Những ngày cắp sách đến trường là quãng đời sung sướng nhất. Tất cả những điều tốt đẹp xảy ra trong trong thời gian ấy, ở một lớp học nào đó, còn mãi tới sau này, qua bao thăng trầm của cuộc sống, và có thể tới tận bên nắp quan tài.
Tranh: Bảo Huân
Cu cậu ở trong lớp ba do tôi phụ trách ở trường Saint Mary vùng Morris thuộc tiểu bang Minnesota. Tôi xem tất cả 34 học sinh đều thân yêu, nhưng Mark Eklund lại thuộc mẫu người khác. Sạch sẽ tươm tất, hắn làm những điều thậm chí vô trật tự cũng khiến người ta mỉm cười bỏ qua.
Mark nói chuyện luôn mồm. Tôi cố gắng nhắc đi nhắc lại với Mark là nói chuyện mà không được phép là điều không thể chấp nhận được. Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là mỗi lần bị tôi nhắc nhở như thế thì Mark đều thành thật nhận lỗi và nói: “Cám ơn cô đã sửa lỗi cho em”.
Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên nhưng chẳng bao lâu bắt đầu quen với câu của Mark nói nhiều lần mỗi ngày.
Một buổi sáng tôi hết còn kiên nhẫn nỗi khi Mark cứ mãi phạm lỗi. Và tôi đã làm một việc xét ra hơi thiếu suy nghĩ. Nhìn thẳng vào Mark, tôi nói: “Nếu em cứ tiếp tục nói chuyện cô sẽ lấy băng keo dán miệng em lại.”
Chưa tới mười giây sau đã nghe Chuck kêu lên: “Cô ơi, Mark lại nói chuyện nữa kìa!”. Thật ra tôi không yêu cầu học sinh nào giúp tôi canh chừng Mark nhưng vì đã nói ra hình phạt trước cả lớp tôi buộc phải thi hành.
Tôi còn nhớ như in những gì xảy ra như mới sáng nay. Tôi đi tới bàn làm việc, mở ngăn kéo lấy ra một cuộn băng keo. Không nói một lời, tôi đi nhanh tới chỗ Mark ngồi, xé ra hai miếng và dán chéo hình chữ X trên miệng Mark. Rồi tôi lui đứng giữa lớp, nhìn Mark để xem cu cậu phản ứng ra sao thì thấy Mark nhìn tôi nháy mắt. Vậy đó. Và tôi phá lên cười. Cả lớp cùng reo hò khi tôi tới gỡ băng keo ra khỏi miệng của Mark. Lời nói đầu tiên của cu cậu là “Cám ơn cô đã sửa lỗi cho con.”
Thời gian trôi qua. Cho tới cuối một niên khóa, tôi được giao cho dạy toán ở lớp Junior high. Năm học trôi qua, và trước khi tôi hay biết thì Mark đã ở trong lớp tôi. Cậu ta trông đẹp trai hơn và cũng thật lễ phép. Cậu lắng nghe những lời giảng dạy của tôi và cũng ít nói hơn hồi lớp chín.
Một hôm vào ngày thứ Sáu, mọi chuyện xảy ra không êm ả. Cả lớp đã qua một tuần vất vả vì một định lý mới, và tôi cảm thấy học trò bắt đầu tỏ ra nóng nảy bực bội rồi đâm kèn cựa lẫn nhau. Tôi thấy cần phải chấm dứt ngay tình trạng này trước khi nó vượt ngoài tầm kiểm soát. Và tôi bảo học trò hãy chép tên hết bạn bè trong lớp ra tờ giấy, giữa hai cái tên chừa một hàng trống và ghi vào đó những điều tốt đẹp nhất về người bạn ấy.
Công việc chiếm hết phần còn lại của buổi học, nhưng khi học sinh rời lớp, mỗi người đều giao nộp cho tôi tờ giấy của mình. Chuck mỉm cười. Mark thì nói: “Con cảm ơn cô đã dạy dỗ con. Chúc cô cuối tuần nhiều niềm vui.”
Thứ Bảy ấy, tôi ngồi chép tên mỗi học sinh ra một tờ giấy riêng, và ghi ra những điều các học sinh khác nhận xét về bạn mình. Tới thứ Hai tôi trao cho mỗi học sinh tờ của người ấy. Một vài em có tới hai tờ. Chẳng bao lâu cả lớp đều vui vẻ cười nói. “Đúng vậy ư?” Tôi nghe có tiếng thì thầm. “Mình không ngờ là việc mình làm lại có ý nghĩa như thế đối với bạn mình.” “Mình đâu biết bạn bè yêu mình đến thế!”
Sau bữa ấy, không còn ai nhắc tới tờ giấy nọ nữa. Tôi không biết là các học sinh còn thảo luận với nhau sau buổi học hay với cha mẹ ở nhà không. Nhưng không sao, bài học đã xong. Các học sinh đều cảm thấy vui và hòa hợp với nhau hơn.
Nhiều năm trôi qua. Một hôm tôi đi nghỉ lễ về, cha mẹ tôi đón tôi ở sân bay. Trên xe về nhà, mẹ tôi như thường lệ hỏi thăm về chuyến đi, thời tiết và mọi thứ. Thế rồi trong câu chuyện có một khoảng lặng, mẹ tôi liếc nhìn cha và nói, “Kìa bố ”. Cha tôi hắng giọng, nói: “Đêm qua gia đình Eklunds gọi điện đến nhà mình ”
“Vậy hả, bố?” Tôi nói. “Nhiều năm nay con không được tin gì về họ. Con muốn biết giờ Mark ra sao.”
Cha lặng lẽ trả lời: “Mark đã chết ở chiến trường Việt Nam. Tang lễ sẽ cử hành vào ngày mai. Bố mẹ Mark mong con tới dự.” Cho tới ngày hôm nay tôi vẫn còn nhớ đúng cái địa điểm trên quốc lộ I-494 khi cha tôi nói với tôi về cái chết của Mark.
Trước nay tôi chưa bao giờ nhìn mặt một quân nhân trong quan tài. Mark trông thật đẹp trai và chín chắn. Tôi muốn nói với Mark, “Phải chi cô có thể nói chuyện với Mark ngay lúc này ”
Ngôi nhà thờ chật ních những bạn bè của Mark. Em gái của Chuck cất tiếng hát thánh ca. Tại sao hôm ấy trời lại mưa nhỉ? Mưa trên phần mộ của Mark. Mục sư đọc lời cầu nguyện và đội kèn chơi khúc vĩnh biệt. Từng người bạn của Mark tiến tới bên quan tài và rảy nước thánh. Tôi là người cuối cùng tiến lên. Một người lính hộ tang đến gần tôi và nói: “Cô có phải là cô giáo dạy toán của Mark không?” Tôi gật đầu và vẫn nhìn sững cỗ quan tài. Người lính nói: “Mark nói về cô nhiều lắm.”
Sau tang lễ, bạn bè theo nhau tới ngôi nhà trong trang trại của gia đình Mark dùng bữa trưa. Cha mẹ Mark đều có mặt ở đó, cố ý đợi tôi. “Chúng tôi mời cô xem cái này.” Cha của Mark nói vừa rút cái ví từ túi áo ra. “Người ta tìm thấy cái này trên người Mark khi nó chết. Chắc cô sẽ nhận ra thôi.”
Cha của Mark cẩn thận lấy từ trong ví ra hai mảnh giấy đã nhàu nát vì được đọc nhiều lần, xếp đi xếp lại. Tất nhiên tôi biết rõ đó là tờ giấy tôi đã ghi tất cả những lời chân thành tốt đẹp của bạn bè viết về Mark. “Cám ơn cô đã làm việc này.” Mẹ của Mark nói. “Như cô thấy đấy, Mark rất trân trọng cái này.”
Bạn bè của Mark bắt đầu vây quanh tôi. Chuck mỉm cười ngây thơ và nói: “Em cũng vậy, vẫn còn giữ tờ giấy như thế này trên bàn làm việc ở nhà.” Vợ của John cũng nói: “John bảo em phải cất giữ trong album đám cưới.” “Em cũng cất nó trong cuốn nhật ký của mình.” Marylin nói. Và rồi Vicky, một bạn học khác, lấy từ trong túi xách ra tờ giấy tương tự. “Em luôn mang nó theo bên mình. Em nghĩ tất cả các bạn khác đều còn giữ nó.”
Tôi ngồi xuống và lặng lẽ khóc. Tôi khóc cho Mark, cho tất cả bạn bè không bao giờ còn nhìn thấy Mark nữa.
NS
(theo Helen P. Mrosla)