Cuộc đối thoại dưới đây diễn ra vào thời kỳ Quốc Hội lấy ý kiến sửa đổi hiến pháp.
Hai đứa bé sinh đôi, ở tuổi lên 5, ngồi chơi với bà nội. Chúng nghịch ngợm đủ các thứ, chạy nhảy, nói cười, sắp xếp đồ chơi, trêu chọc nhau. Đột nhiên một đứa hỏi bà :
– Bà có quyền không ?
Bà nội nó quá ngạc nhiên, thậm chí hoảng hốt vì câu hỏi bất ngờ này, và băn khoăn không hiểu tại sao cháu hỏi như vậy. Bà chăm chú nhìn cháu để tìm hiểu, chưa kịp nói gì thì đứa kia nhanh nhẩu, ra vẻ hiểu biết, với cái miệng búp bê xinh xắn nó giải thích :
– Bà không có quyền đâu, chỉ nhà nước mới có quyền thôi.
Không biết cuộc đối thoại giữa hai đứa bé 5 tuổi này là hệ quả của những giờ ăn tối của chúng trước màn hình TV hay là hệ quả của những cuộc vận động góp ý hiến pháp của tổ dân phố mà người lớn trong nhà chúng phải chịu trận. Người ta đến, phát giấy tờ và giải thích cho bố mẹ chúng đủ điều. Rõ ràng là đầu óc bé dại của chúng đã ghi nhớ rất rõ một điều được nói đến trong các cuộc chuyện trò của người lớn: chẳng ai có quyền ngoài nhà nước.
Đó là một sự thật của xã hội chúng ta hiện nay. Thật như là câu chuyện có thật tôi vừa kể. Nguy hiểm biết bao khi trẻ em của chúng ta lớn lên mang trong đầu những quan niệm được nhồi nhét một cách rất tự nhiên như vậy ngay từ khi còn bé tí. Dĩ nhiên, những đứa bé năm tuổi không hiểu quyền là gì, cũng chẳng hiểu nhà nước là gì, nhưng cái mệnh đề «chỉ có nhà nước mới có quyền» đã hằn vào đầu chúng đến mức chúng có thể nhắc lại nguyên si. Một khía cạnh khác mà ta có thể quan sát ở câu chuyện này, khía cạnh mang tính chất tích cực: con người có xu hướng quan tâm đến các vấn đề chính trị, bản năng chính trị ấy thể hiện ở sự quan tâm của những đứa bé, sự lựa chọn lưu giữ chi tiết ấy trong bộ nhớ của chúng, và trong sự tò mò của chúng đối với các từ ngữ và ý nghĩa của các mệnh đề.
Vấn đề là người bà sẽ ứng xử như thế nào trước cuộc đối thoại này của hai đứa cháu? Chúng ta sẽ phải đối diện với một sự thật khác là không phải người bà nào cũng có đủ khả năng trả lời cháu mình câu hỏi đó: «bà có quyền không?». Bởi đôi khi đơn giản chỉ là vì bà chưa bao giờ đặt ra cho mình câu hỏi đó.
Rất nhiều người Việt Nam hiện nay không biết rõ những quyền mà mình được hưởng. Nên khi các quyền đó bị vi phạm họ chấp nhận sự vi phạm một cách dễ dàng, đôi khi còn ủng hộ những vi phạm đó nữa.Và điều tồi tệ là những người làm luật lợi dụng sự thiếu hiểu biết này để đặt ra những điều luật vi phạm quyền con người. Điều tồi tệ hơn là khi người dân đã có đủ hiểu biết và yêu cầu quốc hội phải ghi nhận quyền con người trong hiến pháp và các bộ luật thì chính những người làm luật lại bất chấp các kiến nghị của nhân dân để duy trì hoặc lập ra những điều luật mới nhằm vi phạm quyền con người, chẳng hạn như các điều luật 79, 88, 258, nghị định 72/2013…, giờ đây mọi người đều biết đến, vì chúng được sử dụng như là những công cụ để tước đoạt các quyền tự do của người dân.
Mặt trái của việc thiếu ý thức về các quyền công dân chính là sự thiếu ý thức về nghĩa vụ công dân. Nếu người ta dễ dàng để cho người khác vi phạm quyền của mình, thì người ta cũng sẽ dễ dàng để cho chính mình vi phạm các nghĩa vụ cần thực hiện đối với cộng đồng, đối với tập thể, đối với xã hội nói chung. Người ta sẽ tìm mọi cách để làm lợi cho bản thân, bất chấp những tư lợi đó có thể mang lại những thảm họa khôn lường cho cộng đồng chung.
Ý thức về quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân sống trong lòng một xã hội cần được xây dựng ngay từ khi còn bé. Đó chính là nhiệm vụ của môn giáo dục công dân nói riêng, và nhiệm vụ giáo dục nói chung của nhà trường và của xã hội. Có như thế mới mong có thể kiến tạo được một xã hội có quy củ, có nề nếp, có phép tắc và luật lệ.
Vì thế, trong tình hình hiện nay, ngoài các bộ luật của nhà nước, mỗi gia đình nên trang bị cho mình cuốn sách nhỏ, mỏng và rất tiện lợi «Câu chuyện về quyền con người », một sản phẩm của Phong trào Con đường Việt Nam. Cuốn sách đó nói một cách ngắn gọn về các quyền mà mỗi người tự nhiên được hưởng, kể từ khi sinh ra. Những quyền đó cả bà và cháu đều có như nhau, và được cả thế giới thừa nhận.
Vậy nên, trước câu hỏi của cháu bé, câu trả lời đầy đủ của bà sẽ là : «Cả bà và cháu đều có quyền. Nhà nước cũng có quyền của nhà nước, nhưng nhà nước phải bảo đảm cho các quyền của bà và cháu, tức là quyền của mỗi công dân, được thực hiện.» Câu trả lời này có vẻ như quá nghiêm túc đối với các cháu bé 5 tuổi. Nhưng chẳng phải câu hỏi của các cháu cũng rất nghiêm túc đó sao !