Đã ba tháng trôi qua kể từ ngày cơn bão biển Typhoon Haiyan tàn phá đảo quốc Philippines, gây thương tâm cho toàn thế giới. Trong phạm vi của mình, tính đến nay đã có gần 60 thân hữu và độc giả Trẻ quyên góp số tiền trên $5,000 yểm trợ nạn nhân thiên tai.
Nạn nhân bão Typhoon Haiyan xếp hàng nhận cứu trợ tại Barangay Magallanes, Tacloban City. Ảnh Herman Lumanog
Số tiền tuy không phải thật lớn, nhưng có thể nói lên niềm nhớ ơn của nhiều người Việt đối với xứ sở và người dân Phi. Họ đã từng dang tay đón nhận và che chở hằng trăm ngàn người Việt tỵ nạn chạy trốn làn sóng đỏ sau 1975. Đáng kể có Trung Tâm Philippine Refugee Processing Center (PRPC) thuộc tỉnh Bataan. Trung tâm này có thể tiếp nhận 20,000 người tỵ nạn vào bất cứ thời điểm nào, làm nơi dừng chân tạm thời, cho người tỵ nạn nghỉ ngơi và chuẩn bị, trước khi tái định cư tại đệ tam quốc gia, đa phần đến Hoa Kỳ. Nhiều người Việt có lẽ còn nhiều kỷ niệm với PRPC một thời nhộn nhịp như một thành phố nhỏ, với đầy đủ trường học, nhà thương, nhà hàng, chợ búa, v.v…
Đóng góp của độc giả Trẻ có thể kể vào nhóm quyên góp phi chánh phủ. Có nhiều nỗ lực rất lớn kiểu này trên thế giới, mục đích yểm trợ nạn nhân bão Typhoon Haiyan. Tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới nổi tiếng (Doctors Without Borders) từng gởi 200 tấn vật phẩm cứu trợ. Trong danh sách các công ty lớn góp mặt tiếp cứu có tiệm bán lẻ Walmart, hãng Samsung, nhà băng HSBC… Hãng nước giải khát Coca-Cola trích $2.5 triệu từ ngân quỹ quảng cáo để cứu trợ Philippines. Những tổ chức thể thao nổi tiếng như FIFA (Liên Đoàn Đá Banh Thế Giới) hiến $1 triệu, giải banh chày nhà nghề của Hoa Kỳ Major League Baseball tặng $200,000, v.v…
Học trò trường Santa Fe Christian School (Solana Beach, California) phụ gói 200,000 bọc thức ăn cứu trợ giúp nạn nhân bão Typhoon Haiyan.
Đặc biệt, một tổ chức Phật Giáo của Đài Loan mang tên “Buddhist Tzu Chi Foundation” đã mở chương trình cứu trợ rất quy mô mà lại sáng tạo, vừa giúp tài trợ nạn nhân, vừa khuyến khích họ góp tay tái thiết cộng đồng. Chỉ trong vòng không đầy 3 tuần lễ, từ 20-11 đến 8-12-2013, Buddhist Tzu Chi Foundation thu hút trên 31,000 người Phi góp sức tổng cộng 300,000 ngày công, giúp dọn dẹp hằng ngàn tấn rác, phế phẩm… ngay trong vùng thiên tai. Đổi lại, các tình nguyện viên nhận thù lao 8,000, 12,000 hoặc 15,000 đồng “Peso” tùy theo gia đình lớn hay nhỏ. Nỗ lực của Buddhist Tzu Chi Foundation đã tạm thời nâng đỡ đời sống của chừng 40,000 gia đình người Phi trong vùng chịu nạn.
Trên tầm mức quốc gia, Nhật Bổn tài trợ trên $50 triệu. Lực Lượng Phòng Vệ Nhật cũng mở chiến dịch tiếp cứu lớn nhất xưa nay, có mặt trên 1,000 quân nhân. Chánh phủ Canada đóng góp $40 triệu chỉ trong 2 tuần đầu tiên. Anh Quốc trợ giúp trên $80 triệu. Na Uy chuyển cấp tốc $41.6 triệu. Đức Quốc mau lẹ vận chuyển 23 tấn vật phẩm cứu trợ và các toán cứu nguy sang Phi. Úc Châu hứa giúp $30 triệu và biệt phái phi cơ vận tải C-17 Globemaster và C-130 Hercules của Không Lực Hoàng Gia Úc yểm trợ chuyển vận y cụ cùng các toán chuyên viên y tế khẩn cấp.
Các bác sĩ Nhật Bổn trong đoàn thiện nguyện Japan International Cooperation Agency (JICA) đáp xuống vùng bị nạn Leyte, Philippines. Ảnh Dondi Tawatao/Getty Images
Một số quốc gia Trung Cận Đông, nơi đang có khoảng 2 triệu nhân công người Phi đến làm việc, cũng hào phóng yểm trợ, như Saudi Arabia, United Arab Emirates, và Kuwait (cùng tặng $10 triệu); Bahrain gởi 90 tấn thực phẩm, lều, quần áo, dược phẩm, v.v…; Qatar cũng góp 80 tấn vật phẩm cứu trợ. Riêng Trung cộng ban đầu chỉ góp $100,000, nhưng bị thế giới phản ứng mạnh, nên về sau tăng lên $1.4 triệu.
Nếu Trung cộng tỏ ra khá tài tử trong cứu trợ nhân đạo, Hoa Kỳ lại chứng tỏ sự hào hiệp của một siêu cường. Ngoài yểm trợ trị giá ít nhất $37 triệu, binh sĩ Hoa Kỳ góp vai trò trọng yếu trong nỗ lực tiếp viện. Trong hai tuần đầu tiên sau khi cơn bão Haiyan đổ bộ, bằng nhiều phương tiện hữu hiệu, các quân nhân Hoa Kỳ có mặt tại hầu hết các nỗ lực tiếp cứu, đảm trách mọi việc từ thả dù tiếp tế những ngôi làng hẻo lánh bị cô lập, đến vận hành các phi trường bị hư hại nặng sau bão.
Các quân nhân Phi và Hoa Kỳ chuyển vật phẩm cứu trợ cho nạn nhân ở Tacloban. Ảnh JAY DIRECTO/AFP/Getty Images
Vào thời điểm cao nhất, có đến 13,400 quân nhân Hoa Kỳ đã có mặt tại vùng gặp nạn. Chiến dịch cứu trợ nhân đạo này mang tên “Operation Damayan” mặc dù chỉ kéo dài vài tuần lễ, nhưng bao gồm đủ bộ Thủy Quân Lục Chiến, Lục Quân, Hải Quân… thêm yểm trợ của 66 chiến đấu cơ và 12 chiến hạm, trong đó có 12 chiếc trực thăng phản lực “V-22 Ospreys” đời mới nhất. Chỉ tính riêng phi đoàn Medium Tiltrotor Squadron 265, đóng tại căn cứ Marine Corps Air Station Futenma bên Nhật Bổn, đã bay 1,300 phi vụ, giúp chuyển vận trên 2,495 tấn vật phẩm cứu trợ.
Cơn bão biển Typhoon Haiyan ập vào bờ Philippines hôm 8-11-2013. Người Phi gọi tên bão là “Yolanda”. Nhiều báo chí Việt ngữ phiên âm là “Hải Yến”. Đây là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào đất liền, căn cứ vào các con số đã được ghi nhận đến nay. Bão mạnh Cấp 5 với sức gió giật có lúc lên 315 km/giờ. Typhoon Haiyan gây thiệt hại nặng nhất cho miền duyên hải trung phần Philippines, giết hại trên 6,200 người, ít nhất 2,000 người mất tích, và ảnh hưởng trực tiếp 14 triệu người khác. Tối thiểu 1.1 triệu căn nhà bị bình địa. Có lúc trên 4 triệu người Phi phải lâm cảnh màn trời chiếu đất. Chỉ riêng tại thành phố Zamboanga City, đến giữa Tháng Giêng 2014 vẫn còn 63,000 người vô gia cư không nơi nương tựa. Và đến thời điểm này, mỗi ngày người ta vẫn còn tìm thấy thêm thi thể các nạn nhân xấu số.
Một nạn nhân và thùng tặng phẩm nhân đạo “UKaid” từ Anh Quốc.
Sau khi cơn bão tan, Philippines đối diện một cuộc khủng hoảng tái định cư dân chúng lớn chưa từng thấy. Chỉ riêng vùng Visayas đã có 1.9 triệu người mất trắng nhà cửa và trên 6 triệu người khác phải di tản trong khi chờ sửa chữa nhà cửa hư hại nặng. Riêng vùng Tacloban thiệt hại nặng nhất, có 90% các công trình nhà cửa, dinh thự, kiến trúc đã hoàn toàn bình địa hoặc hư hỏng nặng nề. Phi trường chánh của Tacloban trông giống bãi chiến trường hơn, mất đài không lưu, tốc mái, cửa sổ kiếng bể vụn, rác và phế liệu vương vãi, có chỗ chất cao đến 10 feet. Nhà đương cuộc Phi vẫn còn đang vật lộn với các công việc đơn giản nhất như dọn dẹp đường sá, xây nhà cho dân, và đếm số người tử nạn. Nhiều vùng đến nay vẫn còn thiếu các phương tiện tối thiểu như điện và nước máy.
Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế điều hợp nỗ lực cứu trợ. LHQ có kế hoạch ứng phó chiến lược trong năm đầu tiên hậu bão tố, tốn kém $788 triệu, nhưng đến nay mới nhận được chưa đầy 45%. Tổng cộng chương trình kinh viện của LHQ kéo dài 4 năm lên đến $8.17 tỉ. Vì thiếu tài trợ mà có nơi như tỉnh Leyte Province chỉ mới tiếp nhận 2% lượng mái tôn kim loại cần thiết để lợp mái nhà. Cũng vì thiếu tài trợ mà chỉ một con số khiêm tốn 275,000 gia đình đang chánh thức thọ hưởng các quyền lợi cứu trợ, bao gồm mỗi tháng 25 kg gạo và 25 hộp thức ăn đóng hộp. Tin vui là từ ngày 6-1-2014, nhiều trường học đã tái mở cửa để đón học trò trở lại; nhưng tin buồn là không đủ chỗ vì phòng học hư hại quá nhiều và bàn ghế, học cụ hư hỏng chưa kịp thay thế.
Khi Trẻ tuần này đến tay quý độc giả, chánh phủ Phi đang kêu gọi cộng đồng thế giới giúp sửa hoặc xây mới 500,000 căn nhà. Đây là con số khổng lồ. Dự báo trong trường hợp khả quan nhất, nạn nhân bão tại Phi sẽ phải trú mưa nắng một cách tạm bợ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Một điều đáng kể bão biển Typhoon Haiyan là bài học quan trọng trong công việc cứu trợ cũng như nỗ lực sống sót trong thiên tai… . Đại diện LHQ gần đây cảnh báo tình trạng thời tiết bất thường gây ra các cơn bão khổng lồ ngày càng nhiều. Quanh thế giới, đặc biệt các vùng duyên hải, sẽ dễ đụng độ các cơn bão biển mãnh liệt như Typhoon Haiyan trong những năm tới, thậm chí những thập niên tới đây. Các tổ chức chánh phủ lẫn phi chánh phủ cần cải thiện phương cách phản ứng một cách hiệu quả hơn, ngỏ hầu giảm thiểu thiệt hại cho dân chúng.
TD