“… Trước khi về thăm nhà, con có nhận được thư của bác, con tính trả lời bác liền, nhưng nghĩ tới nghĩ lui, con lại ngại, phần vì tâm tư bất an, phần vì sợ nói ra những điều thực tế, sợ bác và các em không hiểu rõ, rồi buồn!”
Tuy vậy, con biết đến một lúc nào đó, con vẫn phải trả lời thư của bác. Không thể bặt vô âm tín được. Vì thế mỗi lần bật máy computer, lá thư của bác trong inbox như một nhắc nhở. Trong lúc làm việc, con luôn nghĩ về lá thư con sẽ viết cho bác. Nghĩ được điều gì, con viết xuống với ý định sẽ ráng viết cho xong và gửi cho bác. Hơn mấy tháng qua, con viết đủ điều, nhưng nay đọc lại, đã không có một chữ nào đi vào nội dung lá thư con muốn gửi cho bác.
Hôm con về đến nhà, bác điện thoại hỏi thăm. Tiếng bác reo vui khi nhận ra giọng con, bác hỏi thăm sức khoẻ của con và gia đình, và thật ngập ngừng bác hỏi con có nhận được thư của bác không. Con trả lời: dạ có. Môt giây yên lặng, con biết đó cũng là thời khắc đủ dài để bác nuốt nỗi mong đợi, xen lẫn tủi thân để thốt được câu: “Rứa thì bác yên tâm”.
Con vẫn nín thinh với mặc cảm đã không trả lời thư bác, phải chi con viết vài chữ: “Con đã nhận được thư bác, con sẽ viết dài hơn trong thư kế.” thì tốt biết bao!
Bác nói tiếp như không thể kềm giữ xúc động: “Rứa thì bác yên tâm, bác nghe giọng con, bác biết con không buồn chi bác. Sau khi viết xong, bấm nút gửi thư đi, bác lo ngại sợ con buồn bác, mặc dù lá thư chỉ là tâm sự của bác, một tâm sự lộn xộn không đầu không đuôi, con thấy không? Chuyện đời, chuyện con cái, chuyện riêng tư. Nhiều khi bác nghĩ, mình già rồi, có con cháu nội ngoại mà răng trái tim mình vẫn cứ thổn thức? Bác không thể nói với ai ngoài con. Từ hồi hai bác con mình liên lạc email với nhau, bác cảm thấy gần gũi và ấm áp. Con cho bác cảm giác bình an, và sự tín cẩn của những người bạn. Bởi rứa, bác phơi trải tâm hồn khi viết cho con. Những vui buồn hạnh phúc hồi còn trẻ, thoáng hiện thoáng mất. Những lúc một mình, đã có lúc bác bắt gặp lại những ngày nớ. Rồi nghĩ tới hiện tại, tới cuộc đời của mấy đứa con. Bác tự hỏi tại răng bọn hắn phải cực khổ quá chừng như rứa. Tại răng con bác lại ra đi trước bác? Bác xin Trời Phật nếu được, thì cho bác nhận chịu tất cả những bất hạnh của con bác.”
Bác thương yêu, bữa đó hai bác con mình nói chuyện cả tiếng. Tình cảm hai bác con mình tràn trề. Cả con và bác đều cảm thấy nhẹ nhàng. Cảm giác tội lỗi chưa trả lời thư và sự mong chờ thư đã tan biến trong không gian. Trước khi chúng ta tạm biệt nhau, con hứa chắc chắn sẽ viết cho xong lá thư để gửi cho bác. Bác nói, bác đã nghe được ý của con rồi, bác vui lắm, nhưng bác thích đọc thư hơn nói chuyện. Vậy mà tới bữa nay con vẫn chưa gửi lá thư đó cho bác!
Cuối tuần trước lúc con đang gặp các bạn thì điện thoại reng, dòng chữ unknown hiện ra trên màn hình nhỏ, không biết ai, nhưng con vẫn bấm nhận cuộc gọi. Tiếng bác thật ấm và nhỏ nhẹ: “Con hả, con đã nhận được xấp lụa bác gởi chưa?” Một mặc cảm tội lỗi lan tỏa khiến con ấp úng, vấp váp trả lời bác. Giọng bác xa vắng: “ Ừ, con nhận được bác yên tâm rồi, thôi con lo công việc đi, bác cảm ơn con hỉ!” Lúc đó con nói vội: “Bác ơi, con sẽ viết thư cho bác tối nay.” bác ừ và tắt điện thoại. Từ đó, tâm tư con không yên, con tự hứa sẽ phải trả lời lá thư cũ và lá thư mới bác báo đã gửi cho con chiếc áo dài lụa màu xanh lúa non… Nhưng bác ơi, từ hôm ấy đến nay đã ba hôm, con vẫn chưa viết xong lá thư cũ.
Bác thương yêu,
Con biết chắc không có bất cứ một hạt bụi nào làm vẩn đục tình cảm giữa hai bác con mình, nhưng con không xứng đáng được bác tin tưởng vì con chưa thành tâm như bác đốì với con. Con đã đóng vai một nhà tâm lý để vuốt ve an ủi đau khổ của bác, mà chưa chia sẻ với bác như một người đồng cảnh ngộ.
Bác viết và kể về thằng cu Tài, con của Hảo bị khuyết tật. Bác đã nuôi cu Tài để Hảo được nhẹ tâm lo cho những đứa con khác và giữ hạnh phúc gia đình, nhưng chồng Hảo vẫn bỏ đi. Con đã xót xa, chia sẻ với bác nhưng không trải hết những đau đớn của riêng mình với bác.
Chắc bác không biết Trí, con của chị Hằng bị Down Syndrome! Con nhớ hồi còn ở Việt Nam, Trí thường xuyên bị nhốt trong cầu xí, để gia đình không phải nghe những lời gièm pha bóng gió của một ai đó vô tình ghé thăm và cũng để Trí thoát khỏi những ánh nhìn khủng khiếp kinh tởm. Mọi người đã bị mặc cảm, sĩ diện chiếm ngự, khiến tình thương không thể trỗi dậy.
Sau khi gia đình vượt biên và được định cư tại Mỹ, Trí được xã hội Hoa Kỳ săn sóc đàng hoàng, được cho đi học, để tự lập, và không là gánh nặng thái quá cho gia đình và xã hội. Thế nhưng Trí vẫn là một mặc cảm, một oan gia của dòng họ. Chồng chị Hằng cho Trí là nghiệp chướng của bên ngoại nên đã bỏ chị Hằng và Trí. Tại sao vậy bác? Tại sao nhiều người thường muốn thừa nhận văn hóa Việt Nam là nhân bản, là đạo đức, nhưng cũng sẵn sàng thản nhiên khinh rẻ, xa lánh những người tàn tật, dù đó là máu mủ ruột thịt của mình hả bác?
Bác ơi, nghe bác kể cu Tài bập bẹ cảm ơn nhưng không nói được, bác xót, bác thương trong khi những người bà con xa gần liếc xéo. Con muốn khóc oà cho vơi nỗi niềm mà con đã giấu kín, vì đã hàng trăm lần con bắt gặp ánh mắt long lanh biết ơn và giọng nói không rõ của Trí đối với cô giáo trong trường. Cô giáo ôm Trí thương yêu, chị Hạnh trào nước mắt hãnh diện, vậy mà một người trong họ nỡ buông câu: “Chắc gia đình làm điều gì ác đức nên mới có thằng Trí!”
Bác ơi, từ ngày sang bên này, sống gần Trí, đã có lúc con nghĩ mình thật phước đức. Vì tâm tư Trí phẳng phiu và trong suốt như gương. Trí là biểu tượng của sự thật, của chân tình và yêu thương không điều kiện. Con tự hỏi nhân duyên từ kiếp nào xa xôi đã khiến Trí đến với gia đình con, để nó không bị hất hủi, và chúng con hiểu được yêu thương có thể bù đắp mọi bất hạnh.
Chắc bác cũng chưa biết chồng của Hiếu, con chị Tâm đã mất vì ung thư khi đứa con trai đầu lòng mới được 3 tuổi. Khi nghe bác kể chồng em Lan mới mất vì bạo bệnh, Lan điên cuồng vì sắp sinh con, bác thương con mà không biết làm sao, khiến tim con như bị bóp nghẹt, con muốn nói với bác là gia đình con cũng trải qua thảm cảnh này. Chắc bác chưa biết chị Tâm đi vượt biên bị hải tặc làm nhục, chị ấy chỉ muốn hủy mình khi được đưa vào bờ. Nhưng khi nghe bác sĩ báo một mầm sống đang nẩy nở trong chị thì chị tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn và can đảm hơn. Với lòng nhân hậu hiếm có, và tình mẫu tử bao la đã trải qua chín tháng cưu mang đứa bé vô tội giữa sự thống hiểu và yêu thương đùm bọc của gia đình. Hiếu ra đời, khỏe mạnh và lớn nhanh như thổi. Thời gian dường như đi chậm so với sự trưởng thành của nó. Hiếu như đoá hoa hướng dương rực rỡ dưới nắng, nó học rất giỏi, lên trung học đại học và tốt nghiệp y tá. Lấy chồng cùng nghề và sẵn sàng cho một gia đình ngập tràn hạnh phúc. Hiếu muốn tạo dựng một gia đình mà chị Tâm hằng mơ ước là có thật nhiều con, nhiều cháu. Hôm Hiếu báo tin có thai, chị Tâm khóc òa vì vui, hạnh phúc tưởng như không bao giờ rời xa gia đình chị. Thế nhưng hôm nghe Hiếu báo tin chồng nó bị ung thư thời kỳ cuối, chị Tâm đã khóc ngất, chị đã trách trời cao sao nỡ làm khổ gia đình chị; và chị cũng khẩn cầu như bác, phải chi chị có thể nhận lãnh cục bướu ung thư thay cho chồng của Hiếu.
Bác ơi, con hiểu mình thường xin những gì đau buồn đừng xảy đến cho người thân, mà hãy xảy đến cho mình, vì mình sẽ có đủ nghị lực để chấp nhận. Như con thường cầu nguyện, con xin nhận chịu tất cả những đau đớn bệnh hoạn để cha mẹ, các em, các con, các cháu mình được bình an. Không hiểu tại sao con luôn luôn nghĩ con có sức chịu đựng hơn mọi người. Xin hãy để một mình con gánh chịu là đủ.
Bác ơi, con đã viết được những gì con phải viết để gửi đến bác. Những hạnh phúc mà con thường viết và thường kể cho bác nghe chỉ là sự giả dối, cố gắng vá víu, che đậy những bất hạnh chồng chất, bác đừng lấy đó làm mốc hạnh phúc mỗi lần nghĩ đến gia đình con nữa nghe bác.
Lá thư thứ hai bác báo là đã gửi cho con xấp lụa màu lúa non, lẽ ra con phải viết ngay vài chữ cảm ơn bác, nhưng một lần nữa con không thể viết. Bác ơi, xấp lụa cũng màu lúa non, cô Yến cho con ba năm nay vẫn còn nằm trong ngăn tủ. Năm đó con mới nhận được xấp lụa, con cảm ơn cô rối rít và viết là màu lúa non là sức sống mới thay cho đám rạ khô cằn! Bác ơi chỉ một tuần sau, cô Yến ngã bệnh, cô bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Cô quyết định hiến xác cho trường y khoa và mất vài ngày sau đó.
Bác ơi, con thương bác vô cùng nhưng vì tin dị đoan nên con không dám viết thư cảm ơn bác. Bác ơi, con không muốn mất bác như con mất cô Yến.
Bữa hôm trước con coi hình bác đi chùa, bác gầy và đen, con hỏi bác có khoẻ không? Có đi khám bác sĩ không? Bác nói ở VN khi mô đau mới đi bác sĩ, chứ tiền đâu mà đi khám định kỳ như ở bên Mỹ. Bác ơi, con sợ tất cả những bất trắc xảy đến cho từng người thân của mình.
Con sẽ gửi thư này đến bác như đã hứa, và con tin lá thư thứ hai đi kèm với thư thứ nhất thì cái huông mất cô Yến, nếu có, sẽ không thể ảnh hưởng đến bác.
Bác ơi, ban đầu con nghĩ viết xong con sẽ gửi cho bác liền, nhưng bây giờ con lại ngại ngần. Bác ơi, con sợ khi bác biết con đã từng đau khổ, chơi vơi mất niềm tin ở chính mình, bác sẽ mất chỗ dựa nơi con, sẽ không tâm sự với con và con sẽ không biết bác buồn vui để an ủi bác.
Con sẽ viết thư khác cho bác thật ngắn như: Con đã nhận được thư và xấp lụa. Con sẽ may và mặc rồi chụp hình gửi bác. Thương bác nhiều.