Nhìn Danielle và David, tôi nói với vợ tôi:
– Hai đứa con lớn lên vùn vụt. Đi học lấy làm vui vẻ. Còn tôi thời nhỏ thì không được.
Bây giờ tôi hiểu rất nhiều… Xin cám ơn cha mẹ đã nuôi tôi. Cám ơn hai chị đã bồng bế tôi. Cám ơn hai anh đã đi đập bậy với mấy đứa nhỏ đã ăn hiếp tôi.
Khi Tết đến, mẹ may cho tôi một cái áo mới và một cái quần mới để mặc vào son sen với lũ nhỏ trong xóm làng.
Đi học buồn lắm. Thầy cô ngoài Bắc vào tiếp thu trường. Họ nhìn tôi “phát ghét”, không cho tôi mượn sách học. Mấy đứa nhỏ trong lớp đánh tôi hoài. Thầy thấy nhưng thầy làm lơ và không nói gì. Các cô không cho tôi “khăn quàng đỏ” trong khi cả lớp đứa nào cũng có.
Mẹ tôi lo ăn cho cả nhà. Nhiều lần mẹ nhịn cho tôi. Lúc nào tôi cũng đói và thèm ăn. Tôi chịu lạnh giỏi. Nhà hở hang, gió thổi vào.
Ba tôi luôn luôn buồn, hối tiếc đã không trở về quê, có nhà kín, có ông bà nội, có ông bà ngoại và các cô cậu. Mười lăm năm u buồn, cực khổ, tôi xem thường vì đã quen chịu đựng. Mấy đứa xung quanh tôi cũng rách rưới, co ro, ốm gầy như tôi. Tôi còn cao hơn tụi nó nửa cái đầu.
Mỗi lần tôi trốn học, ba tôi đè tôi nằm xuống. Ông quất mấy roi và bảo “cho chừa” tội trốn học. Ba tôi cũng khóc, biết tôi đang đói và đang mặc quần đùi rách…
Khi mẹ tôi ôm tôi hối hả chạy giặc, tôi mới hai tuổi. Lúc ấy trên đầu đạn nổ, dưới chân mìn. Ai cũng đói lả. Hai ông lính cho mấy bịch gạo sấy ăn.
Lúc tôi mười bảy tuổi, thong dong bước lên máy bay cùng với cha mẹ và hai anh tôi “đi Mỹ”. Nhớ thương hai chị ở lại muôn phần đắng cay…
Một người đến phi trường đón. Bây giờ tôi mới biết “đó là người Mỹ”. Ông nhìn tôi lâu và nói là ông biết tôi rõ hơn tôi biết tôi lúc tôi hai tháng tuổi. Ông tên là John Mel.
Ông lái xe về thành phố Margate, đến một cái cổng có lính gác, tên Centura Park nằm trên đường Copans. Đứng trước cửa ngôi nhà lầu, một bà già tóc bạc mở cửa, nhoẻn miệng cười chào.
Bà chấp nhận, chỉ tay cho ở cả trên lầu. Tên bà là Elsa. Bà là khách hàng của ông John Mel. Ông trang bị máy báo động an ninh cho nhà bà và thường lui tới viếng thăm bà. Ông cũng hay chở bà đi đây đó, lúc nào nơi nào bà cần.
Ông John là bạn của ba tôi khi ông tham chiến bên VN. Ông nầy cũng như ba mẹ tôi, kính nể và sợ bà lắm.
Bắt đầu cuộc sống mới, tất cả chúng tôi đều đi học Anh văn vỡ lòng, rồi đi làm thêm tại nhà hàng. Ba tôi đi học nghề. Trường của ba tôi tên là Vocational gần chợ Publix, cho nên bà Elsa bắt đầu nhờ ba tôi mua thức ăn mang về, thay vì phải nhờ ông John. Bà tự nấu ăn và tự rửa chén lấy. Mẹ tôi dành rửa, bà không cho…
Đi học về, tôi hay mê xem Tivi. Ăn uống no nê, chiều lại đi rửa chén nơi nhà hàng chỗ mẹ tôi làm. Tôi có một chiếc xe đạp, gọi là xe đạp ngoại. Tôi cưng nó lắm.
Mẹ tôi có “hạng” trong nhà hàng. Mẹ hay lấy đồ cho tôi ăn và xem chừng tôi. Tôi còn ốm và yếu. Có một lần, tôi bưng rác nặng. Cái thùng chứa to cao hơn tôi. Tôi nhón với đổ vào, bị “nhào đầu”. Mẹ tôi chạy lại lôi kéo tôi ra. Mặt mũi lấm lem, mẹ tôi khóc và nói:
– Ngày mai con ở nhà!
Ở nhà một mình buồn và sợ bà Elsa kêu vào dạy cho học, tôi xin vào làm được ở siêu thị, đẩy xe hàng cho khách. Đẩy xe chạy ro ro cũng vui, còn được tiền típ, được tập nói với các bà các cô… như là họ tội nghiệp tôi.
Khi tạm ổn, ba mẹ tôi bàn với ông John xin đóng góp một phần tiền nhà, điện và nước. Hơn bốn tháng bà Elsa cho ở không. Thật hiếm có. Bà là mẹ tôi nữa.
Dạo nầy ông John thường ngồi nói chuyện với bà hơn là ngồi với ba tôi, sau mấy lần bà bị bệnh nặng. Tôi thấy bà thích ngồi với ba tôi hơn. Ba tôi và bà vừa nói vừa uống bia. Chỉ một chai với hai cái ly. Chiều nào cũng vậy, bà thích thú hỏi chuyện bên Việt Nam, chuyện người Mỹ tham chiến. Ba tôi là lính, trả lời làu làu. Đôi khi bà ngừng lại sửa lỗi Anh văn cho ba tôi. Bà tỏ ra rất cảm tình, mà ba tôi nói là “chịu trận” cho bà vui. Suốt ngày bà viết lách trong phòng.
Bà nể cha mẹ tôi là người nhân ái. Bà thấy cha mẹ tôi đã có cách ra được khỏi một nước cộng sản, cũng như bà đã thoát khỏi cộng sản Đông Đức để tìm đến Mỹ, mới có được ngày hôm nay.
Từ lâu, tôi mơ có một chiếc xe hơi. Tôi vừa lấy bằng lái và cũng dành dụm được ít tiền, cũng nao nức đi dealer xem thử…
Hãnh diện quá, khi mua được chiết xe “cũ người mới ta”, tôi liền lái gấp về khoe. Vừa đến cổng Centura Park, một chiếc xe cảnh sát chình ình cản mũi. Bắt đầu run, tôi đạp đạp thắng, mà xe vẫn chạy tới… Cụp một phát! Ôi! Đời tàn. Ông cảnh sát mở cửa bước ra.
Trông ông ngầu quá. Tôi run lập cập. Ông dò xem cái ID:
– Việt Nam mới qua hả? Lái cẩn thận!
Ông không phạt, còn cười cười nữa. Mấy ông nầy ít khi tha. Cho dù bị xui nhưng tôi cũng nói được: “Thank you very much!”
Một buổi sáng, một người lạ đến, ăn mặc trông oai vệ. Bà Elsa và ông John ngồi nói chuyện với ông ta cũng khá lâu. Chuyện nầy chưa xảy ra bao giờ. Bà không niềm nở vui vẻ như tuần trước, khi cô cháu của bà từ bên Đức qua thăm bà. Chiều chiều, bà cũng ngồi uống bia với ba tôi. Cô nầy ít nhất cũng có lúc uống hai hoặc ba chai.
Ông John gọi ba tôi trên lầu xuống. Họ ngồi bàn thảo gì đó, viết lách gì đó. Rồi ông lạ ấy “cuốn gói” ra về.
Chiều nay, sao lạ! Bà Elsa lại ngồi uống bia với ba tôi. Cũng một chai hai cái ly. Trông cả hai người đều buồn. Không như trước nữa. Bà nhìn quanh một lượt. Mắt bà như muốn khóc. Với vẻ mặt hiền lành, giọng nói của bà như tuyên bố:
– Ngày mai, tôi trở về Đức. Cái nhà nầy tôi chia hai. Tặng cho John và cho cả You nữa. Phần You trên lầu.
Trên đời nầy thường có nhiều cuộc chia ly âm thầm. Bà không cho ba mẹ tôi đi tiễn, cũng không cho biết ngày giờ. Cả nhà tôi chỉ biết cầu nguyện cho bà. Chúng tôi vào phòng riêng của bà lần đầu tiên, cũng là lần chót, để “xin cám ơn bà”. Tôi cảm thấy “nước mắt” là lời nói bí ẩn tuyệt vời.
Ông John nói:
– Bà Elsa đã chia gia tài của bà. Chúng ta hãy làm theo lời bả. Đây là giấy chủ quyền. Luật sư đã làm xong.
Ba mẹ tôi nói:
– Xin John giữ giùm.
Ba mẹ tôi ngậm ngùi nhận một phần “gia tài” quá lớn mà mình không có công gì. Ba mẹ tôi nể phục ông John, vui vẻ ở với nhau.
Vắng bóng bà Elsa, tôi thấy như thiếu một cái gì lớn lắm. Tối nào ông John cũng leo lên lầu nói chuyện với ba anh em tôi, như là tập cho chúng tôi biết nghe biết nói…
Một hôm, ông John kêu anh em tôi lại và mời cha mẹ xuống lầu. Ông nghẹn ngào báo tin:
– Bà Elsa đã qua đời…
Một đại ân nhân đã chết. Cái nhà bỗng trống vắng hơn nữa. Mọi người không ai nói được gì. Ai cũng đứng im, bất động.
Vài hôm sau, ba mẹ tôi xin ông John cho ra ở ngoài và không trở lại. Tại vì cái cổng đi ra thì dễ, đi vào thì quá khó.
Danh sách những những bài đã đăng:
1. Gã đầu trọc – Trương Hồ
2. Những ngày đầu tiên – Hương Ngô
3. Bão ơi! – DQ
4. Ông John hàng xóm – Dương Hồng Minh
5. Người bạn – Phương Lâm Ngôn Nguyễn
6. Cám ơn người đã cho tôi cuộc sống – Nguyễn Lan Anh
7. Những người tử tế – Đông Huỳnh
8. Tôi còn nợ you – Americans! – Hùng Cường Trần H.
9. Những người da đen tốt bụng – Liễu Trần
10. Hai quả trứng gà và ông hàng xóm – Diệp Khanh Trương
11. Chiếc điện thoại đầu tiên – Trường Sơn
12. Cháy nhà mà vui hơn Tết – Tino
13. Hai lá thư – Tammy
14. Họ là ai? – Nguyễn Phạm Minh Tâm
15. Ân tình của những người bảo trợ – Minh Tuyết
16. Chuyện nhỏ… – Thanhlap Le
17. Biết ơn – Thu Thủy
18. Bà Erika Redmond – Trương Mỹ Vân
19. Ông Sponsor – Trần Thị Lưu
20. Mùa thu Virginia – Emily Phúc Trần
21. Trở về – Thúy Vũ
22. Đi lãnh thực phẩm – Nguyễn T. Minh Trâm
23. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Nguyễn Minh Cảnh
24. Cám ơn Người (bà mục sư đã thay đổi đời tôi) – Phương Trinh
25. Cám ơn U, người Tổng Giám Đốc của tôi – Quốc Thái
26. Một chai bia hai ly – Dan Volga
27. Cuộc sống mới – Trương Thùy Trang