Thế Vận Hội Mùa Đông đến nay sang tuần thứ hai. Đến hết ngày tranh tài Thứ Bảy, ba nước dẫn đầu gồm có Đức (7 vàng 2 bạc 1 đồng); Thụy Sĩ (5-1-1), và Canada (4-5-2). Riêng nước chủ nhà Liên Bang Nga đứng thứ tám với 2 vàng 5 bạc 5 đồng.
Cổ động viên Mỹ ăn mừng huy chương vàng đầu tiên của nữ trượt tuyết nhào lộn Jamie Anderson – nguồn aol.com
Trước ngày khai mạc có nhiều quan ngại cho an ninh. Cục Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ FBI thậm chí đã biệt phái vài chục chuyên viên chống khủng bố thượng thặng sang yểm trợ ban tổ chức. Mặc dù vậy, Thế Vận Hội Mùa đông đến nay diễn ra khá yên ả, không có nguy hiểm đáng kể. Trong không khí lễ hội, các thông tin về an ninh mỗi lúc một nhạt nhòa đi. Ngoài tin tức cập nhật cuộc tranh tài, trên các trang báo thể thao thế giới, những đề tài thường thấy hơn lại là về chi phí khổng lồ, về TV và các kỹ thuật truyền thông hiện đại, kể cả về thời tiết ấm áp tại Sochi.
Một khán giả TVH Sochi 2014. Ảnh Sharifulin Valery/ITAR-TASS Photo/Corbis
Ngay từ thời điểm Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC) trao quyền tổ chức TVH Mùa Đông cho Sochi tháng 7-2007, người ta đã lo ngại về thời tiết ấm áp tại đây. Mặc dù nằm trong nước Nga, vùng này không có mùa đông thật lạnh vì thuộc miền duyên hải tây nam, khí hậu nửa ôn đới nửa nhiệt đới. Trong khi ở Siberia đang lạnh tê tái âm 25 độ F (-32 độ C), thì hôm Thứ Năm 13-2-2014 tại trung tâm trượt tuyết nhào lộn “RusSki Gorki Jumping Center” của Sochi, nhiệt độ lên đến 63 độ F vào giữa trưa. Sang Thứ Sáu 14-2, môn thi “Alpine Ski Race” bên nam giới, ban tổ chức đã phải dời lịch tranh tài từ 11 a.m. lên 10 a.m. để tránh nhiệt độ đến giữa 50 độ F vào giờ trưa. May mà địa lý Sochi nhiều đồi núi phủ trắng tuyết vào thời điểm này, để các cuộc tranh tài khỏi biến thành… mùa thu.
Tay trượt băng nghệ thuật Jason Brown của Hoa Kỳ tự chụp và gắn hình lên trang twitter sau cử tập dợt làm quen sân băng lần đầu tiên.
Một đề tài bên lề không kém phần sôi nổi khác là phí tổn tổ chức Olympic. Chi phí cho TVH Sochi 2014 (gồm 88 quốc gia, 2,800 lực sĩ, tranh tài 7 môn thể thao) lên quá mức $50 tỉ, nhiều hơn bất cứ kỳ Olympic nào khác, dù là Mùa Đông hay Mùa Hè. Để so sánh, TVH Mùa Hè Beijing 2008 quy mô lớn hơn rất nhiều (gồm trên 200 quốc gia, gần 11 ngàn lực sĩ tranh tài 28 môn thể thao) nhưng chỉ tốn kém $40 tỉ. Đã đành một kỳ Olympic thành công có thể nâng thế giá và đem lại nhiều cơ hội khác cho nơi tổ chức. Nhưng về phương diện tài chánh kinh tế thì… cầm chắc lỗ lã. Một khảo sát của Đại Học University of California – Berkeley năm 2009 cho thấy các quốc gia thua cuộc trong việc giành quyền tổ chức Olympic về sau tăng trưởng kinh tế không kém, thậm chí có phần hơn, những quốc gia nhận quyền tổ chức. Trường hợp Montreal của Canada sau kỳ Olympic Mùa Hè 1976 là một thí dụ. Phải đến năm 2005 thành phố mới trang trải hết món nợ $2.7 tỉ vay mượn để tổ chức TVH.
Cảnh Olympic Sochi do nữ trượt tuyết nhào lộn Sarah Hendrickson chụp và gắn lên trang Instagram.
Ở góc độ người hâm mộ thể thao Hoa Kỳ cũng có không ít ca cẩm. Đường xa khiến chỉ riêng tiền vé phi cơ từ Hoa Kỳ bay sang Sochi trung bình $5,000 đến $7,000 mỗi người. Khách sạn và chi phí sinh hoạt cũng rất đắt đỏ, mặc dù Sochi không phải thành phố lớn như New York, Paris, Tokyo… Khảo sát của trang web du lịch Fly.com cho thấy cả vùng chỉ có 29 khách sạn đủ tiêu chuẩn 4-5 sao. Trong khi đó, TVH Mùa Đông do Vancouver/Canada tổ chức có 51 khách sạn cùng phẩm chất. Mặc dù tốn kém nhiều, nhưng thiểu số giới mộ điệu đủ khả năng tài chánh du hành sang Sochi có thể kể là may mắn. Đa phần còn lại đành ở nhà xem TVH qua TV và các công cụ khác. Olympic là một trong những sự kiện thể thao được đón xem nhiều nhất thế giới. Chỉ tính riêng khán giả TV Hoa Kỳ lần TVH Mùa Hè London 2012 đã đến gần 220 triệu người. Năm nay, đài NBC độc quyền chiếu Olympic. Ba năm trước, đài này ký hợp đồng với IOC trị giá $4.38 tỉ, đổi lấy quyền truyền hình tất cả các kỳ TVH Mùa Đông lẫn Mùa Hè cho đến Olympic Mùa Hè Tokyo 2020. Đây là bản hợp đồng trình chiếu Olympic cao giá nhất xưa nay.
Cảnh Olympic Sochi do tay đua nữ Hoa Kỳ Julia Mancuso chụp và gắn lên trang Instagram.
Tuy nhiên, ngày nay khán giả không có mặt tại chỗ dự khán Olympic không chỉ dựa vào TV với những chương trình chiếu lại và sắp đặt sẵn. Trong thời đại kỹ thuật Internet, họ còn có rất nhiều phương cách khác nhau để theo dõi cuộc tranh tài. Các điện thoại Smartphone có thể gài một “app” đặc biệt cho Olympic tên là “Sochi 2014”. Khi mở lên, sẽ thấy kết quả, bảng xếp hạng, và các thông tin khác. Chính đài NBC cũng có những chương trình đưa hình ảnh Olympic lên thế giới mạng ảo, kỹ thuật gọi là “Live Streaming”. Các trang mạng xã hội như Twitter hay Instagram cũng là những địa chỉ loan tin tức ngắn gọn, nhanh nhạy, được vô số người theo dõi. Rất nhiều tổ chức thể thao lớn có mặt trên Twitter, thay phiên đăng tải Olympic từ kết quả, hình ảnh, đến phỏng vấn, v.v… Có thể kể trang của Ủy Ban Olympic Hoa Kỳ (@USOlympic), trang của IOC (@IOCMedia), trang của đài NBC (@NBCOlympics), trang của chính ban tổ chức (@Sochi2014), trang của đài BBC (@BBCSport), v.v… Dịch vụ Instagram cũng nhộn nhịp hẳn lên trong mùa tranh tài TVH, chánh yếu qua việc chia sẻ hình ảnh. Đặc biệt, cả hai trang Tweeter và Instagram đều có rất nhiều thành viên đang là lực sĩ tranh tài Olympic, những người sẵn sàng chia sẻ nhiều thông tin mà thậm chí báo giới thể thao nhà nghề chưa chắc có. Một mặt trái của kỹ thuật truyền thông nhanh nhạy ngày nay khi mà nhiều nhân viên ngồi tại sở làm thay vì làm việc thì lại mở máy tính computer… xem Olympic, khiến công việc kém hiệu quả. Có một ước tính trong kỳ TVH London 2012, thời gian uổng phí ngồi xem Olympic thay vì làm việc gây tốn kém cho các công ty hãng xưởng ít nhất $650 triệu.
Huy chương vàng trượt tuyết tốc độ nam 1,500 m ăn mừng với đồng đội Canada sau vòng đua chung kết hôm 10-2-2014. Ảnh Matthew Stockman/Getty Images
Khi trang Thể Thao tuần này đến tay bạn, Olympic Sochi 2014 chỉ còn vài ngày là bế mạc ngày Chúa Nhật 23-2. Đến lúc đó, sẽ có con số kỷ lục 1,300 bộ huy chương được trao tặng. Lý do chánh vì kỳ TVH lần này có thêm 12 nội dung tranh tài mới. Khác với tên gọi, từ Olympic 1912, chiếc huy chương vàng chánh yếu làm từ bạc. Ước tính trị giá của riêng quý kim để đúc chiếc huy chương vàng cho Sochi 2014 là $580. Huy chương bạc cũng đúc từ bạc nhưng số lượng ít hơn, trị giá chừng $340 mỗi chiếc. Huy chương đồng thì đúc bằng đồng nên giá rẻ, chỉ khoảng $5 mỗi chiếc. Vào thời điểm trang báo này lên khuôn, phái đoàn Hoa Kỳ tạm xếp thứ năm với tổng cộng 13 huy chương (4 vàng 3 bạc 6 đồng). Có lẽ hiểu tâm lý các lực sĩ trẻ ham vui, lỡ sẩy tay có thể đánh mất huy chương, nên Ủy Ban Olympic Hoa Kỳ đã mua giúp bảo hiểm với hãng Liberty Mutual. Mỗi chiếc huy chương của lực sĩ Hoa Kỳ được bảo hiểm $5,000, đủ để tái chế tạo nếu chẳng may lực sĩ làm mất chiếc huy chương nguyên thủy. Chuyện bảo hiểm này có lẽ cũng xứng đáng, khi tính đến công lao, năm tháng, và cả tài chánh mà người lực sĩ và gia đình họ đã phải bỏ ra để đạt đến vinh quang. Nhất là trong trường hợp Hoa Kỳ. Khác nhiều nước trên thế giới có chương trình thể thao cấp quốc gia, người lực sĩ được chăm sóc và trả lương lấy từ ngân khố của xứ sở; giới lực sĩ Hoa Kỳ thường chánh yếu dựa vào nỗ lực cá nhân, gia đình, hoặc tài trợ tư nhân trong những năm dài theo nghiệp thể thao.
Một người bán bong bóng dạo mùa Olympic hôm 10-2-2014 trước chân dung khổ lớn của lãnh tụ Lenin, dấu tích của Nga sô một thời cộng sản. Ảnh Reuters/Eric Gaillard
TTD