Menu Close

Biến động Ukraine

Liên tiếp trong vài tuần qua, dư luận thế giới xôn xao không ít trước các vụ lộn xộn chánh trị tại đô thành Kiev xứ Ukraine. Đã có lúc tưởng như trật tự được vãn hồi sau khi Quốc Hội bỏ phiếu truất phế cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych.

 

alt

Chỉ vài ngày sau, Oleksandr Turchyno, một gương mặt đối lập, nhận quyền Tổng Thống. Ngày bầu cử Tổng Thống được xác định vào 25-5-2014. Quốc Hội Ukraine cũng phê chuẩn cho Arseniy Yatsenyuk, một đồng minh thân cận của lãnh tụ đối lập Yulia Tymoshenko, làm Thủ Tướng, và chấp thuận nội các mới gồm nhiều nhân vật thân Tây Phương.

 

alt

Từ tháng 11-2013, người phản đối bắt đầu chiếm cứ các dinh thự chánh phủ và dựng lều trại trên Quảng Trường Độc Lập giữa đô thành Kiev. Đến 8-12-2013, ước tính có trên 800,000 người tập trung tại đây.

Đang khi chiều gió rõ ràng đang lợi thế cho phe đối lập thân Tây Phương tại Kiev, thì Thứ Năm 27-2, bạo loạn thình lình bùng phát tại Crimea, cách đó khoảng 10 tiếng lái xe. Hằng trăm tay súng chiếm giữ dinh thự chánh phủ, phi trường, căn cứ quân sự… rồi… treo cờ… nước Nga. Chánh quyền mới thành lập mấy ngày đã phải lên tiếng cảnh báo về mối nguy nội chiến. Crimea là một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, với đa phần dân chúng trung thành với cựu Tổng Thống Yanukovych. Đây là nơi trú đóng của hải quân Ukraine. Cách không xa, hạm đội Hắc Hải của nước Nga đặt căn cứ nằm tại thành phố Sevastopol.

 

alt

Người phản kháng Ukraine chiếm giữ và nghỉ ngơi ngay tại Tòa Thị Sảnh Kiev.

Cảnh quốc kỳ Nga phất phới trên đất Crimea phản chiếu một lịch sử phức tạp kéo dài hằng trăm năm. Mảnh đất Ukraine liên miên chứng kiến những tranh chấp giành ảnh hưởng giữa hai khuynh hướng thân nước Nga, cường quốc sát cạnh về hướng đông — hay thân Tây Phương. Đông Ukraine bị các Nga Hoàng cai trị từ cuối thế kỷ 17. Dân chúng vùng này thường nói tiếng Nga, theo đạo Chánh Thống Giáo (Orthodox), và nói chung hậu thuẫn các chánh trị gia thân Nga. Ngược lại, Tây Ukraine bị nhiều thế lực khác nhau từ Phương Tây kiểm soát: Ba Lan, Áo, Hung… Một phần không nhỏ lãnh thổ viễn tây của Ukraine từng thuộc về Ba Lan thời tiền Thế Chiến II. Dân chúng ở đây thường nói tiếng Ukraine, theo đạo Công Giáo (Roman Catholic), và thường chuộng giới chánh khách thân Tây Phương. Vùng Crimea tâm điểm chú ý của dư luận hiện giờ nằm ở cực đông Ukraine, với hơn phân nửa dân số là người gốc Nga, chỉ 1/4 là dân Ukraine và thêm 10% sắc dân thiểu số Crimean Tatars theo Hồi Giáo.

Người Nga xâm nhập vào Ukraine từ lâu, nhưng một cách ồ ạt và có hệ thống nhất trong những thập niên đầu của Liên bang Sô viết. Thời 1930, nhằm ép buộc nông phu Ukraine phải vào hợp tác xã và nông trường quốc doanh, lãnh tụ Nga sô đã để hằng triệu người chết đói. Sau nạn đói, Stalin lùa một số lớn người Nga sang thay thế. Từ sau khi Liên bang Sô viết tan rã đầu thập niên 1990, Ukraine trở lại là một nước Cộng Hòa độc lập, bị mắc kẹt giữa một bên là Âu Châu hùng cường và một bên là nước Nga nhiều ân oán. Ngày nay, cũng có một cộng đồng chừng 4,000 người gốc Việt sanh sống tại Ukraine, đa phần xuất thân từ giới “xuất khẩu lao động” rời quê nhà những năm 1980-2000.

Các vụ phản kháng có nguồn cơn từ cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2010 khiến nhiều người âm ỉ bất mãn. Ứng cử viên thân Nga Viktor Yanukovych lần đó thắng sít sao ƯCV Yulia Tymoshenko. Đúng như trông đợi, Yanukovych được hậu thuẫn mạnh bên Đông Ukraine, trong khi đa phần cử tri Tây Ukraine chuộng bà Tymoshenko. Yanukovych là doanh gia với tài sản ước lượng lên đến $12 tỉ, lập trường thân Nga. Ngược lại, bà Tymoshenko nghi ngại nước Nga, muốn đưa Ukraine gia nhập Liên Âu lẫn NATO (là những điều điện Kremlin chống tới cùng). Sau khi chiếm ngự Dinh Tổng Thống, ông Viktor Yanukovych cho mở phiên tòa xử Yulia Tymoshenko tội lạm dụng quyền hạn thời làm Thủ Tướng Ukraine, rồi bỏ tù bà.

Nhưng các cuộc biểu tình phản kháng chỉ nổ ra dữ dội vào giữa tháng 11-2013 tại Kiev, sau khi cựu Tổng Thống Viktor Yanukovych đình chỉ đàm phán thương mại với Liên Âu – là một trong những bước quan trọng trong tiến trình Ukraine hội nhập vào Âu Châu. Ban đầu, người biểu tình chỉ yêu sách Yanukovych phải ký hiệp ước thương mại với Âu Châu.

 

alt

Võ khí tự tạo của người biểu tình Ukraine chống cảnh sát dã chiến của chánh phủ. Ảnh VASILY FEDOSENKO, REUTERS

Lý do trực tiếp Viktor Yanukovych quay lưng với Liên Âu vì nước Nga áp lực, dọa sẽ cấm vận thương mại và tăng giá gas. Ngược lại, nếu chơi với Nga thì Ukriane được mua khí tự nhiên với giá hạ. Khi các cuộc biểu tình vừa xảy ra, chỉ với yêu sách duy nhất là phải ký hiệp ước thương mại với Tây Âu, thì Yanukovych bay sang Moscow, ký nhận tài trợ $15 tỉ và bớt giá tiền gas. Khi người biểu tình ngày càng đông, chiếm cứ dinh thự chánh phủ tại Kiev, trong đó có Tòa Thị Sảnh Kiev, Yanukovych ký ban hành luật chống biểu tình. Đây là giọt nước tràn ly. Cuộc phản kháng trở thành bạo loạn ngay tức khắc.

Quá nhiều áp lực từ mọi phía, phe Yanukovych đành phải bỏ luật chống biểu tình. Tuy nhiên, đến lúc đó thì cuộc phản kháng đã lan rộng và hướng đến các mục tiêu lớn hơn nhiều: đòi phóng thích lãnh tụ đối lập và cựu nữ Thủ Tướng Yulia Tymoshenko; đòi giới hạn quyền lực Tổng Thống; đòi viết lại Hiến Pháp…

 

alt

Phòng cứu thương dã chiến của phe biểu tình chống chánh phủ dựng lên ngay giữa Nhà Thờ Chánh Tòa St. Michael’s Cathedral.

Đến cuối Tháng Giêng 2014, mặc dù phe chánh phủ Yanukovych đã nhượng bộ tới mức chịu nhường ghế Thủ Tướng cho phe đối lập, người biểu tình vẫn không hài lòng, tiếp tục đụng độ với cảnh sát. Nhiều sứ giả ngoại giao quốc tế đã nỗ lực ngăn chặn bạo loạn lan rộng, kể cả hăm dọa cấm vận Ukraine. Các sự kiện cuối cùng đẩy cựu Tổng Thống Yanukovych phải trốn sang Nga.

Hiện tại, nhà băng Thụy Sĩ đã phong tỏa các tài khoản của Yanukovych và tay chân thân tín. Chánh phủ tân lập tại Kiev đã kêu gọi Tây Phương viện trợ $35 tỉ. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ hứa $1 tỉ cho vay khẩn cấp, và nhiều khoản kinh viện tiếp theo. Liên Âu cũng sắp gởi sang $1.5 tỉ. Tuy nhiên, rắc rối vẫn lấp ló từ bên kia biên giới với nước Nga. Giữa lúc căng thẳng tại Crimea, quân lực Nga bất ngờ mở cuộc tập trận sát biên giới. Không ai có thể đoan chắc tình thế sẽ diễn tiến ra sao. Chỉ có một điều rõ ràng, đằng sau những rối rắm hiện tại ở Ukraine là một lịch sử lâu dài và phức tạp.

 

alt

Cận cảnh giáp chiến giữa đôi bên, bên ngoài trụ sở Quốc Hội Ukraine ở Kiev hôm 18-2-2014. Ảnh AP/Efrem Lukatsky

TD