Menu Close

Trước lạ sau quen!

Cô, cô, cô để giùm tui cái giỏ lên phía trên này.

– Dạ được!

– Cô cho tui ngồi ghế ngoài nghe, bị cái chưn tui bị đau.

– Dạ!

– Cô đi San josé hả?

– Dạ không, tui đi Nam Cali.

– Vậy là cô xuống chợ ABC. Bây giờ chắc dưới đó vui lắm, bị Tết tới rồi, nghe nói có chợ hoa, chợ đêm gì đó như VN mình thời trước.

– Dạ.

– Còn tui thì tuần này đi San José thăm thằng cháu nội. Cô đi khi nào về lại?

– Dạ, cũng bốn năm bữa.

– Tui đi một tuần, bị thằng rể tui nó đi VN, con gái tui muốn tui lên chơi với mẹ con nó.

– Dạ!

Bà khách ngồi bên cạnh ngưng nói chuyện, bắt đầu lục tìm gì đó trong cái túi vải nhỏ. Tôi nhìn qua cửa kính xe, nắng đã lên, xe từ nhiều hướng bắt đầu đổ vào lòng đường. Đã 7 giờ 30, xe đò cũng sắp chạy.

Tài xế bắt đầu thu tiền xe. Từ Sacto đi San José $20, đi Nam Cali $60 có thêm ổ bánh mì thịt hoặc gói xôi để ăn trưa, vì khoảng ba giờ chiều xe mới tới.

… Tôi đến bến xe đò Hoàng để đi Nam Cali lúc 7 giờ sáng. Trời vẫn chưa sáng rõ, và còn rất lạnh, dù đã là cuối đông. Hành khách lác đác. Tôi nghĩ có lẽ hôm nay không phải cuối tuần, nên ít khách đi xa, nhưng chỉ một lúc không lâu, hành khách đã lên gần đầy chiếc xe đò mấy chục chỗ ngồi.

Vì dễ bị chóng mặt khi đi đường xa, nên tôi chọn ngồi ở ghế ngoài ngay lối đi. Ở vị trí này, tôi vừa có thể nhìn thấy đường đi phía trước, vừa đỡ bị chóng mặt, vừa có cảm tưởng dễ thở, không bí bách như ngồi bên cửa sổ.

Thế nhưng tôi vừa quay người định ngồi lên chiếc ghế ngoài của hàng ghế thứ ba, thì có tiếng nói của một phụ nữ đi phía sau nhờ cất hộ cái túi khá to lên ngăn chứa hàng sát trần xe, và đề nghị tôi nhường ghế ngoài cho bà vì bà bị đau chân.

Tôi nhìn thật nhanh xuống các hàng ghế phía dưới, ghế ngoài đều có người. Thật chẳng biết nói sao, tôi đành phải nhường ghế ngoài cho bà khách và ngồi ghế phía trong sát cửa kính xe.

– Nhà cô ở gần đây không?

– Dạ không.

– Ở đâu lận?

– Dạ phía bắc á!

– Tui ở với vợ chồng đứa con gái út, ở Elk Grove á. Sáng nay thằng chồng nó chở tui ra bến xe, bị nó đi làm sớm đó, nó hối quá, làm tui quên cái phone.

– Bà cần phone hả, bà có thể dùng phone của tôi.

– Không, bây giờ tui không cần, nhưng khi tới San José tui mới cần để gọi cho con tui ra đón.

– Bà có thể gọi cho con bà bây giờ để hẹn giờ.

– Nó biết tui lên chớ, nhưng tui muốn kêu nó khi xe sắp tới, để nó biết chừng vậy mà.

– Ồ.

– Chắc cũng có người lên San José, lúc đó tui mượn phone gọi cho nó cũng được.

– Dạ.

Bà khách lại ngừng nói, bà nhắm mắt lặng yên, tôi cũng cần yên tĩnh để nghĩ đến chuyến đi Nam Cali lần này, ba ngày cho công việc, hai ngày cho bạn. Tôi đã hẹn Phương Lan ở Phước Lộc Thọ. Lan là một trong những người bạn thân thời trung học. Lan viết chữ rất đẹp, hồi đó mỗi lần nhìn Lan viết, tôi thường chú ý đến một ngón tay nhỏ xíu, mọc bên cạnh ngón tay cái của Lan. Tôi tinh nghịch gọi là Lan sáu ngón. Lan không giận, nó hiền khô. Khoảng tám năm trước, chúng tôi gặp lại nhau sau mấy chục năm xa cách, thấy tôi lén tìm ngón tay “cố nhân” Lan bảo đã cắt nó đi rồi.

Mỗi lần có dịp xuống Nam Cali, tôi đều hẹn gặp Lan ở cái góc nhỏ trên tầng lầu hai của Phước Lộc Thọ

Hai đứa ôn lại chuyện xưa, thời còn nhỏ xíu ở Đà Nẵng, mới vô lớp đệ thất trường Trung học Phan Chu Trinh, đến xong Tú Tài hai, bạn bè chia tay lên đại học, đứa ra Huế, đứa vô Sài Gòn… tứ tán… đến bây giờ, đứa còn đứa mất. Hình như lần nào gặp nhau, chúng tôi cũng chỉ nói bây nhiêu chuyện, nhưng lần nào cũng như mới, như chưa bao giờ được kể, được nhắc đến.

Lần này tôi lại hẹn được Mão, cũng bạn cùng lớp thời Trung học. Hai vợ chồng Mão từ Atlanta xuống Nam Cali thăm bạn và ăn Tết ở đây.  Cách nay vài năm, Mão làm đám cưới cho con trai. Chúng tôi tám đứa bạn thân từ khắp nơi kéo về Atlanta, trước là để dự đám cưới, sau là hội ngộ. Vì từ ngày rời trường Phan Chu Trinh năm 70, đó là lần đầu tiên tôi gặp lại Mão, nên những ngày ở Atlanta là kỷ niệm nhớ đời.

Nhà Mão rộng rãi, cả bọn dồn vào một phòng lớn. Ban ngày đi thăm phố xá, ăn hàng, chạy loanh quanh thăm những di tích lịch sử như ghé đài CNN chụp hình giả làm phóng viên, thăm nơi sản xuất Coca Cola, ghé thăm căn nhà của Margaret Mitchell tác giả cuốn Gone with the wind, Cuốn theo chiều gió… Tối về trải chăn trên thảm, nằm bên nhau kể chuyện xưa, chuyện vui, chuyện tếu, cười khúc khích đến  nửa đêm về sáng.

….

– Cô có mấy đưá con?

– Dạ, hai cháu gái bà ạ.

– Tui ba đứa con gái.

– Con cô chắc còn nhỏ há?

– Con tôi lớn hết rồi, hai cháu đã có gia đình, tôi cũng có một cháu ngoại rồi.

Bà khách trợn tròn mắt:

– Úy trời, vậy cô nhiêu tuổi.

– Tôi 63 rồi!

– Cô cùng tuổi với tui rồi, mà coi cô trẻ dữ à!

Tôi nhìn kỹ bà khách, mớ tóc bạc và vòng bụng đầy đặn, lại thêm cái chân đau, khiến bà có vẻ chậm chạp, tuy nhiên nét phúc hậu trẻ trung vẫn ẩn hiện trong ánh mắt.

Tôi cười thân thiện cảm ơn bà khách và chợt nghĩ trẻ hay già ở cái tuổi trên 60 thật khó nói. Hình ảnh thật nhất là buổi sáng khi bước xuống giường, nhìn vào tấm gương bằng chiều cao. Đấy là hình ảnh trung thực nhất của mình. Đã có nhiều lần tôi thót tim khi đi ngang tấm gương lớn, bắt gặp một bà lão tóc thưa thớt bạc trắng rối bù, thân hình xệu xạo, giương đôi mắt lờ đờ, mí dưới sưng húp sỗ sàng nhìn tôi. Chúng tôi căng mắt nhìn nhau, chỉ một giây sau, bà lão nhăn nhó thảm thương và biến mất.

Bà khách bên cạnh lại nhắm mắt, tôi tiếp tục nghĩ đến công việc và đám bạn cũ. Đó đây có tiếng nói chuyện rì rào, dù không muốn, nhưng tôi vẫn nghe rõ câu chuyện của hai người phụ nữ ở hàng ghế trên:

“… Thời nay cái chuyện ông già lấy gái trẻ là thường tình rồi, nhưng chị biết không, ông sui của tui 75 tuổi ổng ẵm con nhỏ mới 20. Trời ơi, đám con ổng cự quá trời, nhưng ổng đâu có nghe. Tới hồi giấy tờ xong xuôi, con nhỏ qua, tui muốn té ngửa. Nó bằng con muỗi dzị, mà cặp dưa chần dần, thiệt hết biết!    

“….Ôi chị ơi, đàn ông mà, họ ưa mấy cái đó thôi!”

“Tui nói chị nghe, ổng hổng có mắc cỡ, ổng dắt nó qua chào tui, tui ngó lơ chớ làm sao mà nhận cái thứ đó làm sui gia được, nó nhỏ hơn con mình mà. Mà chị biết hông, nó dám kêu tui bằng chị. Trời đất quỷ thần ơi, tui ứa gan, nhưng phải dằn, không thèm trả lời.

“Sao chị hổng nói cho nó mấy tiếng, thiệt cái thứ gì đâu!”

Bà khách bên cạnh mở mắt, chồm người lên hàng ghế trước góp chuyện:

– Rồi bà sui của chị có nói gì hông? Tội nghiệp bả quá!

Nói xong bà dựa lưng vào ghế, khều nhẹ tay tôi:

– Chị biết không, đàn ông cũng có nhiều hạng. Như ông chồng tui chỉ biết lo cho gia đình. Ổng đi lính thời Cộng Hoà mình, sau giải phóng, ông đi cải tạo…

Bỗng có tiếng của bà ở hàng ghế trên nói vọng xuống:

– Trời ơi, tụi việt cộng nó chiếm nước mình chớ giải phóng gì? Nó bắt lính mình đi tù chớ cải tạo gì?

Bà khách bên cạnh tôi chống chế:

– Ờ thì hồi đó nghe người ta nói, rồi cũng nói theo, riết rồi quen

Bà ở hàng ghế trên quyết liệt:

– Sửa đi bà ơi, cộng sản chiếm miền Nam, bắt lính Việt Nam Cộng Hòa đi tù cải tạo!.

Bà khách bên cạnh tôi nhún vai kể tiếp:

– Sau khi đi tù về, ổng bị bệnh tùm lum, ổng yếu không làm được việc nặng, tui phải lo trong lo ngoài. Tới hồi Mỹ họ cho đi HO, ổng nộp đơn, ổng nói ổng đem vợ con qua bên đó, đặng đền bù thời gian vợ con cực khổ vì ổng. Chị biết hông, cũng có người bạc tình bạc nghĩa bỏ vợ con, đem theo nhơn tình đi đó.

– Vậy ư?

– Có đó, đi chung chuyến qua Mỹ với vợ chồng tui, có một ông đi mình ên, ông xã tui hỏi gia đình của ổng, ổng nói vợ con ổng hổng muốn đi. Tui hỏi chị có ai hổng muốn qua Mỹ hông? Nói tới nói lui, lát sau mới lòi xì ra ổng làm giấy cho con vợ nhỏ.

Trong khi bà khách hào hứng kể chuyện, tôi miên man nghĩ đến những hoàn cảnh trái ngang và số phận của từng người. Cho dù duyên nợ đã hết, quãng đời có nhau đã qua, nhưng quá khứ vẫn còn nguyên hình dáng đâu đó trong trí nhớ, và ảnh hưởng nhiều ít đến phần đời còn lại. Tôi lẩn thẩn nghĩ đến vợ con của người đàn ông mà bà khách bên cạnh vừa nói đến. Chắc chắn họ vẫn còn ở VN, đời sống thế nào? Cực khổ hay may mắn? Có thể người phụ nữ ấy bước thêm bước nữa, có thể hạnh phúc, nhưng cũng có thể xất bất xang bang. Có thể đám con lớn khôn, gặp thời thế ăn nên làm ra, biết đâu có đứa trở thành đại gia. Nhưng cũng biết đâu mấy mẹ con đang lếch thếch đâu đó bán vé số, cực nhọc tìm kế sinh nhai…

Bà khách lại kể sang chuyện khác…chuyện con rể của bà về VN ăn Tết với má nó, hai năm nó về ăn Tết một lần. Ba người con rể của bà đều là người tốt. Người con rể lớn, mới mất vì bịnh ung thư, con gái bà phải đi làm thêm để nuôi con. Con rể thứ hai còn mẹ già ở VN. Con rể Út có cha mẹ ở Mỹ, và cậu ta lo cho gia đình và chu toàn trách nhiệm đối với mẹ ruột, mẹ vợ, vì vậy bà rất vui khi ở với vợ chồng con gái út. Từ hồi bà bị té, trặc chân, đi đứng khó khăn, một tay cậu rể út chăm sóc bà, chở bà đi bác sĩ bệnh viện…

 Bà khách ngừng kể, nét mặt thanh thản, bà nhắm mắt như để hưởng ân huệ trời dành cho bà. Hai bà khách ở hàng ghế trên cũng yên ắng, có lẽ đang theo dõi câu chuyện như tôi.

Bỗng có tiếng của người tài xế:

“Bà con đi Nam Cali sửa soạn sang xe nghe, còn ai đi San José thì ngồi lại.”

Xe từ từ rời khỏi xa lộ đến địa điểm chuyển khách và ngừng ở khu phố nhỏ của thành phố Stockton.

Tôi đứng lên len ra ngoài, và chào bà khách vừa quen, bà nắm tay tôi thân mật:

– Chị đi vui nghe, mai mốt gặp. Năm mới chúc chị mạnh giỏi may mắn há!

Tôi cũng chúc lại bà khách và xuống xe.

Tiếng của người tài xế:

– Bà con đi Nam Cali lên xe lẹ lẹ đi, chúng tôi chuyển hành lý qua là đi đó.

Tôi lên xe, may sao tìm được một ghế ngoài ở ngay hàng ghế thứ hai còn trống.

Tám giờ rưỡi, nắng đã lên cao, chẳng mấy chốc chiếc xe đò nhập vào dòng xe đang nối đuôi nhau trên xa lộ. Kỳ này anh tài xế không bật DVD Thúy Nga Paris hay Asia cho hành khách coi nên tứ bề yên ắng. Cô gái ngồi kế tôi lim dim ngủ, tôi bỗng nhớ bà khách… nhiều chuyện mới quen…

PDH – 2/14