Đề tài “nghiện mạng ảo” hay “Internet addiction” vừa trở thành một đề tài mới để các bác sĩ tâm thần & chuyên viên xã hội nghiên cứu và bàn luận. Hẳn bạn đang tự nhủ chuyện nghiện mạng ảo xưa như trái đất, có cái quái gì mà phải bàn tán? Có nhiều thứ lắm bạn ạ, vì khi “thói quen” kia trở thành “bệnh” (theo định nghĩa y học) thì việc chữa trị trở thành nỗi bận tâm của các hãng bảo hiểm sức khỏe. Nôm na là họ sẽ phải trả một số tiền để người “nghiện” đi chữa “bệnh”. Nếu nghiện mạng ảo chỉ là “tật” (thói quen không hay) thì ai nghiện ráng chịu!
Trong thời gian các chuyên gia tìm hiểu và bàn luận thì người “nghiện” mạng ảo cứ việc xuất hầu bao để chữa “bệnh”. Ít nhiều tùy theo nơi chữa trị. Tính đến hôm nay ta đã có một số trung tâm chữa trị “chứng” nghiện mạng ảo tại Huê Kỳ.
Nguồn internet
Nghiện mạng ảo, theo “định nghĩa không chính thức” là việc say sưa với mạng ảo, internet, ngày quên ăn, đêm quên ngủ. Trẻ em và cả những người lớn (dưới tuổi 30) phần lớn nghiện các trò chơi điện tử, họ dùng máy điện toán, đôi khi dùng mạng ảo để chơi trò chơi. Hiện tượng này được đề cập đến khá nhiều trong mấy năm vừa qua. Gần đây, các chuyên viên tâm lý bắt đầu lập thống kê chi tiết về hiện tượng nghiện mạng ảo, những người lang thang trên “net” ngày đêm. Trong số người nghiện mạng ảo, phần lớn là những người “nghiện” trò chơi điện tử, kế đến là nghiện Facebook, Twitter…, các trang nhà được bá tánh dùng để giao tiếp, kết bạn, kết bè, nói chung là “social media”. Họ chăm bẳm dòm những vật dụng điện tử như điện thoại thông minh, bảng / máy (tablet, netbook, notebook) điện toán để vào mạng ảo, xem có ai đăng mẩu tin nào mới không, có bạn bè nào nhắn tin không để kịp thời hồi đáp. Dễ quan sát nhất là các sân trường, những con đường quanh đại học xá, những người trẻ chân bước đều, mắt dán vào chiếc điện thoại dù đang cùng đi với kẻ khác. Những người đi làm thì đăng đàn ngó mạng ảo ngay trong sở làm nếu làm việc ở bàn giấy hoặc giữa giờ nghỉ ngơi nếu công việc đòi hỏi sự bận rộn chân tay.
Như thế nào là “nghiện”? Như mọi chứng nghiện ngập, nghiện mạng ảo cũng bao gồm 5 yếu tố chính:
1. Sự cần thiết: Vào mạng ảo trở thành sinh hoạt chính trong cuộc sống, ảnh hưởng đến cảm tính (vui, buồn, giận dữ…), ảnh hưởng đến hành động và ý nghĩ.
2. Thay đổi tâm tư, cảm xúc: Người “nghiện” cảm thấy vui, hứng khởi mỗi lần vào mạng ảo.
3. Sự “lậm” (Tolerance): Người nghiện trở nên “lậm”, càng ngày càng cần dùng nhiều thời giờ hơn để vào mạng ảo mới thỏa mãn (tìm thấy mức vui vẻ trước đó).
4. Lên cơn ghiền (Withdrawal symptom): Khi ngưng vào mạng ảo thình lình, “con bệnh” buồn khổ, bứt rứt, khó chịu, mất ăn mất ngủ.
5. Tái phát: Người nghiện dễ bị “nghiện” trở lại ngay cả sau nhiều năm không vào mạng ảo.
Ông Ryan Van Cleave, nguyên là giáo sư đại học về văn chương, đã ghi chép chi tiết về kinh nghiệm nghiện mạng ảo của mình trong cuốn “Unplugged: My Journey into the Dark World of Video Game Addiction.”
Bắt đầu từ thủa thơ ấu, chú bé Ryan đã vào mạng ảo để chơi trò chơi điện tử. Khi vào đại học, thói quen chơi trò chơi điện tử kia gia tăng cấp kỳ, có khi đến 80 tiếng mỗi tuần. Và cứ như thế cuộc đời ông Van Cleave từ từ đổ dốc. Ông mất việc làm, mất cả một số bạn bè và gần như sắp mất luôn cả gia đình một vợ hai con vì luôn “vắng mặt” (không màng đến người thân). Ông Van Cleave ngừng lại ngay bên bờ vực thẳm, lúc sắp nhảy xuống sông tự tử thì nghĩ lại.
Và khi hồi tâm thì ông Van Cleave nhìn nhận rằng nhiều sự việc không hay, đổ vỡ xảy ra nhưng ông ấy không “thấy” vì tâm thần bị chứng “nghiện” trói chặt, che mờ hết khả năng suy nghiệm tính toán.
Một người đồng bệnh và cũng đã phục hồi, ông Kevin Roberts, đồng ý và nói thêm rằng khi nhìn thấy vấn đề “nghiện” thì ta chỉ thấy mặt nổi của vấn đề ấy, bên dưới tảng băng là những vấn đề thâm sâu khác.
Trong trường hợp của ông Roberts, “bên dưới tảng băng” nghiện mạng ảo, ông ấy bị chứng năng động thái quá (ADHD) và hoảng loạn (anxiety). Cả hai chứng bệnh tâm thần này chỉ được khám phá sau khi chứng nghiện mạng ảo hủy hoại đời sống của ông ta.
Một người bạn thân bị nghiện rượu và trải qua thời gian chữa trị qua Alcohol Anonymous (AA), sống qua các giai đoạn nghiện ngập, đã nhận ra cách sống nghiện ngập của ông Roberts và giúp ông này tìm cách chữa trị.
Chứng nghiện ngập của ông Roberts bao gồm các giai đoạn “quá mức” (binges) giữa những khoảng thời gian không dùng mạng ảo. Vào giai đoạn “quá mức”, ông này chơi trò chơi điện tử suốt tuần lễ, ít nhất 12 tiếng mỗi ngày. Không ngủ từ 1-2 ngày. Giai đoạn “quá mức” thường bắt đầu từ một biến cố tâm thần. Sau đó là ông Roberrts lao đầu vào công việc hoặc chơi trò điện tử.
Vì hành nghề tự do nên ông ấy có thể sinh sống, duy trì được nơi ăn ở nhưng thất bại trong mọi liên hệ tình cảm. Người tình nào cũng chia tay sau một thời gian ngắn vì ông Roberts kia xem ra chú trọng đến màn hình máy điện toán hơn là mối liên hệ tình cảm.
Sau một thời gian nghiện mạng ảo khá dài, ông Roberts mất dần khách hàng vì trễ nải, lỡ việc.
Khi sự hứng khởi, thích thú giảm dần và trở thành nhàm chán dù ông bệnh nhân tiêu xài cả ngày lẫn đêm trên mạng ảo, ông Roberts ngưng chơi. Căn bệnh kia tự chấm dứt dù không được chữa trị.
Cũng như Ryan Van Cleave, Kevin Roberts cũng viết một cuốn sách kể lại kinh nghiệm đau đớn của mình, cuốn “Cyber Junkie: Escaping the Gaming and Internet Trap.” Và trở thành hội viên của nhóm “cyber addiction”, những người bị nghiện mạng ảo hỗ trợ nhau qua một “cộng đồng” gồm những người “đồng bệnh” nên “tương lân”.
Giáo sư Ryan Van Cleave và cuốn “Unplugged: My Journey into the Dark World of Video Game Addiction.”- nguồn massively.joystiq.com
Khác với nghiện ma túy hay rượu, chứng nghiện mạng ảo hiếm khi được nhận diện vì lằn ranh giữa sự nghiện ngập và “thói quen” (rong chơi, giải trí trên mạng ảo) rất mờ nhạt. Ngay cả người thân cũng không thấy, họ chỉ biết “con bệnh” xem ra quá bận rộn, không có thời giờ nào để sống với gia đình; thân nhân thường cảm thấy bị “bỏ rơi”, bị “rẻ rúng”, coi thường nên dần dần xa lánh người nghiện.
Nghiện mạng ảo chưa được nhìn nhận như một chứng bệnh tâm thần nên không nằm trong danh sách Diagnostic and Statistical Manual (DSM) của Hội Bác Sĩ Tâm Thần Hoa Kỳ (the American Psychiatric Association). DSM được xem như “thánh kinh” của ngành y học tâm thần tại Hoa Kỳ.
Theo Bác Sĩ Allen Frances, chủ tịch hội đồng soạn thảo DSM-III và giáo sư hồi hưu tại Duke University, con người có thể nghiện mạng ảo như nghiện những thứ khác, tuy nhiên hiện tượng nghiện mạng ảo cần được khảo sát và kiểm nghiệm kỹ lưỡng hơn. Nói giản dị là những tài liệu hiện nay chưa đủ để các bác sĩ tâm thần kết luận rằng nghiện mạng ảo là một chứng bệnh (hay chỉ là “tật”, thói quen tai hại).
Ông Frances cho rằng không có lằn ranh rõ ràng nào phân chia giữa việc “nghiện ngập” và việc thích dùng mạng ảo vì sẽ có những người tiêu xài 10 tiếng mỗi ngày cho máy điện toán, bỏ phế vợ con, bê trễ công việc làm nhưng không có nghĩa là họ nghiện mạng ảo. Khi “Nghiện ngập” có nghĩa là ta không thể tự ý ngưng. Nói một cách khác, đầu óc bị lệ thuộc vào mạng ảo khi nghiện ngập dù việc vào mạng ảo không còn mang lại sự hứng khởi thích thú hay kết quả mong muốn nữa.
Tuy nhiên, một số tài liệu sơ khởi cho thấy phần não bộ hoạt động mạnh mẽ khi người nghiện rượu /ma túy/ mạng ảo được uống rượu / dùng ma túy hoặc vào mạng ảo. Nghĩa là người “nghiện” được ma túy / rượu sảng khoái như thế nào thì nghiện mạng ảo cũng tạo ra phản ứng sảng khoái tương tự. Não bộ cũng tiết ra dopamine như nhau. Chất dẫn truyền (neurotransmitter) này đem lại sự sảng khoái cho cơ thể, cảm giác được “tưởng thưởng”, thỏa mãn.
Hiện nay, chứng nghiện trò chơi (gaming disorder) đã được ghi nhận trong DSM-V, Phần III, có nghĩa là chứng bệnh này cần được khảo sát kỹ lưỡng hơn trước khi công nhận là một bệnh tâm thần (mental illness).
Mới đây, Bradford Regional Medical Center, Pennsylvania, trung tâm y tế đầu tiên tại Hoa Kỳ đã dành 4 phòng điều trị tại bệnh viện (inpatient) cho bệnh nhân nghiện mạng ảo trong khi tại Tàu, Nam Hàn và Đài Loan đã có các trung tâm trị liệu tương tự từ 3-5 năm nay.
Bác Sĩ Roger Laroche, Giám Đốc của trung tâm trị liệu này cho rằng hầu hết mọi bệnh nhân nghiện mạng ảo đều nghiện trò chơi điện tử, số còn lại là những người “nghiện” xem phim tính dục, “nghiện” mua hàng trên mạng hoặc “nghiện” vào mạng xã hội.
Chương trình trị liệu tại Bradford Regional bao gồm 10 ngày trong bệnh viện, bắt đầu với 72 tiếng “giải độc” hay “digital detox”, sau đó là việc khảo sát tâm lý. Việc chữa trị tốn khoảng 14 ngàn mỹ kim.
Một chương trình trị liệu bên ngoài bệnh viện (outpatient), reSTART, dành cho chứng nghiện mạng ảo, đã bắt đầu từ năm 2009, bao gồm 45 ngày “tĩnh tâm” để con bệnh dành thời giờ riêng cho mình, xa rời mạng ảo. Chương trình này tốn khoảng 22 ngàn mỹ kim, chưa kể các chương trình trị liệu kế tiếp, tốn 421 mỹ kim mỗi ngày nếu con bệnh cần tiếp tục việc trị liệu tâm lý.
Các nhà tâm lý cho rằng người nghiện mạng ảo sẽ phải tập các thói quen mới, cách sống mới để có thể tự điều khiển mình. Từa tựa như người nghiện rượu cần tránh vào quán rượu, tránh các buổi họp mặt nơi bạn bè say sưa, tránh các hoạt động mời gọi việc uống rượu.
Cho đến khi chứng nghiện mạng ảo được công nhận như một bệnh tâm thần, “thói quen” này đang trở thành “tật” chi phối nhiều sinh hoạt của con người. Nếu chứng tật này trở thành nỗi ưu tư, ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống, và ta cần thay đổi, ta có thể bắt đầu việc tự đổi thay bằng cách lập thời khóa biểu hàng ngày. Theo sát thời khóa biểu và chỉ vào mạng ảo trong một số thời gian nhất định, thời gian còn lại ta dùng vào các hoạt động khác, tìm lại thân nhân, tìm lại bạn bè đánh mất sau những ngày “chìm đắm” lượn sóng.
TLL