Tết mà thiếu sự ồn ào náo nhiệt của các sòng bầu cua, lô tô thật kém thú vị cho mấy ngày xuân. Tôi thấy hầu như bà con mình thích chơi bầu cua hơn lô tô vì vừa vui vừa nhanh ăn thua, đỡ tốn thời gian ngồi mỏi lưng nghe kêu cả 99 con số. Cứ tụm quanh bàn, đặt vô, mở nha “hai trái bầu, một con cua”. Đông đủ người ngồi người đứng chổng mông với tay lượm tiền may mắn. Ngay như anh em gia đình báo Trẻ, năm nào cũng bày trò bầu cua vui chơi lấy hên trong ngày đầu năm. Khiến năm rồi, tôi hứng chí viết bài “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua”. Nhưng năm nay lại khác. Mặc dù anh em báo Trẻ vẫn chơi bầu cua như thường niên, tôi xin hầu bạn đọc loại trò chơi dân gian lô tô cho rôm rả xóm làng. Con gì ra đây là cờ ra con mấy?
Tôi khoái cái kiểu đu đưa, kêu gọi mấy con số lào xào trong chiếc bọc vải. Cũng có nhiều người chẳng thích người kêu hát vè nói số: “Con gì ra đây / Tui bóc cờ ra / Cờ ra con mấy / Con gì ra đây” vì nóng lòng chờ con số “kinh” làm người thắng cuộc. Kêu lô tô mà chỉ bóc số rồi gọi: Một. Số mười một. Mười hai ngựa non háu đá hay chín hai, chín mươi hai, ngựa già gặm cỏ thì nghe khô khan chán chết. Thật ra, kêu lô tô phải là người lanh trí và có máu tếu táu. Không chỉ thế, phải thuộc nhiều ca dao, vè, thậm chí thuộc tuồng cải lương xuống giọng bắt vần kêu con cờ ra. “Bá Nha là bạn Tử Kỳ, tình bạn cố tri Tử Kỳ đã chết / Đâu còn tri kỷ đâu nữa cung đàn / Nên ông ngỡ ngàng ôm đàn mà bẻ gãy / Con số bảy / Con số bảy rồi cờ ra con mấy, mấy gì đây, con mấy gì đây”. Hay như cất giọng nam xuân “Lương Sơn Bá với Chúc Anh Đài tình bạn lâu dài trăng thu mà sáng tỏ. Nhưng Lương Sơn Bá có ngỡ đây rằng Chúc Anh Đài là gái giả trai”. Nguyên con số hai. Rồi con số gì đây là cờ ra con mấy?
Lô tô lô tô mại dzô bà con ơi
Cái hay của người kêu cờ (người hiệu) nhiều khi hóa chuyển chuyện gây gổ nhau trong bàn chơi với người nóng tính. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, có lần anh Hai ở xóm trên ghé quán lô tô mua vài vé cho vui. Anh bị lác, cứ gãi sồn sột nên người ta đặt cho anh biệt danh Hai Lác. Số xui, ngồi ê cả mông, chẳng thắng ván nào, lại lác làm ngứa háng, anh cứ ngọ ngoạy không dám gãi sợ người ta cười. Vừa lúc lại nghe người hiệu hô to: “Lác khô đi trước / lác ướt theo sau / Hai lác gặp nhau / tha hồ mà gãi / Tha hồ mà gãi”. Hai Lác tức khí sửng cồ “mầy nói ai lác, bộ mày không có lác à”. Anh hiệu xuề xòa “Ậy ậy, anh Hai, tha hồ mà gãi, là con số bảy. Anh Hai kinh rồi, anh Hai chiến thắng. May là anh Hai chờ con số bảy, thắng được ván cờ, lượm tiền cười vui, huề cả làng.
Viết bài lô tô cho vui ba ngày xuân, chứ tôi cũng chẳng biết nguồn gốc của trò chơi này xuất phát từ đâu. Có người cho là từ Châu Âu, tận nước Hy Lạp cách đây mấy trăm năm, gần giống như trò xổ số ngày nay nhưng có người kêu số chứ không quay lồng cầu. Nhiều người nói lô tô từ mấy ông Tàu du nhập vào Việt Nam. Nhưng mấy ông già ba tri Nam bộ thì bảo “hồi còn bé tẹo, tui đã thấy Tết trong xóm, nhà nhà bày trò chơi lô tô, người ngồi chơi từ dưới đất lên tới bộ ván ngựa”. Theo thời gian, lô tô ban đầu là trò chơi giải trí mấy ngày Tết trong nhà dần dần phổ quát ra đường phố, sân đình, xóm chợ. Riết rồi trở thành trò cờ bạc ở các hội chợ hay hợp tác với các gánh hát “Bầu Tèo” du hành qua các thành thị thôn quê. Hồi còn sinh viên đi thực tập ở Long Xuyên, tôi khám phá có một cái xóm nghèo (lâu quá rồi không nhớ ở phường mấy) có tên “Xóm lô tô”. Bởi cư dân nơi đây, cứ sau ngày làm việc kiếm sống vất vả lại chui vào mấy căn nhà tôn vui chơi lô tô như một trò đánh bạc. Mua thẻ lô tô ngồi nghe kêu số, vậy mà không ít gia đình cả cha mẹ con cái đều mê, chơi suốt ngày không ngán. Tiền kiếm được bao nhiêu cứ vào lô tô hết. Rồi chửi bới, đánh nhau ì xèo.
Lô tô lô tô mại dzô bà con ơi
Ở nông thôn miền Nam ngày trước, các quầy lô tô chỉ mở trong ba ngày xuân, vui chơi xem như tìm cái hên trong năm. Ngôn ngữ lời vè, lời hát lô tô thật bình dân có thể bày tỏ tình cảm trai gái lứa đôi, ve vãn, phê phán những thói hư tật xấu, nói chuyện thời tiết mùa màng, chuyện chính sự, phụ sự… Bằng những lời mời mọc vui tai như sớ Táo Quân với tiếng phèng la chập chỏa, anh hiệu hô to. “Lô tô lô tô / Cô bác mại dzô / Người dò vài tấm / Kiếm tiền mua sắm / Thử vận xuân về / Vui chơi chớ mê / Chỉ ba ngày Tết. Hôm nay đông đủ / Quý bác quý cô / Tôi kêu lô tô / Cờ ra con mấy / Con mấy cờ ra / Cháu con đi xa / Tết đến quay về / Sắm sửa bộn bề / Nhà nhà hạnh phúc/ Trong ngoài sung túc / Chưng dọn nghiêm trang / Cầu dừa đủ sang / Cầu dừa đủ xài (xoài) / Cờ ra con hai / Cờ ra con mấy…”. Cũng có thể bài vè do người hiệu tự cương phê phán cách làm ăn gian dối nhắm vào lòng tin của người dân. “Nói mà không thấy / Thì chẳng ai tin / Thuốc uống không linh / Coi chừng thuốc dỏm / Thầy bà lõm bõm / Tiền mất thiệt thân / Bà con tương lân / Giúp nhau khốn khó / Đừng tin không rõ / Tránh chỗ lang băm/ Là con số năm / Cờ ra con mấy / Con mấy cờ ra…”. Từ đó các vè lô tô trở thành văn chương bình dân đa dạng truyền khẩu phát triển qua từng giai đoạn xã hội.
Nhân chuyện cách kêu lô tô của người Nam bộ, tôi xin nói ngoài lề một chút. Người Quảng Nam có loại bài Chòi. Luật chơi rất đơn giản, người chơi chỉ cần mua cái thẻ bài bằng gỗ, trên đó có in 3 con bài tới. Nếu anh hiệu hô trúng một con bài, người chơi sẽ được nhận một quân kỳ màu vàng. Nếu được ba quân kỳ sẽ thắng ván bài. Khi có người thắng, ván bài kết thúc. Cuộc chơi bài chòi có sinh động có rôm rả hay không còn phụ thuộc vào tài hô hát của anh hiệu phải thuộc hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng ngàn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng. Trong câu hát của người hô bài có thể bắt gặp được những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động và những sinh hoạt hàng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế… hay phê phán những thói hư tật xấu ở đời.
Du khách tham gia chơi bài chòi ở Hội An – nguồn huefestival.com
Trước đây, tôi có dịp dự thính buổi nói chuyện của Giáo sư Trần Văn Khê về âm nhạc dân tộc ở Sài Gòn. Ông có nhắc sơ qua về kiểu chơi kêu lô tô trong miền Nam với phong cách riêng của nó, tạo không khí vui nhộn trong những ngày Tết Việt Nam và có thêm sự so sánh với loại bài Chòi. Đánh bài chòi là một trò chơi dân gian giải trí mang tính chất văn chương bình dân. Người ta đánh bài chòi để thử thời vận hên xui dịp đầu năm, chứ không tính ăn thua đỏ đen. Dần dần, bài chòi đã phát triển đi lên thành một nghệ thuật quần chúng. Từ một nghệ nhân ban đầu là anh hiệu đóng đủ mọi vai, về sau xuất hiện nhiều nghệ nhân và hình thành một sân khấu hẳn hoi như sân khấu tuồng truyền thống. Những làn điệu dân ca đã tiến xa với những tuồng tích hoàn chỉnh như: Lâm Sanh – Xuân Nương, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông. Về tiết tấu, chỉ có nhịp đôi đều đặn hay nhịp ba bỏ một nhịp, nhưng cũng có thể biến tấu. Nhạc cụ phụ họa lúc đầu chỉ có đàn nhị và sanh sứa (là hai mảnh tre chuốt nhọn hai đầu cầm trong một tay, âm thanh chạm vào nhau nghe như tiếng ve kêu), sau thêm đàn nguyệt, ống sáo và song tiền. Và lời hát có khi chế biến gây cười.
Có những câu hát của anh hiệu làm cho cả hội bài Chòi cười nghiêng cười ngả bởi tính hài hước, vui nhộn, ý nghĩa sâu xa. Tuy lời tục nhưng thanh, gần gũi dân dã đời thường. “Làm thân con gái lẳng lơ / Ngủ trưa đứng buổi dậy đo mặt trời / Quần áo thì rách tả tơi / Lấy rơm mà túm mỗi nơi một đùm. Đó là con bài Ngủ trưa. Trần trụi hơn, là “Cu tôi ăn đậu ăn mè / Ăn chi của chị, chị đè cu tui”. Đó là con bài Chín cu. Thì trong miền Nam cũng có bài hát lô tô tuy tục không thanh nhưng chấp nhận được vì tính phóng khoáng nói thẳng “ruột ngựa” của con người đồng bằng Nam bộ. “Ngày xưa tát nước đầu đình / Gặp em anh đã muốn rình trộm xem / Đợi trời vào lúc nhá nhem / Chạy sang nhà ấy gặp em anh cười”. Là con số mười. Hoặc biến chỉnh lời ca dao chân chất man mác nỗi buồn thành giọng điệu hài hước: “Trời mưa bong bóng phập phồng mẹ đi lấy chồng con cũng theo trai”. Là con ba mươi hai. Thiệt hết chỗ nói!
Mại dzô mại dzô. Lặng lặng mà nghe tôi kêu con cờ ra, cờ ra con mấy con mấy nó về đây, con mấy nó về đây: “Tề Thiên Đại Thánh, ở động Thủy Liêm, học được phép Tiên, huyền công đã thạo, nghịch Thiên đại náo, bị Phật Như Lai, dùng phép bàn tay hoá núi Ngũ Hành, nhốt anh khỉ đột, là con mười một. Con mười một rồi cờ ra con mấy, con mấy nó về đây. Tấu sớ vừa xong, anh hiệu lô tô chuyển tông hát xênh xang cái rụp: “Mai đào tươi thắm / Vạn thọ rực vàng / Vui đón xuân sang / Người người hạnh phúc / Mã đáo thành công / Chân thành kính chúc / Cô bác gần xa / Cờ ra số ba / Con gì ra đây là cờ ra con mấy…”.
TN