Cách đây gần 4,6 tỷ năm, một đám mây phân tử ở giữa những vì sao tản mác rồi tan biến. Vũ trụ bắt đầu xuất hiện Thái Dương Hệ gồm có Mặt Trời ở vị trí trung tâm, và các thiên thể khác quay chung quanh. Khối lượng thiên thể lớn nhất hội tụ trong tám hành tinh, có quỹ đạo gần tròn và mặt phẳng quỹ đạo gần trùng khít với nhau, gọi là mặt phẳng hoàng đạo. Tám hành tinh ấy lại chia thành hai loại lớn nhỏ khác nhau. Bốn hành tinh nhỏ ở vòng trong là Địa Cầu, Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa; còn được gọi là các hành tinh đá, vì thành phần cấu tạo của chúng chủ yếu là đá và kim loại. Bốn hành tinh khổng lồ ở vòng ngoài là Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương; còn được gọi là các hành tinh băng đá, vì Sao Mộc và Sao Thổ lớn nhất có thành phần cấu tạo chính từ heli và hydro; trong khi Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương do băng, là nước, amoniac, và metan hợp thành. Kể từ đó Trái Đất thinh lặng quay chung quanh Mặt Trời, theo vòng luân hồi chuyển vạn vật đi qua bốn mùa thường tại xuân, hạ, thu, đông. Và mùa xuân giống hệt Mặt Trời của Thái Dương Hệ, đứng đầu tứ tượng.
Xuân khoác áo ngàn hoa, dịu dàng gõ cửa muôn nhà gửi lời chào thân ái, khi cõi người ta đang nép mình trong tấm mền màu khói của mùa đông. Thật khẽ khàng xuân gieo muôn nghìn hạt mầm tươi sáng xuống bình nguyên, mời gọi sông dài, hồ rộng, thung lũng sâu, biển mênh mông, hãy thức dậy. Thời khắc cuối đông mở cửa, đón chào tia nắng ấm. Lớp đá mỏng phủ trên màu xanh vĩnh hằng của cỏ, phản chiếu ánh dương hồng. Mặt trời công chính đủ sức xua tan rét mướt, nhưng xuân vẫn tế nhị lưu giữ những giọt sương; chẳng phải để níu kéo màn mưa trướng tuyết, mà chỉ để tỏ lòng hiếu khách. Đông sương lấp lánh trên chồi xanh lộc non, là khoảnh khắc chuyển giao “quyền lực” rất tao nhã rất lịch thiệp của đất trời. Đây cũng là một trong số những bản sắc độc đáo, huyền diệu, hư ảo, và vô cùng sinh động của chúa xuân. Ngày mới tháng mới vẫn còn se lạnh, nhưng không lê thê ẩm ướt. Mùa đông khiêm tốn lui về cuối chân mây, khẽ nhắc từng khối băng từng núi tuyết còn sót lại nhanh chóng tan biến, để hát auld lang syne tạm biệt cuộc đời. Trong khi đó cõi người ta nâng ly rượu, tấu khúc xuân ca chúc mừng năm mới. Trong nắng trong gió âm nhạc ngân vang… “Xuân tôi ra góp chung câu gào thiết tha. Là xinh, là tươi có xuân thuở xưa ước mơ hiền hoà. Xuân xanh lơ, hắt hiu trong trời nắng mưa. Vườn xuân là xuân có hoa ngày mai hát xuân thật dài.” [*]
Cỏ biếc, cây xanh, lá thắm, hoa đỏ, nụ vàng, hòa nhập theo giòng sóng nhạc cùng hợp xướng. Trên cao đàn én du xuân, trúc nghiêng cành mộng kết tuần mơ sao. Trời xanh như ngọc… Xem nào… Biển xa sóng nhạc hát chào trùng dương. Xuân trong ta đã muôn ngàn lần đã qua…[*] Mà sao mỗi lần xuân đến lòng người vẫn vui như mới đón xuân lần đầu. Chẳng có gì lạ khi hành trình luân hoán bất tận của bốn mùa là để vạn vật có dịp thay đổi, là để nhân loại có cơ hội làm lại từ đầu. Cõi người ta tin rằng những điều chưa trọn vẹn ở một mùa hạ, một mùa thu, hay một mùa đông nào đó, họ sẽ có thể hoàn thành lúc vào xuân. Và cũng chỉ có thanh sắc tinh khôi diễm lệ của mùa xuân, mới đủ thần lực giúp họ vững tin vào ngày mai tươi sáng. Tại sao? Xin thưa: Bởi vì mùa xuân đến mang theo trời mới, đất mới, ngày mới, tháng mới, năm mới, mang theo cả những câu chúc tốt lành.
Trên từng cây số đời vô định, sắc mạnh huy hoàng của ngàn hoa tươi nở giữa mùa xuân, là bức tranh đời vi diệu do tạo hóa khắc họa bằng những gam màu độc đáo. Chính hình ảnh tuyệt vời này trở thành động lực khích lệ cõi người ta quên nỗi đau nỗi khổ, kiên cường vượt qua mọi nghịch cảnh có trong đời. Đón chào năm mới bình an. Đón chào mùa xuân bất tận. Nguyện chúc chúng ta và tôi tìm thấy con đường mới, hướng đi mới, để đạt thành mộng tưởng. Nguyện chúc chúng ta và tôi có những người bạn chí tình chí nghĩa, luôn chia ngọt sẻ bùi với nhau. Nguyện chúc chúng ta và tôi thân tâm thường an lạc, để sống và vui sống.
[*]. “Xuân Ca.” Của nhạc sĩ Phạm Duy