Cổ nhân có câu: Đi một bước đàng, học một sàng khôn. Xưa nay ai cũng thích du sơn, du thủy vẫn nhớ lại ngày xưa khi còn đi học, tôi đam mê đọc sách, và có cảm tưởng rằng: Đọc một quyển sách hay, cũng giống như đặt chân đến một xứ lạ và cả hai cái ấy đều có một thứ thích khoái như nhau.
Nhớ lại khi cầm được hai cái vé trong tay để được định cư tại Hoa Kỳ, một chân trời xa lạ và một nơi đượm sữa và mật như lời các bạn đồng liêu thường nhắc, hai vợ chồng già chúng tôi vui mừng khấp khởi, tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn và các con đã lo lắng, thu xếp và bảo lãnh cho chúng tôi đến nơi chân trời tươi đẹp này. Tuy vậy, khi đến nước Mỹ này, là người viễn xứ, chúng tôi không khỏi có những lúc cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong một vùng đất xa xôi nơi xứ người. Nhưng bù lại cho trống vắng, lạc lõng này, tôi nhận thấy một điều rất hay là người Mỹ đa phần rất tốt. Hàng xóm của tôi hai bên đều là người Mỹ cả và họ có tấm lòng rộng rãi, sẵn lòng giúp chúng tôi bất kỳ lúc nào.
Một lần nọ, con gái tôi đi làm, sau khi lui xe ra khỏi garage, thì chợt biết là bánh xe sau đã xẹp, vì đã có một chiếc đinh đâm sâu vào bánh xe không biết lúc nào. Con tôi hốt hoảng vì sợ bị trễ giờ làm việc, hơn nữa tiệm sửa xe thì không gần để có thể vá xe được, túng quá nên tôi chạy sang nhà lân cận bấm chuông làm phiền họ. Tuy vẫn còn ngái ngủ nhưng ông Mỹ láng giềng vẫn vội vã ra xem và lấy phụ tùng, cùng các dụng cụ keo và vá vỏ xe giùm. Thật cảm ơn ông láng giềng tốt bụng, nếu không chắc con tôi phải nghỉ ở nhà ngày hôm ấy. Từ đó, tôi rất có thiện cảm với ông và hai nhà thường giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc có cần.
Lần khác garage nhà tôi quên đóng, bà hàng xóm người Mỹ khác cũng ở bên cạnh chúng tôi, chạy sang bấm chuông và báo cho chúng tôi biết là đã quên đóng garage, lúc ấy khoảng 8:00 PM. Nếu không, có lẽ chúng tôi đã ngủ quên với cửa bỏ trống, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi thường gọi họ là người láng giềng tốt bụng, và họ cũng rất vui đáp lễ lại chúng tôi là “My good neighbor”.
Thêm một lần khác nữa, con tôi đi làm lại gặp trở ngại nữa là hôm ấy đề xe không nổ, hai cha con loay hoay đẩy xe ra ngoài garage, vừa đẩy vừa đề nhưng vô hiệu. Đang lúc không biết xử trí ra sao, chợt có một chiếc xe trong xóm chạy tới; một cậu thanh niên người Mỹ dừng lại và ra dấu hỏi tôi rằng: Tôi có thể giúp gì cho ông được không? Tôi mừng quá và gật đầu, và ra dấu rằng xe không nổ và không biết là nguyên nhân gì. Cậu ta xuống xe, xem xét và cho biết là bình điện yếu, và anh ta đã giúp câu bình. Thế là chiếc xe nổ máy ngon lành.Cha con tôi cám ơn anh ta, và cậu ấy đáp lại “you’re welcome”, rồi vội vã lái xe đi, tôi đoán là cậu ấy cũng cần đến sở làm việc cho đúng giờ, nhưng cũng sẵn sàng dừng lại để giúp đỡ chúng tôi. Riêng tôi, vì cảm động tấm lòng thân thiện của anh ta, lại quên hỏi địa chỉ để có dịp đến cảm ơn anh ta nhưng xe đã chạy xa rồi.
Lần khác, tôi đi làm về khuya, vì chỗ làm mới và chưa quen đường cho lắm. Sau khi đi làm ra về nhà nhưng lại lạc đường. Càng lạc, càng bối rối và cứ tiếp tục chạy xem thử có thể mong xem nhận ra một cảnh quen thuộc để trở về nhà hay không? Nhưng than ôi! càng chạy càng cảm thấy khung cảnh càng xa lạ; nhưng thật lạ, dường như ở sau có một chiếc xe chạy đuổi theo, bí quá, tôi tấp vô lề cỏ; và một chị người Mỹ dừng lại bên hông xe của tôi, hạ kiếng xe xuống và hỏi tôi là cô ta có thể giúp gì tôi được không. Một câu hỏi khá quen thuộc đối với tôi sau những lần gặp khó khăn như đã kể trên. Tôi mừng quá và ra dấu là tôi bị lạc đường. Vì vốn liếng tiếng Mỹ giới hạn vì mới đặt chân đến đất Mỹ, việc ra dấu để diễn tả điều mình muốn nói là điều tôi có thể làm mà thôi. Lúc ấy, tôi chỉ nhớ mang máng rằng nhà mình ở trên đường Orange Ave. gì đó. Tôi chỉ biết nói tên đường Orange và ra dấu muốn về đó. Cảm ơn Chúa, chị ta cũng đã hiểu ra và ra dấu tôi đi theo sau xe chị ấy. Tôi lái xe chạy theo sau chị cũng khá lâu mới về lại đường Orange Ave. Thật mừng, khi thấy lại khung cảnh quen thuộc, chưa kịp nói tiếng cảm ơn, chị ta đã ra dấu là cứ tiếp tục chạy thẳng, rồi chạy luôn mất hút không cần chờ tôi cảm ơn. Tôi thầm trách bản thân không biết cảm ơn trước, và nguyện trong lòng rằng mình sẽ cảm ơn họ trước, cho chắc ăn.
Cho đến mãi mấy năm sau trôi qua, lòng cưu mang về ơn nghĩa của người Mỹ đã dành cho tôi và gia đình, tôi chẳng biết làm sao mà đền đáp cho trọn. May thay, và được an ủi làm sao, sau khi đọc tờ báo Trẻ thấy có mục đề “cám ơn U” để bày tỏ lòng biết ơn đến dân tộc Mỹ đã giúp đỡ những người tỵ nạn chúng ta nơi đất nước của họ. Tôi xin cảm ơn quý vị báo Trẻ đã cho tôi có một cơ hội nhỏ bé để bày tỏ lòng chân thành biết ơn đến những người Mỹ tốt bụng đã rộng mở cánh cửa đón rước chúng tôi đến cư ngụ nơi đất nước của họ, cho chúng tôi những cơ hội quý báu để được an cư, lạc nghiệp, và thành đạt trên đất nước đượm sữa và mật này.
Cho nên tôi xin mượn đôi dòng tâm sự này, mong Báo Trẻ tung ra khắp mọi phương trời lời cảm ơn chân thành của chúng tôi đến những người Mỹ tốt bụng mà chúng tôi không hề quen biết.
Chiều hôm nay, tôi đứng sau vườn nhà nhỏ bé của tôi, nhìn lên bầu trời trong xanh của một nước Mỹ mênh mông rộng lớn, gió thổi hiu hiu cùng quyện lấy chút nắng vàng êm ả của một buổi chiều, mà lòng liên tưởng đến hai câu ca dao thân thuộc của người dân Việt chúng ta rằng:
Bầu ơi thương lấy Bí cùng,
Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn
Lòng tôi ấm lại với tình Bầu Bí của một Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nơi chúng ta cùng sống chung một giàn. Cảm ơn Thiên Chúa và cảm ơn nước Mỹ đã cho tôi tận hưởng sự ngọt ngào của tình BẦU BÍ SỐNG CHUNG MỘT GIÀN.