Menu Close

Kỳ 9: Sửa hình – Đúng hay Sai?

Trong thế giới nhiếp ảnh có một sự bàn cãi kéo dài còn hơn truyện Tam Quốc Chí, đó là về đề tài “hình có nên được sửa hay không?”. Nói rõ hơn, chúng ta nên “Photoshop” hay “không Photoshop”?

Chữ Photoshop đây nói về một phần mềm chuyên môn để sửa hình trên máy vi tính. Phần mềm này của hãng Adobe đã trở thành quá thông dụng trong nhu cầu đời sống hàng ngày của chúng ta để trở thành một từ ngữ để diễn tả quá trình “xử lý” một tấm hình.

Trước hết, có hai loại sửa chữa hậu kỳ cho các phó nhòm dùng máy ảnh số (Digital):

– Image manipulation (sửa ảnh)

– Image enhancement (làm nổi ảnh)

Sửa ảnh

Có thể nói đây là phần mà dân chơi hình “a-ma-tơ” thường gọi là “photoshop ảnh”. Có nhiều lần tình cờ tôi thấy trong email có những thư “forward” từ các “phố rùm” của các ông khoe nhau “kỹ thuật sửa hình tối tân”; nội dung thường là những tấm hình ghép mặt của họ lên thân hình vạm vỡ của một lực sĩ, hoặc lấy mặt của một bà nội trợ ghép vào thân hình mặc áo tắm bikini của một người trẻ đẹp.

Nhìn sơ qua chúng ta cũng biết đây là một sự cố tình thay đổi của tấm ảnh gốc từ máy hình. Và nếu đây là một sư vi phạm đến những quy luật của lãnh vực nhiếp ảnh hay không cũng tùy vào quan niệm của bạn.

Nếu bạn tạo nên một tấm hình, cũng như một người họa sĩ tạo nên một bức họa, thì điều này hoàn toàn được chấp nhận. Khi bức họa bắt đầu thành hình, người họa sĩ sẽ liên tục hoàn chỉnh tác phẩm của họ bằng cách vẽ thêm hoặc bôi bớt những phần phụ.

Bộ đồ nghề của họa sĩ là viết chì, cọ vẽ, và cục gôm… Nhiếp ảnh gia thì có phần mềm.

Vậy, tại sao người chụp ảnh lại bị đối xử khác biệt?

Nếu trong trường hợp người chụp hình cốt ý ghi lại cảnh vật qua ống kính thì việc sửa hình sẽ đẩy tác giả của tấm ảnh đó vào con đường… thiếu thành thật.

alt

Sửa ảnh – Before
alt

Sửa ảnh – After


Làm nổi ảnh

Khác hẳn với việc sửa ảnh, quá trình này bắt đầu với một tấm ảnh “thực tế” rồi làm tấm ảnh đó tốt hơn.

Nhiều người lầm vì đã cho rằng việc làm nổi ảnh chỉ liên quan tới chụp hình bằng máy ảnh số. Và rằng thời đại của những máy chụp phim đã không hề có chuyện làm nổi ảnh.

Sự thật, chuyện làm nổi ảnh đã xảy ra trong thời đại chụp phim, chỉ có điều bạn không hay biết vì nó đã được thi hành trong phòng tối với nhiều dụng cụ đắt tiền – không mấy ai mua nổi “đồ chơi” này. Thời nay, những dụng cụ này rẻ hơn nhiều và được bán hầu như khắp nơi, được sắp gọn trong một bộ đồ nghề gọi là “phần mềm” (software).

Cách đây hơn 20 năm, trước thời đại máy ảnh số, có những hiệu phim lại được sản xuất với độ tương phản (contrast) và độ sặc sỡ (saturation) cao hơn những hiệu khác. Thí dụ như hiệu Velvia.

Nếu bạn dùng phim Velvia, có phải bạn đã ăn gian không?

alt

Làm nổi ảnh – Before
alt

Làm nổi ảnh – After
Máy ảnh là kẻ gian

Rất nhiều người chụp ảnh số mà không hay biết là những tấm ảnh họ chụp đã được chỉnh “nổi” bởi máy ảnh của họ, ngay cả trước lúc bạn thấy hình trên màn ảnh LCD.

Những máy ảnh số, nhất là loại bỏ túi, save hình dưới dạng JPEG. Khi bạn chụp một tấm hình, cảnh vật được ghi nhận rồi được tự động chuyển qua một phần mềm có cài sẵn trong máy, rồi mới biến thành tấm hình.

Nhiều hãng làm máy ảnh đã cố ý “đẩy” lên tí màu sắc và làm hình nét hơn để hình nhìn đẹp hơn trên màn ảnh nhỏ. Bằng chứng ở đây là hình của bạn đã được làm nổi trước khi được chuyển vào máy vi tính, và không phải vì tay của bạn.

Tóm lại – dù muốn dù không, hình của bạn cũng đã bị chỉnh bằng máy ảnh trước khi bạn thấy tấm hình. Điều quan trọng là nếu bạn muốn dùng phần mềm để sửa hình hoặc làm nổi hình, nên làm sao để có kết quả nhìn tự nhiên và không quá giả tạo. Tôi có một người bạn già thường nói câu: “Có ba nhóm trong số những người dùng Photoshop – nhóm chuyên về nhiếp ảnh thì cố gắng chụp tấm ảnh đẹp rồi dùng Photoshop để tô điểm tấm ảnh thêm chút ít, nhóm nghệ sĩ ảnh thì dùng máy ảnh như một phương tiện rồi dùng Photoshop để tạo thế giới ảo của họ, nhóm thứ ba thì có trình độ thấp nhất về nhiếp ảnh và Photoshop nhưng thích dùng Photoshop để “phá” cho vui.”