Sự hy sinh và tận tụy làm nên vẻ đẹp và ý nghĩa của đời sống. Ở đây là sự tận tụy của người con đối với mẹ mình trong nhiều năm tháng. Nhờ đó, người mẹ cảm nhận được hạnh phúc của cuộc nhân sinh cho tới khi nhắm mắt giã từ.
Chuyện này đặc biệt gởi tặng những người con chưa trọn tình với mẹ khi mẹ còn tại thế.
Mẹ tôi bị nặng tai hầu như suốt đời. Lúc còn bé, tôi là cái máy trợ thính của mẹ trước khi mẹ có được cái dụng cụ quý báu này. Ngay cả khi mẹ đã mang máy nghe, tôi vẫn phải mất nhiều thì giờ lặp lại những điều tôi nói hay lời của người khác để mẹ có thể hiểu mọi chuyện. Những ngày ấy, cái máy nghe thường rít lên khiến chúng tôi đều chói tai. Không hề gì, cái máy vẫn được sử dụng. Mẹ thì nghĩ rằng những dụng cụ trợ thính là tuyệt vời. Nhiều lần tôi ước mong phải chi mẹ có thể nghe lời tôi nói mà tôi không cần phải la lên hay phải tìm vị thế đứng để mẹ có thể quan sát môi tôi mà đoán ra lời. Tôi vẫn thường thấy các bà mẹ và các cô con gái vẫn hay thì thầm những điều bí mật với nhau và tôi thầm ước một ngày nào đó khi mẹ và tôi đã ở trên thiên đường, mẹ có thể nghe tôi thủ thỉ những điều thầm kín như thế.
Bố chết khi mẹ mới có bốn mươi lăm tuổi, cho nên tôi phải đóng vai người săn sóc mẹ trong những năm cuối đời. Mặc dầu gần như điếc, mẹ vẫn theo dõi mọi chuyện xảy ra được đăng trên báo, đọc trên radio địa phương và chiếu trên truyền hình. Nhưng điều mẹ ưa thích nhất trong những giờ nhàn rỗi vẫn là nhắc lại chuyện xưa.
Một hôm, mẹ ngồi kể lại cho con gái tôi là Debbie, “Bà cưới ông đúng hai ngày trước sinh nhật thứ mười bảy của bà.” Ngày 19 tháng 7, ông đưa bà đến thị trấn Lake City ở Arkansas để mua một chiếc áo cho bà mặc trong ngày cưới. Ông muốn bà mặc đầm trắng thật đẹp nhưng tìm không ra một chiếc như thế. Ông đành phải mua chiếc màu xanh da trời có dải màu trắng, giày và mũ đều màu trắng. Mẹ thường nấc lên cười mỗi khi kể chuyện đám cưới của mình ngày ấy, và ngay sau đó cô dâu chú rể vội vã chạy về nhà của mỗi người để kịp vắt sữa mấy con bò cái!
Mẹ luôn luôn kể chuyện chiếc áo trong ngày cưới của mình với giọng hài hước hóm hỉnh – đặc biệt là khi cả hai phải bứt nhau ra để về nhà cha mẹ mình làm những công việc vặt hằng ngày. Tuy vậy, mẹ vẫn luôn tỏ ra hối tiếc là không có được chiếc đầm màu trắng trong ngày cưới. Mẹ kết luận, “Lần này bà mặc áo xanh trong ngày cưới, nhưng khi Albert gặp bà sau này bà sẽ mặc màu trắng.”
Mẹ và Debbie cùng thích những catalogs quảng cáo. Giữa những lần Debbie về thăm, mẹ lựa xếp ra cả một chồng quảng cáo chờ Debbie đến. Một hôm, gặp tôi Debbie nói: “Con với bà đã đặt mua một cái áo cưới màu trắng. Debbie cho biết nó để bà tự chọn và đã gởi mua chiếc đầm màu trắng của cô dâu để bà mặc trong ngày tang lễ đưa bà về với ông.”
Khi cái áo đầm trắng đến, mẹ thích lắm. Thậm chí mẹ còn đòi đồ lót trắng để mặc với áo. Cái đầm trắng này mẹ mong ước đã từ nhiều năm nay, y như một cô dâu trẻ vậy, để mặc đúng như ý muốn của ông Albert nhiều năm trước.
Tranh: Bảo Huân
Mẹ bị chứng suy tim nặng nhiều năm rồi và trong những ngày cuối cùng, thận của mẹ bị sưng nước khiến thân hình mẹ vốn nhỏ nhắn đã tăng thêm tới hai mươi cân chỉ trong vòng vài ngày. Một hôm, mẹ lên cơn đau và không ăn uống được, ở nhà không cho mẹ mang máy nghe. Mẹ tỏ ra tức giận lắm và tự mình đứng lên trên ghế bước đi. Tất nhiên mẹ không làm được. Tới cuối ngày, mẹ thậm chí không đứng vững trên đôi chân nên bảo tôi giúp mẹ đứng lên. Lúc bấy giờ thân hình mẹ đã nặng còn tôi thì đã sáu mươi bốn tuổi. Tôi bế mẹ lên như bế một đứa bé và để mẹ đứng lên hai bàn chân. Đầu mẹ gục lên vai tôi khi chúng tôi bước đi.
Một cách lơ đãng, tôi vừa đi vừa hát nho nhỏ. Hồi tôi còn trẻ và sống ở nông trại, tôi thường cất cao giọng hát những lúc bơm nước cho bầy gia súc uống. Mấy người láng giềng thường bảo tôi có giọng hát trong, cao rất tốt nên chọn làm nghề ca sĩ. Nhiều năm qua, tôi bỏ quên tiếng hát của mình trừ khi hát trong ca đoàn của nhà thờ. Nay bước đi cùng với mẹ, tôi hát lại những bài hát ngày xưa.
“Lula này, tiếng hát ấy từ đâu đến vậy?” Mẹ tôi hỏi.
“Từ con đây, mẹ à.” Tôi trả lời. Thế rồi tôi nhắc lại những câu hát xưa. “Mẹ ạ, mẹ sẽ không còn bị giam giữ trong tấm thân tàn phế già nua này nữa đâu, rồi đây mẹ sẽ bước đi trên con đường dát toàn vàng thôi.”
“Trên con đường dát toàn vàng, hả Lula?”
Tôi chợt mừng rỡ vô cùng. Mẹ đã nghe được hết những lời tôi nói mà không cần tới máy trợ thính. Bao năm qua bây giờ mới có được ngày này.
Chiều hôm ấy, mẹ mặc chiếc đầm trắng của cô dâu bước xuống lối đi trong giáo đường, mãi mãi ở bên ông Albert.
(theo Lula Smith)