Cái dấu hiệu tròn có chữ “P” ở giữa, giống như kích thước của bảng STOP.
“Là cái quái gì vậy?”, tôi lầm bầm. Lần đầu giữa phố thị San Diego, tôi thực sự bị sự hiếu kỳ lôi kéo.
“Tui nghĩ, đó là chữ viết tắt của Padres, như chữ trong đội bóng chày San Diefo Padres.” Một anh chàng nói với tôi, vẻ rất nghiêm túc. Một bà đẫy đà khác thì dừng chân đoán, “Pizza? phải vậy không?” Rồi một nàng choai choai, trầm ngâm với điều nghi ngờ của tôi và hớn hở buột miệng, “A, tôi nghĩ rằng đó là chữ viết tắt của Peace – Hoà Bình.” Một gã điển trai diện áo thun ba lỗ hóm hỉnh, “Có cái restroom nào gần đó không?” Và chăm chăm vào vẻ mặt đang đặt cái dấu hỏi của tôi, “U biết mà, Pee?!” (tiểu tiện)
“Ui trời!” tôi nhăn nhó một bụng cười. Tôi cũng chẳng là kẻ đầu tiên bị cái chữ “P” của cái bảng hiệu gợi thắc mắc khi đến thành phố này. Cuối cùng, thì đó là chữ viết tắt của “parking” (con bà nó, làm đoán mệt nghỉ). Thay vào đó, tôi có hơn nửa trang info về cái chữ “Pee” để gõ phiếm.

Câu chuyện trên liên quan đến cái đề tài của những tư duy săn lùng ý tưởng. Nếu phải ngồi và chờ đợi để có một đề tài để viết, tôi hẳn sẽ chết vì chờ đợi. Từ tiểu thuyết, thơ văn, ký sự… ý tưởng là Vua! Hãy nhìn nhận sự tuyệt vời của những ý tưởng ban đầu (original ideas), nếu không có nó thì ngày nay chúng ta vẫn đang gắng hì hục mở cái nắp hộp bằng hàm nhai của mình. Barnabas “Big Collar”- ông vua mở nắp hộp đã may mắn phát minh ra sự tiện ích này.
Người Mỹ có câu “Thinking outside the box” để né tránh một cliché sáo ngữ của một ý tưởng – yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật hay tư tưởng đã trở thành lạm dụng đến mức mất đi những ý nghĩa ban đầu và trở nên nhàm chán. Tôi luôn nghĩ rằng, phẩm chất quan trọng của một cây viết có thể là nỗi sợ hãi sự nhàm chán của một lối mòn ý tưởng cliché. Và nói như Nam Đan, tác giả của chuyên mục Sài Gòn Chuyện Quỡn thì “kẹt đạn”, là cái chắc!
Tôi nhớ một câu chuyện về tay còm sĩ JR Griffin khi ông thực hiện phỏng vấn một nghệ sĩ của băng nhạc “Mean Streets” ở Los Angles cho một tờ báo lá cải ông đang cộng tác. Một phần trong câu chuyện là việc ông đã không dừng cuộc phỏng vấn vì lý do cái máy ghi âm hết pin và đã không mang theo một cục pin dự trữ nào cả. Tay nhà báo đã rất bối rối với sai lầm mang tính chất ‘nghiệp dư’ của mình. Vì vậy, trong bài báo JR đã viết những điều như, “Khi tôi hỏi tay nhạc sĩ về việc sáng tác nhạc thì Bob nói rằng khi sáng tác ông thường muốn làm ‘tổn thương’ mình, hoặc vò râu mình, hoặc một cái gì đại khái như vậy tôi không chắc chắn lắm”. Hay ông viết, “Và tôi cũng chắc chắn rằng là Bob đang nói về cái bản nhạc mà ông lấy cảm hứng từ con mèo của mình.” Hoặc, “Bob không thể nhớ có một khoảng thời gian ông không muốn trở thành một nhạc sĩ. Tôi chắc rằng Bob đã nói…”
Một ý tưởng “tửng” nhất mà tôi từng đọc và rất original! Haha.
Ở một ý nghĩa lớn hơn để tìm đến một ý tưởng, tiềm ẩn của chúng ta phải là ‘bản gốc’, không ai muốn nghe một điều gì đó mà họ đã biết. Thế nhưng, có những lý lẽ cho rằng tất cả những thiên tài sáng tạo đều là những tên trộm ý tưởng. Trong Chronicles hồi ký của mình, nhạc sĩ Bob Dylan đã mô tả quá trình sáng tạo của mình như một trong những Tình yêu và Trộm cắp. “Tôi không có nhiều nhạc phẩm trong những năm đầu, nhưng tôi sắp xếp những phiên khúc của những bản ballad xưa, thêm thắt vài ý tưởng của mình trên những dòng nhạc rồi viết lại tựa.” Trên thực tế, bản ghi âm đầu tiên của Dylan chủ yếu là của Woody Guthrie, và ngay cả album đầu tiên, ngoại trừ giọng hát thì toàn là phiên bản của Guthrie.
Ý tưởng sáng tạo ban đầu luôn được nuôi dưỡng, thúc đẩy bởi những ý tưởng khác. Có nghĩa, những nghệ sĩ sáng tạo luôn ‘vẽ’ trên tác phẩm của người khác, ý thức hay vô thức. Những nhà tư tưởng vẫn có thể làm mới một ý tưởng đã cũ mèm.
Khi tôi đọc một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời hay xem một bộ phim mê hoặc. Dù hai câu chuyện nổi tiếng nhất từ vài thập kỷ qua dựa trên những ý tưởng tương tự, t-ôi không biết nếu J.K. Rowing có bao giờ nhận ra rằng Harry Potter đã có rất nhiều điểm chung với nhân vật Luke Skywalker trong Star War. Cho dù bà đã Có hay Không, nhưng bài học cho chúng ta là J.K. Rowing đã tiến lên phía trước và tin vào những điều mà tác giả muốn viết.
Làm mới một ý tưởng đã cũ mèm, vẫn là những trăn trở của những nhà tư tưởng sáng tạo.
Nói vậy, chứ dù cliché hay orginal, tôi vẫn thường xuyên bị ‘kẹt đạn’!
