Menu Close

Hãy ôm nhau đi

Bạn có nhớ gần đây mình đã ôm siết ai một cách trìu mến không? Nhớ lại đi, có phải thật dịu dàng, ấm áp không, và trong lòng thì vui vẻ, dễ chịu. Cô Nam Phương tâm sự như thế này trên trang blog của mình: “Trong một lần lang thang trên mạng tình cờ gõ tìm hai chữ “cái ôm”, tôi đã đọc được lời của Charles Faraone như sau: Hãy nghĩ đến những người thân, những người bạn trong đời mình. Bạn có muốn chia sẻ vòng tay của mình cho họ? Đừng chờ đợi! Hãy là người khởi đầu!… Chúng ta cần 4 cái ôm mỗi ngày để có thể tồn tại, 8 cái ôm mỗi ngày để duy trì cuộc sống và 12 cái ôm mỗi ngày để có thể lớn lên…”.

Vậy thì còn chờ đợi gì nữa. Hãy ôm nhau đi, hãy ôm người đi, như anh chàng Juan Mann kia, kẻo ta cô đơn lắm trên đường đời.

 
Juan chính là người khởi xướng chiến dịch “Ôm miễn phí” tại xứ sở con kangaroo cách đây nhiều năm. Đằng sau những cái ôm có sức cộng hưởng lan tỏa ấy là cả một câu chuyện dài về tình người trong cuộc sống thời bận rộn.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2004, khi cuộc sống của Juan Mann ở London bị đảo lộn với nhiều biến cố. Anh quyết định trở về quê nhà tại Úc. “Vào thời điểm máy bay hạ cánh xuống Sydney, tất cả những gì tôi có bên mình là một chiếc balô nhét đầy quần áo và cả một trời phiền muộn. Không có ai chào đón tôi trở về, không có nơi để gọi là nhà. Tôi trở thành khách lạ trên chính quê hương mình.” Juan hồi tưởng.

Qua câu chuyện của Juan, ta thấy hiện lên hình ảnh một gã trai đứng lẻ loi trên ga đến của sân bay, nước mắt chực trào khi chứng kiến cảnh đoàn tụ hạnh phúc của những hành khách khác với gia đình và bạn bè. Thấy người ta ôm nhau, cười nói vui vẻ với nhau, Juan thầm ao ước có ai đó chờ đợi mình, hạnh phúc khi gặp lại mình, mỉm cười với mình và ôm mình.

Thế rồi, Juan lấy một miếng bìa các tông, dùng bút lông viết lên cả hai mặt chữ “Free Hugs” (Ôm tự do, ôm miễn phí, không tốn đồng xu cắc bạc nào cả), tìm đến một quảng trường đông người đi bộ, rồi giơ cao tấm bảng. Mười lăm phút trôi qua, hàng trăm người hối hả vô tình đi qua Juan, không buồn để mắt đến chàng trai kỳ dị. Vài người nhìn anh chằm chằm với ánh mắt thay lời nói: “Một gã tâm thần!”. Duy nhất chỉ có một người phụ nữ dừng lại vỗ vai Juan. Bà tâm sự với anh rằng sáng hôm ấy con chó nhà bà vừa mới chết. Đó cũng là ngày giỗ đứa con gái duy nhất của bà đã qua đời vì tai nạn giao thông đúng một năm trước. Bà nói rằng trong lúc cảm thấy cô đơn cùng cực như thế này, điều duy nhất bà cần là một cái ôm. “Tôi khuỵu một gối xuống, vòng tay sang ôm chầm lấy bà. Khi đường ai nấy đi, tôi thấy nụ cười lấp lánh trên gương mặt người phụ nữ ấy!” Juan kể lại.

Từ đó, mỗi ngày Juan lại cầm bảng xuống phố với một sứ mệnh đơn giản: sẵn sàng trao tặng bất cứ người lạ nào một cái ôm để làm cuộc đời họ tươi sáng hơn một chút. Trong thời đại mà người ta ngày càng ít có thời gian dành cho nhau thì chiến dịch “Ôm miễn phí” của Juan bỗng chốc trở thành hiện tượng. Ngày càng nhiều người, bất kể đàn ông, đàn bà, người già, con nít… sẵn sàng dừng lại một giây để ôm và được ôm, bởi ai cũng có nhu cầu được an ủi và chia sẻ. Juan nói điều khiến anh mãn nguyện nhất chính là được nhìn thấy nụ cười nở lại trên gương mặt trước đó vài giây còn rất cau có và khó chịu của nhiều người.

Khi người đi đường bắt đầu quen dần với những cái ôm nơi công cộng thì chiến dịch của Juan lại bị giới chức địa phương ra lệnh cấm, với lý do anh chưa mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng cho hành vi của mình! Không nản chí, Juan cùng những người ủng hộ đã vận động 10.000 chữ ký của người đi đường để yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm ấy. Cuối cùng, sức mạnh của tình cảm cũng chiến thắng những quy định cứng nhắc của pháp luật. Lệnh cấm nhanh chóng được bãi bỏ, và Juan tiếp tục công việc của mình: phân phát những cái ôm!

Trong hành trình đi truyền bá cho sức mạnh của những cái ôm, Mann đã kết bạn với Shimon Moore, ca sĩ thủ lĩnh ban nhạc Sick Puppies. Trong vòng 2 tháng cuối năm 2005, Moore đã ghi một đoạn video ca nhạc về Mann và các cộng sự của anh. Tuy nhiên do bận việc, tháng 5/2005 Moore cùng ban nhạc đã dọn tới Los Angeles, Mỹ. Về phần mình, Mann kiên trì tiếp tục phát động phong trào ôm miễn phí trong suốt năm 2005 và 2006, thông qua việc xuất hiện ở Pitt Street vào gần như mọi chiều thứ năm.

Giữa năm 2006, bà của Mann qua đời. Để an ủi và khích lệ  bạn, Moore đã làm một đoạn video nhạc sử dụng các hình ảnh anh thu được từ năm 2004 và gửi tới cho Mann. Anh nói trong một cuộc phỏng vấn sau đó rằng: “Tôi đã gửi đoạn video tới cho anh ấy trên một chiếc đĩa, xem nó như món quà. Tôi cũng viết lên đĩa dòng chữ: “Đây chính là con người của anh””.

Đoạn video sau đó đã được tải lên YouTube, nơi nó lọt vào nhóm một trong những đoạn video được nhiều người xem nhất. Tính tới tháng 8/2012, đã có 73 triệu lượt người xem đoạn video. Và chính đoạn video ca nhạc này đã khiến ôm miễn phí lan tỏa, trở thành phong trào có quy mô quốc tế.

Ngày 13/2/2009, ngày ôm miễn phí (Free Hug Day) chính thức ra đời. Và chiến dịch “Ôm miễn phí” bắt đầu lan tỏa đến một loạt quốc gia và lãnh thổ như Ý, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… và cả Việt Nam.

Chỉ cần dành ra ba phút để xem đoạn video clip ấy, bạn sẽ hiểu vì sao chiến dịch của Juan lại được hưởng ứng mạnh mẽ đến như vậy. Cuộc sống bận rộn có thể biến con người thành những kẻ dửng dưng, nhưng người ta có thể phá bỏ “lời nguyền” đó, đôi khi chỉ bằng một cái ôm…

alt

Chiến dịch quốc tế “ Ôm Miễn Phí” tại Pháp [qua Juan Mann trên Flickr.com]

NS – Tổng hợp