tui đưa cho bà một chai uống thử, hễ hạp hãy mua. Bây giờ bà về nhà tui hàn huyên đã, lâu quá rồi.

Tôi khất:

– Bây giờ thì không được, tuần tới đi. Tui mới về được mấy bữa, chưa thu xếp xong công việc, đã nghe tin ông Hải mất, chạy vội tới đây, ai dè gặp được bà.

– Bà biết lý do ổng đi không?

– Tại sao?

– Bị heart attack!

– Ổng bị tim hồi nào, tui nhớ ổng có sức khoẻ viên mãn nhất trong bọn mà!

– Cũng tại ổng lo đủ thứ chuyện. Hồi đầu năm, ổng được tin ông bạn cùng đơn vị với ổng bị thất lạc hồi 75, vẫn còn sống ở Việt Nam. Ổng mừng quá, mua vé về thăm. Hai tuần sau ổng trở qua, nói anh em cùng đơn vị với ổng còn ở lại đông lắm, người nào cũng đói rách. Ông cũng gặp được gia đình người đồng đội đã lấy thân chịu nguyên trái B 40 cứu ông thoát chết. Mẹ người đồng đội đó 80 rồi, bị bịnh mà không có tiền nằm bệnh viện.

Từ đó ổng lo làm thêm job overtime kiếm thêm tiền gởi về giúp anh em đồng đội và gia đình người ơn. Ổng làm riết tới cách đây mấy tháng, ổng bị xỉu, phải đi cấp cứu, bác sĩ nói ổng bị tim nặng lắm, phải bớt làm việc, bớt lo nghĩ. Nhưng ổng đâu có nghe, ổng nói anh em trong nước cực khổ, ông ở đây mấy chục năm sướng đủ rồi, bây giờ ổng phải lo cho anh em. Còn  mẹ người đồng đội đã hy sinh cứu ổng nữa, bây giờ ổng coi như mẹ ổng vậy, nên ổng còn lo dữ.
Mới mấy tuần trước, bạn bè tới thăm, ông kể:

“Từ hồi qua đây, đi làm để tạo dựng lại cuộc sống, không nói được tiếng Anh, phải làm ca đêm, mất việc dài dài, mình thấy cực khổ trăm bề. Nhưng có về Việt Nam gặp mấy thằng bạn đời sống khổ xuống tới đất đen, cả gia đình ở trong cái chòi. Cái chòi vá víu bằng mấy miếng tôn, vợ chồng con cái chui ra chui vô đụt nắng che mưa. Tụi nó già lọm khọm, nhìn thấy không cầm được nước mắt. Khi đó mới thấy cuộc sống của mình ở đây quá sung sướng. Tui có ghé thăm một thằng bạn bị thương cụt hai cái giò, thấy tui, nó khóc hu hu, lết tới. Theo phản xạ, tui chạy tới bồng nó lên, tụi tui khóc như con nít. Tui nói tui sẽ lo cho nó, nó gật đầu. Hồi xưa trong đơn vị, nó là thằng ương ngạnh không bao giờ nhờ vả ai. Còn một thằng nữa có đứa con trai duy nhứt, học rất giỏi, nhưng không vô được đại học. Tui hứa tui sẽ bảo lãnh nó qua bên này, tui đang làm giấy tờ, tui ráng để dành một số tiền lo cho nó. Còn bà già thằng Nguyên, tui phải lo như bà già tui vậy. Không hiểu sao mấy chục năm nay không tìm được ai, khi không hồi đầu năm tới giờ, tìm được tất cả mọi người vui thì có vui, nhưng bây giờ bị bịnh ngang xương, không biết mình làm được tới đâu.

Tui tính bảo lãnh thằng nhỏ xong, giao nó cho chú em, rồi về Việt Nam chăm sóc bà già thằng Nguyên; giúp mấy thằng mở chung một cái quán gì đó để làm ăn sinh sống. Bây giờ chưa làm được gì, tui lo quá!”

Nghe ổng nói như vậy, cả bọn khuyên ổng nếu muốn tiếp tục cái mission đó, thì phải ráng tĩnh duỡng, chứ bịnh mà làm theo kiểu người không bịnh thì chết sớm.

Cách nay một tuần, ổng vô cấp cứu nữa, bác sĩ nói nếu ổng không ngừng làm việc, không chấm dứt mọi lo lắng suy nghĩ, thì ổng sẽ bị nguy hiểm. Bữa đó có ông Hưng đứng đó, nói với ổng là nếu ổng chịu nghỉ công việc, ông Hưng hứa sẽ thay thế ổng để lo cho đồng đội của ổng ở Việt Nam. Mọi người tưởng ổng sẽ o.k, ai dè…

Đêm xuống, mọi người đã về hết, sân nhà thờ vắng tanh, tôi với Nhung chia tay hẹn gặp nhau trong tang lễ của Hải.

o O o

Trên đường về, tôi miên man nghĩ đến những ân tình ràng buộc con người. Khi nhận ơn, sao nó dễ dàng và đơn giản. Đôi lúc mình còn hình dung được hình thù cái ơn, kích thước cái ơn, và nhiều phần mình nghĩ cái ơn nhỏ xíu. ( Ngay cả ơn cứu mạng, vì nó thường xảy ra trong tích tắc, lúc mình đang thất thần, hoặc nó không hiển hiện trước mắt, nên không cảm nhận được sự to tát vô cùng mình vừa được nhận.)  Vậy mà khi trả ơn, không biết thế nào là đủ, là xong.

Tôi nghĩ đến Hải, người bạn cùng khoá SPCN ở đại học Khoa Học Sàigòn trước năm 75. Hải ở trong nhóm thực tập Vật lý với tôi. Hải bị rớt ngay năm đầu tiên, sau đó nhập ngũ, nghe nói ra đơn vị ở vùng I. Tôi không có tin tức gì của Hải cho đến sau này gặp Hải và một số bạn cũ ở Úc.

Hải không lập gia đình, chẳng ai biết rõ câu chuyện, chỉ nghe phong thanh là người yêu của Hải mất tích trên đường vượt biển, nên Hải ở vậy, không lấy ai. Nhưng vừa giờ, Nhung lại nói Hải có vợ rồi, hai vợ chồng đi vượt biên, vợ Hải bị hải tặc. Khi đến trại tỵ nạn Thái Lan, cô ấy tự tử vì biết mình mang thai.

Không ai có thể tưởng tượng được một người bị những cơ cực đau thương vùi dập như thế mà vẫn cố sống, cố giữ một cuộc sống hiền lành gương mẫu với trái tim vị tha bác ái.

Tôi tin đã có điều huyền bí nào đó lần lượt vội vã hiện ra, đem Hải về với đồng đội, với ân nhân, giúp Hải trả một phần nào món nợ ân tình, ơn cứu tử trước khi ra đi.

Tôi nghĩ đến Hưng, người bạn mới quen trong nhóm. Từ nay, Hưng sẽ tiếp tục thay Hải trả ơn.

Nghĩa tình thì nặng, nhưng nếu được mọi người nâng niu, quý trọng, và dàn trải qua nhau như dải lụa dài, mềm mại nhẹ nhàng, sẽ giúp giữ nhân cách cho nhiều người.

Đêm đã thật khuya, đường vắng tanh, sương xuống từng cụm lơ lửng trước đầu xe. Tôi nghe mình đang đọc kinh cho Hải. Hình như Hải có linh cảm phải cố làm xong việc, vì cánh cửa cuối cùng của đời sống đang từ từ đóng lại, nhưng chưa hết năm, cửa đã đóng.

Tôi cầu xin Hải đi cho nhẹ.

PDH – 11/13