Năm Ngọ nói chuyện ngựa đối với các nhà văn nhà thơ là chuyện lý thú. Nhưng chuyện chẳng lý thú dính dáng đến con ngựa lại là chuyện con ngựa kéo xe trong đầu năm 2014 tại thành phố New York. Và bỗng chốc nó trở thành tâm điểm tranh luận chính trị xã hội, khiến mọi người hành nghề xe ngựa kéo nổi giận. Một lệnh cấm xe ngựa trong thành phố của tân thị trưởng Bill de Blasio công bố trong một cuộc họp báo sau khi nhậm chức…
Xe ngựa kéo, một phương tiện du ngoạn khu phố cổ French Quarter, New Orleans.
Con ngựa kéo xe ở Mỹ
Holly Cheever, một bác sĩ thú y, cho rằng ngựa có thể sống trong thành phố, nhưng không phải ở New York. Bà giải thích những tòa nhà chọc trời ở Manhattan giữ hơi nóng vào mùa hè và tạo gió nguy hiểm trong mùa đông, có ít chỗ cho ngựa cựa quậy khi hoảng sợ. Nhựa đường trong thành phố có thể nóng tới 93 độ C, không tốt cho móng ngựa bằng kim loại. Nữ bác sĩ cho rằng ngựa Manhattan phải hít ống xả khí thải, khi chạy quá gần các xe buýt, taxi và các phương tiện giao thông khác, vì vậy có nguy cơ nhiễm bệnh hô hấp. Còn bà Elizabeth Forel, Chủ tịch Liên minh Cấm Xe Ngựa kéo nói với báo giới, “Ngành công nghiệp xe ngựa kéo không còn cần thiết và không an toàn khi để ngựa chạy trên đường. Những chiếc xe hơi có thể làm ngựa bị thương nhưng xe rất cần thiết trong việc vận chuyển người”.
Đề xuất của tân thị trưởng gây phản ứng giận dữ đối với những người làm trong ngành dịch vụ này ra đời từ đầu thế kỷ 19. Christina Hansen, phát ngôn viên của ngành, cũng là người đánh xe ngựa, cho biết họ đã sẵn sàng chiến đấu với ông Blasio tại tòa. “Mọi chuyện chưa chấm dứt. Bạn không thể bỏ một ngành kinh doanh vốn được luật pháp điều chỉnh một cách hoàn hảo, chỉ bởi vài người không thích nó. Nếu ông ấy muốn cấm chúng vì chúng nguy hiểm và vô nhân đạo, ông ấy cần chứng minh điều đó”, New York Daily News dẫn lời bà Hansen nói.
Xe ngựa kéo trong các show stockyard ở Fort Worth.
Những người đánh xe ngựa tại New York, cho rằng các cáo buộc về việc lạm dụng ngựa là “kỳ quặc”. “Những con ngựa này có một cuộc sống trên cả tuyệt vời ở đây, tất cả đều được hưởng ít nhất 5 tuần nghỉ ngơi và một số có thể nghỉ tới 6 tháng. Những con ngựa của chúng tôi được làm việc. Chúng được chăm sóc y tế đàng hoàng”. Khoảng 300 người đánh xe ngựa kéo có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu đề xuất của ông Blasio thành hiện thực. Thị trưởng thành phố đã thiết lập một nhóm xác định những bước làm luật cần thiết để thực hiện chiến dịch cấm xe ngựa kéo, một hình ảnh biểu tượng và cũng là phương tiện hút khách du lịch của thành phố. Nhằm thay thế ngành dịch vụ lâu đời của New York, ông de Blasio đề xuất sử dụng xe điện mang phong cách cổ điển. “Nó vừa sạch, vừa tiết kiệm, an toàn. Và trên hết, nó nhân đạo. Nó cũng không phóng uế”.
Một khi cuộc sống đủ đầy, người ta hay nghĩ đến hai chữ “nhân đạo”. Cái nhân đạo trong chuyện cấm xe ngựa kéo tại New York cũng chỉ là một chuyện nhỏ mà bất cứ chính quyền thành phố nào cảm thấy cần cải tổ phương tiện giao thông cho an toàn đường phố hơn hay chỉ là chiêu bài bắt đầu sự nghiệp chính trị của tân thị trưởng de Blasio. Nước Mỹ ngày trước vẫn sử dụng ngựa kéo cày, kéo xe phục vụ đời sống cho con người đó thôi. Không ai bảo đó là đối xử vô nhân đạo đối với loài vật cả. Cũng như nghề buôn bán hàng rong bằng ngựa tại thành phố Baltimore của những người Arabbers, một thời bị cấm đoán do phong trào bảo vệ, chống đối xử ngược đãi đối với động vật. Cuối cùng thì sao? Mọi chuyện đâu lại hoàn đó vì điều cần quan tâm giải quyết chính là bảo tồn tính văn hóa truyền thống bao đời của nghề bán hàng rong bằng xe ngựa kéo và không thể xóa bỏ bằng cách đổ thừa cho sự ngược đãi động vật.
Và còn nhiều câu chuyện con ngựa kéo xe tới tận ngày nay, ít ra khách du lịch còn tìm thấy được những cổ xe ngựa trên nhiều thành phố nước Mỹ. Tuy nó phải thu hẹp trong phạm vi phục vụ do nhu cầu của một số du khách thích xe ngựa hơn xe điện vì tính truyền thống, hay sự lãng mạn khi đi dạo Công viên Trung tâm New York hoặc bất kỳ thành phố nào trên khắp đất nước. Bạn sẽ chẳng tìm ra loại hình xe buýt tour ở Khu phố Pháp, New Orleans. Ở đây người ta sử dụng những cổ xe ngựa kéo hay xe lôi đạp đưa bạn đi một tour nhìn ngắm phố cổ. Điều trước tiên nó hợp cảnh quan và thứ hai là nó đưa bạn về dấu ấn một thời hình bóng chiếc xe ngựa lắc lư, gập ghềnh với những bước nhịp đằm, nhịp nhảy thong thả trên đường phố.
Trước đây ở Baltimore từng có lệnh cấm xe ngựa hàng rong với lý do ngược đãi súc vật.
Con ngựa kéo xe ở Việt Nam
Trong báo Trẻ cách đây vài số, có một chuyện về con ngựa kéo xe bán rau trái ở Baltimore. Chuyện bé tẹo thế mà làm cô Lê Kim ở báo Trẻ hoài niệm về chiếc xe thổ mộ chở khách và hàng bông ở khu vực Hòa Hưng, quận 10 ngày trước. Ở tuổi chúng tôi may mắn được ngồi lên chiếc xe thổ mộ hồi đầu thập niên bảy mươi, là điều may mắn. Bởi xe thổ mộ ở Sài Gòn bị giới hạn hoạt động do an toàn lưu thông trong thành phố, chứ không phải vì lý do “ngược đãi súc vật nuôi”. Hồi ấy chẳng ai quan tâm đến chuyện “vô nhân đạo” với ngựa kéo xe như ở Mỹ.
Tôi nhớ một bản tin trên radio đại thể rằng, xe thổ mộ bị cấm lưu thông từ Công trường Dân Chủ đến Công viên Quách Thị Trang (Chợ Sài Gòn). Khu vực giới hạn hoạt động từ Bà Quẹo cho đến Công trường Dân Chủ. Cho nên những ai sinh sống ở khu vực Hòa Hưng (từ chợ Hòa Hưng đến Quân vụ thị trấn, Quân đoàn III) đều biết rõ chiếc xe thổ mộ chở hàng bông từ Bà Điểm, Hóc Môn vào thành phố. Và ít nhiều trong trí nhớ chúng ta có những ký ức một thời rong ruổi trên xe thổ mộ, nghe tiếng lục lạc thân quen của chú ngựa sải vó bên đường.
Xe thổ mộ vang bóng một thời có phải đã trở thành chuyện cổ tích.
Thuở vàng son của loại xe thô sơ này bắt đầu vào những thập niên thế kỷ 20 – khi hệ thống giao thông đường bộ đã được người Pháp xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Xe ngựa phát triển nhiều ở miền Đông Nam bộ và vùng ven biển phía Nam Trung bộ đến Bà Rịa – Vũng Tàu… Thời Pháp thuộc, khu vực Gia Định – Sài Gòn – Chợ Lớn và các vùng phụ cận, phương tiện vận chuyển của người dân chủ yếu là xe ngựa. Xe hơi hiếm hoi chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Thời đó, muốn hành nghề chạy xe ngựa phải được quan chức địa phương chấp thuận và giới thiệu lên Tòa hành chính tỉnh, xin cấp cái giấy (nếu đủ điều kiện) gọi là “Permis de conduire pour voiture un cheval (Giấy phép hành nghề dành cho xe độc mã) do chính quan đầu tỉnh ký. Đến thập niên 60, còn một số ít xe thổ mộ hoạt động vùng Chợ Lớn, Đa Kao. Nhưng sau đó, xe thổ mộ chỉ còn hoạt động trên tuyến đường Lê Văn Duyệt khu vực nội thành như nói ở trên.
Hồi trước, nhà văn Nguyễn Công Hoan có tác phẩm “Ngựa người, người ngựa”, nói lên sự bóc lột giữa người và người trong xã hội đương thời. Những con người sống dưới đáy xã hội vất vả mưu sinh bằng bán sức lao động kéo xe kiếm vài xu đong gạo. Không may thời trước chưa có phong trào đấu tranh bình đẳng giữa người với người hay phong trào nhân quyền. Bởi thế nhà văn chỉ biết dùng tác phẩm của mình làm “vũ khí” đấu tranh, cố miêu tả sự đau khổ thân phận con người hơn là một lệnh phán quyết giống như tân thị trưởng New York. Và chẳng có ai đứng về phía nhà văn đấu tranh cho cái chuyện thân phận con người, so với ngày nay thì đúng là “sống chết mặc bây”.
Nhưng thôi, nhắc chuyện “Người ngựa, ngựa người” đưa cay một chút, chứ chuyện con ngựa kéo xe ngày nay cũng chỉ còn thấy trong ký ức mơ màng. Có lần tôi đi Bình Dương viết bài “Người đánh xe ngựa cuối cùng”. Trao đổi với tôi về những kỷ niệm buồn vui của một thời cầm cương, một số gia đình “nòi” qua mấy thế hệ sinh sống với nghề đánh xe ngựa buông giọng ngậm ngùi: “Thời cuộc như lớp sóng sau đè sóng trước. Từ ngày “gác roi” chuyển sang nghề khác tới giờ, mỗi lần qua lại đường cũ lối xưa, lòng lại gợn lên sự luyến nhớ… Đâu đây như còn vang vọng tiếng vó ngựa cùng bóng chiếc thổ mộ liêu xiêu…”. Trôi theo dòng xe đủ loại ngập đường khói bụi, ồn ào tiếng máy nổ, tiếng kèn xe… tôi cứ mãi bâng khuâng tự hỏi: Những chiếc thổ mộ một thời vang bóng có phải đã trở thành chuyện cổ tích?
TN –