Menu Close

Constitute hay Transtitute?

Tôn giáo đem đến cho con người lòng nhân ái. Nhưng chính con người cũng đem lòng nhân ái vào tôn giáo. Nói khác đi, một tín đồ đầy lòng nhân ái thì hành đạo với sự bao dung, thương người. Một tín đồ chỉ biết tôn thờ giáo chủ của mình mà không thương người khác thì cách hành đạo sẽ thiếu mất tình người. Nếu phân tích, so sánh cặn kẽ có khi lại trở nên thiếu tế nhị đối với nền tảng giáo lý của một số tôn giáo. Để có được một cái nhìn bao quát nhưng rõ ràng về hai lối hành đạo này, không gì… tế nhị hơn là xem lại hai hình ảnh, hai cuộc đời ở hai đất nước khá gần gũi nhau về địa lý: bà Evie ở Nam Dương và cô Suanyot ở Thái Lan.

Bà Evie từng được biết đến là vú em của Tổng Thống Obama thuở mẹ của ông còn sống ở Nam Dương. Bà Evie sinh ra trong hình hài nam giới ở một xã hội Hồi giáo. Tại đây, nhiều tín đồ xem những người như bà, nếu sống thật với con người của mình, là tội lỗi. Họ thường hành hung những người như bà. Chính bà đã nhiều lần bị đánh đập, cạo đầu ngoài đường. Thậm chí ngay cả cha của bà, thuở nhỏ,  cũng đánh khi thấy bà… õng ẹo. Cuộc đời bà trở nên tệ hại hơn sau khi gia đình ông Obama về lại Mỹ. Khi đó bà không kiếm được việc làm nào để kiếm sống. Không ai muốn thuê nhận những người như bà. Bà phải đi làm… điếm để sống. Về già, bà phải đi lượm áo quần cũ về giặt ủi để bán mà sống qua ngày. Đấy chính là hình ảnh người ta thấy được hồi năm ngoái khi một số báo chí địa phương làm phóng sự về bà với tư cách là một cựu vú em của một đương kim Tổng Thống Mỹ. Câu trả lời cuối cùng của bà cho phóng viên là bà chỉ mong được… chết. Bà không có chút gì hạnh phúc trong cuộc đời này! Trong khi đó, bên Thái Lan, cuộc đời cô Suanyot lại trái ngược.

 

alt

Bà Evie – nguồn news.detik.com

Cô cũng ra đời trong nghèo khổ và thiếu sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác. Tuy nhiên, xã hội đã tạo điều kiện cho cô phấn đấu để mưu cầu hạnh phúc. Cô lấy bằng cử nhân khoa học năm 21 tuổi (năm 2004). Sau đó cô lấy thêm bằng cao học về chính trị học và bằng tiến sĩ xã hội học. Hồi năm ngoái, cô trúng cử chức dân biểu ở tỉnh Nan thuộc phía bắc Thái Lan. Trước đó, cô sống bằng nghề người mẫu cho nhiều hãng thời trang. Điều đặc biệt là cô ra tranh cử với tư cách độc lập, không thuộc đảng phái nào cả. Đối thủ của cô là hai nam chính trị gia thuộc các đảng phái khác. Nếu Suanyot ở Nam Dương, hoặc bất cứ xã hội nào tương tự như thế, có lẽ cô cũng chỉ là bản sao của bà Evie.

 

alt

Cô Suanyot(X) trong một cuộc vận động tranh cử – nguồn newstarnet.com

Dĩ nhiên, số phận của những người như bà Evie và cô Suanyot không phải do tính nhân ái của một hay nhiều tín đồ tôn giáo nào cả. Cuộc đời của họ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi tính chất xã hội mà họ đang sống. Nếu một xã hội tôn trọng sự khác biệt giữa cá nhân hoặc tổ chức thì người dân dễ dàng mưu cầu hạnh phúc cho chính mình hơn. Nếu sự khác biệt ấy không được tôn trọng hoặc bị triệt tiêu thì sự tự do mưu cầu hạnh phúc của người dân sẽ giảm theo hoặc mất đi. Vì thế, để bảo vệ sự khác biệt này, các xã hội pháp trị đều có bản hiến pháp loại trừ mọi hình thức độc tài.

Nếu một giáo phái hoặc đảng phái luôn hô hào phục vụ người dân nhưng đồng thời tìm mọi cách để chiếm lấy hoặc duy trì vị thế độc tôn của mình thì bản chất của họ không khác gì sự thiếu hài hòa giữa tâm hồn và thể xác như bà Evie và cô Suanyot. Một chế độ của dân mà lại mang giáo tính hoặc đảng tính cũng cần phải “giải phẫu chuyển giới” thì người dân mới thực sự có tự do để mưu cầu hạnh phúc. Một bản hiến pháp mang đảng tính hoặc giáo tính, nói theo tiếng Anh, thì hết còn vai trò constitute mà chỉ là transtitute mà thôi.

HNH – chuyenkhongdau@gmail.com