Khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm giao thừa năm dương lịch và trái cầu năm mới hạ xuống trên nóc tòa nhà One Times Square ở New York, một bài ca đón mừng tân niên luôn được cất lên, vang vọng khắp thế giới. Đó là bài “Auld Lang Syne” xuất xứ từ Scotland (Tô Cách Lan), phổ nhạc từ một bài thơ của Robert Burns năm 1788.
Giao thừa tại One Times Square ở New York, giây phút bài “Auld Lang Syne” được cất lên – nguồn 360blog.nautica.com
Tuy thường được hát lên đón chào năm mới, nhưng Auld Lang Syne chính ra là một bản ngợi ca về niềm tưởng nhớ và tình bằng hữu, được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Thử vào YouTube gõ tên bài ca này là có kết quả với hơn 281,000 thể điệu hiện lên, từ giọng ca của nữ hoàng nhạc soul là Aretha Franklin cho đến Alvin và những chú sóc Chipmunk dễ thương, từ lời ngô nghê của những em bé còn chập chững đến những người bảo mẫu.
Riêng bài do ca sĩ Dougie MacLean hát trong album Tribute được đưa lên YouTube 5 năm trước đây đã có số lần truy cập lên tới hơn 4 triệu 800 ngàn. Ở thế giới nói tiếng Anh, nơi nào cũng có tiếng hát bài ca này, và ca từ đã được phiên dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau.
Nhan đề của bài ca được dịch là “old long since – kể từ lâu xa” hoặc “for old time’s sake – vì thời gian cũ”. Đó là sự đồng thuận trong phiên dịch ý nghĩa, nhưng người ta vẫn chưa thống nhất được ý kiến về tác giả và nguồn gốc bài hát, dù Robert Burns đã qua đời cách nay hơn 2 thế kỷ. Thi sĩ Burns, tác giả của một số thi phẩm như “Tam o’ Shanter” và “To a Mouse”, không nhận Auld Lang Syne là của ông, mà chỉ nói là nghe từ một người cao tuổi.
Robert Burns – nguồn blogs.loc.gov
Chắc là ông đã không sáng tác, nhưng phần biên tập phải có, vì sinh thời ông mê thích cuộc sống nơi thôn dã, đã đi cùng khắp nước, thâu thập những bài ca truyền thống, nhuận sắc lại với mục đích để dành lại cho hậu thế.
Có thể nói rằng Auld Lang Syne được Burns viết ra năm 1788, dùng các yếu tố từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, có thể xưa tới thế kỷ 16 và gồm các tác phẩm của những thi sĩ người Scotland như Allan Ramsay, Robert Ayton và James Watson.
Dù sao, bài ca đã vượt biên giới Scotland, theo chân những người di dân nước này để vào Mỹ, trở thành bài ca mừng năm mới, rồi mở rộng phạm vi để hát trong những đám tang, lễ tốt nghiệp, hoặc kết thúc một bữa tiệc, một sự kiện thể thao.
Bên ngoài thế giới nói tiếng Anh, hầu như ở khắp nơi, lời ca được biên cải để hát trong những buổi chia tay của phong trào hướng đạo, lễ tốt nghiệp và tang lễ.
Riêng ở Việt Nam, lời bài hát đã được chuyển đổi để dùng khi kết thúc những sinh hoạt tập thể của hướng đạo sinh, hoặc những trại hè của sinh viên, học sinh:
Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến,
Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày mình còn gặp nhau.
Hay nghịch ngợm hơn, trẻ em Việt Nam cũng đã đổi lời thành một bài ca vui, ảnh hưởng từ những nhân vật trong phim ảnh mà các em từng mê thích:
Ò e, cây me đánh đu, Tarzan nhảy dù, Zorro bắn súng.
Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn, thằn lằn cụt đuôi…
PN