Menu Close

Cám Ơn “U”- Nước Mỹ

Tôi gia nhập thư ký, chuyên viên Viện Giảo Nghiệm thuộc Bộ Nội Vụ Đệ I Cộng Hòa từ năm 1958.  Viện này cung cấp cho Tòa Án Sài Gòn các tang vật, dấu vết, bằng chứng liên quan đến các vụ án hình sự và dân sự.  Có 3 phòng – Phòng Kỹ Thuật có Ban Điều Tra phạm trường (tai nạn lao động, lưu thông, trộm, cướp, án mạng, tự tử, hiếp dâm, các vụ nổ phá hoại, bạo hành gia đình: Ban Giám Định Tự dong (giảo nghiệm chữ viết, chữ ký, chữ đánh máy, con dấu, vé số, tài liệu giả); Ban Hỏa Khí (so đọ đầu đạn, vỏ đạn, loại súng sử dụng); Ban Nhiếp Ảnh (phòng hình) – Phòng Thí Nghiệm (giảo nghiệm dấu máu, tinh khí, tóc, lông, hóa chất, tỷ bao nạn nhân.)

Năm 1964, tôi tham dự khóa nhân vị tại Vĩnh Long (một tháng) đậu thủ khoa.

Năm 1966, tôi tham gia Chiến Dịch Bình Định cùng phái đoàn Hoa Kỳ đến xã Phú Long, huyện Lái Thiêu phát thực phẩm (gạo, dầu, và quần áo) cho đồng bào.

Trong hai năm 1968, 1969 ngoài công việc chuyên môn tại nhiệm sở, tôi được cơ quan cho trau dồi sinh ngữ tại USAID. Tôi thi xếp lớp 3 học đến lớp 6 phải thi viết và vấn đáp do các thầy cô Việt Mỹ sát hạch để được học bổng tham dự khóa “Điều Tra Hình Sự” tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Tế Washington DC một năm. Đầu năm 1970 đã mở khóa học, đoàn chúng tôi tham dự gồm 6 viên chức Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát thời Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Chúng tôi ở nhà trọ, học 5 ngày trong tuần, từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, mùa hè nắng đẹp, chúng tôi đi bộ đến trường mất nửa giờ. Những ngày nghỉ, chúng tôi đi tham quan Tòa Bạch Ốc, các đài kỷ niệm ở Washington DC và rất vui được ngắm hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân bên bờ sông Potomac. Buổi tối, chúng tôi đến các Mall xem và mua hàng đến khuya mới về được. Người Mỹ rất hiếu khách, cho chúng tôi quá giang xe về nhà trọ. Chương trình học có lý thuyết và thực hành trên máy móc, những buổi thuyết trình, thảo luận đề tài chuyên môn do từng nhóm của mỗi nước rất sôi nổi và hữu ích giúp cho phần ứng dụng tại quê nhà vì mỗi cơ quan đều có cố vấn Mỹ phụ trách. Chúng tôi yêu cầu nhà trường cho lưu lại tại đây “lá cờ vàng” mà các khóa đàn anh chưa quan tâm đến.

Chúng tôi cũng được nhà trường đưa đi thăm Trụ Sở Liên Hiệp Quốc và tượng Nữ Thần Tự Do tại Nữu Ước cùng đến Trại Lực Lượng Đặc Biệt tại Fort Brag, North Carolina. Rất thích khi vào PX. ở đây mua máy ảnh và đồng hồ có giá. Một kỷ niệm ghi nhớ là vào mùa Noel cuối năm 1970, Hội Thánh Tin Lành ở Maryland mời chúng tôi đến thăm viếng họ đạo. Chúng tôi ở nhà ông giáo chủ và nhà con trai lớn của ông cũng tham gia phụng sự Hội Thánh. Họ giới thiệu chúng tôi với họ đạo, mở tiệc liên hoan và tiếp đãi rất nồng hậu, vì trong gia đình ông giáo chủ có người thân tham chiến tại Việt Nam, được bằng an trở về. Ngày Đại Lễ Giáng Sinh, chính đích thân ông giáo chủ đưa chúng tôi đến xem lễ tại Thánh Đường Công Giáo ở Washington DC.  Chúng tôi cũng được tham quan Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ tại Maryland, nơi đây có trưng bày quân trang, quân dụng của VC (cờ, mũ, mã tấu, lựu đạn, nội hỏa, áo quần.)

Trên đường về, tôi đến thăm hai cháu trai được học bổng du học tại Đại Học Los Angeles. Rất vui gặp lại các cháu. Chúng tôi và các cháu đến Disneyland chơi nhiều “game” rồi ghé qua Hawaii tắm biển, chụp hình thắng cảnh và vô xưởng sản xuất trang phục mua mấy bộ “chim Cò”.

Với HO.15, gia đình chúng tôi gồm một trai và hai cháu gái đã tới Boston ngày 10 tháng 2, 1993.  Tại đây, được cô em vợ và cơ quan An sinh xã hội Somerville bảo trợ.  Tôi cũng trau dồi Anh ngữ tại Hội Việt Mỹ ở Dorchester trong vòng 3 tháng, mãn khóa do cô giáo Mỹ tận tâm giảng dạy và hội giới thiệu tôi và anh bạn đứng đầu lớp đến thăm viếng hãng “New England Coffee Company” tại Malden do Ông Đại Úy Công Binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam làm chủ. Thời đó hãng này chỉ có vài căn nhà, nay chiếm cả một dãy phố dài. Họ nhận hai anh em chúng tôi vào làm việc. Lúc sau, tôi nhường job này cho con trai tôi làm đến bây giờ.

Tôi cảm ơn Bà Khúc Minh Thơ, Hội Trưởng HO, cùng quý vị khác đã vận động chính giới Hoa Kỳ mở ra Hội này để cho anh em chịu tù đày như chúng tôi đến định cư tại Mỹ. Đại gia đình chúng tôi có người chú ruột là Trung Tá  có Xưởng Cắt May tại Sài gòn, và anh ruột tôi là Trung Úy Cảnh Sát đều bị chết trong tù. Phần tôi, qua các trại tù từ Nam chí Bắc (Suối Máu – Biên Hòa, Sơn La – Điện Biên Phủ, Nghệ Tĩnh, Gia Trung, Pleiku) được Thượng Đế che chở về đoàn tụ với gia đình và hiện sống tại xứ tự do có đầy đủ dân chủ, nhân quyền. Cám ơn nước Mỹ.  Các con cháu sum họp, học hành thành tài, có công việc ổn định. Cũng nhớ ngày 12 tháng 3, 1975 di tản từ Pleiku qua đường ruộng lộ 7, vượt sông Ba, chứng kiến cảnh đồng bào bị đạn VC pháo vong mạng. Về đến Nha Trang, VC lại chiếm. Tôi phải nuốt một tháng lương vừa lãnh tại Bộ Chỉ Huy Khu 2, mướn ghe chở ra tầu hải quân đậu ngoài khơi. Về đến Vũng Tàu, ai có gia đình ở lại trên tàu đi tiếp đến Phú Quốc, riêng tôi, độc thân, xuống tàu trở về gia đình tại Sài Gòn, không đồng xu dính túi, nhờ các bác tài xe đò cho quá giang. Cám ơn Tuần Báo Trẻ đã cho tôi có cơ hội chia sẻ cuộc đời tâm tư của tôi đến quý độc giả Việt Nam hải ngoại bốn phương. Chúc quý tuần báo luôn thăng tiến sống mãi trong lòng dân Việt xa xứ.  Cầu mong cho quê nhà sớm được giải thể chế độ cộng sản, đem tự do, dân chủ, nhân quyền, hạnh phúc, ấm no cho toàn dân thoát khỏi Tàu cộng xâm chiếm đất đai, biển đảo của Cha Ông chúng ta.

Tôi xin gởi đến quý độc giả mùa Tạ ơn đầy hồng ân của Thượng Đế.

NT – 6/11/2013