Sau năm 1975, có một chuyện tiếu lâm mà nhiều người Việt đã nghe qua ít nhất một lần.
“Nhà nọ có hai anh em; người anh tập kết ra Bắc năm 1954 còn người em ở lại miền Nam làm “lính ngụy”. Sau này người em đi “học tập cải tạo” rồi được tha về sớm và còn phấn đấu được trở thành… Đảng viên. Đến khi đó hai anh em mới gặp lại nhau và hàn huyên tâm sự. Người anh thắc mắc hỏi em mình sao tài thế, được kết nạp vào Đảng. Người em chân thật nói: “Cũng nhờ em phấn đấu một phần nhưng cái chính là em khai trong lý lịch có anh “tham gia cách mạng”. Vậy còn anh sao giờ này vẫn chưa được vào Đảng?” Người anh thở dài: “Bởi vì tôi lỡ khai chú đi lính ngụy!”
Câu chuyện này nhằm châm biếm về cái gông “lý lịch” mà chế độ tròng lên mọi người dân trong xã hội. Dĩ nhiên chế độ áp dụng chính sách lý lịch không phải để giữ gìn giá trị gia đình trong đạo lý dân tộc. Mục đích của nó là phá vỡ truyền thống ấy, buộc người dân chỉ biết có Đảng và sống vì Đảng mà thôi. Thành ra, hồi Cải cách ruộng đất, có những người con tố cha, vợ tố chồng, trong gia đình tố lẫn nhau… Có thế mới giữ được chế độ!
Bỗng, suốt tuần qua, trong nước rộ lên nhiều tờ báo ca ngợi sự liên hệ máu thịt, tình anh em. Họ còn nhắc lại luật lệ thời… phong kiến, cấm người thân thích tố cáo nhau, như là một giá trị cao đẹp của truyền thống dân tộc. Khi không Đảng lại cho phép báo chí… hoài cổ như thế? Chế độ này còn, đến ngày nay, là nhờ có… công an. Nay một anh… “bạn dân”, nguyên Phó giám đốc công an thành phố Hải Phòng, tên là Dương Tự Trọng, đã tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng, đang bị truy tố, trốn ra nước ngoài. Lâu nay, Đảng có cái… luật, bất thành văn, khai trừ đảng trước khi truy tố ai đó là Đảng viên để không có Đảng viên nào… phải ra tòa, làm Đảng mất mặt! Kẹt cái là chức Phó giám đốc công an thành phố lại lớn quá, khai trừ hay không thì người ta vẫn thấy rõ hai chữ ĐẢNG VIÊN trên trán bị cáo rồi! Thành ra, Đảng mới “sáng kiến cải tiến” cái tội tày đình ấy thành một chuyện đạo nghĩa của truyền thống dân tộc. Trong khi lâu nay những truyền thống dân tộc khác như tinh thần chống ngoại xâm thì Đảng biến thành những tội… hình sự!
Được Đảng chớp đèn xanh, tờ báo Lao Động còn dám đem cái hiến pháp mới… sơn của Đảng ra mỉa mai: “Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 (trước ngày toà tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù) cũng giao nhiệm vụ cho toà án phải bảo vệ công lý: “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý” (Khoản 3, Điều 102, Hiến pháp năm 2013). Thế nhưng, phạt nặng một người bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ đạo lý của mình thì có bảo vệ được công lý hay không và có hợp hiến hay không? là điều làm chúng ta thật sự băn khoăn, quan ngại.” Hóa ra Dương Tự Trọng vậy mà lại có công với… đất nước, đã “cải tạo” đưa Đảng trở về với truyền thống dân tộc. Nếu không có Dương Tự Trọng thì biết đến bao giờ Đảng mới cho phép đưa các giá trị về đạo lý lên một tầm cao như thế? Lâu nay soạn Hiến pháp, Đảng có nhắc ai nghĩ đến… đạo lý là gì đâu? Nói chi đâu xa, nếu giờ đây ai đấy đặt vấn đề hợp pháp hóa sự độc tài của Đảng trong Bản hiến pháp có hợp với đạo lý dân tộc không thì có mà… “dương tự tròng” cái gông vào cổ!
Việc Đảng “cải tiến” chuyện Dương Tự Trọng thành vấn đề đạo lý có thể còn một thâm ý khác. Đảng không muốn người dân thấy nạn tham nhũng bây giờ chẳng còn mang tính cá nhân mà đã trở nên có tổ chức. Nói rõ hơn, những kẻ phạm tội tham nhũng cấu kết với nhau chứ không hành động riêng lẻ. Sự cấu kết này tỏa rộng trên phạm vi lớn vừa ngang vừa dọc; “hợp đồng tác chiến trên mọi binh chủng”! Cho nên, mối liên hệ giữa Dương Tự Trọng, một phó giám đốc công an, với Dương Chí Dũng, một cục trưởng (Cục hàng hải) chưa chắc chỉ đơn thuần là anh em ruột thịt! Hơn nữa, không phải một mình Dương Tự Trọng lo đưa anh mình đi trốn mà còn có nhiều cán bộ công an cấp cao khác tham gia.
Thành ra, hình ảnh hai anh em họ Dương không phải là cọng đậu và hạt đậu mà có thể là những cái vòi của một con bạch tuộc. Là con vật được dùng trong tiếng Ý để ám chỉ MAFIA. Hiện giờ có hai đồng chí… bạch tuộc đang đấu với nhau.

Anh em Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng trước tòa – nguồn nld.com.vn