Menu Close

Ta có Em mùi hoàng lan…

Thế là ba tuần lễ trôi qua. Tôi vẫn chưa dứt được cuốn sách dày hơn 300 trang, xuất bản trong nước. Hình bìa in màu nâu nhạt trang nhã, phía dưới có những dòng chữ màu đỏ: Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội 2012. Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 2012.

Với những cuốn sách trong nước, được giải thưởng như thế này, tôi thường sửa soạn tinh thần… để đọc với nhiều ý tưởng trái ngược: một phần vì nghĩ rằng tác giả phải viết thế nào đó, thì sách mới được in và khi sách đoạt những giải thưởng, có nghĩa là tác giả phải… làm hơn thế nữa!

Vì thế, nếu cuốn này có những hàng chữ, hay những đoạn văn, giả sử tôi nghĩ rằng quá đáng, tôi sẽ xem đó là chuyện bình thường.

Một phần vì tôi vẫn tin vào sự công bằng, lương thiện ở một số người, nhất là giới cầm bút trong nước, vì tôi đã có cơ hội quen một vài người như thế. Những người này có cơ hội học hỏi, giao tiếp trên mạng xã hội, họ đã nhận dạng được giả dối cũng như đối diện với sự thật, nên trong một chừng mực, giới hạn, những tác phẩm từ Việt Nam cũng có một giá trị nào đó, và chúng cần được đọc với sự cảm thông và khách quan.

Tôi bắt đầu đọc Đi Ngang Hà Nội của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến vào buổi sáng cuối tuần. Trời trong, cao, nắng đổ tràn trên sân. Tôi sửa soạn cho buổi đọc một ly café và một miếng chocolat nhỏ.

Lật nhanh từng trang, tôi đi ngang, đi dọc, lên xuống Hà Nội.

Trong lời giới thiệu, ông Nguyễn Hòa viết: “… Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã gắn bó với mảnh đất kỳ diệu này, và tôi nghĩ đối với anh việc cách đây mấy năm xuất bản 5678 bước chân quanh Hồ Gươm là chưa đủ. Để đến năm 2011, anh lại tiếp tục ra mắt Đi ngang Hà Nội – tập hợp những ký sự sinh động có tính chất khảo cứu về một số sự kiện – hiện tượng đã và đang diễn ra ở Thăng Long – Hà Nội, theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại.”

Mấy chữ “tính chất khảo cứu” của ông Nguyễn Hòa khiến tôi nghĩ đến sự trung thực của những sự kiện tôi sắp đọc.

Trang mục lục kế tiếp liệt kê 32 truyện ngắn với tựa đề ngộ nghĩnh và rất… Hà Nội như Điếm xưa, điếm nay. Bia hơi Hà Nội. Xe đạp ơi. Thời tem phiếu. Chuồng cọp trong phố. Phở có người lái và không có người lái. Ngột ngạt phố cổ. Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh. Đổ thùng hay chuyện đổ phân, v.v…

Điếm xưa, điếm nay hay Bia hơi Hà Nội hay Xe đạp ơi, Chuồng cọp trong phố. Phở có người lái và không có người lái. Ngột ngạt phố cổ…, dù được tác giả cho rằng có lịch sử từ thời phong kiến xa xưa, nhưng hầu hết đều rõ nét trong thời Pháp thuộc, thậm chí chuyện Đổ thùng hay chuyện đổ phân cũng dính từ thời thực dân!

Vừa đến Hà Nội đã gặp điếm, điếm xưa, điếm nay, tác giả cả quyết gái điếm xuất hiện từ khi người Pháp chiếm Hà Nội. Còn Kiều vào lầu xanh là do Nguyễn Du dựa vào Đoạn Trường Tân Thanh của Trung Hoa!

Hãy cứ cho là thế, điếm là tệ nạn xã hội của thực dân. Ngày ấy, Hà Nội được cho là xô bồ nhộn nhịp với những khu nhà thổ đông đúc. Hà Nội với dòng người xếp hàng dài trước bệnh viện trị bệnh phong tình. Hà Nội ngày ấy ngột ngạt điếm.

Thế nhưng, nay không còn thực dân, chẳng có chiến tranh, Hà Nội ở thế kỷ 21, lại nghèo nàn nhếch nhác. Điếm ở khắp nơi, điếm từ núi xuống đến biển. Điếm không chỉ là nữ mà còn là nam giới cùng nhập bọn. Điếm ở đủ hạng tuổi. Điếm được thay họ đổi tên bằng những chữ vô nghĩa nhưng đầy hèn mọn: Phò, Phạch, Bợp.

Hôm qua tôi đi ra ga

Tôi gặp con phò nó mặc áo hoa…

Phò ở nhà ga, phò ở công viên, phò và khách đều rách rưới, bệnh tật. Nguyễn Ngọc Tiến viết: “Thời thế đổi thay, mại dâm cũng đổi thay, nay lại có thêm cả mại dâm nam. Người ta biết cả và có công an, cán bộ kiếm tiền bằng cách bao che, báo trước thời gian truy quét. Có cơ quan quản lý gái mại dâm nhưng không bao giờ có con số chính thức, không biết bệnh tật thế nào, lây lan ra sao…” Hà Nội ngày nay như thế, ngột ngạt điếm nam, điếm nữ và bệnh tật!

Đi ngang Hà Nội, không phải chỉ thấy điếm, mà còn thấy những con người lam lũ với những chiếc xe đạp như một gia tài lớn. Trong truyện Xe đạp ơi, tác giả đã nhẩn nha kể gia phả xe đạp từ thời Pháp đem qua làm đẹp Hà Nội; sang đến những chiếc xe đạp nội hóa được sản xuất; đến sau năm 54, quốc doanh hoá các cơ xưởng khiến chất lượng xấu, số lượng sản xuất giảm, Nguyễn Ngọc Tiến viết: “Năm 1965 nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp trong một đời một cán bộ công nhân viên được mua một chiếc, nhưng cả xí nghiệp 100 người, chỉ được phân phối chưa đến 10 chiếc…” rồi đến việc dùng những chiếc xe đạp thô lậu của đàn anh Trung Cộng.

Thế nhưng cũng oái oăm khi đọc những hàng chữ: “Năm 75, đất nước thống nhất, xe đạp sản xuất từ miền Nam theo chân bộ đội phục viên, xuất ngũ hay đi phép ào ào ra miền Bắc. Chất lượng xe không tốt, chỉ thời gian ngắn là gỉ nhoẻn”. Tôi chặc lưỡi đọc tiếp: “Hiện nay các nhà máy xe đạp ở Việt Nam, trong đó có nhà máy có lịch sử lâu đời vẫn chỉ sản xuất được vài ba chi tiết và chủ yếu họ lắp ráp cho các hãng xe nước ngoài…”

Tôi nghĩ tác giả không thể khách quan và công bằng hơn. Vì hiện tại những chiếc xe đạp hiếm hoi đắt đỏ được một số người đem về từ các nước Tây phương, vẫn là niềm mơ ước của nhiều người.

Tôi lại nhớ bài hát Phượng Hồng … chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, lại nhớ hình ảnh chiếc xe đạp với những bó rạ to, khật khưỡng xiêu vẹo trên đường, và cũng nhớ đến những câu thơ mà tác giả Nguyễn Ngọc Tiến không ngần ngại khi nhắc đến hình ảnh người lính bộ đội sau năm 75:

Đầu đường thượng tá bơm xe
Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
Cuối đường thiếu tá bán kem
Về làng đại úy thổi kèn đám ma!

Đã rỉ rả chuyện Hà Nội, thì không thể không nói về Thời tem phiếu. Tác giả của Đi ngang Hà Nội cho rằng Thời tem phiếu phát sinh ngay sau năm 1954! Khi đất nước chia đôi, gạo miền Nam không thể chở ra miền Bắc, nên miền Bắc đói và chế độ tem phiếu được áp dụng. Nguyễn Ngọc Tiến viết: “… Tiêu chuẩn được hưởng gạo cung cấp có nhiều loại: học sinh phổ thông chưa đến 18, người cao tuổi, người chưa có việc làm tiêu chuẩn 13 ký /một tháng, sinh viên công nhân được 17 ký, công nhân làm trong môi trường độc hại, quân nhân là 21 ký… Năm 1965 dân Hà Nội bắt đầu ăn độn…Từ năm 1965, nhà nước quy định mỗi cán bộ công nhân được phân phối một chiếc xe đạp trong cả đời công tác.” Đọc đến đây tôi nghĩ đến Singapore. Khi phần đất này bị tách ra khỏi Malaysia vào năm 1965, đã có nhiều người tiên đoán thị trấn bé nhỏ này không thể tồn tại. Thế mà bây giờ, Singapore đã và đang là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Cũng nghĩ đến Đài Loan. Năm 1949, sau khi Trung Hoa lục địa rơi vào tay cộng sản, chính quyền Trung Hoa Quốc Gia của Quốc Dân đảng đã phải rút lui đến Đài Loan. Đây là một hòn đảo nhỏ, không có tài nguyên, và nhiều người nghĩ số phận Đài Loan rất bấp bênh. Thế nhưng Đài Loan đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển trên thế giới. Và miền Nam sau năm 54, hậu quả của phong kiến, thực dân, gánh nặng một triệu người di cư từ Bắc vào Nam, và cuộc chiến tranh xâm lấn do cộng sản Bắc Việt khởi động, thế mà miền Nam vẫn xây dựng phú cường, dân miền Nam được sống tự do hạnh phúc.

Thế mới biết, khi một quốc gia được quản trị bởi những người yêu nước, có khả năng, thì bất luận quốc gia đó nhỏ bé đến đâu, nghèo khó thế nào ở mức khởi đầu, quốc gia ấy chắc chắn sẽ phú cường, và người dân chắc chắn sẽ được ấm no hạnh phúc.

Đến truyện Bia hơi Hà Nội, theo tác giả Nguyễn Ngọc Tiến, cũng có từ thời Pháp thuộc. Năm 1935, các nhà máy bia ở Đông Dương hợp doanh thành công ty Bia – Đá Đông Dương (Brasserie et Glacière de L’indochine) viết tắt là BGI. Nguyễn Ngọc Tiến viết: ” Đến năm 1954, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve, rút khỏi miền Bắc, chủ nhà máy đã cho tháo dỡ, phá hỏng máy móc, thiết bị, đốt hết các tài liệu thiết bị quan trọng khiến nhà máy không thể hoạt động. Sau này nhà máy bia Hommel được các chuyên gia Tiệp Khắc khôi phục và năm 1958 chai bia đầu tiên mang nhãn Trúc Bạch xuất xưởng”. Tác giả cũng cho hay năm 1960, nhà máy Bia Hà Nội đã sản xuất bia mang tên Hữu Nghị và lô hàng đầu tiên đã được đưa vào Sài Gòn và các tỉnh miền Nam qua ngả Campuchia để chứng minh nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa có thể sản xuất ra nhiều loại hàng hóa phục vụ người dân và xuất khẩu.  Có thật thế không? Năm 1955 miền Bắc đã không đủ gạo cho dân, dân phải ăn đói, phải ép bụng ăn theo tem phiếu, gạo không có, nho không trồng, lấy gì làm rượu để xuất cảng qua miền Nam?

Đến truyện Đổ thùng hay chuyện đổ phân, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến cho biết có lai lịch như sau: “Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương, và để bộ mặt thủ đô sạch sẽ, văn minh, Hội đồng thành phố đã ra quyết định đấu thầu đổ phân. Do số nhà dân ở khu vực phố cổ chỉ ngót nghét 5,000 căn nên  lượng phân không nhiều, nên chính quyền thành phố  cho phép công ty trúng thầu được đổ phân ra ao, hồ, đầm ở vùng ven cho cá ăn, một phần bán lại cho dân trồng rau. Và chiếc xe ba gác với một người kéo, một người đẩy là phương tiện chính chở các thùng phân.”

Nguyễn Ngọc Tiến viết tiếp: “Tới năm 1960, xí nghiệp vệ sinh Hà Nội ra đời và đội xe chở phân vẫn đóng ở vị trí trại Xia ngày trước. Thế nên một thời đi qua đây ai cũng có thể nhìn thấy giấy báo, giấy học trò màu vàng đục phơi đầy bờ đê, đó chính là giấy mà người đi vệ sinh sử dụng…

Năm 2002, vẫn còn tới gần 50% số hộ gia đình không có nhà vệ sinh riêng nghĩa là nhiều nhà vẫn dùng chung hố xí thùng”.

Tác giả cũng không thể không đề cập đến vệ sinh công cộng hiện nay: “… đặc biệt là nhà vệ sinh tại không ít các trường học phổ thông khu vực ngoại thành rất tệ. Người ta chỉ tính đến số phòng học mà không quan tâm đến khu phụ cho hàng nghìn học sinh, có trẻ đi vệ sinh xong ngất xỉu bởi xú uế quá sức chịu đựng của nó.”

Tôi xếp cuốn truyện. Hớp ngụm café. Cả 3 tiếng đồng hồ, tôi mới đọc chưa đến 1/3 cuốn sách. Tôi lật những trang sau, 11 trang in những bức ảnh trắng đen: hình những cô gái điếm thời thực dân! Hình những chuyến xe lửa điện, hình những tem phiếu ở Hà Nội… Hà Nội xưa vẫn có một trật tự nề nếp khác hẳn bây giờ.

Trời vẫn cao, nắng vẫn to. Tôi thèm được gặp một Hà Nội nên thơ… Em ơi, Hà Nội phố… Ta còn em mùi Hoàng Lan… Ta còn em mùi hoa Sữa…

Không biết đã có và đang có một Hà Nội như thế không?

PDH  – 03/14