Con nói cho mẹ nghe đi. Có chuyện gì xảy ra? Thằng Thảo nó có gì hả?
…
– Mẹ khổ quá, già rồi mà vẫn không được yên, vẫn khổ với con với cái.
Liên nhìn mẹ. Mẹ già thật, đôi mắt mệt mỏi, tiều tụy. Hai rãnh hằn sâu ở hai bên mép, như kéo khuôn mặt dài thêm ra. Hàng trăm nếp nhăn li ti chung quan đôi môi khô. Mái tóc muối tiêu, uốn quăn khô khốc, xơ xác.
Hình như cả tháng nay, nàng chỉ nghe âm thanh: Chuyện gì xảy ra? Mẹ khổ quá, nói đi con…
Liên không hiểu tại sao cha mẹ nàng lại xuống ở với vợ chồng nàng. Gia đình nàng xưa nay vẫn sống êm đềm, Liên đi làm ban ngày, Thảo làm ban đêm, nên Thảo kiêm luôn việc cơm nước và đưa đón ba đứa con đi học. Ba đứa tuy còn bé, đứa lớn nhất mới 13 tuổi, nhưng đã biết dọn dẹp nhà cửa giúp đỡ cha mẹ. Chúng khớp vào sinh hoạt của Thảo và Liên như những đinh ốc vừa nhất của một cỗ máy.
Liên nhớ nàng vừa lấy holiday hai tuần, dự định đưa các con về thăm cha mẹ vì chúng được nghỉ hè, thế mà cha mẹ nàng lại xuống đây, không báo trước.
Lại có tiếng của mẹ:
– Con ơi, nói cho mẹ nghe, mày cứ im lìm thế này, mẹ lo lắm.
Một tay mẹ vén mấy sợi tóc lòa xòa trước trán nàng, tay kia xoa xoa bờ vai. Liên bỗng giật mình nhìn mẹ, mẹ bây giờ lại thật trẻ, có những nét rất lạ, nhưng ánh mắt thật quen và ấm áp.
Liên xúc động dụi đầu vào ngực mẹ, thì thầm:
– Sao lại thế này? Sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh này? Nói đi, nói đi, có cách nào thoát ra được không?
Liên hoảng hốt cố vùng ra, khi mẹ chợt ôm chặt lấy nàng và la thất thanh:
– Mình ơi, mình ơi, con Liên nó nói rồi, nó đang nói đây này. Mình ơi…
Âm thanh cứ thế chồng lên nhau, đầy ắp trong không gian.
Có tiếng chân và bóng người vội vã từ ngoài chạy vào, Liên mở to mắt, chưa nhận ra là ai, nhưng tiếng nói của cha nàng đã òa vỡ:
– Con gái của cha. Liên ơi, cả tháng nay, có chuyện gì xảy đến cho con vậy? Nói cho bố mẹ nghe đi. Bố mẹ sẽ giúp con. Ba đứa bé cả tháng nay không được mẹ chăm sóc, tội nghiệp lắm con ạ. Còn thằng Thảo nữa, nó lo xọp cả người.
Liên cố nhớ lại…
Chiếc xe Toyota trắng len vào dãy xe đậu ngay hàng thẳng lối, máy tắt, cửa mở, gió biển có mùi muối, mùi thông, phả vào mặt mát rượi. Mùa này ít người ra biển, hơn nữa không phải là ngày lễ hay cuối tuần, nên biển càng vắng. Chiều nay, hình như không chịu nổi sự cô đơn, biển giận dữ vật vã một lúc, rồi mới êm trở lại, nhưng những đợt sóng vẫn còn cao, trườn lên nhau, xô đẩy đổ ập vào bờ.
Cát trắng sạch, không lún nhiều, chỉ vừa đủ để có dấu chân. Những đôi chân bước đều trên cát như đang đi theo nhịp quân hành…
…Trước kia, tôi là lính hải quân trong quân đội Hoàng Gia Úc Đại Lợi nên rất quen với biển, thậm chí yêu biển…Vậy hả, còn tôi thì sợ biển, sợ lắm. Hơn năm năm trước, tôi tưởng không đến được bờ trong chuyến vượt biên…Vượt biên? vượt biên là gì? tại sao lại vượt biên? …À chuyện dài dòng, nhưng tóm tắt là, không sống được dưới một chế độ chính trị khắc nghiệt, nên phải chạy trốn, tìm nơi nào dễ thở hơn để sống, người ta vượt biên giới hay chạy ra biển, lấy sinh mạng đổi lấy tự do đã mất …Tôi hiểu rồi, thuyền nhân!
khủng khiếp quá! không ngờ tự do vô giá đến như vậy, trong khi ở xứ sở của tôi, dường như chẳng ai nghĩ đến nó, thậm chí có người còn không biết đến nó, có lẽ nó là sự kiện hiển nhiên như hơi thở của con người. Bà có nghĩ thế không? Có lúc nào chúng ta nghĩ đến hơi thở của mình không? … Anh nói đúng đấy, người ta thường xem nhẹ những gì đang có, đang sở hữu, đang thụ hưởng… À, bà sợ biển vì chuyến vượt biên, nhưng trước đó có thế không? Bà có ở gần thành phố biển không?…
Trước đó, tôi ở thành phố biển, thành phố nhỏ xíu, được biển ôm khít một vòng, nên thành phố thường có mùi đại dương. Vào mùa hè, mỗi cuối tuần, chị em chúng tôi được cha mẹ cho đi tắm biển. Chúng tôi tôi thường ra biển vào xế trưa, khi nắng bắt đầu dịu, nước biển bắt đầu ấm. Lúc đó tôi khoảng 11, 12 tuổi, tóc cắt ngắn, gầy nhom, cao nhòng, các em tôi cũng vậy. Nhìn lại những hình ảnh cũ, chúng tôi ngồi trên những mỏm đá, gầy đen nhưng tinh khiết, tự tại như những nhà khất thực tí hon của một giáo phái nào đó ở Tây Tạng hay Ấn Độ.
Sau khi chạy nhảy bơi lội đùa giỡn với sóng biển, chúng tôi chạy lên bờ vừa lạnh vừa đói. Mình mẩy ướt nhẹp, lấy chiếc khăn tắm quấn quanh người, mắt chăm chăm nhìn những ổ bánh mì thịt nướng, mẹ tôi đã sắp sẵn trong giỏ thức ăn, mỗi đứa hai ổ. Chúng tôi ăn ngấu nghiến, và những ổ bánh mì đó luôn luôn là món ăn ngon nhất đời. Anh nghĩ xem, mẹ tôi nướng thịt đặc biệt lắm, bà ướp thịt với các thứ gia vị tiêu hành tỏi muối, bỏ vào nồi với tí dầu, bật lửa to cho vàng miếng thịt, rồi đậy vung, bớt lửa, để riu riu cho thịt chín. Sau đó lấy thịt ra để lên lò than, lăn qua lăn lại cho thơm thịt là xong. Nước thịt ở trong nồi dùng làm sauce rưới vào bánh mì. Cà rốt làm chua với dưa leo tươi giòn. Nói chuyện với anh bây giờ, tôi lại cảm nhận được vị ngon của ổ bánh mì thịt nướng ngày ấy.
Trong lúc chúng tôi ăn bánh mì, thì cha mẹ tôi xuống biển. Tay trong tay hai người bước chầm chậm xuống biển, nước ngập đến cổ chân, rồi đến thắt lưng… đến lúc tôi nhìn thấy chiếc áo tắm màu xanh ve chai của mẹ tôi bồng bềnh trên sóng, cũng là lúc tôi nghe tiếng cười trong vắt của mẹ lan man trong gió. Mẹ tôi đang đùa với sóng, hạnh phúc tràn ngập.
Hồi đó, tôi chờ đợi những buổi tắm biển như thế, chẳng biết tôi có yêu biển không, nhưng chắc là không sợ biển như bây giờ… Đấy là lúc còn bé, khi lớn, bà vẫn đi biển chứ, đi với bạn chẳng hạn? Có chứ, khi tôi lên trung học, chúng tôi vẫn được đi biển với cha mẹ, nhưng không thường xuyên như trước. Bù lại, tôi đi biển với các bạn. Tôi nhớ năm đệ Tứ, năm cuối của chương trình Trung học Đệ Nhất Cấp, cả lớp được cô giáo hướng dẫn cho đi chơi biển. Chúng tôi chụp nhiều ảnh lắm, nhưng bây giờ tôi chỉ còn giữ được hai tấm, một tấm chụp chung cả lớp, và một tấm chụp với cô bạn. Tấm hình chụp chung hồi đó đông lắm, bây giờ một số các bạn không còn nữa. Có bạn mất tích sau năm 75, có bạn vượt biên nhưng không đến nơi, có bạn bị bạo bệnh… vẫn biết mỗi người mỗi số phận, nhưng thỉnh thoảng cứ tiêng tiếc bạn đi sớm quá… Có ai trong nhóm bạn của bà đi lính Hải Quân như tôi không? Có, có chứ, tôi biết các bạn lớp tôi đi lính, nhưng không biết người nào đi Hải Quân, người nào đi Không Quân hay Bộ Binh, chỉ khi gặp các bạn tại hải ngoại tôi mới biết, lúc đó tôi cũng được biết luôn có bạn đã hy sinh, có bạn là thương phế binh. Anh cũng biết, thế hệ chúng tôi là dành cho chiến tranh mà. Chiến tranh thật xa mà cũng thật gần, tuổi trẻ mau vui mau quên, đời sống vì thế lúc nào cũng đáng sống… Trong chiến tranh, bà có quen người nào ở Hải Quân không, tôi tò mò, vì khi tôi vừa được nhận vào làm việc trong công ty, bà chú ý đến huy hiệu Hải Quân của tôi và bảo bà thích huy hiệu này lắm. Sao thế?…. À, ờ… Bà kể đi… À, có tôi có người quen là lính Hải Quân. Anh ở Hải Quân chắc cũng biết, thời gian lênh đênh trên tàu nhiều hơn ở bờ, và cái chết cũng khó chạm đến, trừ phi…. Vâng, cũng có thể là thế… Tôi cũng nghĩ thế nên tuy ít được gặp nhau, nhưng tôi yên tâm lắm, bỗng nhiên có tin… Tin gì? hung tin ư? Vâng hung tin… Bà sao thế? Để tôi đưa bà về… Tôi không sao đâu, vâng, tôi nhận được hung tin… chiến trận, tàu chìm, nhiều người hy sinh, trong đó có…
– Con ơi, nếu khóc được, con hãy khóc, cho vơi hết con ạ.
Liên nức nở thì thầm:
– Mẹ, sao mẹ lại ở đây?
Giọng Mẹ sũng nước:
– Hôm ấy bố mẹ đang ăn cơm tối, điện thoại reng, Thảo ở đầu dây, nói là con lạ lắm, không nói, không nhìn ai, ngay cả ba đứa bé quấn quýt bên con, con cũng rẽ đi và lặng lẽ vào phòng đóng cửa. Hôm sau không đi làm, Thảo đập cửa, con không trả lời, rồi trong lúc bất ngờ nhất, con mở cửa đi ra và dường như không nhìn thấy bất kỳ ai, con đi loanh quanh trong vô thức. Thảo chận con lại, thì một sức mạnh khủng khiếp từ con đã xô ngã nó và con cứ thủng thẳng bước tới. Nó khẩn khoản xin bố mẹ xuống ngay. Thế là bố mẹ gọi các em mua vé máy bay, xuống đây ngay hôm sau.
Bố mẹ đưa con đi bệnh viện, bác sĩ bảo con bị trầm cảm, hình như có điều gì khủng khiếp trong quá khứ vừa được khơi dậy. Mẹ không tin như thế. Bố mẹ luôn luôn ở sát các con, hiểu tâm tính từng đứa. Con là con gái đầu lòng, bản chất thông minh nhanh nhẹn, lại có tính hay đùa, nên con không thể thuộc loại mơ mộng hão huyền, không thể trầm cảm được. Con đang có một gia đình rất hạnh phúc, không thể có chuyện gì kinh khủng xảy ra mà cha mẹ không biết. Thế nhưng bác sĩ vẫn cho toa thuốc và khuyên cha mẹ nên ở gần con. Bố mẹ ở đây cả tháng rồi. Hôm nay nghe con nói mẹ mừng quá.
Liên nhìn xuống đất, hơi cau mày:
– Chuyện tệ như thế sao? Con không nhớ mình đã làm gì. Con nhớ hôm ấy, đang khi đi dạo bờ biển với một đồng nghiệp, kể chuyện về biển, kể về những ổ bánh mì thịt nướng của mẹ, kể về buổi picnic hồi học đệ Tứ, về các bạn, về….Mẹ ơi, cho con ly nước, cho con viên thuốc, con nhức đầu quá.
Có tiếng của Thảo đang rì rầm với cha mẹ nàng ở phòng khách. Liên nghe lõm bõm:
“…Dạ, tình cờ hôm qua Mark điện thoại hỏi thăm Liên. Anh ta vừa trở lại làm việc sau mấy tuần lễ holiday. Không thấy Liên ở văn phòng, hỏi ra mới biết Liên nghỉ bệnh. Anh ta lo lắng muốn đến thăm. Con nói sơ cho anh ta biết về tình trạng của Liên, và anh ta đã kể cho con nghe câu chuyện xảy ra ở bờ biển…”
Liên ngồi dậy, cơn nhức đầu đã giảm. Liên chợt nhớ buổi trưa hôm nọ, nàng xin về sớm, định ghé mua bó hoa Iris đang vào mùa. Nhưng Mark rủ nàng đi ăn trưa, rồi ra biển, bất chợt nàng thấy Quang trong bộ quân phục Hải Quân trắng toát chập choạng đi vào bờ. Quang như vừa tìm được nàng, ánh mắt thật tươi. Nàng chạy nhanh xuống biển đón Quang…
Nước mắt tràn trên má. Quang mất thật rồi, từ mấy chục năm rồi, chỉ vì không tìm thấy Quang nên mọi người cứ hy vọng.
Liên mở cửa bước ra phòng khách, Thảo đứng bật dậy, chạy lại nắm tay Liên ân cần:
– Em, em sao vậy, anh lo quá.
Liên nhìn Thảo, bắt gặp ánh mắt ấm áp của Quang đang nhìn nàng khẩn khoản. Liên nói nhỏ:
– Em không sao đâu. Cả nhà đã ăn gì chưa? Tội nghiệp bố mẹ, các con và anh vất vả vì em quá.
Liên đứng im trong vòng tay của Thảo. Hơi ấm, tình yêu, và lòng quảng đại của Thảo đã đem Liên về với hiện tại. Liên nghe tiếng Thảo nói bên tai: “Chúng ta đều thương nhớ Quang, nhưng hãy để Quang yên nghỉ em ạ.” Nước mắt lại tuôn ra, Liên gật đầu. Có tiếng mấy đứa bé ồn ào ngoài cổng chúng vừa tan học.