Về quê
Cưới nhau ít tháng, chúng tôi về quê. Tuy tôi đi cấp cứu hai lần ngay trước đó, khiến chúng tôi phải hoãn chuyến bay và đóng tiền phạt, nhưng vừa xuất viện là tôi lên máy bay. Tôi vẫn còn thấy mệt, nhưng tin là mình sẽ đi nổi. Chúng tôi bắt buộc phải đi, vì sợ nếu anh đổi về Quận Cam mà chưa có việc chính thức, thì sẽ không có visa để xuất ngoại.
Tôi đưa anh về Việt Nam thăm Ông tôi bị tai biến mạch máu não và nằm liệt giường hơn ba năm. Tôi ngổn ngang nhiều nỗi. Mới ngày nào thơ bé, tôi ngưỡng mộ khí khái và kiến thức của Ông. Mà nay Ông không còn cử động và nói năng được nữa. Khi mới qua Mỹ, tôi thường nằm mơ thấy Ông Bà tôi qua đời. Đó là nỗi lòng của một đứa cháu xa nhà, lo sợ rằng thời gian và vòng quay của đời người sẽ bất cứ lúc nào cướp đi những người thân yêu của mình. Rồi khi nghe tin Ông nằm liệt giường, tôi đau lòng khôn tả. Tuy sinh lão bệnh tử là chuyện hiển nhiên, nhưng tình cảm con người không phải lúc nào cũng chịu nhượng lý trí. Tôi xót xa, nghĩ đến cái bức bối của Ông, một người năng động và đam mê võ thuật, nay phải nằm trên giường ngày này qua ngày kia, để thời gian chảy qua óc qua tim, toàn thân bất động. Ông vẫn rất minh mẫn và thường bảo Dì tôi lấy giấy viết để Ông ghi xuống những gì Ông muốn nói. Khi gặp chồng tôi, Ông cười rất vui. Anh chào Ông:
– Thưa Ông Ngoại!
Ông nhẹ nhích tay để chào anh. Mấy ngày chúng tôi về thăm quê, anh quanh quẩn bên giường với Ông, tập học tiếng Việt, tập nói tiếng Việt cho Ông nghe. Anh đi quét sân, cũng tập nói “Con mới quét sân,” rồi vào nói với Ông. “Con đi ngủ,” “Con đi ăn cơm,” “Con đi chợ,” anh nói với Ông tất cả. Những câu nói đơn sơ theo–công–thức ấy giúp cho chồng tôi gần gũi với Ông. Có những lúc, tôi nhờ anh ngồi với Ông, để tôi đi phụ việc bếp núc. Khi tôi giúp giặt giũ quần áo, anh cũng xắn tay vào, vò quần áo, xả mấy nước, vắt cho khô, rồi phụ tôi phơi trên sào. Có lẽ đó là lần đầu tiên anh giặt quần áo bằng tay, và phơi trên sào kẽm. Anh không nề hà phụ một tay trong bất cứ việc gì. Cám ơn anh.
Có nhiều hôm, mới sáng tinh mơ, gà vừa gáy, anh đã tất tả xách máy ảnh đi chụp cảnh ruộng đồng trong sương mai. Tôi thức dậy, Dì tìm anh, tôi biết ngay anh đang làm gì. Dì nấu cho anh những món ăn dân dã. Anh ăn ít, Dì cứ phàn nàn là tôi không chịu ép anh ăn. Anh mê uống dừa tươi. Dì nhờ người mua cả một quày dừa dứa từ Bến Tre đem về cho anh uống. Tôi kêu ca, nói là cháu rể thì được quý hơn là cháu gái. Tôi cám ơn Dì và anh đã trao cho nhau tình gia đình. Anh bắt chước tôi, đôi khi gọi Dì bằng tên và xưng anh (giống như tôi xưng chị với Dì), làm Dì cười giòn tươi.
Ngày chia tay, Dì tiễn chúng tôi ra đầu ngõ, chỗ có bờ đê để xe bốn bánh chạy vào. Con kênh nước lợ đã được mở ra, sóng sánh bầu trời cao rộng. Dì nói với anh:
– Chừng nào hai đứa có con, Dì sẽ qua phụ ẵm em cho!
Anh bắt Dì ngoéo tay. Tôi chạy tuột lên xe, “Thưa Dì con đi!” một cách vội vã. Tôi không dám đối diện cái giây phút chia lìa. Anh hôn lên trán Dì. Xe lăn bánh. Lòng người ở lại có lẽ ngàn cân, trũng xuống như bãi lầy trên những cánh đồng chưa kịp sạ. Chắc Dì khóc cả đêm nay. Cuộc hội ngộ nào cũng có cái đớn đau của nó. Trên đường ra phi trường, anh hỏi tôi:
– Chừng nào mình về thăm nhà nữa hả Cưng?
Tôi ứa nước mắt. Sao mà chưa chi anh đã mọc rễ rồi? Chưa về đến Hoa Kỳ, anh quả quyết:
– Mỗi năm mình về Việt Nam thăm nhà nghe Cưng!
– Rồi như để cho đề nghị của mình ‘thêm trọng lượng,’ anh nói:
– Mình phải đưa các con về thăm quê nữa, phải hôn Cưng?
Đấy, lại dụ dỗ tôi nữa rồi. Nhà ở Việt Nam, đối với anh, là những người thân quen mà tuy anh mới gặp lần đầu, đã bao dung một tình gia đình. Quê của anh ở Việt Nam, là những ký ức còn sót lại mà tôi kể cho anh nghe, là những vần thơ tôi ghi lại những suy tư và cảm nhận trong chuyến về thăm nhà đầu tiên, là kinh nghiệm ở một nơi mà hình hài và cảnh vật chỉ còn tồn tại trong tâm khảm tôi vì những đổi thay dâu bể sau ngày tôi rời xa. Và trong lần đầu hạnh ngộ với ‘nhà’ với ‘quê’ ấy, anh đùa nghịch với mọi người với cái vốn liếng tiếng Việt giới hạn của mình, nhưng anh không để cho tình cảm mình bị giới hạn. Anh chan hòa với mọi người, mang đến nụ cười trên những khuôn mặt mà trong đời sống tha hương, đối với tôi đã nhạt nhòa nhân ảnh. Buổi chiều ngày thứ hai khi chúng tôi về quê, anh nói với Ông:
– Con là người Gò Công!
Tôi giải thích cho Ông biết, là anh hay hỏi tôi về đời sống ở quê tôi, về mười chín năm tôi lao đao sống ở quê nhà. Anh nghe xong, tự ‘nhập cuộc’ bằng cách cho mình xuất hiện trong quá khứ của tôi:
– Cưng nè, hồi đó ở Việt Nam, mình hay ăn cơm với canh rau, ngon quá hả Cưng!
Trong những lần ăn cơm với bạn bè, anh cũng ‘kể chuyện ngày xưa ở Việt Nam,’ làm bạn bè tôi cười nắc nẻ:
– Chồng của bồ còn có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam hơn mình nữa ta ơi!
Bị con nít dụ
Anh lắm tài, nhưng có lẽ cái tài lớn nhất là làm tôi xiêu lòng bằng những câu nói chân chất. Tôi ức mình ‘bị con nít dụ,’ vì anh nhỏ hơn tôi hai tuổi. Nhưng anh thì lại có một lý luận rất khác. Anh nói:
– Cưng có nhiều chọn lựa. Anh chỉ là một trong những cây si theo Cưng thôi. Anh không có chọn lựa. Người có toàn quyền chọn lựa là Cưng đó. Cưng chọn cưới anh. Nếu không, đời anh làm sao có hạnh phúc?
Tôi nghe mà ấm ức. Rõ ràng là anh gí tôi không có đường chạy, không hiểu bằng cách nào mà anh vận động cả gia đình và họ hàng của anh để chinh phục tôi. Anh gọi đó là định mệnh. Anh kiên trinh muốn cưới tôi ngay từ lần đầu thấy tôi. Khi nghe anh thổ lộ, tôi phát điên:
– Sao Cưng khùng vậy? Mới thấy một người thì đã muốn cưới! Phải tìm hiểu người ta trước đã!
Lần đầu chúng tôi gặp nhau, là khi tôi vào phòng computer của trường để viết bài. Lúc đó, tôi mới dọn đến Stanford. Tôi quên không mang theo viết, nên nửa chừng, tôi phải đi quanh phòng tìm viết để ghi chú một vài điều cần thiết. Anh là người duy nhất trong phòng lúc đó. Tôi hỏi cầu may:
– Anh có thể cho tôi mượn cây viết không?
– Xin lỗi. Tôi không có viết ở đây.
– Dù sao thì cũng cám ơn anh.
Tôi quay đi. Anh gọi với theo:
– Cô ơi! Cô có cây viết trong tóc kìa!
Lúc ấy, tôi mới nhớ ra mình búi tóc với cây viết bi. Tôi đang viết bài thì anh đến gần:
– Cô có thể cho tôi xin địa chỉ email được không?
Đang tập trung viết, tôi không suy nghĩ nhiều về yêu cầu của anh. Tôi viết địa chỉ điện thư của mình cho anh. Chiều hôm đó, tôi nhận được thư anh.
“Mời cô ghé chơi lúc nào cô thích uống trà thảo mộc và thưởng thức sôcôla Thụy Sĩ.”
Tôi ngâm giấm điện thư của anh, bận bịu với công việc học. Cả mấy tuần sau, áy náy thấy mình hơi mất lịch sự, không trả lời thư, tôi viết:
“Cám ơn anh đã mời. Tôi xin lỗi đã chậm trả lời thư. Lúc nào tiện, tôi xin phép ghé chơi. Trà thảo mộc nghe rất thi vị, và sôcôla Thụy Sĩ quả là một sự quyến rũ khó cưỡng lại được.”
Anh biết tôi mới vào ca đoàn, nên bắt đầu gửi những email liên quan cho tôi. Tôi chú tâm vào việc học, bẵng một thời gian thật lâu sau, tôi mới thực hiện lời hứa. Một buổi chiều, khi việc học đã bớt căng thẳng, tôi ghé thăm anh. Chúng tôi nói chuyện không dứt. Chuyện toán học. Chuyện âm nhạc. Chuyện văn hóa. Thơ ca. Cuộc sống. Anh mời tôi ăn súp. Mải nói chuyện, tôi để cho súp bị nguội, anh đã xin hâm nóng lại cho tôi đến ba lần. Sau này, khi yêu nhau, anh vẫn chọc tôi là ngay từ lần gặp đầu tiên đã ‘thử thách’ sự kiên nhẫn của anh, để cho anh phải hâm súp cho tôi đến ba lần. Lại kết án tôi! Đó là thói quen của anh. Suốt ngày anh cứ hỏi:
– Có phải Cưng cố tình đáng yêu để làm cho anh phải lòng Cưng không?
Tôi khẳng khái:
– Không bao giờ! Cưng tự làm Cưng phải lòng em, sao lại đổ thừa ngang vậy?
– Cưng cố tình búi tóc cao bữa đó, rồi đi mượn viết, làm cho anh… mê cái cổ của Cưng đó, không phải sao?
Tôi ức không nói được. Trẻ con quá đi thôi. Không biết các chị em phụ nữ khác ‘bị con nít dụ’ thì có hay ức như tôi không. Mà con nít ấy còn là người dưng khác họ nữa chứ. Nhưng hôn nhân dị chủng, hay bất cứ một hôn nhân nào, không là một chuyến du thuyền vô ưu. Có nhiều lúc, tôi thèm được nghe chồng nói tiếng Việt ‘không–ngọng’ với mình, mong anh hiểu những tư duy và ẩn dụ rất Việt, muốn anh tự nấu cho tôi một tô canh chua mà không bắt tôi phải đứng giải thích hai tiếng đồng hồ, muốn anh thấu được những lo âu hay ưu tư mà tôi có vì lối sống và suy nghĩ Việt Nam. Rồi những lúc về thăm nhà, ai nấy phải nói tiếng Anh với chồng tôi, tôi cũng thấy ngại. Anh cố lắm, thì nói được vài câu ‘theo công thức,’ rồi… cười hều hoặc dạ bừa với Ba Mẹ tôi. Cái tiếng “Dạ!” của anh nghe rất chân thành và lễ phép, nhưng đôi khi cũng rất nguy hiểm. May mà Ba Mẹ tôi chưa bao giờ hỏi đố câu nào quá độc địa, nếu không thì cả nhà tôi sẽ cười đứt ruột vì anh sẽ sẵn sàng “Dạ!” không cần suy nghĩ.

“Con nít” và một người bạn đi chợ Gò Công