Thỉnh thoảng ta lại thấy bưu điện loan báo lên giá tem thư. Tháng Giêng năm ngoái, tem lên giá 1 xu thành 46 xu, Tháng Giêng năm nay lại lên giá lần nữa, thêm 3 xu. Nôm na là mỗi lá thư hạng bét cũng tốn 49 xu tiền tem để gửi đi bất cứ nơi nào trong lãnh thổ Huê Kỳ; thư bò ì ạch khoảng 3-5 ngày mới đến nơi và bưu điện gọi là “first class”! Lá thư nặng hơn tí đỉnh hay gửi bằng phong thư khổ lớn hơn bình thường là ta phải ra bưu điện mà gửi đàng hoàng chứ không thể tự cân lượng, dán đủ tem rồi bỏ vào thùng thư đâu nhé!? Và tất nhiên là sẽ phải trả thêm tiền cước. Bao thư khổ lớn, chứa tờ giấy cỡ 8 x11, là tự động trở thành đặc biệt, tính theo loại “Priority”, và giá cả là 6 ông Washington! Chắc lá thư ấy chiếm nhiều chỗ hơn chăng?
Giá cả cứ thủng thỉnh đi lên trong khi bưu điện tiếp tục loan báo đóng cửa một số cửa hàng trong nhiều thành phố để tiết kiệm tiền bạc. Không hiểu bưu điện làm ăn ra sao mà cứ thất bát mãi thế? Có lẽ vì dịch vụ như hạch? Tất nhiên là dịch vụ nào cũng có lần không thành công, và lâu lâu mới xảy ra một lần ta có thể gật gù mà bỏ qua nhưng thư không đến nơi, bưu kiện đi lạc đều chi thì lại là chuyện điều hành bê bối đã thành nếp?
Riêng Dế Mèn thì kinh nghiệm đầy mình với bưu điện Huê Kỳ mà toàn là chuyện không vui; gửi cái chi mất cái đó, không phải một lần mà nhiều lần. Món đi biệt tăm có mã số để theo dõi đàng hoàng mà bưu điện cũng chẳng biết “nó” đi đâu. Bưu điện nơi gửi biểu rằng “nó” đến California rồi biến mất trong khi bưu điện địa phương lắc đầu mà rằng “nó” không đến đây! Có món bị “moi ruột”, nghĩa là khi đến tay người nhận thì gói bưu phẩm méo mó, nhăn nhúm và thủng lỗ; thùng quà tặng bị mở ra và móc “ruột”, bên trong chỉ còn một nửa, mấy hộp mỹ phẩm, son phấn không cánh mà bay biền biệt, luôn cả lá thư dặn dò món nào tặng ai… Người gửi là Dế Mèn đây thì đành chịu vì hỏi ai cũng chẳng ra manh mối. Bực không thể tả!
Chưa kể mấy món hàng lẽ ra Dế Mèn phải nhận được cũng lang thang mất dấu, chỉ có thùng sách, đâu có chi đáng giá mà cũng mất? Người gửi đành thở dài ấm ức, vừa tốn công vừa tốn tiền gửi, chẳng lẽ mấy cuốn sách cũng phải gửi “bảo đảm”?
Thế là từ dạo ấy, thư từ phe ta gửi qua ngả điện thư, bưu kiện thì gõ cửa United Parcel Service (UPS), và món chi cần kíp thì cứ đến FedEx. Xong chuyện. Chắc ăn, ăn chắc. Chưa mất món nào, bạn ạ!
Nói một cách khác là UPS, FedEx được thêm một khách hàng là Dế Mèn đây, và phe ta sẵn lòng quảng cáo dùm cho mấy công ty này để họ ăn nên làm ra mà tiếp tục làm ăn phục vụ khách hàng một cách đắc lực!
Mới đây, ông sếp lớn bưu điện, the U.S. Postal Service Office Inspector General, đăng đàn công bố bài tường trình về việc tìm hiểu ý muốn của khách hàng nhan đề “What America Wants and Needs from the Postal Service”. Cung cấp dịch vụ “bồ câu” bao năm bây giờ thua lỗ chỏng chơ mới chịu hỏi ý kiến khách hàng thì hơi muộn, phải không bạn?
Kết quả của việc thăm dò ý kiến, 100 người trong 10 nhóm khác nhau, cho thấy khách hàng chưa nỡ dứt tình với bưu điện (không như Dế Mèn) nhưng cũng lửng lơ chưa biết họ muốn gì từ cơ quan công quyền kia. Họ chẳng biết mình sẽ mất những gì nếu bưu điện sập tiệm và biến mất!
Đọc đến đây thì phe ta phì cười, khách hàng không thể nghĩ ra họ “mất” dịch vụ nào khi bưu điện dọn hàng vĩnh viễn thì các dịch vụ [bưu điện cung cấp] đâu có ảnh hưởng chi đến đời sống khách hàng? Không có bưu điện thì người ta dùng những phương tiện khác, chẳng quyến luyến hay tiếc nuối chút nào? Nghĩa là bưu điện có mặt cũng như không, một thứ dịch vụ dễ dàng thay thế bởi các công ty vận chuyển chuyên nghiệp khác, và buôn bán làm ăn mà khách hàng chẳng tha thiết gì là hỏng rồi?
Cả chục năm nay, năm nào bưu điện cũng thua lỗ tơi bời. Theo ông sếp tài chánh của bưu điện, Joseph Corbett, thì năm 2013, bưu điện lỗ 5 tỷ Mỹ kim; năm 2012, lỗ 16 tỷ! Năm ngoái, nhờ dịch vụ gửi hàng và gửi bài bản quảng cáo (junk mail) mà bưu điện bớt lỗ lã.
Một lý do khác dẫn đến sự thua lỗ: Những năm gần đây, người ta bớt gửi thư từ, và dịch vụ chuyển thư do đó sút giảm trầm trọng. Và với giá tem gia tăng, bưu điện hy vọng sẽ thu về khoảng 2 tỷ Mỹ kim hầu bù đắp các lỗ lã khác. Chi phí lớn nhất là số tiền khổng lồ dùng để tài trợ quỹ hưu bổng của nhân viên. Bưu điện không kiếm đủ tiền chi phí để tiếp tục trong khi lại phải tài trợ quỹ hưu bổng nên ngân sách thâm thủng nặng nề.
Theo bản chiết tính của bưu điện, hiện nay 35 triệu cư dân Huê Kỳ và hãng xưởng, cửa hàng nhận thư tận cửa hàng ngày, 6 ngày mỗi tuần. Dịch vụ này tốn 353 Mỹ kim cho mỗi lần bỏ thư tận nhà so với khi bỏ thư vào thùng thư đặt tại lề đường tốn khoảng 224 Mỹ kim mỗi trạm; và hộp thư lớn với nhiều ngăn riêng chỉ tốn 160 Mỹ kim mỗi lần bỏ thư.
Đưa thư là dịch vụ tốn kém nhất của bưu điện, mỗi năm 30 tỷ Mỹ kim. Ngưng việc đưa thư tận nhà sẽ tiết giảm được 4.5 tỷ và ngưng đưa thư ngày Thứ Bảy sẽ bớt được 3 tỷ Mỹ kim nữa mỗi năm!
Với các con số ấy, bưu điện đã áp dụng một số biện pháp tiết giảm như không đưa thư đến tận cửa nhà khách hàng mà bỏ thư vào một hộp thư lớn với nhiều ngăn riêng; và khách hàng mạnh ai nấy đến hộp thư riêng mà lấy thư. Tạm hiểu là tại những vùng tân lập, nhà cửa mới xây cất, bưu điện sẽ đặt vài hộp thư lớn và “quên” luôn việc đưa thư đến cửa. Biện pháp tiết giảm thứ nhì là ngưng chuyển thư ngày Thứ Bảy, nhưng bị bá tánh la ó phản đối nên bưu điện lại tiếp tục. Biện pháp tiết giảm khác là thải nhân viên; năm ngoái bưu điện thương lượng cho 37,400 nhân viên về hưu.
Để gia tăng lợi tức, ngoài việc lên giá dịch vụ, bưu điện đang cạnh tranh ráo riết với UPS và FedEx qua dịch vụ chuyển hàng hóa, bưu phẩm, thư từ vào ngày Thứ Bảy; Dế Mèn nghe nói rằng bưu điện đang sửa soạn thêm dịch vụ chuyển hàng hóa vào ngày Chủ Nhật để dỗ dành Amazon, eBay… cũng như các cửa hàng buôn bán trên mạng khác? Nói giản dị là bưu điện sẽ chuyển hàng hóa cả 7 ngày trong tuần!
Bưu điện cung cấp dịch vụ chuyển thư từ và bưu kiện cho những khách hàng sinh sống ở những nơi hẻo lánh (nói theo tiếng Việt là “hóc bà tó”, mãi trên các nẻo đường làng, hương lộ) không mấy ai qua lại. Dịch vụ này thì bưu điện một mình một cõi, chẳng ai tranh giành vì tốn kém vô cùng trong khi số lượng sử dụng lại ít ỏi nên chỉ có lỗ lã mà thôi!
Ông sếp, Postmaster General, Patrick Donahoe đang sửa soạn cho buổi điều trần trước Quốc Hội, mong Quốc Hội ra tay cứu vớt vì cơ quan này đang chịu một ngân sách thâm thủng nặng nề, tài sản chỉ có 21.6 tỷ mà lại cần đến 61.5 tỷ để tiếp tục sống sót! Không biết 40 tỷ Mỹ kim kia sẽ từ đâu ra? Tiền thuế của người dân? Cho phép bưu điện tiết giảm quỹ hưu bổng hay quỹ bảo hiểm sức khỏe của nhân viên?
Ta chờ xem bưu điện sẽ làm gì để cứu vãn tình trạng thua lỗ của họ? Và có thể nào dân Huê Kỳ (qua Quốc Hội) sẽ để bưu điện đóng cửa tắt đèn vì xã hội mới mẻ hôm nay không còn ai viết thư gửi thư nữa? Hệ thống chuyển vận hàng hóa sẽ vào tay các công ty tư nhân như UPS, FedEx, DHL? Để phủi tay ta có thể lý luận rằng làm ăn thiếu trách nhiệm như thế sập tiệm là phải rồi, than thở chi nữa? Hãng xưởng làm ăn thua lỗ là phải chịu đóng cửa, bưu điện đâu có chi khác?
