Sinh niệm – một nét văn hoá mới
Còn một tháng nữa là Tết. Tôi nhớ đến cái thiêng liêng, xao xuyến của những ngày trời đất giao mùa, và phong tục rất đẹp của người Việt: kính nhớ tổ tiên. Hồi đó, cứ khoảng một tuần trước Tết, Bà Ngoại hay dọn bàn thờ tổ tiên để đón ông bà về ăn Tết.
Trong văn hoá Việt Nam, bức tường giữa kẻ sống và những người đã khuất đôi khi rất mỏng. Những người đã ra đi luôn có một chỗ thật gần trong trái tim của người thân, bạn bè.
Trong sinh hoạt của người Việt hải ngoại, những chương trình tưởng niệm – con người, quê hương, trường cũ, biến cố – chiếm một phần lớn. Nhưng trong những năm gần đây, việc tỏ lòng thương mến, quý trọng, và biết ơn đối với những người còn sống đã trở nên một nét văn hoá mới. Đối với một cộng đồng mà rất nhiều người trong thế hệ tiên phong đã ra đi một cách đột ngột và quá sớm – như trường hợp gần đây nhất là Ca nhạc sĩ Việt Dzũng – thì việc sinh niệm sẽ giúp xoa dịu những đau thương của quá khứ, và cho con người sống trọn vẹn với nhau.
Tháng 12 vừa qua, ba tổ chức Cựu Học Sinh Bưởi – Chu Văn An, TAViet, và Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã tổ chức sinh niệm mừng thượng thọ Giáo sư Lưu Trung Khảo tại nhà hàng Diamond Seafood ở Garden Grove, và phát hành tuyển tập “Giáo sư Lưu Trung Khảo dưới cái nhìn của bạn bè.” Số tiền bán sách đã được gửi về Việt Nam để hỗ trợ cho những nhà hoạt động dân chủ trong nước. Như vậy, lễ sinh niệm này không chỉ tung nở tình nghĩa giữa Gs Lưu Trung Khảo và những người quý mến ông, mà còn thắt chặt tình liên đới giữa cộng đồng hải ngoại và những nhà đấu tranh trong nước.
Thầy Khảo, “bất cứ ở đâu…”
Trong những ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ năm 1994, tôi dự Khoá Tu Nghiệp & Huấn Luyện Sư Phạm do Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ miền Nam California tổ chức tại Rose Mead. Khoá đông vô kể, ngồi chật cả hội trường thênh thang. Giờ giải lao, các Thầy Cô hàn huyên, âm vang cả khu đồi yên tĩnh.
Từ những ngày đó, tôi được biết đến Giáo sư Lưu Trung Khảo. Tuy gần hai mươi năm nay, tôi chưa bao giờ trực tiếp nói chuyện với ông, nhưng hình như “bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu” (tựa một tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng), tôi cũng được nghe và thấy ông.
Vóc dáng và nghị lực của Giáo sư là một tỉ lệ nghịch! Ông gầy nhỏ, nhưng sức làm việc dẻo dai, bền bỉ, đa dạng. Trong rất nhiều các sinh hoạt tôi tham dự, tôi đều được nghe ông nói: sinh hoạt Việt ngữ, tuổi trẻ dấn thân, đấu tranh dân chủ, nhân quyền Việt Nam, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt truyền thông. Khả năng và tấm lòng của ông vô tận.
Nhưng, nói đến Gs Lưu Trung Khảo, là nói đến hình ảnh người bạn đời của ông. Vì đã có hiền nội đảm đang tất cả, nên Gs Lưu Trung Khảo mới an tâm đảm trách biết bao việc trong suốt mấy thập niên qua, dù tuổi đã cao. Hình như trong bất cứ sinh hoạt nào, người phụ nữ hiền lành này cũng đi bên chồng. Bà là điểm tựa để ông nâng quả địa cầu lên bằng chữ nghĩa và tâm huyết. Một điểm tựa cần thiết, vững vàng.
Vì là một người nữ cầm bút và sinh hoạt văn hoá giáo dục, tôi hiểu rất rõ những yếu tố cần thiết về mặt gia đình để cho phép tôi theo đuổi những sinh hoạt này. Nếu gia chưa ‘tề’ thì khó cho một người phục vụ xã hội. Người vợ hiền của Gs Khảo đã đảm đang hậu phương gia đình, để ông mạnh mẽ dấn thân nơi tiền tuyến văn hoá và chính trị. Sự hy sinh và tận hiến cho gia đình của bà ắt cũng là một cảm hứng tuyệt vời cho ông. Xin cám ơn những đóng góp rất thiết thực của bà.
Một sự hiện diện bền bỉ
Giáo sư Lưu Trung Khảo đóng một vai trò đặc biệt trong sự phát triển của cộng đồng người Việt hải ngoại. Ông là một trong những nhịp cầu mà giới trẻ chúng tôi cần và tri ân. Qua những người như ông, chúng tôi nối lại được với quá khứ trước 1975, truy tầm thanh sử của dân tộc, và các bài viết và bài nói uyên bác của ông cho chúng tôi một điểm tham khảo để lập cho chính mình những nhận định về thời cuộc hiện nay.
Trong bài nói kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Khối 8406, ngày 4 tháng 4 năm 2010, với tư cách Chủ tịch Hội Ái Hữu Cựu Giáo Chức Việt Nam Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Giáo sư đã xác định: dân tộc Việt Nam phải có một báu vật để có thể tồn tại đến hôm nay. Ông nói, “Lập quốc từ gần 500 năm giữa hai khối văn minh bá chủ Á-châu là Trung Hoa và Ấn Độ mà quốc gia Việt Nam vẫn giữ vững được nền độc lập, tất nhiên, Việt Nam phải có một bảo vật thiêng liêng truyền quốc từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ kia. Bảo vật truyền quốc đó chính là truyền thống bất khuất của ông cha ta.”
Giáo sư đã kết luận với một niềm xác tín về một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam. Ông quy tóm ba điều: lạc quan, tin tưởng, hy vọng.
1. Lạc quan: Lạc quan vì thấy truyền thống bất khuất của Tổ Tiên vẫn là một dòng chảy miên viễn liên tục, trong huyết quản của con dân Việt Nam. Lạc quan vì những nhân sĩ trí thức, những sĩ phu Việt Nam vẫn giữ được hào khí của cha ông, xứng đáng là những bậc trượng phu “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Giàu sang không làm cho đam mê, nghèo hèn không thể thay đổi, và uy quyền vũ lực không thể khuất phục. Lạc quan vì bản Tuyên Ngôn của Khối 8406 ra đời với đầy đủ 3 yếu tố thuận lợi: thiên thời, địa lợi, nhân hòa — thì lo gì không thành công.
2. Tin tưởng: Tôi luôn luôn tin tưởng rằng Trời Đất bao giờ cũng ở cùng người hiền. Người lương thiện bao giờ cũng song hành với Trời Đất. Thiên nhân tương dữ. Tôi tin ở chính nghĩa tất thắng của dân tộc. Tôi tin tưởng ở sự tiến bộ của nhân loại, bao giờ cũng từ chỗ dã man sang văn minh, từ độc tài sang dân chủ, từ độc ác sang thánh thiện. Tôi tin tưởng ở hiền thì gặp lành, ở ác gặp dữ. Tôi tin tưởng rằng: tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác.
3. Hy vọng: Với những thông tin điện toán toàn cầu hiện đại, với thế liên lập quốc tế, với sự hỗ trợ của thế giới dân chủ tự do, với sự cố gắng của chính tự thân, dân tộc Việt Nam sẽ đứng lên giành lại quyền làm chủ Đất Nước. Một tương lai xán lạn đang chờ đón tất cả con dân Việt Nam để cùng với các quốc gia trên thế giới song hành.
Phải chăng chính bộ ba này đã nuôi dưỡng huệ khí của ông trong suốt bốn thập niên qua, giữ cho ông đứng vững trên con đường tranh đấu đầy gian nan cho một quê hương còn trong gông cùm, tăm tối. Ông đã đến Quận Cam từ Tháng Năm năm 1975. Trong suốt bốn mươi năm qua, ông vẫn luôn là một nhân tố cần thiết trong rất nhiều nỗ lực và điểm son trong những thành quả văn hoá, chính trị của Cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Di sản lớn nhất và quan trọng nhất mà ông để lại cho thế hệ của tôi cũng chính là cái kiềng ba chân này: lạc quan, tin tưởng, hy vọng.
Sự chuyển tiếp di sản tinh thần luôn là một nan đề cho bất cứ dân tộc nào, nhất là một dân tộc phải chịu nhiều can qua như dân tộc Việt Nam. Chính nhờ những người đi trước như Giáo sư mà thế hệ chúng tôi được thắp lửa trong tim trong óc, có tư duy văn hoá để nhìn về phía trước với sự tự tin, nhìn vào thế giới với niềm tự hào.
Xin tỏ lòng tri ân và quý trọng đối với Giáo sư Lưu Trung Khảo, một bậc lương sư cứu quốc.