Menu Close

Ngày Tết đi thăm chồng

Kẹp cái bao đựng gạo trong nách, tay cầm chiếc giỏ nhựa trống trơn, những vật dụng tôi dùng để đựng những thức ăn mà tôi đã chắt chiu từ mấy tháng qua để có được một ít quà mà tôi vừa mới trao cho Anh sáng nay.

Tôi như một người điên, bước thất thểu trong dáng mệt mỏi trên đường phố nhộn nhịp người mua sắm Tết và giữa những gian hàng rực rỡ màu sắc của pháo và hoa.

Người ta đang rộn ràng mua sắm, các trẻ em hớn hở đi bên cha mẹ vì sắp được có những bộ đồ mới. Bất chợt tôi nghĩ đến Hòa, đứa con trai lên 2 của tôi đang ở nhà chờ mẹ về mà nó có biết đâu rằng Tết này sẽ chẳng có được những bộ đồ mới như những đứa trẻ con khác. Tất cả tôi đã dành cho Anh. Với đồng lương ít ỏi, ngoài những tem phiếu ra, còn lại chẳng là bao. Tôi không thể nào vừa lo cho Anh ở trong trại cải tạo, vừa lo cho con và ngay cả bản thân tôi cũng chẳng có được một chiếc áo mới nào. Để lên thăm nuôi Anh, tôi đã phải dành dụm từ ngày này qua tháng nọ. Khi thì một bánh đường, khi thì một gói bột Bích Chi hay một thỏi lương khô mua ở chợ trời. Tôi tha về cất kỹ vào một chỗ như một con kiến kiên nhẫn tha mồi.

Tôi biết các anh ở trên trại tù cải tạo thiếu đủ thứ, thèm mọi thứ nên cứ gởi về những cái “sớ” dài toàn là “em nhớ gởi lên cho anh…” Thôi thì đủ thứ từ cây kim, sợi chỉ đến cục đường, gói bột hay ruốc sả, mì sợi, v.v… Các anh có biết đâu ở nhà bọn em cũng tần tảo, ngược xuôi và lâu lâu mới tha về được một thứ để 3 tháng hay 6 tháng sau mới gặp được các anh với một ít quà mà ngay cả ở nhà em và con cũng muốn có!

Nhớ lại đoạn đường lên thăm Anh mà bây giờ tôi vẫn còn thấy sợ.

Từ 5 giờ sáng, tay xách giỏ tay ôm cái bao chứa những thứ mà tôi biết chắc là anh rất cần, tôi đón xe ôm để ra bến xe Liên tỉnh. Những ngày cận Tết, khách đi lại quá nhiều mà xe thì không đủ nên người ta chen nhau, giành giựt, xô đẩy, lấn đạp để có được một chỗ đứng trên xe, thậm chí là ngoài xe chỗ lên xuống. Ai đến sớm lắm mà kiếm được một chỗ ngồi là quá may mắn.

Tôi không tài nào chen lên được. Đi người không đã vất vả huống chi tôi tay xách nách mang! Tôi phải trả tiền thêm cho anh xe ôm để nhờ anh lấn giùm một chỗ nhưng đến khi anh có được chỗ rồi, kêu tôi lên thì không tài nào tôi lên được giữa khối người chật cứng như nêm.

Cuối cùng anh xe ôm phải nhoài người ra cửa sổ xe và lôi tôi lên từ bên hông của chiếc xe. Tôi phải leo lên từ đó bằng cách đạp vào bánh xe và chuồi người vào trong dựa vào sức kéo của anh xe ôm. Tôi chỉ là một thiếu phụ  mới 23 tuổi, ốm yếu, chen chúc giữ chợ đời vất vả… để nuôi con, nuôi chồng trong tù cải tạo. Còn khổ nào hơn.

Chiếc xe chậm chạp lăn bánh giữa những tiếng chửi thề, văng tục của những người không lên được đang cố bám theo xe. Tôi mệt nhoài gần như ngất xỉu giữa khối người đông nghẹt lẫn với những mùi nồng hôi trên xe. Tôi vội ra đi trong khi Cu Hòa đang còn ngái ngủ mà chưa kịp uống một ly nước hay bỏ vào miệng một cái gì đề dằn bụng. Rồi tôi thiếp đi trên ghế lúc nào không biết.

Tiếng ồn ào của những người lên xuống xe cộng với tiếng chào hàng ở bên dưới làm tôi thức dậy. Xe đang đỗ tại bến xe Đại Lộc để đón thêm khách. Trời đã gần trưa. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn những người trên xe. Đối diện tôi, ngồi bên kia dãy ghế gần phía trước tài xế là chị Ngọc cũng đang gật gù trong giấc ngủ. Có lẽ chị đã đến bến xe rất sớm nên mới có được chỗ ngồi tốt ở bên trong, mà cũng có thể vì chị quen biết nhiều tài xế nên được ưu tiên.

Chị Ngọc là một gái bán bar từ thời còn quân đội Mỹ mới qua và chị gặp được anh Lân, một sĩ quan Không Quân tới quán Bar của chị để giải sầu sau mỗi chuyến bay về.

Hai người có với nhau được 4 đứa con thì anh Lân bị đi tù cải tạo sau khi miền Nam bị mất.

Một mình với 4 con thơ, chị đã làm đủ mọi thứ để sinh tồn. Rồi chị mở một cái quán nhỏ với một vài gói nem, chả, một vài chai bia trước cửa. Khách của chị thường là mấy ông tài xế xe đò. Họ lui tới thường xuyên vì thấy chị chỉ có một mình. Cũng có khi họ ở lại qua đêm…Và chị đã đi thăm chồng đều đặn với những đồng tiền kiếm được từ những chai bia, lọn chả nhỏ nhoi đó.

Tôi không trách chị mà còn phục chị vì chị không còn cách nào hơn để nuôi 4 đứa con dại và luôn nghĩ đến anh Lân. Chị không bỏ sót một lần thăm nuôi nào!

– Ủa! mi dậy sớm lắm sao mà được ngồi đây?

Thanh vừa nói vừa ngồi xuống cách chỗ tôi chừng vài người sau khi có một hành khách vừa xuống xe. Thanh là bạn cùng làm ngân hàng với tôi trước kia, bây giờ qua làm bên thuế vụ còn tôi nhờ một chút lanh trí mà vẫn còn được một chỗ trong ty Ngân Khố mà trước đây tôi đã làm. Những người mới họ gọi chúng tôi là “tụi lưu dụng” nên cho làm lại là một điều may mắn lắm rồi!

Thanh cũng rơi vào hoàn cảnh như chị Ngọc nhưng Thanh thì khỏe hơn, vừa trẻ đẹp vừa mới có một con. Thế nhưng Thanh lại nhu nhược quá. Ai đời, mỗi lần muốn đi thăm nuôi chồng thì lại phải hỏi ý kiến của người tình mới. “Ổng cho tau đi thì tau mới được đi.” Thanh thường tâm sự với tôi như thế.

Tôi chỉ biết im lặng.

Thật ra thì tôi vẫn còn may mắn hơn những người vợ sĩ quan “Ngụy” khác vì sau khi Anh đi tù cải tạo, tôi về ở với cha mẹ tôi. Mẹ tôi “kèm” tôi rất kỹ nên tôi không bị những cám dỗ bên ngoài mặc dù tôi cũng vất vả không kém. Những năm tháng ngay sau 75 thì không gia đình nào mà không lâm vào cảnh khốn cùng!

Tiếng ồn ào của mọi người cùng tiếng la lớn của phụ tài xế làm ngắt ngay dòng suy nghĩ của tôi.

Xe đến đây là phải dừng lại vì đoạn đường còn lại là phải qua đò.

Chúng tôi xuống xe. Ôm, xách giỏ đồ thăm nuôi đi bộ một đoạn đường để chờ đến lượt lên ghe. Rất may là trời hôm nay không mưa nên đường không lầy lội. Tôi nhớ có một lần, cũng lên thăm Anh. Tôi đã bị tróc móng chân cái vì té trên một hòn đá trơn khi lội qua con suối cạn. Máu ra nhiều và ống quần thì rách toe!

Khi con đò đưa chúng tôi qua bên kia con sông nhỏ thì cũng là lúc trời bắt đầu nhá nhem tối. Chúng tôi tiếp tục đi bộ để đến khu trại của các Anh nằm sâu trong khu rừng già phía trước.

Chúng tôi, già có trẻ có. Đa số là những người vợ, em và mẹ của những người tù cải tạo mà sau một năm giam giữ ở nơi mà trước kia là trung tâm huấn luyện Hoà Cầm, bây giờ bị đưa lên Hiệp Đức. Anh, anh Lân và chồng của Thanh cùng ở chung một trại nên chúng tôi luôn đi bên nhau.

Có những bà mẹ lên thăm con, vì túi quà tuy không nặng quá nhưng vì phải lội bộ xa nên hùn nhau lại để thuê người tại địa phương gánh giùm.

Trời đã tối từ lâu nhưng trong khoảng âm u của rừng rậm, bốn bề là cây lá làm cho chúng tôi càng thấy sợ thêm. Nhờ người địa phương gánh đồ đưa đường nên cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu thăm nuôi của trại.

Chúng tôi tập trung tại đây, một khu lán vừa mới cất lợp bằng lá và cây của rừng. Không một bóng người, không một ánh đèn. Đêm đen kịt. Chúng tôi âm thầm ngồi chờ. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện để cố quên đi nỗi lo sợ giữa đêm đen dày đặc trong núi rừng sâu thẳm cho đến khi có ánh đèn pin từ phía xa.

Một ông bộ đội tiến đến gần, rọi đèn pin vào từng người trong chúng tôi rồi nói:

– Các bác, các chị chờ ở đây đợi cho chúng tôi bố trí xong công tác và khi được lệnh ở bên trong thì chúng ta bắt đầu hành quân. Đêm nay cách mạng đang bố trí cho các anh thực hiện một đêm văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân. Các bác, các chị sẽ được chứng kiến chồng, con của các bác các chị biểu diễn văn nghệ. Đảng ta đã khoan hồng để cho các bác, các chị được vào xem văn nghệ đêm nay.

Chúng tôi ngơ ngác không biết ông bộ đội đó nói gì. Chỉ biết mang máng là mình sẽ được vào thăm nuôi chồng con ở trong trại nhưng không biết đến khi nào?

Rồi chúng tôi tiếp tục chờ đợi trong đêm đen. Trời bắt đầu lạnh. Cái lạnh của mùa đông và đặc biệt của núi rừng nên càng lạnh thêm.

Thỉnh thoảng ánh đèn pin lại rọi vào phía chúng tôi. Tôi có cảm tưởng như chính mình cũng đang bị cầm tù.

Không biết đến bao lâu sau đó vì chúng tôi không ai có đồng hồ. Khi nghe tiếng người bộ đội nói lớn: “Các bác, các chị chuẩn bị đồ đạc, chúng ta sắp bắt đầu hành quân! Đoạn đường từ đây vào trại sẽ qua một con dốc cao, khoảng một cây số. Mọi người sẽ không ai thấy ai nên phải vịn vai nhau hay cầm tay nhau mà đi. Hễ lạc một người đi trước là lạc hết cả đoàn nên các bác, các chị phải rất chú ý mà đi theo ánh đèn pin của tôi.”

Đã lo sợ sẵn, chúng tôi lại càng lo sợ thêm vì những gì mà ông bộ đội vừa nói. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chẳng may mình bị lạc trong đêm đen sâu thẳm này? Hay lỡ dại ông ta nổi cơn lôi mình vào trong một khoảng tối nào đó. Có trời mà biết!

Tôi nắm chặt tay chị Ngọc và bám theo sát chị. Mọi người lầm lũi, khập khễnh bước từng bước thận trọng trên con đường mà cũng không phải là đường vì dưới chân là sỏi, đá, lá, cây và cả gai nữa.

Cho đến khi chúng tôi nghe được nhiều tiếng ồn ào của nhiều người nói và ánh sáng từ nhiều chiếc đèn dầu ở đàng xa, lúc đó chúng tôi mới bắt đầu thở phào nhẹ nhõm.

Một tâm trạng nôn nao ùa đến với tôi (và tôi nghĩ mọi người chắc cũng có cùng tâm trạng như thế). Sắp gặp được Anh!

Chúng tôi bước vội hơn. Bây giờ đã quen với con đường gai và sỏi nên bước đi có phần vững chắc hơn.

Tất cả chúng tôi được “bố trí” ngồi bệt xuống trên những miếng ván bìa đã được xẻ ra từ các thân cây lớn trong rừng ngay trước một cái “sân khấu” mà ánh sáng chính là 2 chiếc đèn măng xông treo hai bên.

Sau lưng chúng tôi, hàng trăm tiếng xôn xao, nói cười. Chồng, con, em chúng tôi ở đó, đang ngồi ngay sau lưng chúng tôi. Họ biết có thân nhân vào thăm nhưng trong đêm tối mông lung mà các ánh đèn dầu không đủ sáng thì không ai nhận ra ai được. Hơn nữa, nội quy của trại cũng không cho các anh tiếp xúc với chúng tôi khi chưa được lệnh.

Chúng tôi hồi hộp chờ đợi xen lẫn sự nôn nao vì chưa được gặp mặt chồng con, mặc dù họ ở đó, ở ngay sau lưng chúng tôi. Tất cả đều phải ngồi yên trong sự bồn chồn!

Rồi chương trình văn nghệ cũng đến lúc bắt đầu.

Một toán các anh bước ra.

Tôi bật ngồi thẳng dậy. Tim tôi đập thình thịch. Đúng rồi. Anh đó. Mặt Anh hơi gầy nhưng không thay đổi nhiều.

“Trèo lên quan dốc, ngồi gốc ôi à cây đa. Rằng tôi lý ôi à cây đa…”

Hai tay anh uốn vòng theo nhịp của bài hát. Anh vẫn không nhận ra tôi đang ngồi ngay bên dưới. Có lẽ Anh sẽ không thể ngờ rằng tôi đang có mặt trong số những thân nhân lên thăm trong đêm nay!

Tôi chăm chú theo dõi từng cử chỉ, từng động tác của anh đang diễn văn nghệ.

Đêm văn nghệ chấm dứt. Chúng tôi được lệnh trở ra lại khu thăm nuôi mà vẫn không ai được gặp ai! Tôi không biết là Anh có nhận ra tôi không? Nếu Anh biết rằng tôi đang ngồi trong số khán giả và đang xem Anh thì chắc là Anh vui lắm!

Cho đến sáng hôm sau chúng tôi mới được lệnh cho thăm nuôi. Suốt đêm qua, tất cả chúng tôi hầu như ai cũng không ngủ được. Mọi người bàn tán về sự bất ngờ khi được mục kích một đêm văn nghệ do chính chồng, con và em của mình biểu diễn trong một hoàn cảnh cười ra nước mắt…!

Ánh đèn điện sáng rực của thành phố và tiếng kèn xe inh ỏi đã đánh thức tôi trở về với thực tại.

Sáng hôm qua, tôi đã ra đi khi trời chưa sáng và bây giờ, tôi lại trở về khi đêm đã trở lại sau hai ngày lặn lội thăm chồng.

Tôi bước vào nhà. Con tôi đó. Nó vừa hai tuổi đang chờ mẹ về với hy vọng sẽ có áo quần mới cho ba ngày Tết. Nhưng con ơi, ba của con còn trong tù cải tạo biết đến bao giờ mới được tha về với mẹ con mình? Tôi ôm con vào lòng với hai dòng lệ chảy dài. Một vài tiếng pháo đã đì đùng. Mọi người đang chuẩn bị đón Giao Thừa. Cu Hoà đã ngủ say. Ngày mai nó sẽ không có quần áo mới cũng như chính tôi cũng đã không còn có Mùa Xuân!

alt

Thắm Nguyễn

LH – Austin