Menu Close

Quần áo cũ cho người nghèo qua mùa đông

Làm sao cho những người nghèo có được quần ấo ấm trong mùa đông. Ý tưởng đến với Anshu Gupta từ năm 1992 sau khi cô bé sáu tuổi anh gặp ở New Delhi nói với anh rằng bé phải ôm xác chết qua đêm cho khỏi lạnh. Cha của cô bé là Habbib và người mẹ mù Anina Begum là công nhân nhặt xác của thành phố. Về mùa đông họ có thể nhặt được từ 10 đến 12 xác chết mỗi ngày trong phạm vi hai dặm, cao gấp ba lần so với mùa hè. Mỗi xác chết nhặt được như vậy đem về cho Habbib 20 rupees (tương đương với 38 cents).

Sự cùng khổ của gia đình này cứ ám ảnh mãi tâm trí Gupta đang là viên chức trong ngành truyền thông của Ấn Độ khiến anh và vợ là Meenakshi bỏ công việc ở đài BBC đứng ra thành lập tổ chức Goonj có nghĩa là Echo (tiếng dội) vào năm 2003 hoạt động quyên góp quần áo cũ cho người nghèo qua mùa đông. Tổ chức đặt trụ sở ngay trong ngôi nhà của đôi vợ chồng ở New Delhi..

“Quần áo cũng là một nhu cầu thiết yếu tương tự nhu cầu thực phẩm, chỗ ở. Nhưng chẳng ai, thậm chí các tổ chức hỗ trợ nhân đạo, nói về vấn đề này trừ khi xảy ra thảm họa. Nếu động đất và lũ lụt cướp đi sinh mạng nhiều người thì mùa đông cũng được coi là một thảm họa” – anh Gupta từng phát biểu.

Từ một nhóm lúc đầu chỉ quyên tặng được 67 chiếc quần áo, phần lớn là từ tủ áo quần của gia đình Gupta, Goonj ngày nay trở thành một tổ chức lớn thu hút vô số tình nguyện viên tham gia các công việc như thu gom, sắp xếp và phân phối quần áo cho những người cần. Khoảng 2,2 triệu tấn quần áo đã quyên góp được.

 

alt

Goonj Anshu Gupta tái chế quần áo cũ và mang đến cho người nghèo Hình ảnh của Arvind Jain

Có hai nguyên tắc làm việc khiến tổ chức của Gupta có ảnh hưởng mạnh mẽ lên xã hội: Trước tiên là việc quần áo không được phát miễn phí mà người nhận phải đổi lại làm những việc có ích cho cộng đồng như đào giếng, làm đường hay sửa chữa trường học… Theo Gupta, biện pháp này xóa tan sự ỷ lại của người nghèo vào các tổ chức từ thiện, giúp người nhận không mất mặt khi nhận quần áo. “Gupta rất quan tâm đến vấn đề phẩm giá, anh ấy trao cho cộng đồng cơ hội được làm chứ không chỉ ngửa tay xin từ thiện” – Ashutosh Kumar, một người cộng tác lâu năm với  Gupta, nói. Nguyên tắc thứ hai là đối với Gupta không có vật dụng nào bỏ đi. Goonj tận dụng mọi vật liệu thừa để tạo nên các vật dụng có ích như túi xách, thảm trải, chăn đắp hay băng vệ sinh cho phụ nữ. Gupta khẳng định chiến dịch phát băng vệ sinh làm từ vải phế liệu thật sự có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống những phụ nữ nghèo. “Nó không đơn giản chỉ là một mảnh vải. Tôi từng chứng kiến một phụ nữ thiệt mạng vì nhiễm trùng từ một cái nút gỉ sét của chiếc áo cũ mà chị ấy dùng làm băng vệ sinh.” Gupta kể lại.

Nhiệt huyết của Gupta gây ấn tượng với nhiều người. “Khi Gupta phát biểu, sự thiết tha của anh ấy khiến người nghe rơi nước mắt” – anh Kumar nói trên Christian Science Monitor. Trong khi đó giáo sư Madhukar Shukla khi nghiên cứu về chiến dịch của Gupta cho biết thành công lớn nhất của anh là góp phần thúc đẩy tinh thần tự nguyện ở Ấn Độ. Anh cũng giành được nhiều giải thưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngân hàng Thế giới… Anh cũng được chọn làm Người Anh Hùng Của Đời Thực do đài CNN-IBN chủ xướng
Chia sẻ về tương lai Goonj, Gupta nói: “Chúng tôi cần những nhà lãnh đạo dấn thân chứ không phải những lý thuyết gia.” Anh cho biết triết lý của Goonj là bảo vệ phẩm giá của người nhận hơn là vì sự hãnh diện của người cho. Cuộc đời của Gupta cũng là bài học của phẩm giá. Năm 1987 anh bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi đến phải nằm liệt giường suốt một năm. Bác sĩ nói anh sẽ không đi lại được nữa. Khi cơ hội tới để được giải phẫu thì cha anh từ chối hối lộ cho bác sĩ để được mổ. Cuối cùng Gupta tự phấn đấu để đi được mà không cần nạng.

GOONJ hiện được điều hành bởi 5 người trong ban lãnh đạo với 150 nhân viên làm việc toàn thì giờ. Tổ chức có 9 văn phòng  trong 21 bang của Ấn Độ và một mạng lưới những người tình nguyện ở khắp nơi. Tổ chức cũng nhận được sự hỗ trợ của những cơ quan, hội đoàn phi chính phủ và được sự yêu mến của nhiều người.

DH & BH – Tổng hợp