Menu Close

Lời tri ân muộn màng

Bác sĩ nói bệnh ung thư của mẹ tôi chỉ kéo dài được 3 năm nữa, cũng may tôi có cơ hội đi Mỹ nên tôi hy vọng tìm được phương thức nào đó để có thể kéo dài cuộc sống thêm cho mẹ. Thế nhưng khi tôi có thai được 7 tháng (tức là 2 năm sau khi đi Mỹ) thì mẹ tôi mất. Trong cơn đau chuyển dạ “thập tử nhất sinh” (vì tôi không còn take a shot) ở nhà thương, cộng với nỗi buồn mất mẹ quặn lòng, thì có một bàn tay phụ nữ rất dịu dàng vuốt ve vỗ về tôi. Bà hết sức kiên nhẫn nhiều lần đắp khăn lên trán tôi và thấm nước lên đôi môi khô rát của tôi. Đó là Mulan, chồng bà là Uncle Frank, cựu thiếu tá Quân Y người Mỹ, khoảng năm 1967 đã làm việc ở bệnh viện Thị xã Vĩnh Long, và làm ở đó 6 năm.

Được biết tôi là người Vĩnh Long nên ông bà hớn hở nhận “đồng hương” vì ở đó ông có rất nhiều kỷ niệm đẹp với miền sông nước ngọt ngào. Ông rất mê bánh xèo, cháo vịt, canh chua, cá kho, nước mắm…

Tôi rất ngạc nhiên khi ông cho tôi xem những món đồ kỷ niệm của ông trong đó có 1 cặp bình bông cổ làm bằng gỗ có cẩn xà cừ hình 2 con cá vàng, loại mà mấy căn nhà xưa ở Việt Nam thường hay bày trên bàn thờ ông bà, những bức tranh thủy mạc có hình cánh buồm, hay giăng lưới bắt cá ông mua ở Sài Gòn năm xưa, cặp đèn dầu có 2 cái ống khói bằng thủy tinh mà tôi nhớ ngày xưa ông bà ngoại tôi thường dùng mỗi khi  cúp điện, rồi hình ảnh của những cộng sự người Việt Nam trước đây… còn nữa những thứ mà chưa hẳn người Việt Nam như chúng ta còn có thể giữ được.

Bà Mulan mắc bệnh ung thư ngực nên thường hay bị đau nhức bởi căn bệnh hoành hành. Còn ông thì đi đứng rất khó khăn vì đôi chân đã qua nhiều lần ghép xương, vậy mà ông bà đã không ngại vất vả thay nhau đi chợ, tắm và thay tã cho bé Kevin Tu.    
        
Tôi không thể nào quên được món gà hầm thuốc bắc mỗi sáng ông bà khệ nệ bưng cho tôi. Thương làm sao cái dáng khập khiễng nặng nề của ông cùng với cái dáng gầy gò của bà mà cái nồi áp suất hầm xương thì quá nặng nề so với sức của họ. Rồi mùa đông giá rét với cái lạnh cắt da, ông thì đội mũ trùm khăn đến giữ nhà còn bà thì giúp tôi đưa bé Kevin tới bệnh viện vì bé lên cơn sốt.

Thế rồi đứa con thứ 2 của tôi ra đời (bé Frankie – chính là cái tên kỷ niệm lấy từ tên ông) lại thêm bội phần vất vả cho 2 ông bà. Tôi còn nhớ nửa đêm thức giấc trong nhà thương trở mình thấy 2 người nằm bên cạnh. Tiếng ngáy đều của ông vang lên như tiếng ru của mẹ hiền trong đêm thanh vắng còn nụ cười hiền của bà giúp tôi nhẹ nhàng trở về giấc ngủ đêm khuya. Ông bà thay nhau ở bệnh viện với tôi vì muốn chồng tôi ở nhà với cháu lớn để cho cháu có được giấc ngủ bình yên. Thế rồi ngày tháng trôi qua, ông bận cho cháu lớn ăn, bà giúp tôi thay tã, pha sữa cho cháu nhỏ… Tội nghiệp lắm, ông phải dùng gậy để di chuyển nhưng cứ bị bé Kevin “cuỗm” hoài, đôi khi muốn đi restroom phải ngồi rất lâu chờ cháu trả lại cây gậy bị giấu đi từ một chỗ bí mật nào đó.

Cuộc đời đâu thể nào bằng phẳng như mặt nước hồ thu. Vì lý do công việc, ông xã tôi phải di chuyển đi Houston. Ngày ra đi của chúng tôi ông bà nói lời từ biệt trong tiếc nuối nghẹn ngào, lòng tôi quặn đau khi phải chia tay 2 người thân “ruột thịt” này.

Vậy mà 9 năm trời trôi qua, chưa lần nào họ quên gửi birthday’s gift cho 2 cháu. Ngược lại, tôi vì 2 con nhỏ lại bận việc đi làm túi bụi nên thường xuyên hay quên ngày sinh nhật của ông lẫn bà lắm (xấu quá).

Cách đây không lâu tôi trở về Wichita Falls – TX thăm lại họ. Tôi thật sững sờ khi gặp lại ông, sức kia đã tàn, cây kia đã rũ. Ông ngồi bên cạnh cửa sổ chơ vơ. Bà Mulan nói lâu rồi ông không còn đi ra ngoài nữa, cánh cửa sổ này là bạn của ông. Hằng ngày ông kiên nhẫn ngồi đây ngắm mây trời, lặng lẽ đếm thời gian trôi qua trong tàn lụi. Mắt ông giờ đây đã mờ, đôi tai lại bị lãng, ước gì tôi có sức mạnh vô hình nào đó để vực ông lên, để biến đôi chân của ông trở lại như ngày xưa thôi, thủa mà ông đủ sức bưng nồi áp suất… Tôi thật rất buồn khi ông không thể nào đi với chúng tôi ra quán ăn China Buffet quen thuộc ngày nào mặc dù chỉ cách đó có mấy miles.

Còn bà Mulan vì tai nạn bất ngờ nên đôi chân phải ghép xương, bởi vậy người đã yếu lại càng yếu hơn, lại phải vất vả thêm vì giúp ông trong sinh hoạt và vệ sinh.

Trong tiếng nấc nghẹn ngào cứ mặc cho lòng tôi thổn thức, cứ mặc cho nước mắt tuôn rơi, tôi biết phải làm gì để trả hết ơn này cho ông. Ơn của người lính Mỹ đã hiến hết tuổi xuân mình cho đất nước, ơn của người bạn thân, cũng là vị ân nhân lớn trong cuộc đời tôi. Và còn nữa ơn của bà như người “mẹ hiền” từng chia sẻ những cay đắng, ngọt bùi, cuộc đời mất mẹ này cũng nhờ bà mà tôi mới vượt qua được cơn lốc quá lớn.

Mới đây, nghe nói ông phải đi cấp cứu nữa rồi. Mỗi tuần như vậy, ông lại bị đi cấp cứu mấy lần, mạng sống quá mong manh ở tuổi cận kề 90 này. Lời tri ân này e đã quá muộn màng vì ông đã không còn minh mẫn nữa để cảm nhận được tấm chân tình của gia đình tôi. Có chăng chỉ là một cơn gió thoáng, một áng mây trôi để dọn đường cho ông về với thượng đế.

alt

Từ trái qua: tác giả, bé Kevin, Uncle Frank và bà Mulan