Menu Close

Tơ tình vương vấn (01-10-2014)

Câu hỏi kỳ này

Chú của bạn em là một Việt Kiều ở nước ngoài về, ổng đến chơi nhà bạn thân của em và gặp em ở đó. Không hiểu sao ổng có vẻ thích em, cứ rủ em đi chơi. Em từ chối nhiều lần. Sau đó, sợ bạn em buồn, em đồng ý với điều kiện bạn em cũng đi chung. Không rõ ổng sắp xếp sao mà khi tắc xi chạy gần 20 phút rồi thì bạn em xuống xe, nói có việc gấp. Nó bảo sẽ đến sau. Lúc đó ổng quay sang bắt chuyện em và cứ cầm tay em. Ngại đôi co gây sự chú ý của tài xế em không phản ứng mạnh. Thấy vậy, ổng lấn tới, biểu em… ôm ổng, em không chịu, ổng choàng tay qua vai em như thể em là người yêu của ổng vậy.

Em không rõ bạn em có việc thật hay dàn xếp với ổng hay bị ổng gài mà bỏ em lẻ loi với ổng. Thú thật lúc đó em giận bạn em kinh khủng. Em cũng giận ông chú này vì lâu nay em đã gọi “chú” xưng “cháu” một cách rõ ràng. Hai nữa là ổng đang có người yêu ở đây, trong khi đó ổng lại hành động như vậy với em. Theo TTVV, ổng là người thế nào và khi gặp lại em nên đối xử ra sao. Có phải là em đã quá dễ dãi không?

(Phương Thị Cẩm Hà, cà mau-việt nam)

Năm nào mẹ em cũng làm mâm cỗ cúng Giao thừa. Em là “nạn nhân” của vụ cúng kiếng này, khi năm ngoái mẹ em sai em ra Super Market mua con gà với một số đồ linh tinh. Mọi thứ đủ hết, em quên con gà. Lúc về gần nhà, sực nhớ, em vào Kroger mua con gà ép trong bịch ny-lông. Mẹ em la cho một trận, bảo làm xui quẩy đầu năm. Em phải trở lại Siêu thị Việt Nam mua con gà khác, gà trống để cúng. Mẹ em còn bảo bên này không sẵn, chứ ở Việt Nam là phải cúng con gà trống tơ mới tốt.

Em nghĩ gà là gà, trống mái gì cũng… xực tuốt, khác gì đâu! Anh em thì bảo mấy ông già hồi xưa muốn nhậu cho đã, nên bày tục này tục kia, rồi phải chọn gà tơ để nhâm nhi cho dễ nhai chứ làm gì có thần thánh nào mà cúng? Có phải vậy không TTVV?

(Mai Anh Dũng, KS)

Gà cúng đúng điệu phải là gà trống, vừa biết gáy te te, vì được xem là biểu tượng cho sự khoẻ mạnh và tinh khiết. Theo quan điểm hồi xưa, gà trống biểu hiện được 5 đức tính: Văn, Võ, Nhân, Dũng, Tín.  Dựa vào tích thời Đông Chu Liệt Quốc, Mạnh Thường Quân bị kẻ thù truy sát, nhờ giả tiếng gà gáy mà đánh lừa quân lính mở cửa thành mà tẩu thoát. Còn các kẻ sĩ, từ anh học trò đến vua quan đều nhờ tiếng gà đánh thức mỗi sớm và đánh thức cả… lương tri để chăm lo việc dân việc nước. Tiếng gáy của gà biểu hiện cho chữ tín vì báo tin, báo giờ với độ chính xác cao, cỡ đồng hồ… Omega!

Ngoài ra, có tích kể rằng, ngày xửa ngày xưa, khi Ngọc Hoàng mới sáng tạo ra trời đất, lúc đó địa cầu còn lạnh lẽo, ướt nhem, bèn sai 10 ông mặt trời thay cho máy “heat” chiếu sáng để… sấy khô. Mấy ổng thì hăng hái mà Ngọc Hoàng có lẽ mải chơi.. tiến lên nên quên tuốt. Đến nỗi đất khô nứt nẻ, nắng hạn ì xèo.

Lúc đó xuất hiện một chàng dũng sĩ có tài bắn cung bách phát bách trúng. Chàng “sút” một hơi rụng 9 ông mặt trời. Còn một ông chạy trốn. Kể từ đó, mặt đất trở lại âm u, lạnh lẽo như xưa.

Con người và vạn vật “bức xúc” rủ nhau đi tìm mặt trời nhưng không thể, và cảnh lạnh lẽo băng hàn tiếp tục bao phủ khắp nơi.

Bỗng một hôm, một chú gà trống cất lên tiếng gáy. Kỳ diệu thay, sau tiếng gáy ấy, từ phía đông lạnh lẽo, một vừng hồng hé rạng và mặt trời to như chiếc mâm son e ấp xuất hiện, tỏa ánh sáng chói chang khiến mặt đất bừng lên ấm áp. Cỏ cây, hoa lá đâm chồi nảy lộc.

Từ sự tích này, người Việt, những nông gia thời xưa có tục cúng một con gà trống với hy vọng sẽ gọi mặt trời rọi sáng quanh  năm, làm mưa thuận gió hoà giúp mùa màng tươi tốt.

alt

Bảo Huân