
– Tôi sẽ mua cái ti vi màn ảnh rộng, 42 in., giá chỉ có $265. Giấc mơ của tôi.
– Cái này làm ở đâu vậy?
– Hình như từ China
– Cái này ở đâu làm vậy?
– Tôi không để ý. Để coi. À, China.
– Cái này?
– Tôi không “care”. Chắc ở Trung Quốc. Thì kệ nó ở đâu. Tôi cần thì mua, đợi ở đây 3 ngày rồi.
Đó là những lời thực thà và vô tư của một số khách hàng đợi trước Best Buy nhân ngày Black Friday giá hạ.

Nhưng họ không biết rằng, Trung Quốc hoàn toàn không vô tư như họ, từng bước… từng bước thầm Trung Quốc đang nuôi giấc mộng đè bẹp Mỹ, bá chủ thế giới.
Điều dễ nhận ra là khi còn nghèo đói, Trung Quốc chưa bắt bớ ngư dân trên biển Đông, chưa vẽ hình lưỡi bò, chưa hoạch định vùng cấm bay, chưa đem hạm đội tranh chấp đảo Điếu Ngư…
Sau bao nhiêu năm bị kìm hãm trong cái hộp “xã hội chủ nghĩa”, hơn bao giờ, Trung Quốc lên cơn sốt khát tiền. Cả nước lao vào cơn lốc làm giàu bằng mọi giá. Để đổi lấy ngoại tệ, Trung Cộng đã biến quốc gia mình thành một xã hội chụp giựt chưa từng thấy, môi sinh tàn hoại, môi trường hủy diệt, thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn không khác gì cuộc sống trên Hỏa tinh khi người ta phải đội nón, trùm khăn, bịt mặt trong khói thải dày đặc. Mức ô nhiễm ở Trung Quốc cao gấp 40 lần tại Mỹ.

Không chỉ ô nhiễm ở Trung quốc, sự luân chuyển của khí quyển khiến độc chất lan sang những nước lân cận, kể cả sông ngòi, biển khơi cũng ngập ngụa hóa chất và những luồng thủy lưu phân phát chúng khắp nơi trên thế giới.
Kể từ năm 2001, TT Bill Clinton ký sắc lệnh cho Trung Quốc vào WTO với lời tuyên bố “…Nếu chúng ta tin vào sự công bằng trong thương mại. Nếu chúng ta tin vào những điều tốt đẹp cho nước Mỹ. Nếu chúng ta tin rằng sẽ mang lại sự bình ổn cho Châu Á và thế giới. Chúng ta sẽ đồng ý với quyết định này của tôi…”
Sau lời tuyên bố đó, hơn 57 ngàn hãng xưởng tại Mỹ đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với sự bất lương và bất chính từ những công ty Trung Quốc.

Một nữ công an (phải, áo đen) áp giải tù nhân, lực lượng lao động vô tận tại TQ
Thay vì đến trường, Zhang Qianquian, 15 tuổi, làm việc 12 giờ mỗi ngày
Đáng tiếc là những điều “tin rằng” của cựu TT Bill Clinton đã bị đảo ngược hoàn toàn mặc dầu kế hoạch của ông được sự ủng hộ của các chính khách Cộng Hòa, lúc đó đang làm chủ Thượng Viện lẫn Hạ Viện. Lúc đó, chính họ, phe Cộng Hòa, cũng tin rằng việc cho TQ gia nhập WTO sẽ mở rộng thị trường cho nước Mỹ và “giải phóng” cho nhân dân Trung Quốc.
Có chuyên gia nhận định rằng, đưa Trung Quốc vào WTO là một nước cờ của Tây phương để dụ con nhộng chui ra khỏi vỏ kén cộng sản, một khi đã béo mập, nó không thể trở lại ngôi nhà xưa.
Nhưng dẫu là một nước cờ thâm sâu thì chính những chính trị gia Tây phương không lường trước được, “con nhộng” đó quậy phá tanh banh thị trường thế giới như thế nào.
Họ không thấy rằng công nhân tại Trung Quốc bị bóc lột thậm tệ và trẻ lao động dưới tuổi thành niên được khai thác ra sao.
Họ không thấy rằng Trung Quốc sử dụng hàng triệu tù nhân như những rô-bô miễn phí.

Họ không thấy rằng Trung Quốc gần như không phải trả bảo hiểm sức khỏe cho công nhân, tạo điều kiện lao động an toàn, bảo vệ môi sinh, bảo vệ người lao động và công nhân chỉ nhận đồng lương chết đói.
Chính “lợi thế” đó, TQ có thể gia công với bất kỳ giá nào để tranh giành công việc trên toàn cầu.
Các chính phủ Tây phương cũng không thấy rằng, họ đã mở toang cánh cửa để hàng hóa TQ tràn ngập nhưng việc thâm nhập hàng hóa vào đất Tàu vấp phải bức tường kiên cố gấp trăm lần Vạn lý trường thành: những luật lệ không giống ai, sớm chiều đổi, cùng những đòi hỏi quan liêu vô lý, mà một trong những nạn nhân dập mật đầu tiên là Yahoo và Google.
Cái bẫy của TQ rất đơn giản nhưng hiệu quả: trải thảm đỏ mời hợp doanh, hợp tác, chấp nhận mọi điều kiện, ưu đãi tối đa. Khi mọi chuyện xong xuôi là bắt đầu giở thủ đoạn chèn ép, tráo trở khiến đối tác bỏ cuộc. Mặt hàng đó lập tức hí hửng xuất hiện ở thị trường với nhãn hiệu tương tự. Chưa kể nhiều công ty ngoại quốc vừa ra lò mặt hàng ngày hôm trước, hôm sau đã thấy hàng nhái y chang, với giá chỉ 1/10.

Với tư tưởng trọng tôn pháp luật, nhiều công ty phương Tây ngây thơ tin tưởng vào luật lệ nơi đây. Cụ thể là công an mạng TQ có lần gõ cửa Yahoo, đòi cung cấp những email một người bất đồng chính kiến, Shi Tao. Với bằng chứng thu thập, họ đã bỏ tù anh 10 năm. Qua đó, họ muốn nhắn nhe với dân chúng kỹ thuật phương Tây chẳng là cái quái gì mà sự “tài năng” của công an mới là đáng kể!
Stewart Baker – Trợ lý thứ nhất Bộ Nội An- thời TT Bush con, nói rằng, trong lịch sử thương trường WTO, với Nhật, Ý, Pháp, Đức… chưa bao giờ Hoa Kỳ gặp phải một đối tượng kỳ lạ như Trung Quốc, tất cả mọi hoạt động thương mại lấp lửng, điêu xảo và được lèo lái bởi chính quyền sau lưng.
Bất kể nguyên nhân từ lý do “chiến lược” nào, chính phủ Mỹ và các quốc gia Tây phương phải chịu trách nhiệm trong việc “bày binh bố trận” của mình. Lợi đâu chưa thấy nhưng dân chúng, công nhân cổ trắng cổ xanh thất nghiệp chổng vó.
Nhiều đại công ty, Walmart, Winston, Apples, Nike, GM, GE…. hăm hở chộp lấy nguồn nhân công rẻ mạt ở Trung Quốc và những lời chiêu dụ ngọt ngào đã bất kể đến quyền lợi quốc gia nhắm mắt trục lợi từ những đôi vai gầy trẻ thơ, những người công nhân cùng đường, những người cần miếng cơm, manh áo cho gia đình.

Cá chết vì ô nhiễm trên sông Vũ Hán
Nhiều công nhân ở TQ không được điều kiện bảo hộ đúng mức.
Giặt giũ, rửa bát trên một dòng sông nhiễm bẩn
Ngay cả gần đây, hãng Boeing cũng sa thải 1000 công nhân tại Mỹ để mở phân xưởng khổng lồ lắp ráp tại Thượng Hải. Không rõ để hạ giá cạnh tranh với Airbus hay để “choàng vai” với thị trường Châu Á đang lên. Nhưng trước hết họ bị mất lòng tin của khách hàng, có lẽ vậy mà nhiều hợp đồng của Boeing rơi ngược vào túi Airbus.
Trong sự cuồng say với đô la, Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi sự hủy hoại môi sinh cả 100 năm để phát triển kinh tế tạm thời. Vì ở đất nước này, từ thượng cấp đến hạ tầng, ai cũng đồng lòng rằng, chưa kịp chết vì ô nhiễm thì đã rũ thây vì đói.
Hiện nay, sau khi gom góp được những món kếch xù, các tư bản đỏ TQ đã có kế hoạch di tản gia đình sang Tây phương. Những căn biệt thự ở Anh, Ý, Mỹ, Pháp… xây không kịp bán cho những kẻ đang dọn chỗ hạ cánh, về hưu.
Ngày nay, thế giới đã bắt đầu nhận được sự thật từ TQ, nhiều lời hô hào tẩy chay sản phẩm từ TQ, trên các kệ hàng, sản phẩm “Made in USA” đã dần dần xuất hiện.
Khi nhìn thấy nhãn hiệu “Made in China” bạn hãy nghĩ về sự an toàn phẩm chất cho gia đình bạn, hãy nghĩ về việc làm cho chính mình và con cháu bạn. Hãy nghĩ về kinh phí khổng lồ Trung Quốc ồ ạt dồn cho việc cải tiến vũ trang. Hãy nghĩ đến kẻ đang hăm hở tiếp tay xây dựng cơ sở hạch nhân cho Iran, Bắc Hàn… Và hãy nghĩ rằng bạn đang vô tình tiếp đạn cho những kẻ bắn vào ngư dân Việt, thêm gông cùm để xích xiềng những người yêu nước: Việt Khang, Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Điếu Cày…

Nhà máy sản xuất của GE (General Electric) tại Trung Quốc
Công nhân TQ lắp ráp Boeing tại một phân xưởng ở Thượng Hải