Menu Close

Ước mơ bị lãng quên

Hằng năm, cứ vào mỗi ngày Monday thứ ba của Tháng Giêng, các trường học và công sở trên toàn nước Mỹ đóng cửa để tưởng niệm vị mục sư Martin Luther King Jr.. Ông từng được trao tặng giải Nobel cho nỗ lực tranh đấu nhân quyền của người da đen ở Mỹ. Mục đích của ông, được nói rõ trong bài diễn văn nổi tiếng Tôi Có Một Ước Mơ, là mọi người dân, bất kể màu da, phải được đối xử bình đẳng trên mọi phương diện. Trong mấy chục năm qua, người ta tôn vinh ông trong nhiều hình thức khác nhau nhưng mục đích cao đẹp ấy của ông thì bị lờ đi với những lý lẽ mang tính ngụy biện.

Chẳng phải người ta vẫn kỳ thị người da đen như thời trước. Ngược lại, người da đen được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt hơn dân da trắng và Á Châu trong học hành và việc làm. Sự biệt đãi ấy được áp dụng bằng một chính sách gọi là Affirmative Action. Cốt lõi của chính sách này là dùng quota trong việc tuyển lựa nhân công và sinh viên. Đại khái, nếu người da đen chiếm 12 phần trăm dân số nước Mỹ thì các công ty, công sở, trường đại học phải có tỉ lệ tương đương như thế cho người da đen. Thành ra, khi tuyển lựa, người ta chỉ chú trọng vào màu da của ứng viên để đạt cho được tỉ lệ ấy. Chẳng hạn ở các trường đại học, nhất là các trường nổi tiếng, nếu bỏ đi yếu tố màu da mà chỉ xét về năng lực thì các sinh viên được tuyển vào hầu như là dân Á Châu và da trắng. Đặc biệt là các ngành khoa học tự nhiên thì số sinh viên da đen đủ tiêu chuẩn để vào lại càng thấp hơn. Những ngành về khoa học xã hội cũng dành ưu tiên đặc biệt cho người da đen. Một trong những người da đen rất nổi tiếng từng hưởng sự biệt đãi ấy là đương kim đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Bà được nhận vào trường Princeton học Xã hội học và sau đó vào Harvard học Luật. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để được chọn là điểm thi SAT. Nhiều học sinh tốt nghiệp trung học thủ khoa hoặc á khoa nhưng có điểm thi SAT không cao. Lý do là ở những trường học mà trình độ học sinh kém thì “kẻ chột làm vua”. Có lẽ vì lý do ấy mà bà Obama dù tốt nghiệp á khoa ở trung học nhưng cho đến giờ này vẫn không dám công bố điểm thi SAT và LSAT (để vào trường luật) của mình. Kể từ khi ông Obama ra tranh cử tổng thống đến bây giờ, nhiều người Mỹ yêu cầu bà công bố hai điểm thi ấy vì nghi bà vào được trường Princeton và Harvard là nhờ Affirmative Action. Thông thường, điểm thi SAT của sinh viên da đen được chọn vào trường thấp hơn sinh viên da trắng khoảng 200 điểm. Điểm tối đa của SAT là 1600.

Có nhiều người cho rằng dùng điểm SAT để tuyển sinh là không công bằng vì nội dung các bài thi SAT dựa trên văn hóa của dân da trắng. Nói như thế, họ đã lờ đi việc học sinh gốc Á Châu thường có điểm thi SAT cao hơn học sinh da trắng. Cũng có những lý lẽ bảo rằng dân da đen bị làm nô lệ nhiều đời, giờ cho họ thi thố với các dân khác một cách bình đẳng thì làm sao bằng? Chế độ nô lệ được chấm dứt hồi thế kỷ 19 mà bây giờ đã là thế kỷ 21 rồi! Những người lý luận như thế có lẽ không để ý những thuyền nhân Việt Nam đến Mỹ với bàn tay không mà con cái họ học hành không thua gì dân Mỹ trắng. California là tiểu bang đầu tiên thấy rõ sự vô lý của Affirmative Action nên vào năm 1996 đã ra đạo luật cấm các trường đại học tuyển sinh dựa trên màu da. Kể từ đó, số sinh viên da đen, nhất là ở hai trường nổi tiếng UCLA và Berkeley, giảm xuống một nửa, chiếm khoảng hơn 3 phần trăm tổng số sinh viên. Hiện nay ở hai trường này, sinh viên gốc Á Châu chiếm đa số, kế đến là da trắng.

Tiếc là ông King đã bị ám sát! Giả sử ông còn sống đến ngày nay, liệu ông vẫn tiếp tục tranh đấu cho ước mơ của mình: mọi người dân được đối xử bình đẳng, không vì màu da của họ? Những người đang tôn vinh ông, trong một phút giây nào đó, có nghĩ đến ước mơ ấy của ông?

alt

Affirmative Action – nguồn blackradionetwork.com