Menu Close

Rượu

Chào bác sĩ,

Chúng tôi được biết rượu cũng là một loại thuốc, nhưng nếu uống nhiều thì lại không tốt cho sức khỏe. Xin bác sĩ vui lòng cho biết những ảnh hưởng xấu đó là gì và nếu có thể xin cho biết uống vừa phải là bao nhiêu và nên uống vào lúc nào. Cảm ơn bác sĩ. Linh Đặng- OKC

Đáp

Thưa ông Linh

Cảm ơn ông đã nêu ra câu hỏi này. Tết tới rồi là dịp để bà con mình gặp gỡ, chúc Tết chúc Thọ nhau. Và trong những cuộc gặp gỡ như vậy là phải có ăn uống. Ăn là cơm gà cá gỏi mà uống là phải có rượu có chè. Về món ăn thì ta sẽ bàn sau. Hôm nay ông hỏi đến tác dụng không tốt khi uống nhiều rượu, thì tôi xin kể ra như sau. Các tác dụng tiêu cực này cũng khá nhiều, chỉ xin nêu ra một số điều, kẻo lại cho là  “rung cây nhát khỉ”, làm mất hứng của bạn nhậu.

1. Rượu là chất gây nghiện

Ngay cả khi sử dụng rượu như một loại thuốc để trị bệnh, rượu vẫn có thể gây nghiện nếu uống nhiều và liên tục. Và ghiền rượu là một bệnh có thể đưa tới sự hủy hoại cơ thể, phần xác cũng như phần hồn. Ghiền cũng kéo theo những băng hoại trong gia đình và là gánh nặng cho xã hội.

2. Rượu có nhiều nguy cơ gây ung thư

Theo Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), người uống trên 150ml rượu mạnh mỗi ngày thì có nhiều nguy cơ bị ung thư miệng, cuống họng. Riêng với phụ nữ mà uống cùng số lượng thì có thêm khả năng tăng nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu tại Đại học Oklahoma cho hay uống nhiều hơn 750ml bia một ngày thì có nhiều nguy cơ bị ung thư trực tràng.

3. Rượu đưa đến suy dinh dưỡng

Uống nhiều rượu đưa đến nguy cơ suy dinh dưỡng.

Như đã trình bày ở trên, rượu chỉ cung cấp cho cơ thể một số năng lượng còn chất dinh dưỡng lại rất ít. Uống một lon bia có thể giúp ăn ngon miệng hơn, nhưng uống dăm lon là no cả bụng rồi, không còn chỗ trong bao tử cho thực phẩm.

Ngoài ra, nếu uống nhiều, đi tiểu nhiều, lại thêm ói mửa tiêu chảy mất hết sinh tố, khoáng chất. Thế là thiếu dinh dưỡng với nhiều hậu quả khôn lường.

4. Rối loạn cương dương

Đã có nhiều bằng chứng là uống nhiều rượu đưa đến giảm ước muốn tình dục cũng như khả năng cương cứng của cơ quan sinh dục nam giới.

5. Rượu gây mệt mỏi sau cơn say

Khi uống say quá chén, sáng hôm sau thức dậy sẽ thấy trong người mỏi mệt, đầu nhức như búa bổ, bao tử quặn đau. Phải mấy giờ sau, các khó chịu này mới thuyên giảm.

Lý do là cơ thể, hay đúng hơn là gan không đủ sức chuyển hóa và loại bỏ một lượng rượu quá lớn trong thời gian ngắn. Bình thường, uống một lon bia cần khoảng vài giờ để hóa giải. Uống nhiều hơn, biến chất của rượu sẽ tích tụ trong người dưới dạng mỡ; các mạch máu trên não nở to, giựt liên hồi khiến nhức đầu; lactic acid trong máu tăng làm con người mỏi mệt; đi tiểu nhiều làm mất khoáng magnesium, calcium nhưng lại giữ uric acid cao hơn nên người bị thống phong (gout) đau nhức khớp xương.

Nhiều người cho rằng cà phê có thể hóa giải tác dụng của rượu, nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Khi đã lỡ uống say, tốt nhất là uống nhiều nước để nồng độ rượu trong máu giảm đi, và nằm nghỉ.

6. Rượu làm tăng tế bào mỡ ở vùng bụng

Điều này tạo ra một cái bụng phệ rất khó coi.

Một nghiên cứu tại Đại học Utah cho thấy uống liên tục một vài loại rượu, nhất là bia, làm tăng tế bào mỡ ở vùng bụng.

Bụng phệ (beer bellies)  ở nam giới đưa tới nhiều bất ổn về sức khỏe hơn là cao vòng mông mỡ ở nữ giới. Mỡ trong “bụng phệ”sẽ tập trung ở các bộ phận quanh bụng, vào mạch máu và nâng cao cholesterol trong máu. Còn mỡ đóng ở vòng số ba khi phụ nữ  lên cân thì ít có ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, ngoại trừ việc phải mặc quần áo hơi rộng che mất “co” có đường cong tuyệt mỹ.

Gerard Klose, một nhà nghiên cứu ở Đức cho hay người đàn ông có vòng bụng 94 cm đã bắt đầu có vấn đề; nếu vòng bụng lên trên 102 cm thì người đó có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh ung thư.

7.  Rượu gây khuyết tật cho thai nhi

Hội chứng “mẹ nghiện rượu, con khuyết tật” là một hậu quả đáng chê trách khi người mẹ đang mang thai mà uống nhiều rượu. Khi mang thai, dù uống ít rượu cũng đã không tốt, còn nếu uống nhiều và kéo dài liên tục thì sẽ rút ngắn thai kỳ (sinh non), đứa trẻ có đầu nhỏ, mặt dị dạng, tim hư, trí tuệ đần độn. Những đứa con bất hạnh do mẹ nghiện rượu là một gánh nặng về mọi mặt cho gia đình và xã hội.

8. Rượu gây mất tự chủ

Uống nhiều có thể đưa đến mất tự chủ, dễ nóng giận, và hay gây ra tai nạn như đụng xe, té ngã. Hàng trăm sự việc không mong muốn đều có thể bắt đầu từ chỗ không làm chủ được bản thân.

Còn uống vào lúc nào thì đa số đều đồng ý là nên uống vào bữa ăn có cơm có thịt. Thức ăn tạo lớp lót trong lòng bao tử, rượu cũng hòa lẫn trong thức ăn nên giảm tốc độ rượu lan vào máu. Thức ăn cung cấp chất dinh dưỡng, làm ta mau no bụng, sẽ uống ít và thực phẩm làm chậm sự hấp thụ rượu từ ruột. Thực phẩm cần có nhiều đạm, khoáng, vitamin, ít đường và béo.

Nên nhớ là ta cũng nên tránh ăn thực phẩm quá mặn vì ăn mặn sẽ khát và sẽ có khuynh hướng “ Dô! Dô!” uống nhiều rượu hơn.

Rượu tác dụng rất nhanh. Chỉ ngửi thôi, hơi rượu đã vào máu. Sau khi uống, 20% rượu sẽ từ bao tử chuyển sang máu, và vài phút sau đã phân tán khắp cơ thể.

Hy vọng góp ý trên đây có thể giúp ông cũng như bà con trong ngoài nước để ý tới tác hại của rượu. Và uống vừa phải thôi. Vừa phải là la de 350cc, vang 150cc, rượu mạnh 50cc ngày 2 lần đối với người nam còn người nữ thì mỗi ngày một lần thôi.

Chúc ông nhiều sức khỏe.

NYD – www.bsnguyenyduc.com