Menu Close

Những giá trị khác nhau trong đời sống

Sự việc xảy ra vào cuối tháng Ba năm ngoái 2013, khi Bi, con gái út của tôi điện thoại, giọng hứng khởi:

– Mẹ, con sẽ đi Việt Nam vào tháng tới.

– Hả?

– Ô! mẹ, cái gì mẹ cũng hả hả…

Tôi nói chữa:

– Mẹ không nghe rõ con nói gì… hình như con nói con sẽ  đi Việt Nam?

Giọng con bé  phụng phịu rời rạc:

– Mẹ biết rồi, mà cứ hả hả hoài!

Tôi cố lấy giọng tự nhiên:

– Bao giờ con đi?

– Còn một tháng nữa lận.

Tôi bắt đầu giảng:

– Mẹ đã dặn cả con và chị nhiều lần rồi, các con có thể đi du lịch ở bất cứ nơi nào, các nước Âu Châu như Pháp, Ý, Đức…, Á Châu như Nhật, Phi, Indo v v… trừ những nước có quá nhiều nguy hiểm xảy ra cho du khách trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, người trong nước không có Tự Do, đang đau khổ, mình đi du lịch… coi không được con à.

Bê cắt ngang, chán nản:

– Mẹ, con biết mẹ sẽ nói mấy cái này, con biết hết rồi, vì dân mình đang khổ, chính quyền ở đó đánh dân, họ không tôn trọng tự do căn bản của con người… đủ thứ hết… Mẹ, con tin những gì mẹ nói, nhưng con cũng muốn tự mình chứng nghiệm những điều đó. Mà bạn con cũng đã đi rồi, bạn không bị sao hết.

Tôi tảng lờ giảng tiếp:

– Xã hội Việt Nam rất hỗn loạn, suy đồi, mẹ đã gửi cho con nhiều tài liệu,  cả hình ảnh, âm thanh về  tai nạn giao thông tại Việt Nam, về nạn cướp giựt, về tàu chở du khách bị chìm…

Bi cắt ngang:

– Mẹ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, mẹ hay nói con người có số mà!

Tôi buông thõng:

– Được rồi, các con đã lớn rồi, mẹ chỉ nói những gì cần nói và tùy các con quyết định. Con nhớ chích ngừa trước khi đi.

Giọng con bé mệt mỏi:

– Dạ mẹ, con đã lo hết mấy cái đó rồi, cô Hân cho con thuốc trị tiêu chảy, là thuốc cần nhất, con có bảo hiểm y tế, nếu có gì xảy ra, hãng bảo hiểm sẽ chở con thẳng về nhà. Kỳ này, Jack không xin nghỉ được, nên ở nhà. Con đi với Rosie.

– Hả?

– Mẹ, cái gì mẹ cũng hả hả, mẹ làm con giật mình luôn.

– Tại sao Jack không đi với con?

– Con nói rồi mà mẹ không nghe. Jack không xin nghỉ phép được.

Tôi im lặng, nghĩ đến hai đứa con gái khờ khạo, dễ tin người trong cái xã hội nhiễu nhương… bao nhiêu chuyện có thể xảy ra…

Không nghe tiếng của tôi, con bé nói tiếp:

– Mẹ đừng lo gì hết, mẹ cứ lo toàn chuyện… không phải của mẹ không hà!.

– Chuyện của con tức là chuyện của mẹ.

Bỗng nó cắt ngang câu chuyện:

– O.K mẹ. Con bye mẹ, con nói chuyện với mẹ sau.

Rồi cúp điện thoại.    

o O o

Tôi đem các con đi vượt biên khi các cháu còn rất bé, cháu lớn 6 tuổi, cháu út 2 tuổi. Lúc lênh đênh trên biển, chưa biết có đến được bến bờ hay không, tôi víu vào lời dặn của mẹ tôi: “Sang đến bên đấy, con nhớ dạy chúng nó tiếng Việt, lịch sử Việt để chúng nó không quên nguồn gốc mình con nhá!” Mẹ tôi đã dặn như vậy, có nghĩa là chúng tôi sẽ đến được bến bờ, và tôi  có trách nhiệm phải dạy các con yêu và nhớ Việt Nam.

Sau hơn một tuần lênh đênh trên biển, tàu đụng đá ngầm ngay bờ biển Mã Lai. Mũi đá nhọn đâm sâu vào lòng tàu, khiến con tàu như mắc cạn, không thể trôi ra đại dương và cũng không thể tấp hẳn vào bờ, nó bị xô đẩy vùi dập theo từng đợt thủy triều. Máy tàu bị bể, nên dầu lênh láng, hai con tôi ướt như chuột và trơn như mỡ.

Tôi không thể nhớ hết những gì đã xảy ra khi tàu đụng đá ngầm, nhưng tôi không thể quên giây phút quyết liệt, tôi ôm chặt hai con và dùng hết sức bình sinh đẩy chồng tôi xa hẳn hai con, khi ông ấy muốn thả hai con tôi xuống, qua thành tàu, cho những người vừa nhảy xuống nước.

Sau đó, chúng tôi tìm mọi cách để rời khỏi tàu, vì không biết lúc nào tàu sẽ bung bể ra. Chúng tôi không biết bơi, nên nhìn xuống biển đêm khóc ròng, sau cùng cô em tôi, và tôi bế cháu lớn nhảy đại xuống biển theo tiếng gọi của những người ra cứu. Chỉ còn lại chồng tôi và con bé út trên tàu.

Vừa được kéo vào bờ, cũng là lúc tôi nhìn thấy chiếc tàu bị xô mạnh sát bờ đá, lủng lẳng bên cửa sổ nhỏ của tàu là con bé con của tôi: chồng tôi lại muốn thảy con bé lên bờ cho những người vừa được cứu, mà không biết bên dưới là bờ đá lởm chởm nhọn hoắt. Tôi kinh hãi chỉ ra tàu, hét lên thất thanh: con tôi! con tôi. Sau đó là những tiếng la: kéo con nhỏ vào, kéo con nhỏ vào, chúng tôi sẽ cứu….

Tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra kế tiếp, chỉ còn nhớ tôi đã ôm được hai đứa con của mình, đặc biệt con bé út, nó lạnh ngắt, nhưng hai mắt vẫn giương to như reo vui vì tìm thấy tôi.

Sau khi định cư, đời sống mới tất bật, nặng nợ áo cơm, nhưng tôi vẫn cố thực hiện lời dặn của mẹ, tôi chọn cách kể chuyện lịch sử Việt Nam như những câu chuyện dỗ ngủ cho các con mỗi tối.

Theo thời gian các con tôi lớn khôn, tôi đeo theo chúng và nói về tình trạng Việt Nam khốn khổ nghèo đói, người dân mất nhân quyền, mất tự do…

Đến khi internet bùng nổ, dù các con tôi đã trưởng thành, nhưng những chùm khế ngọt, những sông nước miền Tây, những thửa ruộng tầng dọc theo triền núi đều đặn xanh ngắt… đã làm mềm lòng con gái út của tôi, vốn tốt nghiệp khoa kịch nghệ.

Nó tranh luận rằng: nơi nào cũng có đói nghèo cực khổ, nơi nào cũng có bất công, tôi không thể vì không thích chủ nghĩa cộng sản mà phủ nhận tất cả sức sống đang có của một dân tộc. Tôi bảo rất tiếc là dân tộc mình không có sức sống, nó đưa ngay những bài viết loại quê hương là chùm khế ngọt… và quyết định về thăm Việt Nam…

o O o

Một tháng trôi qua nhanh như cái chớp mắt, chỉ còn một tuần nữa, Bi sẽ đi Việt Nam. Vì sự lo âu tột độ của tôi, nên trước ngày đi, Bi gửi cho tôi, bố tôi, mẹ chồng của nó ngày giờ chuyến bay, những khách sạn nó sẽ đến, để phòng lỡ có chuyện gì xảy đến cho Bi, tất cả gia đình tôi sẽ biết ngay lập tức.   

Tôi bảo Bi liên lạc với tôi thường xuyên qua skype. Nhưng nó bảo sẽ chỉ liên lạc với tôi nếu có gì bất thường xảy ra mà nó không thể chấp nhận được!.

Bi điện thoại cho tôi tại phi trường trước khi lên máy bay, nghe giọng tôi sũng nước nó gắt:

– Nếu mẹ như vậy, con sẽ không liên lạc cho đến khi con trở về.

Tôi đành phải nói:

– Mẹ bớt lo rồi, con đi bình an.

– Mẹ phải nói con đi vui vẻ!

– Ừ, con đi vui vẻ!

Bi nói bye bye và cúp phone.

Từ lúc ấy, tôi ôm cái máy computer bất kể ngày đêm, và trong đầu tôi lẩm nhẩm đọc kinh xin mẹ tôi linh thiêng che chở cho Bi được bình an.

Không biết sao, Bi liên lạc với tôi thường xuyên mỗi khi nó đi ăn hay dừng chân ở một địa điểm nào đó tại Việt Nam. Tôi hỏi, thì nó bảo:

– Con biết chỉ có mẹ mới giải thích được những gì con đang gặp tại Việt Nam. Hơn một tuần ở Sài Gòn, con không nghĩ là mình đang ở nơi mẹ đã từng ở và là nơi con chào đời. Nó không êm ả lịch sự như mẹ kể.

Khi con ra Hà Nội, con mong được sống trong không khí thanh lịch nhẹ nhàng, có ông bán lạc rang húng lìu như ông mình hay kể, nhưng chẳng thể nào có được.

Ngược lại, Hà Nội chật hẹp với những chùm dây điện rối mù nguy hiểm ở ngay trên đầu mọi người. Những khu chung cư cũ kỹ dơ bẩn. Đã vậy, hình như người Bắc họ giấu kín tình cảm, có sự lạnh lẽo, không ấm áp trong cái nhìn của họ. Hà Nội như một bà lão lạnh lùng bệnh hoạn.

Mỗi sáng thanh niên tuổi lao động ngồi kín các quán café, họ nói rất công khai những chuyến áp phe với những số tiền rất lớn. Và con sợ nhất là vào các tiệm ăn. Nhất là cách tiếp khách, ăn nói của họ. Những cái nhìn soi mói, những ánh mắt… con không quen nổi…

Một lúc lâu, Bi nói:

– Con mong mau đến ngày về, con không muốn ở đây thêm một ngày nào nữa.

Tôi an ủi:

– Mẹ hy vọng khi con đến Hội An, trạm chót, thì không khí sẽ đỡ hơn.

Chúng tôi bye bye và cúp phone.

Hai hôm sau Bi skype cho biết nó đã đến Hội An. Bi nói:

– Hội An đẹp như tranh vẽ đó mẹ. Khách sạn sạch và lịch sự. Thành phố cổ, có du khách, nhưng êm ả, thanh lịch, con cảm thấy lòng thanh thản, Rosie cũng thấy như vậy. Người dân ở đây tốt lắm. Hồi sáng, Rosie bị sập ổ gà trên đường đi bộ, bị xước hai cùi chỏ, mọi người ở hai bên đường ào ra hỏi han giúp đỡ. Con cảm thấy thật gần gũi.

o O o

Tôi điện thoại cho cô em khi cả nhà đang trên đường về nhà sau khi đón Bi. Tôi nghe tiếng Bi đứt quãng: “Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ đã hy sinh để con quay trở lại điểm khởi đầu, tìm chứng cớ lý do cho chuyến vượt biên đầy bất trắc năm xưa. Con hiểu mẹ nhiều hơn. Con sẽ không quay trở lại Việt Nam, nếu thể chế chính trị nơi đó chưa thay đổi. Con bye mẹ nghe, con nói chuyện với mẹ sau.” Con bé chủ động tắt điện thoại. Tuy không nói được với con một chữ nào, nhưng tâm hồn tôi thật thảnh thơi.

PDH  2/14