Menu Close

Chewing gum làm bằng gì?

Người Việt chúng ta vẫn gọi loại này bằng một từ ngữ chung là “kẹo cao su”. Đúng vậy, thành phần chính của chewing gum hay “gum base” là một loại cao su hóa hợp. Loại cao su này sau đó được pha trộn với những chất làm ngọt và làm mùi vị (hoặc tự nhiên, hoặc nhân tạo) để thành chewing gum. Khoảng 60 hoặc 70 năm trước đây, “gum base” thường làm từ chicle là một thứ nhựa trắng như sữa lấy từ cây sapodilla sinh trưởng ở Mexico, các nước ở Trung Mỹ và vùng biển Caribbean.

Lỡ nuốt phải kẹo cao su cũng chẳng có hại gì vì nó sẽ đi vào các bộ phận tiêu hóa như những thực phẩm khác. Các chất làm ngọt và tạo mùi vị sẽ được tiêu hóa, nhưng bã “gum base” không thể phân hóa nên nó cũng sẽ theo đường tiêu hóa nguyên xi đi ra ngoài cũng cùng bằng tốc độ di chuyển như các thực phẩm khác.

 

alt

 

Mardi Gras là gì?

Mardi Gras có nghĩa là “Thứ Ba Béo” (Fat Tuesday). Theo truyền thống, đó là ngày chót những người Công giáo ăn uống vui chơi – và thường là quá chén – liền trước ngày Thứ Tư Lễ Tro, để bắt đầu những tuần lễ chay tịnh trong suốt Mùa Chay, lâu 40 ngày. Chính ra thì ngày này còn được gọi là Shrove Tuesday, và từ lâu đã trở thành thời gian vui chơi quá độ đối với nhiều người Âu châu theo Thiên Chúa giáo. Nhiều người còn tưởng rằng nó bắt nguồn từ những cuộc chè chén say sưa vào thời gian mùa xuân của người La Mã cổ đại.

 

alt

Tại Hoa Kỳ, hàng năm Mardi Gras lôi cuốn hàng triệu người tìm vui kéo đến New Orleans. Nơi đây, kể từ khi những di dân người Pháp đến định cư vào đầu thế kỷ 18, lễ hội này được cử hành tưng bừng náo nhiệt, với những cuộc diễn hành đầy màu sắc và những buổi khiêu vũ hóa trang. Giấu sau mặt nạ, người ta có thể có những hành động hoặc cư xử rất tồi tệ, đến nỗi vào những thập niên đầu thế kỷ 19, mặt nạ bị coi là bất hợp pháp tại thành phố thích tổ chức những party như thế này.

 

alt

Lễ hội Mardi Gras tại New Orleans

 

Tại sao máu màu đỏ

Máu có màu đỏ vì nó chứa chất sắt, dính kết lại với nhau theo một cấu trúc hóa học giống hình cái nhẫn, gọi là porphyrin có chứa haemoglobin. Haemoglobin là thứ protein có nhiệm vụ mang oxygen luân lưu khắp cơ thể. Vì haemoglobin pha trộn với các tế bào máu đỏ, nên nó cũng mang màu đỏ.

 

alt

Các tế bào máu đỏ (hồng huyết cầu), tế bào máu trắng (bạch huyết cầu) và các tiểu huyết cầu (platelets) là những thành phần chính của máu, trôi nổi trong một lớp plasma trong suốt, nhưng chính khối máu đỏ đã làm cho máu có màu đỏ. Máu chứa nhiều oxygen thì màu đỏ tươi, còn máu đã hết oxygen thì màu đỏ ngả nâu đậm. Các mạch máu trên cổ tay bạn nhìn thì có vẻ màu xanh nhưng thực ra cũng màu đỏ – nhìn thấy như xanh vì do cách thức ánh sáng xuyên qua lớp da của bạn

Tuy mọi loài có xương sống đều cùng có màu máu màu đỏ, nhưng ta còn biết có máu xanh. Chẳng hạn như  những con cua càng, chúng không có haemoglobin, mà có haemocyanin là một thứ protein có gốc chính là đồng (copper-based).

 

Tại sao rùa sống lâu?

Rùa sống lâu bởi vì chúng tăng trưởng theo một tốc độ đều đặn và không hoạt động suốt mùa đông. Giống như những loài bò sát khác, rùa có máu lạnh (ectothermic) nên cần làm nóng cơ thể bằng cách hấp thụ hơi nóng từ môi trường chung quanh để có thể hoạt động được. Vào mùa đông, khi hiếm thức ăn và nhiệt độ hạ thấp, những con rùa sống nơi hoang dã bắt đầu nhịn ăn, hơi thở và nhịp tim chậm lại, rồi chúng đi vào giấc ngủ dài.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy rùa lớn nhanh trong những năm đầu đời, rồi tiếp tục tăng trưởng theo một nhịp độ đều đặn, rồi càng lớn tuổi càng chậm đi. Có bằng chứng là rùa sống rất lâu dựa trên cách đếm các vòng tròn trên mu rùa, nhưng những bản tường trình cho rằng rùa sống thọ tới 150 năm là không đáng tin được.