Menu Close

Sự kỳ diệu ở Toronto

Một trong những bi kịch của đời sống là mẹ con phải chia lìa nhau. Như trong câu chuyện thương tâm được kể lại sau đây. Vậy cho nên hãy giữ cho mối liên hệ thiêng liêng của tình mẫu tử luôn luôn hiện hữu và bền chặt.

Cho đến ngày cái chết đến gõ cửa để chỉ còn lại lòng thương tưởng

Tôi thật sự không biết điều gì đã thúc đẩy tôi rời bầu khí ấm áp của quán cà phê để chạy vào một phòng gọi điện thoại đầy băng giá của xứ Toronto. Lúc ấy quả tình tôi đang ngồi uống cà phê một cách bình yên trong cái thành phố lạ lùng này vậy mà bỗng nhiên một lực đẩy bí ẩn bắt tôi phải chạy đi lục tìm cuốn Điện Thoại Niên Giám của Toronto. Thế đó, nghĩ có điên rồ không khi tôi không hề quen biết ai ở thành phố này cả.

Tôi là người Anh nhưng sống tại Iowa, Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ tôi đang cần một hộ chiếu để xin việc làm và tôi đã chọn tới Toronto là nơi có vẻ gần nhất có Tòa lãnh sự Anh ở đó. Và lúc này đây, tôi đang lần giở qua những trang của cuốn Điện Thoại mà chẳng hiểu để làm gì. Khi lật tới trang có chữ McIntyre thì tôi khựng lại.

Đây không phải là một tên lạ đối với tôi. Mười hai năm trước, luật nhận con nuôi thay đổi ở nước Anh, và tôi thấy đã có thể lần tìm dấu vết của mẹ ruột tôi. Cuộc tìm kiếm cho tôi biết được ba điều: Mẹ tôi có mái tóc đỏ, bà sinh ra ở Glasgow, Scotland, tên bà là Margaret McIntyre Gray. Dẫu vậy, cuộc tìm kiếm của tôi rơi vào vô vọng và tôi đã cố gắng không nghĩ tới nó nữa.

Tuy nhiên, tôi đã có mặt ở đây, cách xa nơi tôi ra đời hàng ngàn dặm, đang lướt mắt qua những trang có ghi cái tên McIntyre. Có quá nhiều tên, kể cả  tên McIntyre. M. Tôi cảm thấy hết sức nản chí. Tại sao tôi làm việc này nhỉ? Tôi đã đi qua hàng chục đô thị nhưng đâu có bỏ công lục lọi tìm kiếm như thế này? Tuy vậy, cuối cùng thì tôi cũng tìm ra tên của mẹ và địa chỉ cư trú:  Gray M. McIntyre, 85 Lawton Boulevard, Toronto. Tim tôi đập thình thình. Mẹ đây… Mẹ đây rồi! Nhưng sao lại ở đây nhỉ? Đây là xứ Canada, mà giả sử có sự trùng hợp ngẫu nhiên thì bây giờ mẹ cũng đã có gia đình và mang một tên khác. Vậy tôi có gọi đi nữa thì đâu biết nói gì? Tuy nhiên, tay tôi vẫn lặng lẽ quay số.

Tôi nghe ở đầu dây bên kia một tiếng nói lạ. Máy không gọi được. Vậy là tôi đã quá chậm trễ? Mẹ đã ở đây và mẹ không còn nữa. Tôi gọi tổng đài thì một giọng nói ân cần cho biết có một số để liên lạc ở địa chỉ đó nhưng người lạ không gọi được. Tôi bật nói. “Thưa bà, có thể bà cho là tôi điên. Nhưng đây là mẹ tôi mà tôi chưa từng gặp. Tôi muốn biết bà ấy giờ ra sao.”

Tổng đài đồng ý nhưng khi bà ấy gọi thì một giọng đàn bà cho biết Miss Gray chưa bao giờ lập gia đình. Tôi bảo có thể là thế nhưng nhờ bà gọi cho họ biết là tôi đang ở đây và người tôi muốn nói chuyện là mẹ tôi, bà sinh ngày 9 tháng 7 năm 1914 ở Greenoch, Scotland. Và tôi được nói chuyện với một cô tên Betty, cô cho biết Miss Gray bị ốm từ dạo hè và không còn ở căn chung cư này nữa mà hiện ở một khu nhà khác. Tình cờ hôm nay là ngày cô Betty đi thăm bà. Hôm sau, Betty gọi tôi cho biết tôi đã gặp may. Betty đã nói cho mẹ tôi biết và bà đã nhận ra tôi ngay nhưng hiện giờ bà không muốn gặp tôi.

Tôi hết sức buồn và thất vọng. Nhưng ngày hôm sau là ngày tôi lấy hộ chiếu và sẽ trở về Mỹ và bỏ mọi sự lại đằng sau lưng. Thế rồi ngày hôm sau tôi đến Lãnh sự quán và được biết do sự trì trệ cố hữu của nạn giấy tờ, hộ chiếu của tôi bị chậm lại và tôi phải ở Toronto thêm ba tuần lễ nữa. Ba tuần lễ nữa trong thành phố có mẹ tôi ở mà tôi không được gặp. Tôi thật không biết phải xử sự ra sao nữa.

Vài ngày sau, tôi nhận được điện thoại của Betty. Cô cho biết mẹ tôi bằng lòng gặp tôi. Tự nhiên, đầu tôi bỗng nhẹ hẫng trong niềm vui sướng và tôi phải ngồi xuống.

Rồi ngày Chủ Nhật tới, tôi nôn nao đến không ăn nổi bữa điểm tâm. Tôi đến nơi hẹn gặp sớm, đi bộ hai vòng chung quanh ngôi nhà. Thế rồi tôi nhìn thấy mẹ tôi. Một phụ nữ lớn tuổi, vóc người nhỏ thó, có mái tóc màu vàng óng. “Ôi, con.” Mẹ nói, giọng còn pha âm sắc Scotland. Mẹ ôm vai tôi, hôn lên má tôi, và rồi hai chúng tôi nhìn nhau lần đầu tiên sau 46 năm xa cách.


Tranh: Bảo Huân

Chúng tôi bước vào bên trong nhà. Mẹ lấy cuốn album ảnh ra cho tôi xem. Tôi vẫn nhìn mẹ, hy vọng mình có một chút gì đó của cánh mũi, bàn tay của mẹ, nhưng chan hòa trong tôi là tinh thần mẹ truyền cho tôi. Để tôi cảm nhận rằng tôi đã yêu mẹ biết bao.
Ba tuần lễ trôi qua trong khi tôi chờ đợi lấy hộ chiếu. Trong khoảng thời gian đó, tôi và mẹ gặp nhau hầu như mỗi ngày. Đây là thời gian quý nhất của hai mẹ con chúng tôi.

Cuối cùng, khi tôi đã có được tấm hộ chiếu, tôi đến từ giã mẹ tôi. “Con biết đó,” mẹ tôi nói. “Mẹ muốn giữ con lại, quả thật là như thế, mẹ rất muốn, nhưng mẹ nghĩ là không được.”  Tôi cam đoan với mẹ rằng mọi việc sẽ tốt đẹp thôi, và rồi tôi dứt áo ra đi. Mẹ nói: “Con nhớ con là con thân yêu của mẹ”và mẹ dõi nhìn theo bóng tôi. Khi tới cửa, tôi quay lại vẫy tay với mẹ. Mẹ cũng đưa tay giã biệt tôi.

Chỉ ba tuần sau là mẹ phải vào khu cấp cứu của bệnh viện Toronto do chứng sưng phổi cấp tính. Tôi bay về lại Toronto vào bệnh viện thăm mẹ. Bước vào phòng tôi thấy ngay mảnh giấy nằm trên ngực mẹ, mảnh giấy ghi những lời tôi gởi cám ơn mẹ đã sinh ra tôi. Ngày hôm sau thì mẹ qua đời. 

NS
(theo Sue West)