Một chuyện tiếu lâm kể rằng hồi ông Hồ Chí Minh còn ở trong hang trên núi rừng Việt Bắc, có lần được một chị cán bộ người Nam đến thăm. Khi về, ra ngoài cửa hang, mấy người cận vệ hỏi chị cán bộ là “Bác đang làm gì”. Chị… ấp úng trả lời: “Bác mắc chuyển ngữ!” Mấy anh cận vệ tá hỏa không hiểu, vội chạy vào trong hang thì thấy “bác” đang bận dịch mấy tài liệu về Đảng. Câu chuyện này có lẽ nhằm chế nhạo mấy câu thơ ông HCM đã làm trên chiến khu: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang. Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Cuộc đời cách mạng thật là sang.” Vì là chuyện tiếu lâm nên có một số chi tiết không hợp với thực tế. Chẳng hạn, thời đó (năm 1941), CHUYỂN NGỮ chỉ là một danh từ, chỉ về một ngôn ngữ được sử dụng cho mục đích nào đó. Chẳng hạn, tiếng Pháp là chuyển ngữ được dùng để giảng dạy học sinh trong khi tiếng Việt lại bị dạy như một ngoại ngữ trong các trường học Việt Nam thời Pháp thuộc. Khoảng 10 năm gần đây thì danh từ này bị “chuyển giới” thành động từ. Dường như đã biến thành “mốt” khi người ta có ý muốn nói từ DỊCH để nghe cho… “soang” trọng hơn! Chẳng hạn, dưới đầu đề một bài báo được dịch từ tiếng nước ngoài, thay vì ghi đơn giản “(ông) XYZ dịch” thì họ lại viết “XYZ chuyển ngữ”. Như thế, xét theo văn phạm tiếng Việt, viết kiểu đó hoàn toàn… tối nghĩa!
Mới đây có một người dịch kiểu “chuyển ngữ” như thế trong lễ đại tang ông Mandela bên Nam Phi. Nhiều tờ báo không biết gọi ông này làm sao cho chính xác; nên đành viết chữ “fake” interpreter, nghĩa là… dịch “giả” viên! Ban tang lễ của chính quyền Nam Phi mướn ông đứng cạnh bục micro để thông dịch cho khán giả khiếm thính. Từ Tổng thống Obama cho đến các vị tai to mặt lớn khác đều được ông “chuyển ngữ”… ro ro. Ai cũng hiểu, chỉ có những người khiếm thính thì không hiểu… chi trơn! Thấy ông quơ tay múa qua múa về, mọi người, ngoại trừ những người khiếm thính, cứ tưởng ông dịch hay lắm. Hóa ra, các động tác của ông đều tối nghĩa không khác gì “động từ” CHUYỂN NGỮ! Ông chỉ quơ đại. Hôm sau, người ta phát hiện ra ông này chỉ là thông dịch… giả, không có bằng hành nghề. Từng có nhiều tiền án hình sự (giết người) nhưng nhờ mang bệnh… tâm thần nên không đi tù! Đội cận vệ của Tổng thống Obama nghe vậy chắc ớn lạnh còn hơn đứng trước mấy cái hang ở núi rừng Việt Bắc! Không hiểu làm sao cái thằng cha mắc… chuyển ngữ này lại được chọn đứng dịch? Lỡ mà nó làm gì Tổng thống thì cận vệ trở tay sao kịp? Có lẽ chính quyền Nam Phi đang mất mặt với cả thế giới về vụ này. Hiện tại, họ đã đưa ông này vào khám… bệnh viện tâm thần. Chắc mấy tay khủng bố Al-Qaeda thấy vậy tiếc dữ lắm. Những người trong đảng ANC của ông Mandela hồi trước cũng là chuyên gia khủng bố mà giờ đây không biết rút kinh nghiệm để lo tang lễ cho ông!
Một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu tại lễ tang ông Nelson Mandela đã được gọi là thông dịch ‘giả’ – nguồn grumpyelder-com
Ông đã có những ký hiệu lạ và bất ngờ – nguồn express.co.uk
Có lẽ dùng người cũng giống như dùng… chữ. Phải hiểu rõ gốc gác; chứ dùng đại (có khi) thành… đại họa! Riêng từ CHUYỂN NGỮ bị dùng đại, không thành “đại họa” mà (càng ngày) trở nên… “đại trà”. Từ trong nước ra tới hải ngoại, nhiều người rất khoái anh chàng “chuyển giới” này. Chắc vì người ta thấy anh chàng trông “soang” hơn ông già DỊCH kia rất nhiều!
HNH – chuyenkhongdau@gmail.com