Menu Close

Vũ Khắc Khoan Con người và tác phẩm

Vũ Khắc Khoan là một khuôn mặt lớn, vóc dáng lớn của văn học Miền Nam. Tác phẩm của ông không nhiều nhưng cuốn nào cũng đặc sắc. Tôi yêu Vũ Khắc Khoan qua dáng vẻ nghệ sĩ của ông, cách thế ông sống và văn chương của ông. Đọc Thần Tháp Rùa, rồi Giao Thừa, Đoản Văn Xa Nước… và xem diễn trên sân khấu những vở Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Đa, Thành Cát Tư Hãn… Ôi, cả một thời hạnh phúc. Tôi cũng yêu thơ của họ Vũ. Ngỡ Xuân gây biết bao rung cảm và nhớ tiếc.

(Nguyễn-Trẻ Online)

Vũ Khắc Khoan là ngòi bút đặc biệt giao hòa triết lý Đông Tây, cổ điển và hiện đại trong tác phẩm văn học một cách tài tình. Sáng tác ít, nhưng mỗi tác phẩm đều đạt tới mức cổ điển. Cổ điển trong cái nghĩa đẹp nhất: không theo thời thượng mà tìm đến những giá trị phi thời gian. Có thể nói ông là trường hợp “văn dĩ tải đạo” độc đáo nhất trong văn học Việt Nam. Cái đạo ở đây là tư tưởng, là những vấn đề đặt ra cho người trí thức tiểu tư sản ở thời kỳ chia đôi đất nước, nói riêng, và con người của mọi thời, nói chung, trực diện với nghệ thuật và cuộc sống.

(Thụy Khuê – RFI)

 

Mỗi lần Vũ Khắc Khoan từ 9441 Blaisdell Ave, South Bloomington, Minnesota điện thoại cho bọn chúng tôi, trước nhất thường cho Hoài Bắc: “Ngày ấy, tao xuống đó”. Bọn chúng tôi đều nhìn nhau cười: “Chắc tuyết nó phủ cho gần chết rồi. Xuống thì xuống làm như đi kinh lý”. Nói vậy, chúng tôi vẫn sửa soạn đón Vũ. Bởi có Vũ là thức đêm, có sinh hoạt, có Jack Daniels khai vị mạnh mẽ buổi chiều, có Hennessy đậm đà buổi tối, có Hồ Trường thắm thiết phẫn uất rót về Đông Phương, rót về Tây Phương, và từ giọt lệ lăn ra nơi câu thơ bôn tẩu thất quốc, đến cái tăm rượu họp bạn sủi lên một nền trời lữ thứ, chúng tôi có Vũ, đã cùng nhau sống lại được rất nhiều điều. Những điều đã xa. Những điều đã mất. Anatole France: “Au milieu du chemin de la vie … Những điều ở một cuối đường cùng nhau nhìn lại, vừa như một ngậm ngùi vừa như một bâng khuâng vô tả, những điều còn như hơi thở, còn như da thịt mà lung linh hình bóng, sương phủ mênh mông, mưa đổ nhạt nhòa, ở đó mỗi chúng tôi là hình ảnh một người đi qua, cổ áo kéo, lăn vào bóng tối.

alt

Từ trái: Nghiêm Xuân Hồng, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan và Kiều Chinh – nguồn Gió – o

Gặp Vũ, chúng tôi cũng thấy lại được cho bạn con người ngày trước, trên cái nền vần vũ chuyển động của những biến động thời thế là lịch sử dồn dập kéo chạy như những đôi cảnh nhậm lẹ của một điều lạ lùng là Vũ tuy chẳng tham dự vào hết thảy lại như gắn liền thân thế vào những biến động ấy… Chẳng tham dự hết. Nhưng đã sống bằng một tâm thức nhà văn thắm thiết gắn chặt. Và đã viết ra từng khúc, từng đoạn có như dĩ vãng chỉ có ở Vũ những điều muốn nhớ, muốn thấy và trước hết là những con người. Con người trên đơn vị cá nhân, đơn vị thân thiết khác thường đặc biệt, con người của một định mệnh khốc liệt trong đơn độc tận cùng, bởi vì trong nhận thức Vũ, những con người làm nên lịch sử thời thế đều là những con người nghệ sĩ. Thành Cát Tư Hãn cũng là một nghệ sỹ. Cõi văn, cõi kịch Vũ Khắc Khoan là gì nếu không là một hành lang chân dung nghệ sỹ nhiều thời trên từng địa hạt của tâm hồn và hành động. Đó là Lý Đông A, Trần Tử Anh, Đề Thám trong huyền thoại. Nhất Linh trong thân thế, người bạn chí thân Lê Quang Luật. Đó là anh Trương Chi trên giòng sông của giai tầng ở giữa gã Tú Uyên trong tác phẩm biến tướng, Lưu Nguyễn sau trở về, anh Trời trong Ngộ Nhận.Thảy là những thế sống, những thế sống không tưởng tượng được. Thảy là những thành tựu, vì cái thế sống không thể tưởng tượng được, dầu chung cuộc chỉ là “đốt tranh” là cát bụi, là hư không .

Gặp lại Vũ, trước lò sưởi những tối khuya Minnesota trắng tuyết, mười ngàn phiến Động Đình Hồ đoán thấy đông lạnh dưới không độ tối đặc, hoặc ngoài một hàng hiên chiều của California tươi nắng, một lũ chúng tôi mà Vũ gọi một cách sắp chết là “đám cụ bạn vàng lác đác” mà Vũ giễu là “giới nghiêm cũng mặc, hẻm nào cũng vô “, đã thật sự tạo lại được một không khí tếu nghịch, đơn giản người nào cũng yêu thích lắm lắm. Vui nhất là thiền sư Nghiêm Xuân Hồng. Và người xưng Khoan tôi trong truyện kể cho đời lại rủ chúng tôi về với hắn. Như một bày Lưu Nguyễn nghịch ngợm .

(Mai Thảo – Gió-o)

Trưa nằm đọc lại tập sách mỏng ‘Đọc Kinh’ của Vũ Khắc Khoan nhớ người bạn đã mất ở Đàlạt

Xuân đã về miền Hương Tích ?
Sao có hoa mơ nở trắng rừng mơ ?
Hỡi ơi không trắng hoa rừng mơ
Mà trắng miền đất lạnh
Hoa trắng bay trắng rực Ngũ Đại Hồ
(Ngỡ Xuân – Vũ Khắc Khoan )
Ngũ Đại Hồ. Ngũ Đại Hồ
trắng toát tuyết và khuôn mặt của nhà
viết kịch nhà văn ấy như hiện ra
với mái tóc bồng với chiếc tẩu đẹp
tôi gặp ông chỉ được vài lần
mà sao thấy ông quá đẹp, đẹp từ điệu bộ
dáng đi. đẹp từ câu văn. vở kịch
nhớ những chiều Đàlạt sương mù
với chiếc manteau dài màu mỡ gà
người đàn ông đi xuống một con dốc
người đàn ông trước sân trường đại học Đàlạt
Đỗ Long Vân có thời làm quản thủ thư viện ở đó
ban kịch Thụ Nhân diễn Thành Cát Tư Hãn
nhớ không Ngữ ơi. bây giờ Lê Kim Ngữ đã chết
mới năm kia còn uống với nhau ly rượu quý
cùng Bửu Ý ghé thăm bạn. căn nhà trồng đầy
hoa hồng. căn nhà đi xuống nhiều bậc cấp
căn nhà kỷ niệm bao nhiêu năm Đàlạt
năm nay về bạn không còn nữa.
bạn mê kịch Vũ Khắc Khoan [1]
như tôi mê tình bạn giữa các anh
Ly rượu nửa khuya là ly thứ mấy ? [2]
Mai Thảo luôn nhìn ngắm bạn mình
như một cần thiết. và Phạm Đình Chương
và Thanh Tâm Tuyền… tôi luôn mãi nhìn
các anh là những ánh lửa. không ngưng cháy sáng
cho cuộc đời. cho nghệ thuật. cho tình bạn.

[1] Vũ Khắc Khoan sinh ngày 27- 2- 1917 tại Hànội
 mất ngày 12- 9- 1986 tại Minneapolis, USA
[2] Mai Thảo – Văn 1973, số đặc biệt Vũ Khắc Khoan

alt

Vũ Khắc Khoan – tranh Đinh Cường

DC -Virginia, Jan. 23, 2014