Có nhiều loại giặc giã, giặc nội chiến, giặc ngoại xâm, giặc cỏ, giặc châu chấu, giặc cào cào và thêm một loại giặc mới: giặc lợn! Một loại giặc khiến nhiều người mất ăn mất ngủ và “cuộc chiến” giữa người và lợn vẫn đang còn tiếp diễn…

Tờ báo The Anniston Star ra ngày 26 tháng 5 năm 2007 chạy tít lớn “Cậu bé Jamison 11 tuổi ở Delta, Alabama hạ heo “voi” kỷ lục 1,051 lbs (500 ký)…”
Tin chấn động giang hồ hồi đó nhưng chưa phải là kỷ lục. Mới đây, tháng 1 năm 2013, thợ săn Chas Collin ở TX hạ được chú heo nặng đến 1,800 lbs (xấp xỉ 1 tấn). Loại lợn rừng cứ trên 500 ký được gọi là Lợn Voi (Hogzilla).
Heo rừng ngày càng đông đúc và ngày càng to lớn, chúng giày nát các nông trang vùng Texas, Georgia, Florida và còn tấn công gây nguy hiểm tính mạng cho cả người lớn lẫn trẻ con. Một hiệu trưởng ở Florida rất lo lắng cho các học sinh vì chúng có thể bị heo rừng giết chết hoặc gây thương tích bất kỳ lúc nào. Có khi chúng xộc thẳng vào nhà và tấn công chủ nhà.
Heo rừng ở châu Á và Ấn Độ “thon thả” hơn, trung bình chừng 50 ký (100 lbs). Heo rừng xứ càng lạnh càng lớn, ở Romania và Russia, khoảng 300 ký.

Jamison và chiến tích
Thông thường heo rừng sợ người, sợ chó săn nhưng dần dần chúng trở nên hung bạo hơn, không ít những chú chó săn đã bỏ mạng nơi sa trường hoặc trở về trên… đôi nạng gỗ!
Nhiều chủ nông trại đã tìm cách tiêu diệt hay hạn chế bằng cách đặt bẫy. Nhiều loại bẫy được đặt khắp nơi, có loại bẫy sập có thể nhốt trọn cả bầy. Thông dụng và hiệu quả nhất là dùng chó săn. Nhưng số heo rừng tăng vọt, hơn 6 triệu con thì việc hạ sát, rượt đuổi bằng chó săn chỉ là trò đùa ngắn hạn.
Các thợ săn ở Mỹ nhận ra loại heo rừng đang tung hoành khắp chốn này không phải là dân… bản xứ mà có lẽ từ một loại heo nhập cư… bất hợp pháp.

Heo rừng tấn công người đi săn – Nông gia Bruce Willford phàn nàn “Lợn rừng phá rất khiếp. Chúng không ăn mà phá. Chúng vào giữa đồng bắp, ăn một ít còn lại cắn bỏ vô số, quậy nát một vùng lớn… Giữ không xuể, săn không hết, chúng tôi không còn trồng bắp nữa…”
Loài heo rừng nguyên gốc có bờm màu đen từ cổ xuống lưng, khá nhút nhát, hiền lành, còn loại đang rộ nở giữa thiên nhiên hiện nay thì vô cùng hung hãn, chúng to gấp 3 lần heo rừng thường, bờm lông màu hung đỏ. Theo thợ săn Wayna Wilson (Texas) kể rằng trước đây, hồi thập niên 60’ ai bắn hạ được một chú heo rừng trên 150 lbs đã là một chiến tích lừng lẫy.
Nhưng bây giờ, trước sự hoang mang của nông gia và thợ săn, các khoa học gia nhảy vào cuộc. Một cuộc săn với chó tháp tùng đã nhanh chóng tóm được một “người mẫu”. Người ta chỉ cắt nhúm lông để đưa về phòng lab điều tra lý lịch.

Chó săn heo rừng được huấn luyện đặc biệt, chúng có thể tấn công hạ heo rừng hoặc giữ chân heo, chờ chủ đến bắt sống. Chúng được mặc áo giáp kỹ càng như những chiến binh thời La Mã, dẫu vậy, không ít chú chó đã oanh liệt hy sinh vì đại cuộc!
Kết quả khá bất ngờ là loài heo này có quốc tịch… Nga. Không ai có thể hiểu nổi một con heo có thể vượt hơn 5 ngàn dặm đường để lưu vong tận Mỹ quốc? Vậy liệu DNA xác định đúng danh tánh của loài heo kỳ lạ này không?
Để trả lời câu hỏi, một toán khoa học gia khăn gói quả mướp bay qua Moscow. Kết hợp với những nhà nghiên cứu địa phương họ cắm trại tận trong rừng sâu với những trang thiết bị hiện đại, từ ống dòm hồng ngoại tuyến, hệ thống thu hình và chụp ảnh tự động để theo dõi hoạt động của chúng.

Cùng các khoa học gia Nga tìm hiểu về đặc tính loại heo rừng địa phương…
Một toán “Wildlife Animal Control” cùng chó săn chuẩn bị cuộc săn heo
Game Warden (tạm dịch Kiểm lâm, nhân viên kiểm soát việc săn bắn thú hoang dã). Quyền lực của “Game Warden” khá mạnh, họ có thể bắt người, khám nhà, xét xe không cần trát tòa.
Những hình ảnh thu được, cộng với những tài liệu của các khoa học gia Nga cung cấp, thì DNA đã giải mã chính xác!
Theo các nhà khoa học Nga, loài heo này có sức khỏe phi thường vì chúng sống được trong điều kiện giá lạnh dưới 45 độ C vào mùa đông. Chính sự thiếu thốn thực phẩm nên chỉ những con to lớn nhất mới có thể tồn tại, và sự chiến đấu sinh tồn trở nên mãnh liệt. Để giải quyết bao tử, chúng có thể ăn thịt đồng loại và ăn luôn con mình.

Một bầy heo rừng quậy phá khu vườn tược
Vậy làm sao chúng có thể đến Mỹ? Và chúng đến bằng cách nào?
Lật lại hồ sơ hải quan, nhiều người đã mang những chú heo con, lén lút nhập sang Mỹ qua đường Châu Âu, sau đó chúng lọt ra ngoài thiên nhiên. Loài heo hoang Nga phối giống với heo rừng bản địa, cho ra một giống heo cực lớn. Cũng giống như con liger là sự kết hợp giữa sư tử và cọp hay con zebroid là giữa lừa và ngựa, chúng cho ra đời những đứa con khổng lồ này.
Cứu! Texas bị heo rừng tràn ngập! “TEXAS IS OVER-RUN WITH WILD HOGS, HELP!” là website quảng cáo săn bắn heo rừng do tư nhân tổ chức. Bạn sẽ đóng chi phí $599 để được săn 3 ngày, 2 đêm. Lớn nhỏ tỉa láng! Liên lạc email: wildhoghunt@aol.com.
Ở Texas, lợn rừng phá hoại tưng bừng, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp gần nửa tỉ đô la mỗi năm. Chính quyền Texas cho săn heo không hạn chế số lượng, nhiều thợ săn đã dùng máy bay trực thăng bắn heo tiêu khiển nhưng vẫn chưa giảm sút đáng kể.
Hiện nay tầm hoạt động của heo rừng trải khắp 44 tiểu bang nước Mỹ, so với thế kỷ 19, chúng chỉ định cư trên 19 tiểu bang với dân số dưới 1 triệu. Nay chúng nhởn nhơ trên 44 tiểu bang, với dân số tròm trèm 6 triệu.

“heo rừng bây giờ không giống thời xưa, chúng to lớn hơn, dữ dằn hơn…” Thợ săn Bob Addison
Người Mỹ có khá nhiều cách gọi heo rừng như Wild hogs, feral pigs, feral swine hoặc wild boars. Có giải thích rằng “feral pigs” là chỉ loại heo nhà sổng từ trại nuôi và trở thành thú hoang… Những tiểu bang có dân số heo rừng đông đảo nhất gồm: Texas, Oklahoma, Missouri, Arkansas, New Mexico, Kansas, Kentucky, Illinois, Indiana, Michigan và Ohio.
Trong khi chờ đợi những biện pháp khác của giới khoa học gia kể cả việc dùng biện pháp triệt sản, hiện nay cuộc chiến đấu giữa người và lợn vẫn đang còn diễn ra quyết liệt và gay cấn!

Thợ săn chuyên nghiệp Bubba Addison tại Oklahoma
Gắn hệ thống thâu hình tự động (motion detector) theo dõi heo rừng…
Tóm một chú heo sập bẫy
Các nhân viên “Wildlife Animal Control” (Quản lý thú hoang) tại Florida đang nhận một cú điện thoại kêu cứu từ một nữ hiệu trưởng báo động nhiều heo rừng đang lảng vảng gần khu vực sân chơi của học sinh